Lắng nghe, lắng nghe…Thanh Quế
Nhà thơ Thanh Quế phát biểu tại Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Non Nước năm 2018.
Thanh Quế tên thật Phan Thanh Quế, sinh ngày 26-2-1945 tại An Chấn, Tuy An, Phú Yên. Hiện sống tại Đà Nẵng. Tôi quen Thanh Quế khoảng giữa thập niên 60 thế kỷ trước, ở nhà Trúc Thông. Hai anh cùng học trường Đại học Tổng hợp. Thanh Quế khoa sử, Trúc Thông khoa văn. Chúng tôi hồi ấy mới có thơ đăng báo được vài ba năm, ít biết nhau. Trúc Thông yêu cái trong trẻo manh nha của cảm xúc Thanh Quế ngay từ dạo ấy. Anh giới thiệu trước với tôi về thơ Quế. Tôi nhớ hai câu. Hai câu chơ vơ mà nhớ mãi:
Đàn mình kẻ khác cầm dây
Nặng tay gào thét nhẹ tay khóc thầm
Có điều không thấy Thanh Quế đưa cặp lục bát này vào bài thơ nào. Hay tôi chưa đọc hết thơ anh. Có lần trò chuyện tôi đọc lại. Quế lắng nghe nhưng chỉ lặng im. Một chú bé quê Phú Yên, mới 10 tuổi đã tập kết ra Bắc, được toàn xã hội nâng niu nuôi dưỡng, nay mới ở tuổi ngoài hai mươi đang là sinh viên Hà Nội, mà có câu thơ đầy thân phận thế, cũng là sự lạ. Tôi có ý muốn biết thêm xuất xứ câu thơ. Thấy anh không nói. Tôi không dám hỏi sợ chạm vào một kỷ niệm buồn.
Thanh Quế vốn ít nói. Anh không phải người say chuyện nhưng rất ân cần. Ân cần trong sự im lặng nhìn bạn và nghe. Xong đại học, Thanh Quế trở lại quê hương, chiến trường khu V, ác liệt nhất thời kháng chiến chống Mỹ. Thống nhất đất nước, tôi có thoáng được gặp anh ở các cuộc họp, không trò chuyện dài được. Tôi biết về những ngày anh sống ở chiến trường là do đọc. Những mẫu hồi ký chiến tranh của bạn bè và đôi khi của chính anh, tôi dần dần biết thêm những gì anh đã chịu đựng. Thương bạn vô cùng. Chiến đấu ngay trên quê hương, có lần anh ghé được về nhà, có nỗi mong được thấy cô em gái, ngày anh ra Bắc, anh 10 tuổi, hẳn em chỉ trong tuổi mẫu giáo. Nhưng cô em đã lên rừmg tham gia chiến đấu. Về lại chiến khu, anh để tâm tìm em. Lần mò mãi đến được đơn vị em, thì em lại đi công tác. Lần sau anh đến, em đã hi sinh. Tôi hình dung nỗi đau của bạn. Xa xót quá. Mỗi khi vào Đà Nẵng, tôi đều tìm thăm Thanh Quế. Có khi phải tìm trong bệnh viện. Năm ngoái, 2022, gặp nhau trong một hội nghị mấy ngày, Quế có yếu hơn trước, có buổi anh vắng. Tôi đã đọc tập tuyển Thơ Thanh Quế, xuất bản 2008, 80 bài. Thanh Quế viết cả thơ lẫn văn xuôi nên riêng thơ anh không nhiều. Khi tuyển anh lại kỹ tính. Những bài sau 2008 in rải trong các tập sau. Tập gần đây nhất, có tính chất một tập tuyển cho chặng thơ ở thế kỷ XXI, 2000-2022, tập Sự chuyển động gồm những bài anh viết sau khi có quốc sách Đổi Mới. Hai chặng thì vẫn một Thanh Quế, khác chăng chỉ là mức độ bộc lộ.
