Khi tâm hồn như hoa phượng cháy trong mưa

25.10.2017

Khi tâm hồn như hoa phượng cháy trong mưa

Nguyễn Đức Mậu là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thời đại chống Mỹ cứu nước, cũng là nhà thơ xuất sắc của khuynh hướng sử thi với các tác phẩm nổi tiếng như "Trường ca Sư đoàn", "Nấm mộ và cây trầm", "Mùa hoa đỏ"…

Từ sau năm 1986, trong công cuộc đổi mới của đất nước, thi sĩ của chúng ta đã "hạ sơn" về với cuộc sống bình thường (chiến tranh là cuộc sống không bình thường). Sự thay đổi khuynh hướng thơ từ sử thi về với đời thường là một sự đổi mới tất yếu của thơ, nhưng trong sự chuyển đổi đó, các nhà thơ lớp trước không phải ai cũng thành công… Nguyễn Đức Mậu đã đánh dấu sự thành công của mình với tập thơ "Cháy trong mưa".

Bài thơ mở đầu tập thơ là "Cánh ong vàng", tuy nói về quan niệm thơ nhưng tác giả không tư biện, không cao đàm khoát luận mà mượn hình ảnh đẹp của thiên nhiên "Cánh ong vàng" để nói. Cánh ong vàng hay chính là hồn thơ của nhà thơ không tìm tứ ở những "chồng sách mờ bụi phủ" hay "chùm hoa khô thời xưa"… để thành chú ong thợ với những "dòng thơ sáo mòn câu chữ chẳng lên hương" mà "giữa phố phường khét lẹt bụi xăng cay / Bay tìm lại mảnh vườn xưa xanh lá". Ở đó có "sợi tơ nắng, tơ trời óng ả… / Mỏ chim lành thêu dệt những đường khâu…".

Về với đời thường là về với "Không gian hẹp", "căn phòng 9 mét vuông có bốn người ở", "mùi nước mắm, mỡ, dầu, mùi son phấn, nước hoa…". Nhưng trong không gian hẹp ấy, cuộc sống bình thường vẫn trôi đi bình thường, ông già vẫn qua đường chậm chạp, ngôi chùa cổ vẫn buông chuông, con mèo vẫn nằm khoanh nắng nhưng "Thơ khao khát không gian mở / Trang giấy phập phồng muốn hóa cánh diều bay". Phập phồng và bay lên, đó là thơ hôm nay, trong không gian hẹp của đời thường.

Là nhà thơ - chiến sĩ, Nguyễn Đức Mậu không thể không đau đáu về những vấn đề của cuộc sống sau chiến tranh. Người phế binh còn sống sót sau một trận đánh, bị báo tử, nay mới về được nhà thì thấy ảnh mình trên bàn thờ và ảnh mình trên mộ phần. Ông ngồi trước mộ mẹ, mộ cha và hiểu rằng cha mẹ ông trước khi nhắm mắt chỉ mong được nằm cạnh mộ con mình, mặc dù đó là ngôi mộ không hài cốt.

Bài thơ hàm chứa một tư tưởng lớn: Giá của cuộc chiến tranh qua nỗi đau lớn của người sống sót trở về.

Có những vấn đề hậu chiến không chỉ những người đã trực tiếp tham gia chiến đấu mới xót xa, nhức nhối. Bà mẹ sinh con trong chiến tranh thấy con mình lớn lên không có một nét gì giống mẹ, giống cha. Hóa ra đó là đứa trẻ con nhà khác, đưa lộn trong lúc chạy loạn. Vậy bao giờ gặp lại đứa con máu thịt của mình? "Nhiều sự thật như lưỡi dao nhói buốt / Nhiều sự thật mãi mãi ngủ yên không lời đáp / Nhiều sự thật cao hơn sự thật". Như những người cha, người mẹ thương đứa con khác máu như đứa con máu thịt của mình (ADN).

Chiến tranh đã kết thúc, người thôi chết vì đạn bom, nhưng nhiều dòng sông bị bức tử "Tiếng nấc dòng sông" - vấn nạn môi trường!

Khác với khuynh hướng thiên về tụng ca trước kia, huynh hướng mới của thơ nghiêng về trữ tình phê phán và thiên về cảm khái trước cuộc đời, cuộc đời hôm nay, cuộc đời muôn thuở, thơ nhìn vào hiện tại, ít hướng về tương lai và cũng không hẳn là hoài niệm quá khứ.

Nếu như trước kia, thơ ca ngợi tình bạn, "người với người sống để yêu nhau" thì bây giờ trong tình bạn có một thoáng hoài nghi. "Trong cuộc sống xô bồ thường nhật / Bạn tốt nhiều hay bạn tốt dần vơi / Bạn tốt chốn văn chương giả thật". "Bạn tốt như trầm thơm tận lõi… / Trầm thơm thầm vào ta, thấm mãi".

Tâm thế của chủ thể trữ tình không phải là dấn thân, tâm trạng của chủ thể trữ tình cũng không phải là suy tư hay tâm niệm về lý tưởng mà là tâm trạng của Lã Vọng ngồi câu: "Có người câu suốt ngày này sang ngày khác/ Câu như là buồn lắm phải câu thôi/ Chẳng cầu vận may, tìm nơi khuất lấp/ Câu mơ hồ tiếng lá rụng, áng mây trôi".

Nói chung, tâm trạng của nhân vật trữ tình thiên về buồn hơn vui, âu cũng là hiện tượng thời thế, khác ngày xưa cảm xúc chủ đạo của thơ là vui, nếu có đôi lúc buồn thì "buồn ta không chảy thành đôi lệ hèn/ Buồn ta ấy lửa đang nhen…".

Ngay cả khi nghĩ về những kỷ niệm thân thương cũng buồn vì những kỷ niệm thân thương đó một đi không trở lại, để lại niềm tiếc nuối (Mảnh vỡ). Anh trở thành "Người xa lạ" trên chính thành phố quê hương của mình. "Nghĩa trang cũ dời xa thành phố/ Mộ ông bà đã chuyển về quê / Ngôi trường cũ không còn cây bàng già bão đổ / Bạn bè xưa trôi dạt mãi không về". 

Tuy nhiên, giữa muôn ngàn cái biến, tấm lòng thi nhân vẫn trân trọng quá khứ và mong mỏi cho hôm nay, cho ngày mai. Nỗi buồn cũng vì lẽ đó và đó là nỗi buồn mạnh mẽ, chắc chắn sẽ cháy lên như hoa phượng vẫn cháy trong mưa "Trong sấm rền, dày đặc mưa rơi / Nồng nhiệt màu hoa thắm vào tâm tưởng / Con tàu rời ga tiếng còi ướt đẫm / Cháy một trời hoa phượng cháy trong mưa". Màu hoa ấy là hồn thơ Nguyễn Đức Mậu và con tàu ấy là cuộc sống của chúng ta hôm nay, cuộc sống vẫn vận hành về phía trước dẫu trời vẫn mưa, mưa dài, mưa dày và không thiếu sấm chớp (Cháy trong mưa).

25.9.2017

Đặng Hiến
(nhavantphcm.com.vn)