Vườn xuân của Nguyễn Thanh Huyền

16.10.2017

Vườn xuân của Nguyễn Thanh Huyền

Mảnh đất ven sông Châu, núi Đọi thi vị, quê hương của Tam Nguyên Yên Đổ bao đời nay nuôi dưỡng những hồn thơ, tình thơ. Thơ cất lên từ dòng sông, từ cánh đồng nơi cánh cò bay lả. Thơ cất lên từ đất cầy, chiêm mùa thao thức, lũ lụt trắng đồng. Thơ cất lên từ lửa phượng sân trường, tiếng ve kêu đứt ruột. Thơ từ những mối tình nồng và cả tình tan vỡ... Cái chung của đất này là thế, mà cái riêng của tập thơ đầu tay này cũng thế.

Tác giả tập thơ Vườn xuân, chị Nguyễn Thanh Huyền trình làng những bài thơ trong veo sương sớm làng quê Bình Lục, Hà Nam thân thương của mình. Trong veo sương sớm là bởi ngay cái tên tập thơ cũng đã đem đến cái chợt bất ngờ ấy. Chợt thấy, chợt nghe, chợt nghĩ. Chợt nghĩ thế rồi nghĩ lại hình như không phải thế này mà là thế kia. Định rẽ lối này lại ngoắt sang hướng khác, có lúc định quay về, nhưng rồi một cái chợt lại đến, tỉnh táo và tiếp tục lộ trình. Ấy là cảm nhận của tôi khi đọc bài thơ được chọn làm tên cho tập thơ, và đó cũng là mạch cảm xúc xuyên thấm trong suốt mạch thơ Huyền.

Ca dao xưa có câu: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay”.Khi nụ đã nở rồi thì còn chuyện gì để nói. Em đã lấy chồng anh đành ôm mộng nhớ thương nhưng lòng chắc sẽ chẳng bao giờ nguôi quên cái nụ hoa xanh ấy. Giá có ước thì chỉ mong nó cứ nụ mãi như hôm qua, hôm kia. Cái nụ yêu ấy thuộc về quá khứ, quá khứ dụm dành và ánh lên vẻ đẹp tinh khiết. Nhưng đấy là ca dao, Huyền có cách cảm riêng. Khi tầm xuân đã nở hoa, chị cũng “tiếc lắm thay” như người xưa, và thêm cái chợt thấy từ một sớm mai, từ một rãnh phố sẽ bật lên những mầm hi vọng: “Để bình minh về rót mật vào rãnh phố/Có nụ tầm xuân nhú chồi biếc xanh”. Bởi người viết thơ lí giải một cách mộc mạc rằng: “Thứ nắm trong tay không hẳn của mình, thứ buông lỏng chưa chắc của người”. Thế thì tuy có “tiếc” thật đấy nhưng em đi lấy chồng rồi mà chắc gì “người kia” đã nắm được em. 

Trong tập thơ có khá nhiều bài có sự liên tưởng bất ngờ và thú vị. Bất ngờ vì các bài thơ tác giả viết là những đề tài muôn thuở: quê hương, mái trường, tình yêu; là những hoài niệm về những mùa thương nhớ, những kỷ niệm tuổi học trò, những điều ngang trái, bất hạnh, vô cảm .... Nhưng không dừng lại ở việc kể, việc thấy, việc nghĩ, mà ở nhiều bài thơ lóe lên một phát hiện, một triết lý, điều rất cần để tạo nên thế vững cho tứ thơ. Thử dẫn mấy câu bất chợt ấy: “Nơi đon mạ thâm bầm chết nửa vẫn ngẩng lên màu lá lúa” (Đói những mùa thương nhớ);  “tiếng ve ngân bài cũ/Mà miền ta mãi xanh” (Nhớ miền nắng hạ); “Những dấu yêu bỏng nóng trên môi/Đã hóa thạch bụi mờ xác pháo” (Có còn nhớ nhau).