Thơ Thanh Quế là thơ thương người. Thậm chí biết Nó lừa mình, thì phải nghĩ kiểu nào để vẫn thương được Nó. Người như thế thì đáng gọi là nó nhưng tôi xin được viết hoa, cho đúng tinh thần thơ Thanh Quế. Lần ấy, một cô nàng giả ốm yếu xin giúp đỡ, anh và bè bạn phát hiện ra, không biết đã cho gì, nhưng thơ viết Xin mời cô đi thôi. Và rồi:
Người ăn xin đã xa
Lại vui cùng bè bạn
Bỗng thấy buồn vô hạn
Có gì nhói ở tim…
Thì người ăn xin giả
Cũng là người ăn xin
Thơ như tự thú. Câu chữ thật thà, không thể trốn vào kỹ xảo chữ nghĩa nào để tránh mặt. Thanh Quế có một lối tư duy thơ như truy kích. Anh truy kích chính anh, vào tận lõi tâm hồn, tận lõi cảm xúc, để phân phải trái. Nhỏ nhẹ, trong veo nhưng đến đích. không nửa vời. Già nửa thế kỷ cầm bút vẫn giữ một khuynh hướng viết ấy là một phẩm chất tâm hồn và cũng là một phẩm chất nghệ thuật. Người ta ngửa tay trước mặt mình xin bố thí, dù với một lý do không thực, thì cũng là một nỗi khổ tâm lắm chứ. Thì người ăn xin giả/ Cũng là người ăn xin. Cách nghĩ đơn giản thế mà áp dụng được, đủ nâng thêm một cấp độ làm người. Đằng sau câu thơ ấy là cả một phương châm xử thế sâu thẳm.
Thanh Quế ít nói nhưng cả nghĩ. Với thơ, anh có những mảng đề tài gợi nghĩ ngợi thường trực trong tâm trí. Đấy là tình quê hương, tình gia đình, tình với những người ở thế yếu trong xã hội. Nghĩ để giải thích tình cảm của mình cho chính mình. Ở chỗ người ta bỏ qua, cho là một sự đương nhiên “trời sinh ra thế” thì anh tìm cho ra lý do. Đấy là cách tìm thơ của nhà thơ và cũng là cách lặn sâu hơn vào cuộc đời của lòng lương thiện. Làm sao mà anh cứ nôn nao tâm trí như ân hận, như mắc nợ, hoặc ứa nước mắt mỗi khi nhớ đến cái làng nghèo Phú Thanh của tỉnh Phú Yên, nơi sinh anh: dăm gốc bàng, một cây đa, nhiều đụn cát? Làm sao mà với thành phố Tuy Hòa, cát xào xạo mái tôn, năm ba người gồng gánh mà lòng anh không dứt ra được? Những câu hỏi liên tiếp và âm thầm rung động trong lòng anh. Có khi anh trả lời được, đúng hơn là gần như trả lời được. Nhưng nhiều hơn là không, anh không giải thích được. Nhưng không sao, ở đây, nêu được ra câu hỏi, nêu được những nghịch lý của hiện thực tâm trạng ấy đã là một cách trả lời. Ở bài Người về hưu, Thanh Quế khảo sát tâm lý một ông về hưu, vào cái ngày ông giã biệt cơ quan một đời gắn bó. Ngày mai không đến đây nữa. Giọng thơ thảng thốt, mình tự ngạc nhiên với lòng mình. Người đọc nhận ra đây là tâm sự của chính tác giả. Hay dở cái phút chần chừ, lưu luyến ấy? Tùy người phán xét, anh chỉ thành thật lắng nghe mình và can đảm ghi lại. Thành công thơ ở đây là lưu được chứng tích của nỗi lòng con người lương thiện sau một chặng đời tận tụy, cần lao. Bài thơ không có sự kiện gì mà đọc xong chúng ta cũng lặng lẽ ứa nước mắt chia sẻ cùng ông:
Đội mũ lên, ông bước ra khỏi cửa
Giữa cái nhìn ngơ ngác của mọi người
Ông đứng ngay hành lang òa khóc
Òa khóc ngoài hành lang, bên ngoài cái không gian thân thuộc rồi. Ngoài chứ chưa xa. Chưa xa mà đã không nén được: òa khóc. Ghi lại được nỗi lòng này, và hiểu được những giọt nước mắt ấy cũng là một cách nâng cao thêm một cấp làm người. Đọc thơ Thanh Quế nên đọc bằng sự thành kính phân thân của ông mục sư nghe con chiên xưng tội. Thanh Quế làm thơ như tự thú mà ta đọc chỉ lấy lượng thông tin thì không nhập được vào Thanh Quế. Chính anh đã thưa trong bài thơ dài Giãi bày, hai câu kết:
Những gì của đời tôi, tôi trải lòng ra hết
Chỉ có vậy thôi, chỉ vậy, thật tình.
