Truyện ngắn của Mai Trần Mỹ Dung
Mai Trần Mỹ Dung hiện đang là học sinh lớp 11/9, trường THPT Nguyễn Trãi, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Mỹ Dung nhiều năm liền nằm trong đội tuyển học sinh giỏi văn cấp trường, cấp thành phố. Sáng tác văn học từ khá sớm, Mỹ Dung thường viết các thể loại như: truyện ngắn, tản văn và bút ký, đề tài em hướng đến là những câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình, về thành phố Đà Nẵng thân yêu và những cảm nhận của thế hệ trẻ về cuộc sống hôm nay. Mỹ Dung từng tham gia Trại sáng tác Văn học và Mỹ thuật thiếu nhi hè do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức, các truyện của em được đánh giá tốt về sự quan sát tinh tế và cách hành văn nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người đọc. Năm 2023, Mỹ Dung đạt giải Khuyến khích cuộc thi Văn học trẻ do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức với tản văn “Trên đồi chót vót có mây miên”.
Trong số này, Tạp chí Non Nước trân trọng giới thiệu hai truyện ngắn của Mỹ Dung là “Quán” và “Hạ còn buồn”.
HẠ CÒN BUỒN
Mấy hôm nay trời mưa giữa hạ tự dưng thèm me chua. Vài năm về trước tôi còn tự tay hái, giờ không còn nữa. Đợt bão họ đốn hết biết bao nhiêu là cây me, cả khu phố chỉ trụi lủi một màu: màu nắng vàng đâm xộc vào mắt. Đi ra ngoài lúc ban trưa phải nói là cực hình, chưa được nửa tiếng mà mồ hôi ướt sũng. Nhưng nếu nằm trong nhà nhìn ra ngoài cửa sổ và tận hưởng gió thổi hiu hiu, thấy bầu trời xanh xanh thì rất dễ chịu.
Sanh đi vào mùa hạ mấy năm trước, em không quay về nữa. Mọi thứ Sanh để lại chỉ là một dãy số mà tôi chưa từng nhấc máy gọi lần nào. Em ở phía bên kia đại dương cách nơi đây nửa vòng trái đất. Tôi hứa sẽ giữ liên lạc nhưng tôi không làm được. Em thuộc về mùa hạ, tôi không thể chối bỏ điều đó.
“Này Sanh, em có biết nắng màu gì không?”. Tôi khi còn trẻ bám víu lấy bờ vai em, ngước lên trời xem mây.
“Nắng có màu khi chị nắm lấy tay em chạy băng qua cánh đồng, lúc ấy em rất sợ bị mẹ phát hiện, rồi chị quay đầu và cười, bảo em đừng lo”.
Đó là một chiều nắng dịu. Gió luồn qua nách tai làm tóc mai phơ phất, em nói trong hân hoan như con chim nhỏ. Tôi sẽ nắm chặt tay em.
Nắng có màu vụng dại lấm tấm đan xen trên mắt môi em, chị hứa sẽ đem nắng về. Em ở yên đây đừng đi đâu nhé. Tôi dặn em ngồi chờ dưới một gốc cây phượng rồi chạy đi nhặt những cánh hoa rơi xung quanh.
Mùa hoa phượng.
Tôi không kinh ngạc khi phượng nở giữa nốt son tháng Sáu, tôi chỉ ngỡ ngàng nhận ra em của hạ đã về với nỗi buồn. Em ngồi im lìm, hai mắt nhắm chặt, tôi không biết là em khóc cho đến khi em mở mắt nhìn tôi.
Tôi còn biết nói gì đây? Em tôi.
“Em sẽ không bao giờ biết nắng có màu gì, em nói vậy chị đừng buồn”. Em tôi. Hạ bỏ quên nắng trong mắt em đỏ hoe.
Sanh khụt khịt rất khẽ, vươn tay ra cầm lấy những cánh phượng tôi nắm chặt đến nát vụn. Em tỉ mỉ đặt từng cánh hoa trên mu bàn tay. Tôi cúi xuống hôn lên chúng, ngây ngô và trìu mến tôi nhìn em rất thương. Giờ thì tôi biết nắng có màu của nước mắt.
