Gương mặt văn chương đất Quảng thế kỷ 20
Bìa sách “Đất Quảng - 25 nhà văn thế kỷ XX” trong “Tủ sách Đất Quảng” của NXB Đà Nẵng. Ảnh: A.Q
Với vùng đất văn chương “đậm đặc tài hoa thẩm mỹ” xứ Quảng, việc chọn lựa những gương mặt nổi trội, có cống hiến lớn lao cho văn học nói riêng, văn hóa nói chung, là một việc vô cùng khó khăn. Vì thế, nhà lý luận phê bình văn học Phạm Phú Phong rất khiêm tốn khi có “Vài lời thưa trước”: “Hai mươi lăm tác giả có mặt trong tập sách này chỉ là những người mà người viết có am hiểu ít nhiều, mang đầy tính chủ quan. Người viết sách này xin tỏ lòng trân trọng và xin khất lại, nếu có lần sau, với nhiều cây bút đáng kính…”.
Những tên tuổi đặc sắc
Khu biệt trong “những người mà người viết có am hiểu ít nhiều”, nên Phạm Phú Phong có lý khi chọn lựa cây bút mang đậm chất Quảng để mở đầu cho 25 gương mặt văn chương xứ Quảng. Đó là nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu Phan Khôi (1887 - 1959), quê làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn.
Lược qua vài dòng tiểu sử theo thông lệ, Phạm Phú Phong đi vào phân tích những đặc điểm nổi bật của sự nghiệp cụ Phan Khôi trên con đường hoạt động văn hóa và nhận định: “Người ta hay nói đến phẩm chất Quảng Nam thể hiện ở tính khí con người Phan Khôi, trước hết ở tính ham học hỏi và khám phá cái mới. Quan trọng và lớn hơn, đó là những bước đi tiên phong trong nhiều thể loại văn chương, góp phần làm thay đổi diện mạo tiến trình văn học của đất nước”.
Với “Tình già”, Phạm Phú Phong cho rằng “Bài thơ là một cơn bão thổi tan bao nhiêu ao tù nước đọng lưu cữu trong đời sống thi ca, tạo ra một cuộc cách mạng thật sự”… Còn “về lý luận phê bình văn học của Phan Khôi gắn liền với cuộc tranh luận về tư tưởng và nghệ thuật, mà một người từng được suy tôn là ngự sử trên văn đàn như ông không thể không can dự…”.
Từ đó, tác giả cho rằng “Phan Khôi là con người của thời đại, sản sinh từ các trào lưu yêu nước như Duy tân, Đông du, Đông Kinh nghĩa thục, có sự xuyên thấm đến mức nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa Việt với truyền thống của làng quê văn hiến, hun đúc nên phẩm chất và bản lĩnh của một con người Quảng Nam “thứ thiệt” sừng sững hơn nửa thế kỷ (…) Nhìn lại những bước đột phá trong văn chương của Phan Khôi, quả là đã góp phần đưa tiến trình hiện đại hóa văn học nước nhà tiến lên những bước dài, có thể so với vài mươi năm hoặc non nửa thế kỷ”.
Cùng cách viết và nhận định như vậy, từng nhân vật trong 25 nhà văn đất Quảng trong cuốn sách của Phạm Phú Phong với diện mạo phác thảo vừa khái quát, cô đọng, vừa sắc nét.
Từ Nhất Linh “với lối dẫn truyện tự nhiên và linh hoạt, ngôn từ trong sáng và hiện đại, cho đến nay, đã trải qua hơn ba phần tư thế kỷ, đọc lại vẫn thấy văn chương ông thuộc về thời đại chúng ta”; đến Nam Trân “trước ông, cũng đã từng có nhiều người nói đến vẻ đẹp và thơ mộng của xứ Huế, nhưng đúc kết thành hình tượng nghệ thuật, đóng khung thành bức hoành phi rực rỡ, có lẽ ông là người đầu tiên”.
Hay như Huỳnh Lý “luôn có sự nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn trọng, từng hiện tượng, tác giả, tác phẩm và đặt dưới điểm nhìn lịch đại, để khám phá sự vận động, biến đổi và phát triển, gắn với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, nghĩa là vẫn gắn bó với cảm quan đồng đại, có sự nhạy cảm và tinh tế để phát hiện ra vấn đề - những vấn đề mà nhiều người đi trước, tính trong những bước so le của lịch sử, còn phiến diện, hay nói đúng hơn là chưa có điều kiện để đi đến cùng, một cách toàn diện”…
Tính cách Quảng đặc trưng
Lật giở từng trang, lần lượt từng gương mặt văn chương đất Quảng như: Phan Du, Trinh Đường, Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Xuân, Lê Đình Kỵ, Bùi Giáng, Lưu Trùng Dương, Phan Tứ, Tường Linh, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Chu Cẩm Phong, Ý Nhi, Tần Hoài Dạ Vũ, Lưu Quang Vũ, Vu Gia, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Thanh Xuân... hiện ra với những hình ảnh, tính cách được chắt lọc và cảm nhận bởi góc nhìn của Phạm Phú Phong; để từ đó người đọc có thể hình dung ra nét chấm phá trong cuộc đời và nét độc đáo trong văn nghiệp của mỗi người.
Với Bùi Giáng, Phạm Phú Phong chỉ ra nét độc đáo “tài hoa và khác thường”: “Cũng không ít văn nghệ sĩ quan niệm cuộc đời là một cuộc chơi. Nhưng với Bùi Giáng, kiểu chơi của ông được ông chứng nghiệm bằng cả cuộc đời. Khó có ai như ông, khi dám đem cả cuộc đời mình ra rong chơi hồn nhiên như cây cỏ và như là sức phản xạ có điều kiện trước những nghịch lý của cuộc đời”.
Hay với Nguyên Ngọc: “người đã tạo ra được bản sắc, phong cách và cá tính sáng tạo độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại; với tính cách năng động, tấm lòng chân thành với cuộc sống, khát vọng thanh khiết hóa tâm hồn con người và bản thân cuộc sống để ươm mầm những mẫu người văn hóa cho tương lai. Với những gì đã trải nghiệm, đã nghiệm sinh, Nguyên Ngọc thật sự in đậm chân dung một nhân cách trong đời sống xã hội, một văn cách trong đời sống văn học, chỉ của riêng ông”.
Hoặc để nói về sự đổi mới của Lưu Quang Vũ, tác giả gói gọn trong một câu: “Sự đổi mới trong văn chương Lưu Quang Vũ thể hiện chủ yếu là ở đổi mới cách nhìn trong cảm quan hiện thực”.
Lý giải cho điều này, Phạm Phú Phong dẫn chứng: “Có thể nhận ra kịch của Lưu Quang Vũ về đề tài không có gì mới, nhưng nhận thức hoàn toàn mới, đưa đến cách nhìn nhận vấn đề, cảm thức sáng tạo được soi chiếu dưới góc nhìn đổi mới”.
(QNO)