Một số kiến giải về các mô hình múa dân gian trong phát triển du lịch Đà Nẵng

03.07.2024
Phan Thục Linh

Một số kiến giải về các mô hình múa dân gian  trong phát triển du lịch Đà Nẵng

Tiết mục Âm vang Tháp cổ, (Biên đạo: NSƯT Phan Hồng Hà do nhóm múa Đoàn Quân Khu 5 thực hiện) tại Chương trình “Vũ khúc bên sông Hàn”.

Trong xu hướng giao lưu và tiếp biến văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ giữa các quốc gia, dân tộc thì vấn đề khẳng định bản sắc văn hóa, nghệ thuật truyền thống là một yêu cầu cấp thiết. Việc bảo tồn, phát huy, truyền bá và lan tỏa các văn hóa truyền thống có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khẳng định giá trị của một tổ chức xã hội. Đặc biệt, đối với một thành phố lấy du lịch làm thế mạnh như Đà Nẵng, có lịch sử lâu đời về giao thoa văn hóa, kinh tế, xã hội, là cửa ngõ hội nhập với các bạn bè thế giới thì việc phát huy các yếu tố văn hóa truyền thống là tất yếu trên con đường phát triển và hội nhập.

Múa dân gian dân tộc là một trong các yếu tố có tác động thiết thực và trực quan qua các hình thái biểu hiện trong sản phẩm văn hóa đến với tất cả các đối tượng tham gia thực thể. Múa vốn đã tồn tại trong đời sống tâm linh và sinh hoạt cộng đồng của các tộc người. Nó là phương tiện kết nối ý thức vô hạn không biên giới, không rào cản. Từ xa xưa, múa đã được dùng là phương tiện kết nối tâm linh với thần linh, tổ tiên trong các nghi thức tế lễ một cách đa dạng dưới nhiều hình thức khác nhau ở các tộc người, tín ngưỡng. Múa còn được sử dụng như một phương thức giải phóng và hấp thu năng lượng trong các sinh hoạt cộng đồng, nơi có thể chia sẻ và gắn kết tình người, niềm tin vào cuộc sống. Và ngày nay, múa càng phát triển với muôn hình dạng như cách thức giải phóng cảm xúc, tận hưởng giác quan trong đại bộ phận dân chúng qua các chương trình nghệ thuật. Ngôn ngữ múa mang đầy cảm xúc cộng hưởng này thực sự là phương tiện kết nối hiệu quả cả về những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống lẫn hiện tại. Đặc biệt, trong lộ trình phát triển du lịch văn hóa nói chung, nghệ thuật múa dân gian dân tộc mang lại giá trị văn hóa và kinh tế vô cùng lớn, bởi sự tác động trực tiếp cảm xúc mà nó mang lại từ sự tiếp xúc của các du khách với sản phẩm du lịch. Đó là những cảm xúc tích cực từ cái đẹp toát lên qua ngôn ngữ múa, diễn viên, trang phục và các yếu tố sân khấu, kịch bản… Sự phát triển của du lịch văn hóa cần sự đóng góp của nghệ thuật múa. Vì vậy, việc kiến tạo các sản phẩm du lịch cần phát huy các giá trị truyền thống của múa dân gian dân tộc.

Với những điều kiện thuận lợi đó, chúng tôi xin đề xuất một vài kiến giải về các mô hình nghệ thuật nhằm góp phần phát huy múa dân gian dân tộc trong xu hướng phát triển du lịch văn hóa tại thành phố Đà Nẵng như sau:

1. Tiếp tục tổ chức các chương trình biểu diễn múa dân gian dân tộc thuần túy là chương trình nghệ thuật múa dân gian các dân tộc vùng miền đặc trưng của địa phương, vùng lân cận.