Còn hai ngày nữa em phải theo mẹ sang Mỹ để trị liệu, Sanh bị bệnh mù màu. Căn bệnh bẩm sinh được phát hiện khi em mới học mẫu giáo trong một lần kiểm tra bài tập vẽ.
“Em sẽ trở về chứ?”.
“Có lẽ”.
“Em đi lâu không?”.
“Em không biết”.
“Một ngày nào đó, chị sẽ đem nắng về. Em tin chị, tin chị được không?”.
Tôi còn biết nói gì đây? Em đi rồi.
Tối đó tôi trằn trọc không sao ngủ được, tay lục lọi tìm mảnh giấy em đưa, tôi đếm từng con số rất chậm. Đêm tôi mơ thấy em về trong hân hoan, em thì thầm bảo mình biết nắng có màu gì rồi. Tôi không biết đó là mơ nhưng đáng lẽ ra tôi nên vui mới đúng, không hiểu vì lý do gì mà cổ họng lại nghẹn đắng như bị siết chặt lấy. Tôi cố hít thật sâu đến nỗi cả người căng lên như dây cung, chực chờ sắp vỡ tung ra một thứ gì đó. Có lẽ là nỗi buồn, vì tôi nhận ra mình khóc trong vô thức khi trên mặt lạnh toát, đưa tay lên sờ mới thấy nước mắt đã ướt đẫm. Tôi biết căn bệnh mù màu của em sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi được.
Mùa hạ vỡ đôi trong màu mắt em. Tôi nhớ những ngày Sanh trầm mặc ngồi bên cửa sổ. Em chỉ nhìn những ô màu trên bảng vẽ rất lâu và không làm gì. Đó là cách em vật lộn trong thế giới của chính mình. Sanh có một đôi mắt đẹp, tôi chỉ có thể nói vậy thôi. Tôi không biết diễn tả nó đẹp như thế nào và vì sao nó lại đẹp. Khi còn là một đứa trẻ, tôi nhận ra tình thương của mình dành cho em, chắc bởi vậy mà tôi thấy nó đẹp. Nhưng tôi không đủ dũng khí để nói với Sanh điều đó. Em cần nhiều hơn những lời yêu thương, tôi không cho em được nên tôi chỉ khiến bản thân trông thật thảm hại.
Mấy năm ròng rã trôi qua, mùa hạ khi ấy từng là con dao sắc lẹm cứa vào trái tim tôi giờ đã trở thành một nấc thang trong ký ức. Tôi đi lên những bậc cao hơn, vươn tới các đỉnh chọc trời, tôi đánh rơi thứ tình cảm mong manh ấy trong một chiều mùa hạ quá đỗi bình thường. Tôi phản bội lời thề của chính mình.
Hai năm về trước tôi gặp lại Sanh vào một lần dự đám tang của mẹ em. Tôi không biết phải đối mặt với Sanh thế nào khi nhận ra em trong dáng hình lung lay sắp đổ, đôi tay em gầy guộc và run rẩy bấu chặt lấy vạt áo. Em đã không còn là cô bé vụng về nhưng tỉ mỉ đặt từng cánh hoa lên mu bàn tay, coi chúng là những cánh bướm đậu lại và khẽ khàng rơi nước mắt khi tôi chợt quay lưng đi. Tôi ngậm trong cuống họng một dự định gì đó rồi tất cả chỉ hóa thành một tiếng than nhẹ. Thôi, chắc cũng là số phận.
Tôi chỉ đứng rất lâu trong một góc tối rồi đi về trước khi chạm mặt em. Mỗi người trong chúng ta đều có những lựa chọn của riêng mình. Tôi đã chạy trốn nắng đủ lâu và luôn nghĩ rằng mình chính là kẻ tội đồ. Nhưng giờ thì tôi biết trái tim này không còn đủ dũng khí để thổn thức vì mùa hạ năm ấy một lần nữa.
Có hàng nghìn hình dạng của nỗi buồn, những nỗi buồn chia ly, nỗi buồn sinh tử, nỗi buồn mồ côi. Còn tôi, tôi chỉ là một người lưu vong đến vùng đất tự trị của cảm xúc. Và nung chảy nỗi buồn thành một loại tinh thể lỏng, tôi cất trong lọ rồi hằng ngày nhấm nháp. Tôi chỉ mãi mềm yếu trong thành trì do chính mình dựng nên, và nỗi buồn của tôi là một mớ hỗn độn.
