Những câu thơ hành hương
(Đọc bài thơ Trước sông Trà Bồng cõi khác của Nguyễn Thánh Ngã)
TRƯỚC SÔNG TRÀ BỒNG CÕI KHÁC
Khói gợn lên khơi
Buồn cõi khác
Con thuyền ma
Con thuyền ma…
Ám ảnh nhân gian mờ mịt mịt
Cánh buồm vỗ gió sắc nâu nâu
Ai như Tế Hanh ghìm tuấn mã
Ai như Bích Khê dưới ngô đồng
Tỳ bà ai gảy
Thu đôi khúc
Trăng vỡ đầy sông
Trăng vỡ đầy sông….
Ta như lữ khách hồn Lưu Nguyễn
Qua sông là mất một kiếp người
Câu thơ hành hương
Tứ thơ từ đường
Thắp hồn thi sĩ bay trong khói
Hồn 90 hồn đã 100 năm
Ta tri thiên mệnh
Ngừng tay lưới
Vớt bóng thơ lên
Giống bóng mình
Trà Bồng giọt nước trong như lệ
Sông chảy về đâu
Sông chảy về đâu
Sông bốc hơi
Dòng sông cõi khác
Cõi này âm bản bóng thuyền trôi
Ngựa bay Tỳ Bà hành
Vó khua Tỳ Bà hành
Thương Bích Khê
Rồi thương Tế Hanh
Đôi dòng sông chảy trôi về nước
Mà nước thơ trôi lột xác chữ về trời…
Nguyễn Thánh Ngã
(Quảng Ngãi, 2016)
LỜI BÌNH:
Đọc bài thơ Trước sông Trà Bồng cõi khác của Nguyễn Thánh Ngã, tôi có cảm giác như đọc truyện liêu trai. Cái chất liêu trai phủ ngập ngay khi mới đặt chân lên ngưỡng cửa ngôi nhà thơ: “Khói gợn lên khơi/ Buồn cõi khác/ Con thuyền ma/ Con thuyền ma…”. Bốn câu thơ ngắn mà lại vẽ nên một không gian sâu rộng chơi vơi đầy huyền hồ ma mị đậm màu “cõi khác”. Chủ thể sáng tạo rất khéo dẫn dụ người đọc đi vào khám phá tầng sâu bài thơ bằng việc tạo không gian huyền ảo ngay từ phút đầu. Thủ pháp này cũng vô cùng hợp lý khi chạm bút đến “hồn”. Là “hồn” ai? Câu trả lời nằm ở đây:
- Ai như Tế Hanh ghìm tuấn mã
Ai như Bích Khê dưới ngô đồng
- Hồn 90 hồn đã 100 năm
Là hồn của hai thi sĩ quá cố: Tế Hanh và Bích Khê. Tính đến thời điểm Nguyễn Thánh Ngã sáng tác bài thơ này (năm 2016) thì “hồn 90 năm” là Tế Hanh, “hồn 100 năm” là Bích Khê. Bích Khê và Tế Hanh là hai nhà thơ cùng thời (Thời Thơ Mới) và cùng quê hương (Quảng Ngãi), một quê hương mà khi nghe xướng tên người ta nghĩ đến con sông Trà Bồng. Khi gọi tên thi sĩ quá cố, Nguyễn Thánh Ngã không quên gắn tên họ với những hình ảnh tiêu biểu trong thơ họ. Nói đến Tế Hanh là phải nhắc đến bài thơ Quê hương với hình ảnh “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang”. Con tuấn mã đó nay đã “phi” vào thơ Ngã “Ai như Tế Hanh ghìm tuấn mã”. Nhớ Bích Khê, không thể quên “Những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam” (Hoài Thanh) của ông: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”, “Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm/ Trăng đan qua cành muôn tay êm” trong bài Tỳ bà - một bài thơ toàn thanh bằng cực hiếm trong Thơ Mới. Tất cả những hình ảnh tiêu biểu: “ngô đồng”, “thu”, “trăng”, “tỳ bà” trong thơ Bích Khê đều được ngòi bút Ngã chạm đến: “Ai như Bích Khê dưới ngô đồng…/ Tỳ bà ai gảy/ Thu đôi khúc/ Trăng vỡ đầy sông/ Trăng vỡ đầy sông….”
Thì ra đây là cuộc tương ngộ giữa thi nhân với hồn thi nhân. Giữa người-thơ (cõi thế) và hồn - thơ (cõi khác). Muốn gặp “hồn”, người ta thường dùng đến khói hương. Riêng Ngã thì dùng “Câu thơ hành hương/ Tứ thơ từ đường” để “thắp hồn”. “Câu thơ hành hương” được dệt nên từ hoài niệm bậc tiền nhân. “Tứ thơ từ đường” được thăng hoa từ lòng kính ngưỡng những bậc thi tài đã khuất. Đây là loại “Câu thơ” và “Tứ thơ” lạ in đậm dấu vân tay Nguyễn Thánh Ngã.
Hồn thơ thì đã rõ, còn người thơ làm nên cuộc gặp gỡ này là ai?