Đây là hoạt động có ý nghĩa và hiệu quả về việc quảng bá giá trị của múa dân gian dân tộc đến với quần chúng địa phương và du khách. Trong thời gian qua, được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, Hội Nghệ sĩ múa thành phố Đà Nẵng đã thực hiện chương trình “Vũ khúc bên sông Hàn” gồm trên dưới 10 tiết mục múa được xây dựng trên chất liệu dân gian dân tộc phong phú của miền Trung. Chương trình là điểm thu hút khán giả ngay chân cầu Rồng, cạnh chợ đêm, để lại ấn tượng sâu sắc đối với du khách. Đặc biệt, là phần giao lưu múa xoan của diễn viên và khán giả, du khách bên cây nêu, lửa trại sôi động ấm áp tình người. Những con người xa lạ tay trong tay cười vui trong hạnh phúc. Hy vọng thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ để chương trình biểu diễn này trở thành hoạt động văn hóa truyền thống của thành phố du lịch tương lai. Bên cạnh đó tìm con đường xã hội hóa cũng là yêu cầu cấp thiết của Ban Chấp hành Hội để góp phần duy trì hoạt động biểu diễn ngày càng chất lượng.

2. Xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật hát múa bả trạo. Hát bả trạo là hình thức diễn xướng dân gian xuất phát từ tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân ven biển. Đây là hình thức hát múa kết hợp với hệ thống động tác chèo thuyền vượt sóng. Hình thức diễn xướng nghi lễ được trình diễn trong “Lễ hội cầu ngư truyền thống”, hoặc trong dịp đưa tang cá Ông của ngư dân.

Đà Nẵng có bờ biển đẹp và có những làng chài ngay trong thành phố, vì vậy show diễn múa cầu ngư tổ chức định kỳ thường xuyên để thu hút khách lịch là một trong những yếu tố văn hóa cần được khai thác và gìn giữ. Bãi biển Đà Nẵng cũng luôn là nơi tập trung nhiều du khách với các dịch vụ đa dạng ngày càng được mở rộng. Chương trình nghệ thuật Hát bả trạo có thể tổ chức ở vị trí của đền thờ ngay trên bãi biển. Đây có thể là nhân tố mới trong việc tạo dấu ấn với du khách cũng như gây sự quan tâm và yêu thích giá trị truyền thống của người Đà Nẵng nói chung cũng như người làng chài Đà Nẵng nói riêng. Hiện nay, trên toàn địa bàn thành phố chỉ còn lại một đội hát bả trạo thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà đang hoạt động. Nguy cơ mai một của hình thức diễn xướng này rất lớn, vì vậy việc phục dựng, cải biên, dàn dựng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống đáp ứng cho nhu cầu phát triển du lịch văn hóa của thành phố trên cả chiều sâu và chiều rộng.

2. Nâng cao các yếu tố múa dân gian dân tộc trong các lễ hội truyền thống. Các lễ hội truyền thống đang trở thành hoạt động thu hút các cư dân địa phương tham gia trong nhu cầu sinh hoạt tâm linh và văn hóa văn nghệ của quần chúng. Với kinh phí đầu tư từ thành phố và đóng góp tự nguyện của nhân dân, các lễ hội địa phương đã góp phần tạo nên môi trường bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ tâm hồn con người Đà Nẵng. Hội Nghệ sĩ múa thành phố cần có hướng tiếp cận bằng các đề án đầu tư mở rộng quy mô phần hội trong các nghi lễ truyền thống của các cư dân trên địa bàn Đà Nẵng, tham gia quảng bá hình ảnh văn hóa, nâng tầm ảnh hưởng thu hút của du khách đến với lễ hội. Ví dụ như Khu di tích Nghĩa Trủng - Khuê Trung, Nghĩa Trủng Hòa Vang là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi, là đài tôn vinh khí phách anh hùng của các nghĩa sỹ vị quốc vong thân với hơn một nghìn ngôi mộ. Bên cạnh Nghĩa Trủng là quần thể di tích văn hóa - lịch sử như: di tích Phế tích tháp Hóa Quê, miếu Bà, giếng cổ Chăm, Nhà thờ tiền hiền, đình làng… Hay như các Lễ hội Bửu đản Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải cung tại Tam Giang Thánh Điện - phường Hòa Xuân, Lễ hội Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn… Việc Hội Nghệ sĩ múa có thể tham gia để góp phần đem lại hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, đặt nền tảng cho việc tiếp cận và phát triển nghệ thuật múa truyền thống hiện diện trong các sinh hoạt của văn hóa lễ hội khác của các cư dân trên địa bàn Đà Nẵng.

