Chạm vào ký ức chiến tranh
Nhà văn Vũ Thị Hồng
Tôi đọc những trang văn của nhà văn Vũ Thị Hồng (Nguyễn Thị Bắc Hà) lúc đó tôi mới 20 tuổi, là người lính trong quân ngũ - cùng tuổi 20 khi chị vào chiến trường Khu V - khi đó chị đã làm Trưởng ban Công tác Phụ nữ Quân đội và biên tập sách văn học Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Khi về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, được nghe nhà văn Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Bảo kể về cô sinh viên khoa Văn tổng hợp có má lúm đồng tiền đang học năm ba; chỉ còn một năm nữa ra trường, tương lai đang mở rộng, mắt đang bị viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể, thị lực rất kém, nhất quyết trốn viện xin ra mặt trận dù gia đình đang trong hoàn cảnh đặc biệt, bố vừa mất trong trận bom Mỹ đánh vào phố Huế, 5 đứa em còn nhỏ dại. Bởi chỉ nguyên nhân duy nhất muốn trở thành người lính như mẹ.
Rồi những lần chị cùng văn nghệ sĩ kháng chiến về thăm chiến trường xưa, bao lần gặp chị, được nghe chị kể những câu chuyện của nhà văn mặc áo lính, khâm phục và quá đỗi tự hào, người lính thời bình đã quá ư vất vả, thời chiến thì không có giấy bút nào tả nỗi. Chị cho tôi xem bức ảnh được nhà báo Xuân Quang ở trên trận địa Liệt Kiểm (Hiệp Đức) chụp tháng 4 năm 1972. Cô gái nhỏ nhắn, cột hai bím tóc, nụ cười thật tươi đứng bên xác xe tăng của địch. Năm tiếng đồng hồ mới leo lên được đỉnh đồi, nhiệm vụ phải quay cảnh thực địa và thăm hỏi động viên chiến sĩ ở tổ chốt, hai bên đường đi địch cài mìn dày đặc, không khí sặc mùi khói súng và tử thi. Trời nắng nóng, không chỉ đe dọa tính mạng từ bom, đạn mà mùi tử thi không thể thở được, bộ đội ta phải bám trụ hàng tháng trời...
Cả thời thanh xuân chị gắn với chiến trường, phục vụ trong quân đội cho nghiệp văn chương. Chị tâm sự, chồng chị đại tá, nhà văn Chu Lai (mọi người hay lầm tưởng là anh từng sống và chiến đấu ở chiến trường, vì bút danh Chu Lai). Nhà văn Chu Lai luôn động viên chị “Cứ viết đi, viết về chính mình…” dành thời gian cùng nhau thăm lại chiến trường xưa. Nhờ lời động viên đó, chị vừa ra mắt tập truyện ký “Chạm vào ký ức”, kể về cô bộ đội có tên Thục và đồng đội của chị ở chiến trường Khu V.
“Chết thì cũng chết cho xứng đáng”
Đó là thời gian chuẩn bị cho cuộc hành quân trường kỳ gian khổ đi B, những ngày huấn luyện ở trường 105, mỗi người lính đeo vác trên vai 14, 15 viên gạch. Mỗi viên gạch nặng 1,5kg. Đôi vai trợt da, những đôi chân phồng rộp. Ngày 16 tháng 4 năm 1970 đoàn xuất phát đi Khu V, hơn hai tháng trời ba lô trĩu vai hành quân trên con đường mòn chênh vênh, hiểm trở, vách núi Trường Sơn - có lúc con đường bé tẹo chỉ đủ đặt bàn chân, chỉ một cái trẹo chân là rơi xuống vực. Các chàng lính trẻ phải thốt lên rằng: “Trời ơi, em ấy điên rồi, xinh tươi thế kia mà vào mặt trận. Thật phí đời”. Có lẽ do không tin cô gái mảnh mai nói trên có thể dũng cảm can trường, chịu hy sinh gian khổ nơi chiến trường ác liệt; giỏi lắm chỉ dăm bữa nửa tháng là bỏ về, nên ngày chị lên đường vào Nam, cả lớp không một ai đến chào tạm biệt.
Lội bộ vượt qua hơn một ngàn cây số đường Trường Sơn từ làng Ho (Quảng Bình) vào đến địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cô gái nổi tiếng bướng bỉnh và can đảm đã sống những ngày kỳ lạ ấy và không hề có chút đề phòng nguy hiểm có thể dội xuống bất kỳ, đào hầm, dựng lán, làm rẫy, đi gùi gạo dưới những trận phục kích bất ngờ của đối phương…
Tháng 9 năm 1971, chị được chuyển về làm phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng Trung Trung Bộ, cùng đơn vị với các nhà văn Nguyên Ngọc, Thái Bá Lợi, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh, Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Hồng… trong đơn vị ấy, vẫn chỉ mình chị là con gái.