Ta như lữ khách hồn Lưu Nguyễn
Chủ thể trữ tình đến lúc này mới trực tiếp lộ diện để đối thoại với chính mình. Ví mình như “lữ khách hồn Lưu Nguyễn” là Ta tiếp tục phiêu diêu trong thế giới hồn thơ: “Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi/ Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi” (Tỳ bà - Bích Khê). Chỉ khác ở giọng ngậm ngùi khi nói đến “qua sông”, bởi “Qua sông là mất một kiếp người”. Hóa ra trong thâm tâm, Ta không muốn đặt chân đến Đào Nguyên, chỉ muốn sống trọn kiếp người, người - thơ thôi. Và, đây mới là chính Ta:
Ta tri thiên mệnh
Ngừng tay lưới
Vớt bóng thơ lên
Giống bóng mình
“Ta tri thiên mệnh” chỉ là dự cảm thôi nhưng nghe rất buồn. Âm hưởng buồn xuyên suốt bài thơ. Từ lúc mở đầu đã “buồn cõi khác” rồi, đến lúc này càng buồn hơn khi “Vớt bóng thơ lên/ Giống bóng mình”. Đến lúc “tri thiên mệnh” Ta là “bóng” thì thơ của Ta cũng chỉ là “bóng” thôi. Hợp lý và logic trong suy luận giữa đời người và đời thơ. Có lẽ nỗi niềm này nảy sinh khi Ta gặp hồn thơ. Nhưng xem ra Ta lo nghĩ về bóng người bóng thơ của mình hơi sớm. Hãy nhìn xem Tế Hanh và Bích Khê đã về “cõi khác” từ rất rất lâu mà thơ của họ có trở thành “bóng thơ” đâu.
Có lẽ vì quá suy tư về sự mong manh đời người và đời thơ nên “bóng” lại xuất hiện trong thơ Ta: “Cõi này âm bản bóng thuyền trôi”. Lần này là “bóng thuyền”. Có phải là “bóng” của “Con thuyền ma” ở “cõi khác” mà “âm bản” là Ta ở “cõi này”? Nếu lấy sông Trà Bồng làm điểm gặp gỡ giữa Ta và Hồn thì “bóng thuyền” chỉ là ảnh ảo, dòng sông Trà Bồng mới là thật:
Trà Bồng giọt nước trong như lệ
“Nước trong như lệ”, lấy con người làm chuẩn để so sánh với thiên nhiên. Thủ pháp này không mới vì đã có “nhà thơ mới nhất trong các nhà Thơ Mới” là Xuân Diệu khai mở lâu rồi. Nhưng dù sao với cách nói này, Nguyễn Thánh Ngã phả vào sông Trà Bồng hồn người để sông cất tiếng: quê hương luôn thương tiếc nhớ nhung những người con đã về “cõi khác”.
Thật rồi lại hư, Trà Bồng “Sông bốc hơi/ Dòng sông cõi khác”. Trong không khí hư huyền đó, chủ thể trữ tình lại như nghe tiếng “Ngựa bay Tỳ Bà hành/ Vó khua Tỳ Bà hành”. Cặp câu thơ này có thể xem là lời “tổng hợp ý” về hai đối tượng trữ tình: Tế Hanh với “ngựa bay, vó khua”, Bích Khê với “Tỳ bà hành”. Ý tổng hợp này chuẩn bị cho lời kết:
Thương Bích Khê
Rồi thương Tế Hanh
Đôi dòng sông chảy trôi về nước
Mà nước thơ trôi lột xác chữ về trời…
Tế Hanh và Bích Khê đã về “cõi khác” thì đương nhiên chữ thơ của họ cũng “lột xác” bay “về trời”. Hồn thơ và hồn chữ bất tử. Hai câu thơ “Đôi dòng sông chảy trôi về nước/ Mà nước thơ trôi lột xác chữ về trời…” chính là những “Câu thơ hành hương/ Tứ thơ từ đường” mà Nguyễn Thánh Ngã dành thắp cho hai hồn thơ khi đứng Trước sông Trà Bồng cõi khác. Và, “thương” là tình cảm chủ đạo xuyên suốt bài thơ nhưng đến cuối cùng mới hiện lên trên con chữ, được xem như là lời chốt cho một tứ thơ.
“Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu/ Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng”. Đó là hiệu ứng “nghe hồn” người xưa của Tố Hữu. Còn Nguyễn Thánh Ngã “nghe hồn” Tế Hanh, Bích Khê không đến mức “xé lòng” nhưng cũng rất “nặng lòng” thương cảm, kính ngưỡng. Tác giả đã sẻ chia sức nặng tình cảm đó đến bạn đọc bằng nghệ thuật ngôn từ theo cách riêng của ông.
Lấy cảm hứng từ dòng sông Trà Bồng để thăng hoa cảm xúc, thi sĩ tạo nên trường liên tưởng: “Nước sông - nước thơ”; “Dòng sông - con thuyền - bóng thuyền - cánh buồm”. Thủ pháp này đã nối dài liên tưởng cho bạn đọc về dòng cảm xúc của chủ thể trữ tình cứ miên man chảy, về đối tượng trữ tình cứ miên viễn trong tâm trí người thơ. Ấn tượng hơn cả là cách kiến tạo không gian thơ. Hư - thực đan cài, vừa tạo không khí linh thiêng “cõi khác” vừa gây xúc cảm ngậm ngùi, thương tiếc, bâng khuâng “cõi này”. Mạch cảm xúc thi sĩ chảy theo triền tuyến tính bài thơ. Khi ngưng tụ, lúc tung tỏa theo sắp đặt những câu thơ ngắn - dài; tiết tấu nhanh - chậm, nhạc điệu bổng - trầm, điệp - đối… theo điệu hồn thi nhân: cảm khái, thao thiết. Tất cả đã làm nên hương sắc cho Trước sông Trà Bồng cõi khác tạo hiệu ứng thẩm mỹ và hiệu quả truyền dẫn cảm xúc đến với bạn đọc.
T.M