3. Thực hiện các chương trình nghệ thuật múa trên sông Hàn, trên bãi biển. Lâu nay trên các tàu du lịch sông Hàn hiện vẫn duy trì các chương trình nghệ thuật dân tộc phục vụ du khách của người dân Đà Nẵng. Đây là hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cho việc kinh doanh du lịch thuyền trên sông. Đà Nẵng có con sông lớn giữa lòng thành phố, có bờ biển đẹp trải dài cũng là bối cảnh có thể thực hiện những chương trình nghệ thuật múa phục vụ du khách. Du khách có thể tận hưởng chương trình nghệ thuật ngay trên bãi biển trong chiều hoàng hôn với ngôn ngữ múa dân gian đương đại. Hoặc các chương trình diễn xướng và múa trên sông với sự đầu tư lớn về sân khấu trên mặt nước, dưới nước và trên các thuyền thúng…

4. Dựng sân khấu thực cảnh cũng là một đề án khả thi nhằm xây dựng điểm thu hút du lịch cho thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng có nhiều vị trí địa thế đẹp với núi, sông và biển liền kề. Là điều kiện xây dựng các sân khấu thực cảnh đẹp với các huyền tích địa phương như Sự tích Tiên Sa, Sự tích Ngũ Hành Sơn, các dấu ấn văn hóa Việt - Chăm… ý tưởng này cần sự nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư lớn cũng như nguồn nhân lực dồi dào, sự sáng tạo và khoa học công nghệ để có thể lại hiệu quả cao trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa cũng như sự thu hút phát triển kinh tế của thành phố. Sự phát triển đề án sân khấu thực cảnh cũng có thể phát triển trên các hình thức liên kết phát triển cộng đồng làng nghề với khu dân cư tập trung sinh sống trong quần thể tạo nên một sân khấu thực vô cùng sinh động khi khán giả cũng chính là một phần diễn viên của sân khấu này. Sân khấu thực cảnh là một trong hình thức mà các tập đoàn kinh doanh dịch vụ du lịch đang cân nhắc lựa chọn. Sự chủ động trong các ý tưởng của các nghệ sĩ múa cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự quan tâm, tạo điều kiện của các đơn vị tổ chức quản lý và đầu tư.

5. Nghệ thuật múa biểu hiện hình tượng. Nhân tượng là khá phổ biến trên thế giới đặc biệt trong các công viên hoặc các đường phố tổ chức lễ hội. Ở Việt Nam cũng còn khá mới mẻ. Sự kết hợp của múa với nghệ thuật nhân tượng là một trong những ý tưởng có thể kể đến khi mở rộng tầm phát triển của nghệ thuật múa trong môi trường du lịch văn hóa. Các bảo tàng tại Đà Nẵng là một trong những điều kiện thuận lợi để xây dựng đề án này như Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng. Cơ sở vật chất có thể tận dụng như bối cảnh sân khấu để sắp đặt diễn viên đã được hóa trang và biểu diễn như những hiện vật sống động của bảo tàng. Điều này sẽ tăng thêm sự hấp dẫn cuốn hút của bảo tàng cũng như sự thư thái và thích thú của du khách khi ở trong không gian này.

