Phó Đức Phương: Người của sông hồ

29.11.2016


Phó Đức Phương thường hay bị hỏi về nguyên mẫu trong ca khúc. Chẳng là bài hát nào của ông cũng hay. Tình yêu trong các ca khúc của ông nhiều khi mộng mị, đắm đuối, sương khói nữa, kiểu như "Chảy đi sông ơi", hay "Trên đỉnh Phù Vân". Nhưng ông chẳng khi nào trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông có cách né các câu hỏi riêng tư rất an toàn.
"Bộ tứ sông Hồng" trong âm nhạc gồm có Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ. Trần Tiến xù xì gai góc, chất nghệ sĩ biểu diễn pha trộn với chất sáng tác tạo ra một vẻ gì đó rất hút đám đông. Dương Thụ dường như khi nào cũng quyến luyến một vẻ lịch lãm. Nguyễn Cường thì trời cho cái vẻ ngoài bụi bặm, lang bạt. Riêng Phó Đức Phương rất khó để gọi tên. 

Phó Đức Phương: Người của sông hồ

Ở ông có chút gì xù xì, muốn bung phá, nhưng lại vẫn có chút gì ngăn nắp, công chức. Người như ông phải nói chuyện lâu lâu một chút thì mới dần dần hiểu ông. Và nói chuyện với ông cũng đừng hòng "moi" những chuyện gây "ép-phê", bởi vì ông kín tiếng, không dễ bộc bạch.

Phó Đức Phương thường hay bị hỏi về nguyên mẫu trong ca khúc. Chẳng là bài hát nào của ông cũng hay. Tình yêu trong các ca khúc của ông nhiều khi mộng mị, đắm đuối, sương khói nữa, kiểu như "Chảy đi sông ơi", hay "Trên đỉnh Phù Vân". Nhưng ông chẳng khi nào trả lời thẳng vào câu hỏi. Ông có cách né các câu hỏi riêng tư rất an toàn.

Vẻ như để tránh những phiền hà không cần thiết, ông luôn bảo, tôi không bao giờ viết một bài hát cho riêng ai cả. Một tác phẩm ra đời, là sự chưng cất của toàn bộ cuộc sống, toàn bộ quá khứ người viết. Có người bảo, Phó Đức Phương "nể vợ" nên không muốn đả động đến chuyện tình yêu, riêng tư trên báo chí. Đến ngay cả những cảm xúc thoáng qua, những gì chốc lát mà cuộc đời ai chẳng có, ông cũng nói là ông không tin.

Chị Lan Anh, vợ ông cũng là người kín tiếng. Sống với người chồng nổi danh, chị chỉ mong sao phía sau sự nổi danh của chồng là một cuộc sống bình thường, bình lặng. Hạnh phúc vốn vậy, nó không phù hợp với ồn ào, khoa trương.Hoài nghi quá đi, nghệ sĩ vốn nhạy cảm, đôi khi một vài sợi tơ vương cũng đủ để tạo ra nghệ thuật mà. Nhưng người khác lại bảo, Phó Đức Phương dại gì mà tơ vương ở đâu nữa. Ông có một người vợ đẹp, lại cùng sở trường âm nhạc với ông, lại trẻ hơn ông tới gần 2 chục tuổi, yêu thương chăm sóc ông hết lòng, thì còn ai có thể "chen" ngang trái tim ông được nữa chứ.

Phó Đức Phương cũng  đồng ý với quan điểm đó. Phải nói rằng, ông có cuộc sống phía sau âm nhạc khá bình lặng, bình yên. Ông không nói quá về đời sống bao giờ. Và âm nhạc thì lại càng không. Đối với ông, âm nhạc là sự vang lên, nó không cần sự diễn giải của tác giả.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo chia sẻ với báo chí về Phó Đức Phương, khi được mời làm vai trò giám đốc âm nhạc trong live show "Trên Đỉnh Phù Vân" sắp tới tại Hà  Nội. "Phó Đức Phương là người kỹ tính, có lúc còn khắt khe nữa. Làm việc với ông không phải không có áp lực. Và nhiều nghệ sĩ nếu không bản lĩnh thậm chí còn e ngại trước ông".

Không kỹ tính mà ở tuổi này Phó Đức Phương mới "quyết liều" làm một chương trình riêng. Trong khi các ông bạn giỏi giang nổi tiếng khác như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, làm một cơ số chương trình riêng từ lâu rồi. Phó Đức Phương chia sẻ, số bài hát được khán giả yêu thích thì nhiều, nhưng làm một chương trình cho hấp dẫn, cho độc đáo, cho ra màu sắc âm nhạc Phó Đức Phương thì không dễ.

Vì chương trình về một tác giả không bao giờ là câu chuyện ghép những bài hát lại với nhau. Nó là việc vẽ lên một bức chân dung người sáng tạo, sao cho hồn cốt nhất, sinh động nhất. Là toàn bộ đời sống tinh thần của người nhạc sĩ…

Âm nhạc của Phó Đức Phương mang một màu sắc đặc trưng riêng. Ca khúc ông viết dựa trên chất liệu dân gian là chủ yếu, và chất dân gian đó là thuộc về vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây là cái nôi văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn ông.

Chàng trai sinh ra và lớn lên ở vùng quê Kinh Bắc đã thấm đẫm chất dân gian trong máu, trong huyết quản của mình. Đồng bằng Bắc Bộ vốn là vùng đất nhiều sông ngòi  gồm các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Mã. Những dòng sông chở đầy phù sa cũng như chất liệu văn hóa từ lâu đã trở thành đề tài bất tận cho văn học nghệ thuật.

