Với Điêu tàn, Chế Lan Viên tài không đợi tuổi

03.07.2024

Với Điêu tàn, Chế Lan Viên tài không đợi tuổi

Chân dung nhà thơ Chế Lan Viên

Phong trào Thơ Mới (1932 - 1945) là phong trào thơ của những người trẻ. Lấy năm 1942 làm mốc - năm mà nhà phê bình Hoài Thanh trình làng tiểu luận Một thời đại trong thi ca để sơ kết, đánh giá mười năm phong trào Thơ Mới - tác giả cao tuổi nhất cũng chỉ độ tam thập, còn đa phần đang độ tuổi ngoài đôi mươi. Thi sĩ Chế Lan Viên sinh năm 1920. Vậy tính đến năm 1942, Chế Lan Viên chỉ mới 22 tuổi nhưng tập thơ Điêu tàn của ông đã có mặt trên đời 5 năm. Tập Điêu tàn xuất bản năm 1937, khi tác giả của nó chỉ mới 17 tuổi. Như vậy, 36 bài thơ cộng với Tựa trong tập Điêu tàn được Chế Lan Viên viết năm 15, 16 tuổi! Thật phi thường và cũng trùng hợp với “tuyên ngôn” của Chế Lan Viên về công việc làm thơ: “Làm thơ là một sự phi thường”.

Chọn bút danh và đề tài độc đáo 

Chế Lan Viên ngoài tài năng thiên phú, còn phải kể đến những may mắn hạnh ngộ trong đời. Chế Lan Viên là người Quảng Trị, cha mẹ đều là người Quảng Trị nhưng năm ông lên bảy thì cả gia đình chuyển vào huyện lỵ An Nhơn (tỉnh Bình Định):

Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ

Cái giếng vườn rau căn nhà nho nhỏ

(Chế Lan Viên)

An Nhơn là vùng đất lịch sử có di tích thành Đồ Bàn/ Chà Bàn thuộc tiểu vương quốc Vijaya - kinh đô của Vương quốc Champa cổ (người Việt thường gọi là Chiêm Thành, Chàm, Hời,…) từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh phạt Chiêm Thành, sáp nhập Vijaya vào Đại Việt, đặt tên là phủ Hoài Nhân/ Nhơn thuộc đạo Quảng Nam. Năm 1605, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhân thành phủ Quy Nhơn. Năm 1771, nhà Tây Sơn khởi nghĩa. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế (niên hiệu Thái Đức), cho xây dựng thành Hoàng Đế ngay trên nền thành Đồ Bàn, lấy phủ Quy Nhơn làm kinh đô của vương triều Tây Sơn. Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế, đổi tên thành thành Bình Định, đồng thời cho phá thành Hoàng Đế, dựng đền thờ hai vị tướng nhà Nguyễn là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ngay trên nền thành cũ.

Một vùng đất lịch sử - văn hóa dâu bể như thế đã tác động sâu sắc đến tâm hồn Chế Lan Viên. Nhưng sâu sắc hơn cả là những di tích, phế tích của Chiêm Thành, nhất là các cụm tháp “lở lói” vẫn hiện hữu khắp An Nhơn. Chẳng hạn, tháp Cánh Tiên ở ngay cạnh thành Đồ Bàn với biết bao huyền thoại về ma Hời nhập nhoạng dưới ánh trăng mờ. Đất nước Champa “điêu tàn” cũng dễ liên tưởng đến tình trạng Việt Nam đầu thế kỷ XX đang mất chủ quyền, điêu linh vì bị Pháp thuộc. 

Tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, tác giả lấy bút danh là Chế Lan Viên, cái họ Chế đặc trưng của Chiêm Thành. Rồi Hàn Mặc Tử còn đặt cho ông một cái tên nữa: Chế Bồng Hoan, càng giống hậu duệ của vua Chăm Chế Bồng Nga. “Tôi đã gặp một người anh về thơ: Hàn Mặc Tử. Một người anh về chính trị: Nguyễn Minh Vỹ (sau này cùng tôi gặp và bàn chuyện chính trị với ông Jean Paul Sartre ở Paris). Tôi đã gặp cả một vùng, một trung tâm thơ, trung tâm văn học là Quy Nhơn. Cũng từ đấy trước chữ Lan Viên bỗng thêm chữ Chế. Vì sao có chữ Chế ấy? Chỉ biết rằng trong tập Nắng xuân do hai chị Mai Đình và Hoàng Cúc, hai người bạn gái của Hàn Mặc Tử vừa đây gửi cho tôi mượn, một tập giai phẩm in năm 1936 ở Quy Nhơn (….) có một bài Hàn Mặc Tử tặng cho tôi. Bài Thi sĩ Chàm tặng Chế Bồng Hoan. À, thì ra còn có cả tên đó nữa. Có lẽ Tử đặt ra chăng? Với chữ Chế, dù là Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan, tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc.” ([1])

Có thể nói, sống trên phần đất đầy ắp di tích văn hóa Chăm là sự may mắn của Chế Lan Viên, cũng có thể gọi đó là duyên mệnh của thơ ông. Một bút danh và một đề tài cho Điêu tàn không giống ai và không lẫn với ai.

Thành viên của Trường thơ Loạn 

Đời thơ Chế Lan Viên còn một may mắn nữa, đó là sự ảnh hưởng thơ tượng trưng Pháp đối với Thơ Mới. Năm 1936, Thơ Mới xuất hiện nhiều dấu hiệu khát vọng cách tân một lần nữa khi chủ nghĩa lãng mạn bộc lộ sự bão hoà, bế tắc. Theo một số tác giả của phong trào Thơ Mới và cả một số nhà nghiên cứu, hành trình Thơ Mới gồm hai giai đoạn:

“Nếu mô tả thật khái quát tiến trình Thơ Mới, có thể tóm gọn nó trong hai giai đoạn: giai đoạn đầu với vai trò chủ đạo của những nhà Thơ Mới của (hoặc gắn với) Tự lực văn đoàn như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… mà nét nổi bật chung về khuynh hướng nghệ thuật là thơ trữ tình lãng mạn duy lý; giai đoạn sau với uy tín của Hàn Mặc Tử, Bích Khê… và “trường thơ loạn” của họ mà dấu ấn rõ rệt về khuynh hướng sáng tác là sự xuất hiện những đặc điểm tiền hiện đại chủ nghĩa hoặc hiện đại chủ nghĩa như tượng trưng, siêu thực, suy đồi, tiền phong (Tất nhiên ở giai đoạn sau còn có khuynh hướng trở về nguồn thơ phương Đông, nhưng ở một vài hiện tượng tiêu biểu của khuynh hướng này như Xuân Thu nhã tập, người ta vẫn thấy những nét của tinh thần tiền phong, tức tinh thần hiện đại chủ nghĩa.” ([2])

Chủ nghĩa tượng trưng (symbolisme) là một trào lưu nghệ thuật và một quan điểm triết học - mỹ học ra đời ở Pháp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX với tên tuổi các nhà thơ lớn như Charles Baudelaire (1821 - 1867), Paul Verlaine (1844 - 1896), Arthur Rimbaud (1854 - 1891), Stéphane Mallarmé (1842 - 1898), Paul Valéry (1871 - 1945),… sau đó lan rộng thành một hiện tượng văn hóa toàn châu Âu, bao gồm cả sân khấu, hội họa, âm nhạc,… Trường thơ Loạn, với sự dẫn dắt của chủ soái Hàn Mặc Tử, chủ động nhận ảnh hưởng của thơ tượng trưng Pháp (nhất là từ Baudelaire, Verlaine, Valéry) ở sự giao hòa cảm giác, tính biểu tượng và tính nhạc trong thơ.