6. Múa đường phố: Múa đường phố cũng là một giải pháp để đưa nghệ thuật múa đi vào lòng du khách một cách nhanh và tự nhiên nhất, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các điệu múa mà còn có thể hòa cùng vào điệu múa. Việc phát triển các đề án chợ đêm, phố đi bộ là một trong những địa điểm thuận lợi có triển khai ý tưởng này. Tuy nhiên, ý tưởng này nên thực hiện gắn liền việc truyền bá nghệ thuật múa sâu rộng vào quần chúng thông các chương trình hỗ trợ hoạt động nghệ thuật cho các tổ chức quần chúng như phụ nữ, thanh niên ở các phường xã, hoặc qua các khóa học theo nhu cầu ở các trung tâm, câu lạc bộ Múa, hay thực hiện đề án đưa múa vào học đường… Việc phối hợp với cơ quan quản lý địa phương, cơ quan chủ quản dự án cũng như các trung tâm đào tạo múa là cách thức có thể huy động được nguồn diễn viên quần chúng đông đảo cho các giải pháp phát triển những màn biểu diễn múa truyền thống dân tộc trên đường phố như sản phẩm văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Đà Nẵng. Hội Nghệ sĩ múa có thể chủ động đề xuất và tham gia đề án đưa múa vào cộng đồng và từ đó xây dựng các chương trình múa đường phố mang tính truyền thống và hiện đại.

7. Liên kết các hội chuyên ngành kiến tạo chương trình nghệ thuật dân gian. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố là một tổ chức gồm 9 chuyên ngành Văn học nghệ thuật. Nhưng sự phối hợp hoạt động để cùng sáng tạo trong Liên hiệp Hội chưa được chú trọng. Để nâng tâm giá trị nghệ thuật của chuyên ngành thì việc cùng phối hợp là việc rất cần thiết. Sự hợp tác, trao đổi ý tưởng và cùng thực hiện là nguồn lực chất lượng để tạo nên những sản phẩm văn hóa nghệ thuật giá trị cao. Một chương trình nghệ thuật lớn đặc biệt rất cần sự phối hợp này của các chuyên ngành. Ví dụ như: kiến trúc, mỹ thuật thiết kế bối cảnh sân khấu, nghiên cứu văn hóa dân gian có thể tham gia tư vấn hoặc xây dựng về kịch bản, tình tiết văn hóa lịch sử, trang phục đạo cụ phù hợp bối cảnh…, nhiếp ảnh, điện ảnh đều có thể tham gia tư vấn kỹ thuật âm thanh ánh sáng cho các bối cảnh sân khấu, hoặc sắp đặt các bối cảnh cũng như có thể khai thác nguồn tài nguyên cho chính tác phẩm của mình qua việc ghi lại các hình ảnh sự kiện, các chuyên ngành múa, sân khấu, âm nhạc, văn học đều có vai trò lớn trong việc đạo diễn dàn dựng sáng tác ngôn ngữ thơ văn, ca từ, âm thanh, động tác hình thể… Vì vậy, đẩy mạnh chương trình hợp tác hoạt động giữa các chuyên ngành trong Liên hiệp là tạo sức mạnh thực lực của chính Liên hiệp Hội trong việc chứng minh có đủ năng lực đảm nhận các chương trình lớn của thành phố trong tương lai.

***

Phát triển Nghệ thuật múa, phát huy các giá trị truyền thống của múa dân gian dân tộc là định hướng mục tiêu của nền nghệ thuật múa Việt Nam cũng như của mỗi cá nhân các nghệ sĩ múa. Tình yêu của dành cho nghệ thuật múa là suối nguồn nuôi sống các tâm hồn của nghệ sĩ múa, là năng lượng sống chảy trong huyết mạch, cơ bắp, khối óc của chúng ta. Phát huy các giá trị truyền thống của múa dân gian dân tộc là trở về với cội nguồn, là trở về với tình yêu, trở về với lòng biết ơn. Nâng cao các giá trị truyền thống của múa dân gian dân tộc trong các chương trình nghệ thuật, chủ động tiếp cận với các dự án nghệ thuật, du lịch là nhiệm vụ lớn mà Hội Nghệ sĩ múa Đà Nẵng cần phải nỗ lực tìm kiếm, thực hiện. Nó đòi hỏi sự tích cực của Ban Chấp hành Hội, sự chung tay sáng tạo của tất cả các hội viên bằng tất cả tình yêu đối với nghệ thuật múa. Và vì vậy mà ta thực sự đang hiện diện, đang là con đường nối tiếp cho nghệ thuật múa của tương lai.

P.T.L