Và trong số các nhạc sĩ nổi tiếng đương đại, Phó Đức Phương là nhạc sĩ nổi bật nhất với những bài hát viết về hình ảnh sông, hồ, những giá trị đặc trưng của văn hóa Bắc Bộ, trên nền chất liệu âm nhạc dân gian Bắc Bộ.

Có thể nói rằng, Phó Đức Phương là nhạc sĩ có nhiều sáng tác về sông, hồ hay nhất, đặc biệt nhất, đậm chất Bắc Bộ nhất. Lướt qua sự nghiệp của ông có thể thấy, những ca khúc nổi tiếng của ông là viết về sông hồ. Một "Huyền thoại Hồ Núi Cốc" liêu trai, ma mị, đẹp như cổ tích.

Một hồ trên núi thăm thẳm, rợn ngợp. Một chảy đi sông ơi chứa đựng bao chiêm nghiệm và cả thức ngộ về cuộc đời, về quy luật chảy đi của đời người. Và nữa, nào là "Bên dòng sông Cái", "Dòng sông ký ức", "Nao nao Thác Bà", "Một thoáng Tây Hồ", "Mái chèo thiên thu", "Nơi áo chàm hồ xanh Ba Bể"…

Phần lớn các ca khúc của Phó Đức Phương không dễ hát. Vì những "luyến láy phức tạp" như đã nói. Nó yêu cầu người hát phải am hiểu về âm nhạc dân gian, có khả năng nhập vào văn hóa dân gian nhuần nhuyễn.Đúng như nhạc sĩ trẻ Đỗ Bảo nhận xét: " Âm nhạc của Phó Đức Phương rất riêng biệt. Nó không chỉ có những cội rễ chắc chắn và rất sâu từ âm nhạc dân gian, chắt lọc từ chèo, tuồng, ca trù, xẩm, hay cảm thức về âm nhạc tâm linh đậm màu Á Đông. Ông là người có khả năng tỉa tót cặn kẽ những chi tiết thượng tầng với những tiết tấu kỹ càng, luyến láy phức tạp và ca từ rất uyên thâm".

Ca từ trong ca khúc của ông cũng không hề dễ hiểu. Nó là thứ ngôn ngữ được chưng cất lên từ trải nghiệm cuộc đời, và những trải nghiệm đó không phải bằng kiến thức, mà bằng tâm thức, tâm linh nữa. Cho nên khi nghe Chảy đi sông ơi, hay Trên đỉnh Phù Vân, người nghe cảm nhận sự huyền hoặc trong không gian âm nhạc mà bài hát tỏa ra.

Phó Đức Phương là người sáng tác, ông cũng đồng thời là "người làm chứng", để nhìn những phút đốn ngộ của lòng mình, của tình yêu cá nhân ông hoà vào tình yêu của thiên nhiên, đất trời, cây cối, sông hồ. Âm nhạc của Phó Đức Phương không dành cho những ai chỉ nghe để giải trí, hay nghe vì tò mò. Đó là âm nhạc nghe để khám phá, để thấu suốt. Và nhất định phải là người trải nghiệm.

Nhiều năm qua Phó Đức Phương dường như tạm gác công việc sáng tác để đi làm một công việc khác, vừa liên quan vừa không liên quan đến sáng tác, là lao vào lĩnh vực bản quyền âm nhạc. Ông là người mở đầu cho câu chuyện tác quyền âm nhạc ở Việt Nam. Những việc ông làm được trong lĩnh vực bản quyền là rất to lớn, là không thể phủ định.

Dĩ nhiên, cũng không ít khó khăn, phiền hà mà ông phải trải qua. Cũng từng có không ít cãi vã, cả tranh luận, thậm chí kiện tụng, vì câu chuyện bản quyền là câu chuyện của pháp lý, tiền bạc. Phó Đức Phương đã phải tạm quên con người nghệ sĩ trong mình.

Để hoàn thành sứ mệnh của người đi đòi công bằng cho giới sáng tác nhạc, người bảo vệ quyền lợi cho anh em nhạc sĩ, ông phải học hỏi, dấn thân để trở thành người am hiểu về pháp lý, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Ông cũng phải giữ cho cái đầu tỉnh táo, vì câu chuyện ông đang "dây dưa" không chỉ nghệ thuật mà còn là kinh tế.

Mục tiêu của ông không chỉ là chuyện thu tiền tác quyền, đảm bảo quyền lợi cho người sáng tác, mà lớn hơn là thay đổi nhận thức xã hội về một lĩnh vực chúng ta còn chưa quen, còn mới mẻ, lĩnh vực bản quyền. Theo đó, người sử dụng tác phẩm nghệ thuật phải xin phép, phải trả phí, không có chuyện tự tiện như trước đó. Người sử dụng phải hiểu biết về quyền lợi của người sáng tạo.

Nhờ thế, quan niệm sáng tác là cho không biếu không xã hội được xóa bỏ. Vì người làm nghệ thuật phải sống, phải tồn tại. Và tiền cũng là một thước đo giá trị tác phẩm nghệ thuật, thay vì nói suông như trước đó.

Phó Đức Phương làm live show ở tuổi của ông, là cách để ông cảm ơn cuộc đời, cảm ơn âm nhạc, cảm ơn số phận, chứ không phải chuyện bán vé. Những ca sĩ hát trong đêm nhạc của ông là những tri âm. Họ tìm mình trong sáng tác của ông. Và ông tìm thấy ông trong biểu đạt của họ. Cuộc chơi âm nhạc đó chắc chắn sẽ không thể không hấp dẫn. Đấy chính là món quà lớn nhạc sĩ tự dành cho mình, cho khán giả của mình, sau nửa thế kỷ đẩy đưa, phải lòng âm nhạc, ở thời điểm mà danh tiếng đối với ông cũng không còn quan trọng nữa.

Vũ Quỳnh Trang
(vnca.cand.com.vn)