Thơ tình yêu là đề tài mà người cầm bút làm thơ nào cũng không thể không thử sức một lần.  Thơ thất tình, thơ chia li, thơ mất vợ, mất chồng, mất người yêu lại càng có nhiều bài để đời. Vì nó đau quá,  nó được viết trong nỗi đau dứt ruột, trong nước mắt cạn đêm. Xưa Vua Tự Đức  khóc vợ : “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”. Thời hiện đại, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Vũ Cao, Giang Nam... đều để lại những bài thơ bất tử về sự ra đi của người thương yêu. Nguyễn Thanh Huyền làm thơ tình yêu cũng là viết về sự mất mát đấy, nhưng là những mất mát trong day dứt, trong sự bất lực của kẻ đi tìm câu trả lời giữa mênh mông. Hãy đọc tên các bài thơ: Nụ hoa đỏ trái mùa; Có còn nhớ nhau; Hoang nắng; Tình khóc trong mưa... Đặt tên bài thơ như thế nhưng đọc toàn bài lại không thấy bi thương, oán hờn. Nước mắt đấy, nhưng là những giọt lệ ấm nóng trên gối ngày xa. Biết đâu đấy sẽ có ngày lệ ấm vỡ òa trong hạnh phúc. Nỗi đau không làm ta gục ngã, nỗi đau nâng con người đứng dậy, đấy là thơ, chức phận của thơ. Đấy là những câu thơ hoang mang nhưng đã kịp neo lại và cất cánh: “mùa hoa sữa rưng rưng, bằng lăng tím ngát trời”; “Ta khước từ nhau mà phía bên sông câu hò vẫn réo rắt khản giọng”... Thật cảm động, nhân hậu biết bao lòng mẹ tiễn  con gái ngày đi lấy chồng! Dặn rằng con đi đi nhé, vững tâm mà đi cho dù trời đang mưa bão. Thương con lắm nhưng vẫn dặn con hãy gạt nước mắt, ngôi nhà thứ hai mà con ở trọn đời mới chính là nơi phải gắng mà vượt lên tìm thấy hạnh phúc từ đó: “Ngoài trời mưa đổ/con hãy mặc áo tơi/ đi về ngôi nhà thứ hai nơi con sẽ ở trọn đời ” (Lời mẹ dặn).

Cùng với thơ tình yêu, Nguyễn Thanh Huyền dành khá nhiều bài trong tập viết về làng quê, về mẹ.  Viết về đề tài nào thế mạnh của tác giả vẫn là từ những kỷ niệm, những câu chuyện bình dị nơi chân tre bờ lúa mà bật lên một ý tưởng, được nâng cánh bởi cảm xúc. Những dòng thơ dạt dào cảm xúc là điều không dễ mấy ai cũng dễ trải lòng. Viết về đề tài cũ mà chỉ ngẫm, chỉ nghĩ, chỉ liên tưởng trăng sao, vũ trụ, nhân quần thì dễ gượng, dễ giả. Tác giả đã khắc phục được điều này. Mà có lẽ khi viết ra chị cũng chẳng mấy để ý là câu này, bài kia tôi viết bởi thi pháp Y hay Z. Nhưng tôi nhìn bông lúa ngậm đòng, hoa phượng sân trường, áo trắng học trò Phố Phủ, dáng mẹ cô đơn trong ngôi nhà  vắng con gái yêu... tôi nghe thấy lời trái tim thổn thức, bằng những lời “như không có gì” như trong bài “Tìm lại” Có những câu nói thông thường đấy nhưng đặt nó trong bài thơ, trong nỗi xúc cảm của người nông dân đồng chiêm cả đời rạp mình xuống đất cấy lúa trồng khoai mà lúc nào mơ ước cũng mong manh, thì nỗi ước ao kia chính là ước nguyện truyền đời. Từ ước nguyện ấy mà con tìm về miền quê, lục ký ức thời gian, con đê có nắng trải vàng, tiếng gõ vách thuyền đánh cá, đất mẹ phù sa ửng đỏ ửng những giấc mơ, những cánh diều màu xanh là sứ giả tuổi thơ con và bạn con treo cánh liệng...

Đọc Vườn xuân của Nguyễn Thanh Huyền: Đôi khi trên nền cảm xúc dâng trào ấy, bỗng đâu lạc vào cái ý, cái tình thật là tỉnh táo, dĩnh ngộ  làm cho câu thơ, khổ thơ như bị vấp và cảm xúc là cái tỉnh của người say, hãy để cảm xúc tràn ra khi câu thơ đã dừng lại, tránh minh họa, giải thích điều muốn nói. Và xuất hiện một số bài thơ đọc cứ ngân nga, mênh mang, cho dù câu thơ, từ ngữ dùng lấp lánh mà vẫn không thấy chốn neo đậu thì phải chăng tứ bài thơ chưa rõ ? 

Tôi tin “Vườn xuân” của Nguyễn Thanh Huyền sẽ ngọt hương sắc như đời trần vốn vậy và người đọc là người đồng cảm sáng với ngôn ngữ thơ cùng nhà thơ mới là tri âm!

Hải Đường
(nhavantphcm.com.vn)