Nhìn vào sự phát triển của nhóm thơ Bình Định, còn gọi là nhóm Bàn thành tứ hữu hoặc nhóm Tứ linh (gồm Long, Lân, Quy, Phụng ứng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên) đến cuối năm 1936 đã có sự phân hóa về khuynh hướng sáng tác. Hàn Mặc Tử cùng với Chế Lan Viên, Yến Lan (đổi bút danh thành Xuân Khai) chủ trương Trường thơ Loạn, đến năm 1938 kết nạp thêm Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao,...

Năm 1936, từ Sài Gòn, Hàn Mặc Tử trở lại Quy Nhơn. Chế Lan Viên đã tìm đến Hàn Mặc Tử như tìm đến một ông thầy dạy làm thơ nhưng những vần thơ của Chế Lan Viên đã làm Hàn Mặc Tử kinh ngạc. Trước đó, Hàn Mặc Tử đã nghiên cứu rất kỹ trường phái thơ tượng trưng Pháp, mong muốn tạo ra một trường phái thơ cho riêng mình. Theo lời kể của Yến Lan, trong khi đang suy nghĩ về vấn đề đó, Hàn Mặc Tử biết Yến Lan vừa hoàn thành một tập thơ, nhan đề là Giếng loạn. Cái tên của tập thơ đã gợi cho Hàn cái tên của trường phái mà nhà thơ định thành lập. Ít lâu sau, tại ngôi nhà của Hàn Mặc Tử ở Quy Nhơn (số 20 đường Khải Định, nay là đường Lê Lợi), Hàn Mặc Tử cảm động cầm trên tay bản đặc biệt của tập Điêu tàn (1937) do Chế Lan Viên mang đến tặng mình. Dịp ấy, Chế Lan Viên đi với Yến Lan và một người nữa. Sau khi chúc mừng Chế, Hàn xúc động nói: “Lâu nay chúng ta làm toàn những loại thơ điên loạn, xem ra có đủ nhân tố để dựng một trường thơ, trường thơ Điên loạn. Ừ, mà nó đã có mầm mống từ lâu rồi (giơ tập thơ của Chế Lan Viên lên), cái tựa tập Điêu tàn này là tuyên ngôn thứ nhất của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục có tuyên ngôn bổ sung khi in tập thơ chung của Trường thơ Loạn” ([3]).

Xin mở ngoặc nói thêm, tập thơ Giếng loạn của Xuân Khai (tức Yến Lan) được Hàn Mặc Tử viết lời tựa bằng bài thơ Trăng tự tử, tiếc rằng bản thảo bị thất lạc trong chiến tranh.

Tựa của tập Điêu tàn do chính Chế Lan Viên viết, trở thành tuyên ngôn của Trường thơ Loạn. Đó là niềm vinh hạnh của Chế Lan Viên nhưng cũng cho thấy tài năng của chàng trẻ tuổi nhất trường thơ. Lời tựa khá ngắn nhưng đủ thuyết minh cho quan niệm về người làm thơ, người đọc thơ. Mở đầu, Chế Lan Viên viết:

“Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh. Nó thoát hiện tại. Nó xối trộn Dĩ Vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những cái vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào máu mắt, nó cười tràn cả tủy là tủy.” ([4])

Có thể thấy ở đó quan niệm của thơ tượng trưng về người sáng tác và hoạt động sáng tạo. Thi sĩ không phải là người thường, càng không thể ở trạng thái bình thường. Muốn làm nên những điều phi thường trong thơ, nhà thơ phải đạt đến trạng thái “điên cuồng” kinh dị:

“Tôi nằm ngủ trong sao, nghe được, tung mây ngồi dậy, vồ lấy cái quà quý báu ấy, rồi say sưa, rồi ngây ngất, rồi điên cuồng vỗ lên đầu sao Khuê, sao Đẩu, lên cả Nguyệt cầu mà bảo chúng nó rằng:

- Ha ha! Bay ôi! Loài người thành thi sĩ như ta cả rồi.

Và vênh vang, kiêu ngạo, ta lấy mây làm bút, lấy trăng làm mực đề lên nền trời xanh…”.