Ngày Sanh đi, em có ghé qua nhà nhưng tôi không xuất hiện. Hóa ra chừng ấy năm trời tôi vẫn luôn trốn chạy như một lẽ thường tình, tôi đã không nhận ra điều đó cho tới khi gặp lại em. Mùa hạ và em ruồng bỏ tôi rồi. Không, có lẽ tôi mới là người đã ruồng bỏ chính mình. Tôi hứa sẽ đem nắng về cho em nhưng rồi tôi chỉ giấu nhẹm nó cho bản thân. Sanh có tha thứ cho tôi không? Em tôi. Có những điều đôi khi tôi không thể nói thành lời, và những điều đôi khi tôi không làm được.
Sanh nhìn lướt qua bóng hình tôi chầm chậm mất hút trong vầng sáng chói mắt nhưng em không gọi lại. Sanh không yếu đuối như tôi, em là một cô gái mạnh mẽ. Sự ra đi của mẹ không khiến em bi lụy. Rồi em sẽ tìm được nắng của đời mình, tôi tin là vậy. Vì tôi cũng đang vật lộn trong thế giới của chính bản thân, tôi không biết ngày nắng sẽ tới nhưng tôi tin mình có thể đợi đến giây phút đó.
Hạ còn buồn và sẽ không bao giờ thôi cất chứa những nỗi buồn. Điều duy nhất tôi làm được là học cách trung thực với cảm xúc. Tôi không muốn tiếp tục sống trong những khung pha lê, và trái tim tôi không mỏng manh như tôi vẫn lầm tưởng.
QUÁN
Ba tôi là người bán thịt nướng. Cái khói than tuôn ra từ những vỉ nướng đốt lên đời ba. Lửa cháy hừng hực, âm ỉ và mạnh mẽ, lửa nuốt than đen mà tưởng chừng nuốt trọn cả hồn người. Mười mấy năm rồi tôi ngửi mùi khói ám vách mùng như một thói quen, quen với cái nóng ran trong cổ họng và những nhọc nhằn trên mắt môi ba.
Hồi tôi còn học mẫu giáo, ba tôi đi bốc vác thuê còn mẹ bán xôi ngoài chợ. Mỗi sáng ba chở tôi và em trai ra quán, ăn vội miếng xôi rồi đến nhà trẻ. Ký ức của một đứa bé không đủ để tôi hình dung được khung cảnh của cái nghèo, tôi quá nhỏ để biết nhà tôi nghèo và những gì tôi nhận được phải đánh đổi bằng cuộc đời của ba mẹ. Chỉ biết đêm đêm mẹ thì thầm với ba nào những hóa đơn tiền điện, tiền nước rồi nợ nần còn chưa trả.
Đến khi tôi lên cấp một, nhà tôi bán thịt nướng, cháo và đồ nhậu. Tiếng cốc ly chạm miệng đưa tôi vào giấc ngủ, những lần khách say xỉn rồi gây gổ, họ cầm dao lăm le đâm nhau còn chúng tôi như dân chạy nạn. Những ngày sống bấp bênh liên miên không dứt, gia đình tôi phải chuyển nhà bảy lần. Thời điểm khó khăn nhất, chúng tôi phải sống trong căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn hơn mười mét vuông.
Nhà tôi nghèo nhưng ba luôn đặt việc học của tôi lên hàng đầu, ba nói đừng để sau này thấy hối hận. Ba bán ước mơ của chính mình để nuôi ước mơ của tôi. Những năm tháng còn ngồi ghế nhà trường cũng là bốn mùa ba đứng đợi tôi tan học. Còn nhớ mãi một lần cô giáo dạy Văn từng tâm sự với tôi rằng cô thấy thương khi nhìn thấy những trưa hè nắng đỏ mắt và ba tôi bên con xe Dream cũ vẫn mòn mỏi ngóng theo cánh cổng trường học. Không dễ dàng để một người có thể hy sinh bản thân cho ai đó. Có một sự thật cay đắng rằng tôi biết mình sẽ không bao giờ có thể hy sinh cho ba như cái cách ba đã hy sinh cho tôi.
