Cà Mau - Đi để nhớ
Vũ điệu ven rừng Cà Mau, tranh màu nước của Phan Hoàng
Tôi đến Cà Mau trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm kéo dài từ Nam chí Bắc, nhiệt độ ở vùng cực Nam này cũng không là ngoại lệ, nhiều đoạn kênh rạch khô nước, thậm chí có nơi còn trơ đáy. Nhưng ở nơi đây màu xanh vẫn còn hiện hữu ở khắp nơi, với những cánh rừng ngập mặn xanh ngát, trải dài tít tắp hai bên những dòng sông, con kênh làm cho tôi cảm thấy bầu không khí dịu đi phần nào.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cà Mau là cả một nỗi vất vả về giao thông, nhiều đoạn phải di chuyển qua phà (bắc) do chưa có các cây cầu lớn và đường cao tốc. Từ khi có đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Bến Lức, các cây cầu thay cho những chuyến phà sang sông đã rút ngắn thời gian di chuyển rất nhiều, chỉ khoảng 8 tiếng là đến nơi.
Một cảnh đẹp tại thắng cảnh hòn Đá Bạc.
Cà Mau nổi tiếng với hai loại cầu là “cầu khỉ” và “cầu cá vồ”. Cầu khỉ lắt lẻo nối liền những con kênh, rạch không dành cho người yếu thần kinh, không quen giữ thăng bằng và những ai hay chóng mặt. Đó là những cây cầu nhỏ bắc qua kênh, mương, rạch, có chiều dài chừng 5-10 mét, có khi dài tới 50 mét, suốt từ bờ rạch này sang bờ rạch kia. Còn “cầu cá vồ” từng là một phương tiện sinh hoạt cần thiết nhưng cũng không kém phần “kinh dị” ở Cà Mau. Người ta có thể không đi cầu khỉ, nhưng đi “cầu cá vồ” là phải đi chứ không thể nào từ chối vì vùng đất này, “đi cầu” tức là “đi vệ sinh”. Và sở dĩ gọi là “đi cầu” là bởi gắn với cầu cá vồ, sau này người ta hay gọi cá tra. Gọi là cá vồ có lẽ xuất phát từ hình ảnh chúng tranh nhau vồ “mồi”. Hai loại “cầu huyền thoại” đó giờ đây hầu như đã biến mất và chỉ còn trong hoài niệm. Hình ảnh đặc trưng của những cây cầu đó cũng gắn liền với chuyện “cơm áo gạo tiền”, của đời sống kinh tế bàng bạc bao đời của người dân miền Tây. Giờ đây những cây cầu đó đã trở thành dĩ vãng khi đi đâu ở vùng đất Mũi này cũng thấy cầu, những cây cầu bê tông kiên cố lớn nhỏ, xe ô tô có thể chạy thoải mái.
Ở Cà Mau có nhiều địa danh nổi tiếng, nhưng chắc chắn một điều là không thể bỏ qua một điểm đến “bắt buộc” là Mũi Cà Mau, nằm ở xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Đây là mảnh đất nhô ra phía Biển Đông ở cực Nam của Tổ quốc, mang một ý nghĩa thiêng liêng. Khi đến nơi này, du khách sẽ bị thu hút bởi vị trí đặc thù, nơi vừa có thể ngắm mặt trời mọc ở Biển Đông, vừa xem mặt trời lặn ở hướng Tây tại cùng một địa điểm trên đất liền. Đến với Đất Mũi, du khách còn được tham quan cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng tiểu cảnh panô hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió, con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Chạm tay vào mốc tọa độ và chụp hình bên biểu tượng Mũi Cà Mau, mỗi người càng cảm thấy tự hào khi đứng trên địa danh cuối cùng của Tổ quốc. Ngoài ra, du khách đến Đất Mũi còn có thể tham gia tour trải nghiệm xuyên rừng để khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn… Nơi mà “cây mắm đi trước, cây đước theo sau”. Những ngọn mắm từ bùn đất chui lên giữ đất, rồi tiếp sau là những rễ đước như hình mũi tên cắm sâu xuống bùn mọc lên thành cây, vây thành rừng...
Đến Cà Mau, sẽ thật là thiếu sót nếu không đến khu di tích hòn Đá Bạc. Đã vài lần đi Cà Mau nhưng lần này, tôi mới đi Hòn Đá Bạc tham quan. Hòn Đá Bạc là cụm đảo thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Người dân nơi đây gọi hòn Đá Bạc là “con mắt ngọc của miền Tây”, ngoài ngụ ý tôn vinh vẻ đẹp của đảo, danh xưng này còn có ý nghĩa như một con mắt tinh tường canh giữ một vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc. Hòn Đá Bạc bao gồm hòn Ông Ngộ, hòn Đá Bạc, hòn Đá Bạc Lẻ. Đỉnh cao nhất của hòn khoảng 50 mét so với mặt nước biển. Tuy không phải là một hòn đảo lớn nhưng hòn Đá Bạc rất thuận tiện cho các loại phương tiện khai thác biển vào neo đậu và tránh gió bão. Cùng với hòn Khoai, hòn Chuối, hòn Đá Bạc là một trong những cụm đảo có vị trí chiến lược về kinh tế - quốc phòng - an ninh trên vùng biển - đảo Cà Mau.