Cả Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên lẫn Bích Khê đều thích dùng những từ “điên - cuồng - loạn” trong thơ. Những từ này không phải ám chỉ trạng thái bệnh lý điên khùng như một số người hiểu sai hoặc cố ý gán ghép (do Hàn Mặc Tử bị bệnh phong, Bích Khê bị bệnh lao - hai trong tứ chứng nan y thời bấy giờ) mà chính là trạng thái tinh thần cực điểm, tột cùng của thi hứng. Đó là thời điểm “Ta phải tiết hết sinh lực của hồn, của máu vào thơ. Ta vừa say sưa vừa điên cuồng ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi…” (Tựa Xuân như ý - Hàn Mặc Tử), “Ta điên rồ múa giữa ánh bình minh” (Mộng cầm ca - Bích Khê).

Với kiểu thơ “quằn quại” như thế, việc tiếp nhận thơ cũng là việc làm thần bí, đọc thơ cũng gào thét, khóc cười cùng người tạo thơ:

“Điêu tàn có riêng gì cho nước Chiêm Thành yêu mến của tôi đâu? Kìa kìa nó đang đục sọ dừa anh. Tiếng xương rạn vỡ dội thấu đáy hồn tôi.

Đọc tập Điêu tàn này xong, nếu lòng anh vẫn dửng dưng không có lấy một cơn sóng gió thì xin anh hãy cầu khẩn tất cả những gì Thiêng Liêng, những gì Cao Cả tha tội cho phạm nhân là tôi đây. Nếu, khi sách đọc xong mà cái Buồn, cái Chán, cái Hãi hùng cũng ùa nhau đến bọc lấy hồn anh, làm cho anh phải cười, phải gào, phải khóc, thì xin anh chớ hẹp hòi gì mà cười cho mênh mang, gào cho vỡ cổ, khóc cho hả hê, rồi gửi cái cười, cái gào, cái khóc ấy cho không trung.”

Điều đó cũng giống như Hàn Mặc Tử từng quả quyết: “Không rên xiết là thơ vô nghĩa lý” (Dấu tích). Tất cả xuất phát từ quan niệm của thơ tượng trưng: thơ là kết tinh của đau thương. Với quan niệm khác thường, khác người (khác thơ lãng mạn) đến kỳ dị như vậy, chúng ta hiểu tại sao khi các nhà thơ tượng trưng thuộc Trường thơ Loạn xuất hiện đã khiến cả làng thơ thấy “như một niềm kinh dị” (Hoài Thanh). 

 Chế Lan Viên, với Điêu tàn, đã đi vào địa hạt “thơ Chàm thơ Ma”, trở thành nhà thơ Loạn với phong cách độc đáo, dù tuổi đời còn rất trẻ. Khóc than cho một dân tộc đã bị tiêu diệt nên trong nước mắt có cả máu. Hay nói cách khác, xương máu và châu lệ trong tận cùng bi thương đã thành nguồn thi hứng, thi liệu của Chế Lan Viên:

Trong thơ ta dân Chàm luôn sống mãi

Trong thơ ta xương máu khóc không thôi.

(Tựa)

“thơ Ma” nên Điêu tàn ngập ngụa hồn ma, yêu tinh, huyệt mộ, sọ người, xương tàn, thịt nát,…:

Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại/ Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta!/ Để những giọt máu đào còn đọng lại/ Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ (Cái sọ người).

Và xương khô, và sọ dừa, và thịt nát,/ Và hơi âm rờn rợn của yêu tinh/ Loài người đã mang đi qua mộ khác/ Để lòng ta trống trải khí thiêng linh (Mồ không).

Thơ, với Trường thơ Loạn, là kết tinh đau thương và là tận cùng niềm hoan lạc trong đau thương. Trong Quan niệm thơ (đây là bức thư Hàn Mặc Tử trao đổi với Trọng Miên, sau được Quách Tấn đem in vào cuốn Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử với nhan đề Quan niệm thơ), Hàn Mặc Tử viết: “Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thỉ vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt”.