Chị luôn thể hiện sự bình đẳng, không để ai khinh thường mình, có lần chị cùng ba đồng chí trong đơn vị thành một tổ đi lấy gạo. Các anh vác 40 kg gạo, chị cũng vác đủ 40 kg. Hơn thế, chị còn đeo thêm gô cơm đủ suất ăn cho mấy người. Chuyến đi lấy gạo những tưởng chỉ ba ngày là về đơn vị, nhưng giữa đường gặp mưa, lũ, mấy anh em phải dừng lại dựng lán trú mưa, đợi lũ qua. Lương thực mang theo ăn đã hết. Gạo đầy ba lô nhưng anh em kiên quyết không ăn vào khẩu phần lương thực của đơn vị. Cái đói làm gan ruột cồn cào, hoa mắt, bủn rủn chân tay, theo phản xạ tự nhiên, bản năng của sự sinh tồn, tất cả những gì chị cảm thấy có thể ăn được, nhai được, chị hái lá dương xỉ non, lá lốt, củ nần, củ chóc để cầm cự, cứ ba ngày nghỉ một ngày theo bước chân đường mòn người đi trước để lại, cuối cùng chị cũng tới đích - Khu ủy Khu V. Chị bảo, trong ba lô của chị, luôn có cuốn sách “Bông hồng vàng” của Pauxtốpxki, “Chiến tranh và hòa bình” của Lép Tônxtôi chính là động lực để chị vượt qua tất cả.
Sống chan hòa, gắn bó, chia sẻ gian khổ, hiểm nguy với các chiến sĩ và khi cần, chị cùng anh em cầm súng xông lên, như một người lính thực thụ. Cô gái nhỏ nhắn vác trên mình chiếc ba lô nặng trĩu ngót nửa tạ gồm quần áo, chăn màn, lương thực, thuốc men… lặng lẽ leo dốc cao hàng ngàn mét, xuyên qua trận mưa bom B52 rải thảm; cơn sốt rét rừng khiến khớp chân đau buốt, mềm nhũn không thể gượng dậy, nhưng chị vẫn cố hát khúc dân ca quan họ “Người ơi người ở đừng về” giữa chiến trường ác liệt đạn bom đã lay động lòng người, thúc giục, động viên người lính ra trận.
Ngày mai tôi sẽ ra trận!
Nhiệm vụ của nhà văn, nhà báo ra mặt trận là chứng kiến, là thu thập tài liệu để viết. Vì vậy, chị không bao giờ chịu ở trên trung đoàn mà chị xuống thẳng đại đội. Bởi, những con người dũng cảm, những nhân vật anh hùng gần như đều ở mũi này và họ sẽ là người ngã xuống đầu tiên. Chiến trường lửa đạn. Mỗi giây phút bên nhau thiêng liêng quý giá biết nhường nào. Những chuyến đi, những trận đánh, chị tập viết về phóng sự, gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, trong đó có những chuyện khó nói của người con gái ở chiến trường.
Nhà văn Vũ Thị Hồng và chồng - nhà văn chu Lai
Bị sốt rét ác tính, nhưng chị giấu đơn vị để được đi cùng Trung đoàn 31 - Trung đoàn chủ lực của F711, có nhiệm vụ đánh trận mở màn cho chiến dịch mùa Xuân năm 1972. “Lo và vui. Lo phải đi một mình, phải đối đầu với những thử thách khốc liệt của chiến tranh. Còn vui vì mình sẽ thực sự được sống cuộc sống của người chiến sĩ nơi mặt trận, được cùng ăn, được cùng ở, cùng cầm súng chiến đấu như họ…”. Nhiều lần quần nhau với địch ở vùng “da báo”, cô bé Hồng đeo súng lục, vai khoác súng AK, chạy băng qua cánh đồng về chốt trong tầm ngắm của kẻ thù. Đạn pháo cối đanh trời, chị nằm bẹp xuống cỏ. Đạn xuyên thủng ba lô qua mấy lần áo và nằm lại trên da. Cái mũ có tên Bắc Hà văng xa mất tích. Một đơn vị bộ đội hành quân đã nhặt được, thế là tin nữ nhà báo Bắc Hà hy sinh loan nhanh khắp vùng… thực ra, ba lô trên vai đã cứu chị.