Cả cuộc đời ba chỉ quanh quẩn trong một vòng tròn. Ba đốt đời mình với những tảng than đen ngòm và nồng nặc sương khói. Nếm đủ cái khắc nghiệt của miền Trung, thời trai trẻ ba lên tận Gia Lai mong kiếm được chút ít tiền qua những mùa rẫy. Ba ra đi với hai bàn tay trắng, để rồi lúc trở về trong tay vẫn chỉ vỏn vẹn chừng ấy. Và đứa con, đến tận mười lăm năm sau, bây giờ mới biết ba mình đã quá nửa đời người.
Một buổi tối đi hái lá mơ (ăn kèm với thịt nướng), ba dẫm trúng mảnh vỡ thủy tinh, máu đổ lênh láng khắp cả sàn. Chỉ vì tiết kiệm chút tiền mua lá mơ mà ba vẫn thường tự đi hái vào những lúc ban trưa trời nắng như đổ lửa. Ba tôi mặc một chiếc áo tận mấy năm trời, ăn những món đạm bạc nhất, nửa đêm hì hục đi làm thêm ở những công trường để kiếm từng đồng bạc lẻ. Tất cả những điều từng làm cho tôi và cho gia đình, ba chưa từng kể. Đôi lúc tôi thấy mình vẫn còn thật bé, dường như chưa bao giờ tôi đủ lớn để có thể gánh vác thay ba.
Ba đọng lại trong ký ức tôi chỉ có sự lặng lẽ. Ba bước đi giữa dòng chảy của thời gian rồi để quên ven đường một giọt nước mắt. Ba không quay lại và không thể quay lại, vì phía trước là gia đình.
Có lần tôi đang cuộn mình trong chăn, ba đi tìm tôi thì không thấy đâu, mẹ chỉ vào một cục tròn tròn trên giường bảo là tôi ở trong đó. Ba ngạc nhiên hỏi sao nó bé thế. Đó là lần tôi thấy mình thật sự được bé, tôi thương tôi và ba lúc ấy kinh khủng. Ngày trước vì phải buôn bán đến tận khuya nên ba luôn nhắc tôi và em trai ngủ trước, nhưng mấy đứa nhóc chúng tôi sao có thể ngủ được. Tôi thường giả vờ ngủ quên trên giường ba mẹ để đến tận khuya khi dọn quán xong sẽ được ba bế về giường. Lúc đó tôi còn đủ bé để ba có thể bế, bây giờ thì tôi lớn rồi. Tôi lớn và biết cách tạo ra nỗi buồn không tình cờ, tôi lớn nhưng ba tôi buồn thêm.
Bây giờ là mười hai giờ đêm ngày 19 tháng 6, một phút trước là ngày 18 tháng 6, cũng là Ngày của ba. Mới hôm qua chúng tôi còn cãi nhau chỉ vì ba làm trái ý tôi. Suốt những tháng năm thơ bé, tôi từng làm ba buồn, từng khiến ba phải bật dậy lúc đêm khuya rồi lặng lẽ ngồi hút thuốc. Tuổi trẻ tôi rực rỡ trong đôi mắt dần lụi tàn của ba. Sẽ còn bao nhiêu năm nữa để tôi hoàn thành ước nguyện của ba và để tôi kịp trưởng thành?
Tôi biết lấy gì làm quà cho ba nếu mọi thứ trên đời tôi đều không mua nổi, tôi chỉ còn biết thương ba. Tôi thương ba và tôi thương mình kinh khủng, nhưng tôi cũng hay làm cả hai buồn lắm. Tuổi trẻ cho tôi cơ hội thứ hai, thứ ba, hàng ngàn lần. Tuổi trẻ trên mí mắt sáng trong chưa hề tan loãng, chưa từng, chưa lần nào. Nhưng ba tôi sẽ còn bao nhiêu “mười lăm năm” nữa?
Ba tôi là người bán thịt nướng. Ba nuôi tôi bằng khói và tôi lớn lên bởi lửa bén da ba chai sạn. Tôi đau và trân trọng những giọt mồ hôi và nước mắt ba đổ xuống. Rồi tôi sẽ biết cách thôi làm ba buồn, vì tôi thương ba hơn cả.
M.T.M.D