Chế Lan Viên đã gặp gỡ, tri âm với quan niệm đó của Hàn Mặc Tử. Tột cùng hoan lạc của Chế Lan Viên là được đi vào “cõi Chết”, được chui xuống “mồ sâu lạnh lẽo” nghe “tiếng xương rên”, tâm sự, khóc cười với “cô hồn”, ngủ với “muôn ma Hời”, kêu gào, than thở với “yêu tinh”,…:

Ta hãy nghe, trong mồ sâu lạnh lẽo,/ Tiếng thịt người nảy nở tiếng xương rên,/ Ta hãy nghe, mơ màng trong cỏ héo,/ Tiếng cô hồn lặng thở khí trời đêm! (Bóng tối).

Rồi lấy ra một khớp xương rợn trắng/ Nút bao dòng huyết đẫm khí tanh hôi/ Tìm những “miếng trần gian” trong tủy cạn,/ Rồi say sưa, vang cất tiếng reo cười (Xương khô).

Thi hứng đến với Chế Lan Viên trong những lúc “ngông cuồng” trong thế giới yêu ma, đầy rẫy sọ trắng, thịt xương, máu tủy:

Nền giấy trắng như xương trong bãi chém/ Bỗng run lên kinh hãi dưới tay điên./ Tiếng bút đưa rợn mình như tiếng kiếm,/ Nạo những thành sọ trắng của ma thiêng./ Và hồn, máu, óc, tim trong suối mực/ Đua nhau trào lên giấy khúc buồn thương,/ Như không gian lùa vào ta chẳng dứt,/ Những hương mơ say đắm mộng ngông cuồng (Tiết trinh).

Trong thơ Chế Lan Viên, thế giới có hai đối trọng. Vẫn là Chàm nhưng hiện tại là “điêu tàn”, tan hoang, ma mị, còn quá khứ nguy nga, huy hoàng, tráng lệ. “Trên đường về” quá vãng, Chế Lan Viên say sưa, say mê với điện các, đền đài, vua quan, chiến tượng, Chiêm nữ,… Trong những giây phút ấy, giọng thơ Chế Lan Viên đắm đuối đến mê man:

Đây, những cảnh thái bình trong Chiêm quốc/ Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi/ Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp/ Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui./ Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng/ Những đền đài tuyệt mĩ dưới trời xanh/ Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng/ Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành (Trên đường về).

Cũng chính vì thế, Chế Lan Viên còn cho rằng, hoan lạc có được khi đến với thế giới siêu hình, chính xác là về đến nước non Chiêm đã chết:  

Tạo hóa hỡi! Hãy trả tôi về Chiêm quốc!/ Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian! (Những sợi tơ lòng).

Rồi trần truồng, ta nằm trên điện ngọc/ Hai tay cuồng vơ níu áo muôn tiên/ Đầu gối lên hàng Thất tinh vừa mọc/ Hồn giạt trôi về đến nước non Chiêm (Ngủ trong sao).

Thơ, với Chế Lan Viên, vừa là tiếng khóc bi phẫn, niềm bi hận một quá khứ đẹp đẽ đã rơi rụng, mất mát (qua hình tượng nước Chàm đã tiêu vong) vừa là con đường, thế giới để giải thoát những đau khổ, bế tắc, tuyệt vọng ở trần gian.

Ý thức cách tân nghệ thuật thơ  

Thiết kế biểu tượng là đặc trưng của văn chương, nhất là thơ. Các nhà thơ tượng trưng cũng xây dựng biểu tượng (symbol) nhưng khi sáng tạo biểu tượng, nhà thơ tượng trưng không dùng quan sát hay lý trí để nhận thức mà nhất thiết phải dùng linh cảm và khả năng trực giác siêu việt của mình vì chủ trương “chỉ có sự gì cảm thấy mà không tả mới là đáng kể mà thôi”.