Những lần theo chân Trung đoàn 38 đánh vào quận lỵ Quế Sơn, lăm lăm súng AK giữa đội hình chiến đấu, tay nhuộm máu đồng đội vừa ngã xuống, đôi lần chết hụt khi chiếc ba lô đã cản đường đi của viên đạn, xé toạc tấm áo và găm sẹo chằng chịt trên cánh tay mềm mại. Cái áo nâu cổ hình trái tim, kỷ niệm của một người bạn gái cùng vào chiến trường. Lần chết hụt ấy đã làm chiếc áo ướt đẫm máu và rách toạc một ống tay. Chiếc áo, kỷ vật một thời lửa đạn vẫn được chị cất giữ như một báu vật - mãi nhớ về thời hoa đỏ ở Đất Quảng.
Chuyến đi tải gạo ấy, mười ngày sau chị mới về đến cơ quan. Trong mười ngày ấy, đúng kỳ chị “chịu tội… con gái” lặng lẽ, thụt lùi tít sau cùng. Các anh hỏi tại sao? Các anh đâu có biết chị không muốn các anh nhìn những vệt máu loang trong nước, chị xấu hổ. Và ngửi thấy mùi tanh của máu, họ hàng nhà vắt sẽ kéo hàng đàn bám theo các anh. “Buổi chiều chạng vạng, mình tranh thủ ra suối tắm. Tìm được một vũng nước nhỏ khuất sau một bụi cây khô, mình tắm vội vàng, không dám trút bỏ quần áo. Mình sợ nhất lúc đang thay đồ lại dính một đợt pháo bầy hay một loạt bom của địch. Buồn cười thật”. Chết không sợ mà lại sợ cái cảnh thân xác bị phơi bày trước mặt mọi người. Lúc này chỉ muốn có một cô bạn gái đồng hành để cùng nhau chia sẻ những khó khăn, rắc rối trong sinh hoạt hàng ngày”.
Chứng kiến Tiểu đoàn Bà Thao - Tiểu đoàn vận tải nữ 232 làm nhiệm vụ gùi hàng, cõng thương binh, mở đường và chống lầy cho ô tô mới thấm thía nỗi gian truân, sự hy sinh của họ “Chiến tranh khắc nghiệt, bom đạn hủy diệt, sốt rét bệnh tật liên miên đã làm cho nhiều cô gái thay đổi hình thể như đàn ông: tóc rụng cả mảng, mất máu dẫn đến tắt kinh, ngực phẳng lì…”. “Sáng nay cậu Vinh, trợ lý chính sách nhờ mình kiểm tra, sắp xếp di vật của các liệt sĩ hy sinh từ đầu mùa chiến dịch tới nay. Run rẩy cả người trước sự mất mát quá lớn. Mình phải ghi chép lại tỉ mỉ họ tên, tuổi, đơn vị, ngày giờ hy sinh và di vật liệt sĩ để lại. Có gì đâu ngoài mấy cuốn sổ ghi chép, thư từ, ảnh người thân, bút máy, bật lửa, có người còn giữ được mấy đồng tiền Bắc làm kỷ niệm… Gia tài người lính chỉ có vậy. Đọc những dòng ghi chép vội vã giữa hai trận đánh; những trang thư chưa kịp gửi cho mẹ, cho vợ con của họ mà mình không sao cầm được nước mắt”…
Chị gặp những người dân kiên cường bám trụ, khi chị theo chân các chiến sĩ Trung đoàn 31, trong chiến dịch Xuân - Hè 1972, đây là địa bàn địch cài răng lược, cực kỳ nguy hiểm, những người dân như thím Thường cùng bầy con bám đất, giữ làng “Nhà tau đây, tau chạy đi mô, mẹ con tau đi, bọn bây về ở với ai, từ trên núi Hòn tàu, gửi gắm thương binh, móc nối những người mua hàng chuyển về cứ”.
Ta bắt gặp hình ảnh nhà văn Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Bá Thâm, Vũ Phong Tạo, Ngân Vịnh, phóng viên ảnh Xuân Quang và Nguyễn Bảo người bạn đồng khóa 12, cùng vào chiến trường, cùng nhập ngũ… hay người lính “đồng hương” nào đó cần hơi ấm phụ nữ giữa chiến trường… họ đã sống làm việc và hy sinh thật bi hùng trên mảnh đất trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ.
Không cường điệu hóa các chi tiết, không gồng mình xây dựng những hình tượng xa rời thực tế, không sa đà kể lể chiến công, không tránh né tổn thất, mặt trái của chiến tranh, chị chỉ mong muốn rằng: “Tôi may mắn được trở về bình an nên thấy có nghĩa vụ phải trả các ‘món nợ’ cho cuộc đời này: trả nợ một người dân cho ở nhờ trong đêm lạc đơn vị, trả nợ người đồng chí trút hơi thở cuối cùng trên tay mình, trả nợ bà má đã nấu bữa cơm cứu đói, trả nợ đồng bào thân thương đã đùm bọc che chở cho chúng tôi vượt qua những giây phút sinh tử”.
H.A