Một kỷ niệm đáng nhớ khi đến hòn Đá Bạc lần này là do chưa quen đường, trong khi “chị Gút gô mép” lại mỗi máy điện thoại chỉ một kiểu nên đi vòng vèo, chậm so với dự kiến gần 45 phút mặc dù khoảng cách từ thành phố Cà Mau đến hòn Đá Bạc chỉ là 50 km nhưng nhờ vậy mà mới thấy “Cà Mau sao nhiều cầu đến thế”! Một điều đặc biệt là sau bao ngày nắng nóng không một giọt mưa, đúng vào thời điểm chúng tôi đến hòn Đá Bạc, trời bỗng nổi cơn giông và trút xuống một trận mưa xối xả, để khi đến điểm tham quan thì mưa cũng vừa tạnh, làm cho cảnh sắc đẹp đến lạ thường, trời như trong xanh hơn khi hòa quyện với màu xanh của cây lá và biển khơi. Hòn Đá Bạc - như tên gọi của nó, xung quanh hòn, trên mặt nước, dưới đáy biển hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo thành nhiều hình dáng như có sự sắp đặt của con người. Đi trên hòn Đá Bạc, du khách bắt gặp bàn tay Tiên, dấu chân Tiên, giếng Tiên, bàn chân cọp. Trên đỉnh phía đông của hòn Đá Bạc có các tảng đá to và bề mặt khá rộng. Khoảng giữa hai mảng đá có khuyết một hố sâu giống như hình bàn chân. Tương truyền rằng, dấu bàn chân ấy là bàn chân Tiên, còn mảng đá này là sân Tiên. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địch đã chọn hòn Đá Bạc làm nơi đóng Trung đội pháo 105 ly để khống chế vùng căn cứ cách mạng Khánh Bình Tây và tuyến ven biển phía Tây Cà Mau. Đây còn là địa điểm diễn ra Chuyên án CM12, đánh bại âm mưu xâm nhập biên giới phá hoại của tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Ngày 22/6/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích hòn Đá Bạc - Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12 (09/9/1981- 09/9/1984) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Bộ Công an và tỉnh Cà Mau đã xây dựng Tượng đài chiến thắng CM12, Nhà truyền thống, đền thờ Bác Hồ tại khu di tích nổi tiếng này...
Đến Cà Mau không thể không nói đến “Người Cà Mau”. Thật lòng là phải thốt lên rằng “Người Cà Mau sao mà dễ thương đến thế”! Thấy xe của đoàn chạy “xà quần” trên đường đến di tích hòn Đá Bạc, nhiều đoạn, các cô bác, anh chị ở những ngôi nhà ven đường hoặc tình cờ lưu thông cùng đường đã tự giác đến giúp chỉ đường mà chưa đợi người trên xe bước xuống để hỏi. Xe chạy lên một chiếc cầu hơi hẹp, có một chị dù đã đi xe máy lên đến gần giữa cầu cũng vui vẻ quay đầu xe để nhường cho xe chở đoàn mà nét mặt không chút khó chịu. Quả thật là đi đến đâu cũng cảm nhận được rất rõ sự thân thiện, gần gũi của những người dân chân chất vùng Đất Mũi. Từ cô hướng dẫn viên có cái tên đẹp Cẩm Tiên ở khu du lịch Đất Mũi luôn nhiệt tình, xởi lởi, nhanh nhẹn và hài hước, chăm sóc chu đáo còn pha trò, chụp ảnh giúp và giới thiệu cuốn hút về Đất Mũi, đến những nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn mà đoàn ghé vào, tất cả đều toát lên sự chân thật, gần gũi. Ở Cà Mau chuyện mua bán không có nạn chặt chém, nói thách, kể cả ở những điểm tham quan du lịch. Bản tính chân chất, thật thà của người miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng theo cảm nhận của tôi vẫn còn được giữ gìn, không bị mai một hoặc biến đổi theo xu thế của cơ chế thị trường. Và đặc biệt những cô gái Cà Mau mà tôi bắt gặp ai cũng dễ thương và có làm da rất trắng.
Cuối cùng không thể không nhắc đến chuyện ẩm thực khi đến Đất Mũi. Những món ăn độc đáo, dân dã nhưng không làm thất vọng thực khách. Có lẽ do nắm bắt được khẩu vị, sở thích của du khách thập phương mà đa số các nhà hàng, quán ăn ở Cà Mau đã gia giảm độ ngọt (đường) của các món ăn, nên ai cũng cảm thấy ngon, tròn vị. Đến Cà Mau mà không ăn cua Cà Mau thì quả là thiếu sót, cua ở đây thịt thơm, chắc, ngon ngọt mà cua nơi khác ít có được như vậy. Rồi là cá Thòi lòi, một loại cá có thể vừa bơi, vừa bò, vừa leo trèo, mà cô hướng dẫn viên Cẩm Tiên nói vui là loại cá duy nhất bị muỗi chích. Đây là một loại hải sản đặc biệt mà “Mẹ thiên nhiên” đã dành tặng cho vùng cực Nam của Tổ quốc. Mặc dù có vẻ ngoài xấu xí nhưng thịt cá thòi lòi còn ngọt hơn cả cá lóc, cá chép… Để giữ lại hết được những tinh túy trong thịt cá, người dân Cà Mau thường áp dụng phương pháp nướng mọi hoặc nướng muối ớt. Cà Mau còn có các món ngon lạ khác như món ốc len xào dừa, lẩu cá hú, dưa bồn bồn, hủ tiếu mực và món Chuột đồng chiên sả ớt - đặc sản “tuyệt đỉnh công phu” ở mảnh đất này. Và bất cứ ai khi đã “lỡ” ăn món chuột đồng chiên sả ớt này thì sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt của nó.
Cà Mau - Mảnh đất “mũi tàu” của Tổ quốc đã, đang và sẽ luôn cuốn hút du khách và bạn bè gần xa bởi những nét độc đáo riêng của mình. Có thể nói, Cà Mau hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Cà Mau, ai đã một lần đến là một lần nhớ mãi, lắng đọng lại trong lòng những cảm nhận thật dễ chịu và không khỏi xao xuyến, bồi hồi khi chia tay mảnh đất thiêng liêng này của Tổ quốc.
D.H