Thơ Điên (tức tập Đau thương, 1937) của Hàn Mặc Tử đầy ắp biểu tượng trăng - hồn - máu. “Chỉ nói riêng ba biểu tượng trăng - hồn - máu cũng thấy rằng, những hình ảnh được sáng tạo về chúng có cả những gì kinh dị nhất, cũng có cả những gì lộng lẫy nhất mà thơ ca có thể làm được.”([5])

Thế nhưng, dở tập Điêu tàn (đồng năm 1937) của chàng thi sĩ trẻ măng Chế Lan Viên cũng la liệt ba biểu tượng kinh dị ấy:

Đã hết trăng rồi! Đã hết trăng rồi!/ Không! Không đâu! Trên những đảo mây trôi/ Vừa dâm dục ôm trăng vờ vật ngủ/ Còn rất nhiều những suối vàng rực rỡ,/ Múc ào đi, trút xuống cả hầu tôi! (Tắm trăng).

Hồn ma ơi! Hồn ma ơi! có nhớ/ Nơi mi hằng chôn gửi hận Trần Gian?/ Nơi đã khô của mi bao máu đỏ,/ Bao tủy hồng, não trắng với xương tàn? (Mồ không).

Đọc hai đoạn đầu của hai bài thơ trăng, một của Hàn Mặc Tử, một của Chế Lan Viên:

Ha ha! Ta đuổi theo trăng/ Ta đuổi theo trăng/ Trăng bay lả tả trên cành vàng/ Tới đây là nơi tôi được gặp nàng/ Rủ rê, rủ rê hai đứa tôi vào rừng hoang/ Tôi lượm lá trắng làm chiếu/ Chúng tôi kê đầu lên khối sao băng/ Chúng tôi soi chuyện bằng hơi thở/ Dần dần hoa cỏ biến ra thơ (Rượt trăng - Hàn Mặc Tử).

Ta cởi truồng ra! Ta cởi truồng ra!/ Ngoài kia trăng sáng chảy bao la/ Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn/ Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn/ Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da (Tắm trăng - Chế Lan Viên).

Cũng đều là cảnh tình tự với nàng trăng nhưng giọng điệu điên cuồng, hụp lặn trong trăng thì chưa chắc chàng thư sinh 15, 16 tuổi chịu thua kém thi sĩ đã nổi tiếng trong làng thơ.

Trường thơ Loạn chịu ảnh hưởng sâu sắc của ông tổ chủ nghĩa tượng trưng là Baudelaire, nhất là tập thơ Những Bông hoa Ác (Les Fleurs du Mal) của Baudelaire được xuất bản năm 1857. Ở đó, thi sĩ khám phá cái đẹp (Hoa thơm) từ chính cái Ác qua những cảnh tượng rùng rợn (một cái xác thối, một con quái vật, quỷ Satan,…) hoặc những điều tầm thường nhất (một khu phố điêu tàn, một con mèo, cái điếu cày, cái chuông rè,…). Sự gặp gỡ trong biểu tượng thơ Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử vừa cho thấy tính chuyên nghiệp của Trường thơ Loạn lại vừa khẳng định bước đi tiên phong của chàng thi sĩ trẻ họ Chế.

Biểu tượng nổi bật của thơ Bích Khê là cái sọ người. Trong Điêu tàn, sọ người, sọ khô, đầu lâu chiếm số lượng nhiều, như các bài “Cái sọ người”, “Mộng”, “Điệu nhạc điên cuồng”, “Ta”, “Mồ không”, “Tiết trinh”, “Đầu rơi”, “Xương vỡ máu trào”, “Đầu mênh mang”, “Mơ trăng”,... Một, hai khổ thơ trong Cái sọ người (của Chế Lan Viên) chẳng hạn:

Này chiếc sọ người kia, mi hỡi!/ Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi/ Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?/ Mi trông mong ao ước những điều chi?/ Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn/ Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi/ Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn/ Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?

Nếu đem so sánh với “Sọ người” (tập Tinh huyết, 1939) của Bích Khê, có thể thấy cả hai thi sĩ Loạn đều tìm thấy thi hứng, thi tứ từ chiếc sọ người nhưng sọ người của thơ Chế Lan Viên mờ mịt, thương đau, căm hận còn sọ người của Bích Khê tập trung mọi vẻ đẹp thanh tân, quý giá, rạng ngời:

Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng!/ Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương!/ Ôi bình vàng! Ôi chén ngọc đầy hương!/ Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!/ Ôi thần tình! Người chứa một trời thương… (Sọ người - Bích Khê)

Giọng điệu nhất quán trong Điêu tàn là giọng đau thương, bi hận vì xuất phát điểm của tác giả là “Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời”. Điều đáng nói là phong thái sắc sảo ấy là chân dung của một chàng thi sĩ trẻ, quá trẻ, mà tác giả Thi nhân Việt Nam không ngại ngần gọi là “cậu bé”

 “Cái mạnh mẽ cái to lớn ấy, những đau thương vô lý và da diết ấy, cái thế giới lạ lùng và rùng rợn ấy, ai có ngờ ở trong tâm trí một cậu bé mười lăm mười sáu tuổi. Cậu bé ấy đã khiến bao người ngạc nhiên.” (1)

Quả thật, Điêu tàn không chỉ làm người ta ngạc nhiên mà còn kinh ngạc! Điêu tàn cho thấy một tài năng trẻ, anh hoa phát tiết không chỉ sớm mà còn rất đượm. 36 bài thơ thuần những lối thơ chủ yếu của Thơ Mới - thơ bảy chữ hoặc tám chữ - chủ yếu gieo vần chân (cước vận) theo kiểu gián cách:

Quả đất chuyển giây lòng tôi rung động

Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi Hư !

Tháng ngày qua, gạch Chàm đua nhau rụng

Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ!

(Những sợi tơ lòng)

Những cảnh ấy Trên Đường Về ta đã gặp

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi

Và từ đấy lòng ta luôn tràn ngập

Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời.

(Trên đường về)

Điêu tàn có 36 bài thì có 30 bài chia khổ, mỗi khổ bốn câu (“Cái sọ người”, “Những sợi tơ lòng”, “Điệu nhạc điên cuồng”, “Ngủ trong sao”, “Mồ không”, “Trên đường về”, “Xuân”, “Đầu mênh mang”, “Mơ trăng”,…). Có 1 bài chia thành bốn khổ, mỗi khổ năm câu (“Tắm trăng”). Có 1 bài gồm bốn khổ, mỗi khổ ba câu (“Tiếng trống”). Có 3 bài chia khổ nhưng số câu mỗi khổ không đều (“Ta”, “Máu xương”, “Cõi ta”). Có 1 bài không chia khổ (“Đừng quên lãng”). Khảo sát như thế để thấy Chế Lan Viên, tuy rất trẻ, lần đầu cầm bút nhưng luôn có ý thức làm mới thơ, tránh trùng lặp, đơn điệu. 

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chế Lan Viên không làm thơ Chàm, thơ Ma nữa [từ sau tập Điêu tàn đến năm 1945, Chế Lan Viên vẫn còn một số bài như Ánh sáng, Đường về nước cũ, Một đêm sầu, Chiêm quốc u sầu,… tiếp nối đề tài nước non Chiêm Thành sầu hận] nhưng tên tuổi thì đã vững vàng với danh hiệu “nhà thơ Chàm” tài năng, độc đáo, xuất sắc của phong trào Thơ Mới và của thơ ca Việt Nam hiện đại. 

C.D.T

 

[1]() Chế Lan Viên, Tựa Chế Lan Viên toàn tập, NXB Văn học, 2002, trang 14 - 15.

[2]() Lại Nguyên Ân, Tinh huyết của Bích Khê và giai đoạn phát triển thứ hai của Thơ Mới, https://vnexpress.net/tinh-huyet-cua-bich-khe-va-giai-doan-phat-trien-thu-hai-cua-tho-moi-2-1974437.html

[3]() https://vi.wikipedia.org/wiki/Bàn thành tứ hữu

[4] Theo Chế Lan Viên toàn tập, Sđd, trang 23 - 24.

[5]() Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới, NXB Giáo dục, 2006, trang 237.