Phương pháp sáng tác, cổ kim có nhiều, trải lòng ra hết là một cách, mà trải lòng nhưng không trải hết cũng là một cách, mà giấu mình cũng là một cách khác. Tùy người và cũng tùy thời. Có lúc cả ba cách cùng tồn tại. Ngay các cụ cổ điển, vốn ưa quy phạm, ước lệ, ngại tiết lộ mình nhưng Cao Bá Quát hay Trần Tế Xương có giấu gì chuyện riêng tư. Dám thật cũng là một bản lĩnh. Và cũng chính từ đặc điểm này mà những bài thơ về tình cảm gia đình của cụ Cao, cụ Trần chân thật, thấm thía biết bao. Thanh Quế cũng có lợi thế ấy. Tình cảm gia đình vốn là một mảng đề tài lớn của thơ nhiều thời Tình gia thất nào ai chẳng có (Chinh phụ ngâm). Ở nước ta, hơn một thế kỷ chiến tranh giành độc lập dân tộc, tình nhà có lúc phải nén lại để toàn tâm lo việc nước. Nhưng ngay sau chiến tranh đề tài này nhanh chóng được lấp đầy. Và cũng nhanh chóng có nhiều tác phẩm hay. Thanh Quế cũng lặng lẽ góp phần vào thành công ấy. Chắc cũng như nhiều bạn viết, ở mảng đề tài này, Thanh Quế cũng “tự phát” mà viết, không có đơn đặt hàng của báo chí hay nhà xuất bản. Nhớ cha, Chúng con chưa quen việc ba đã ra đi, thương mẹ Buổi trưa một mình má trước mâm cơm/ Những ngọn gió khuya ngoài trời hun hút/ Má ho khan, ai đưa bát nước gừng, thì viết. Viết như để trò chuyện, như được giải bày. Thơ thật lắm, thật về tình, thật về cảnh, thật cả trong lời ăn tiếng nói. Tiếng nói trong nhà, giữa những người thân yêu nhất. Bạn đọc chúng ta, dù kính cẩn, trân trọng, ngừng hơi thở lại để lắng nghe, thì vẫn chỉ là người nghe ké. Hiểu được đến đâu thì hiểu, đừng hỏi thêm. Không gian đối thoại của Quế ở đây thuần khiết lắm, trong veo và thiêng liêng lắm. Hình như anh không tính đến ngay cả nghệ thuật thơ. Nhưng anh phải nghe cho ra điều mong ước nhất của lòng anh đối với song thân, với người vợ sương nắng cùng anh, rồi với con, với cháu. Thơ mà như lời nguyện, lời than. Thảng thốt cất lên, thảng thốt im bặt. Đây một bài, sáu câu. Chưa đủ để thành bài thơ, nhưng đủ để thấy một nỗi lòng:
Nghe mưa rơi ngoài cửa sổ
Sao nhớ các em, nhớ má
Lòng tôi thật nặng thật buồn
Lâu rồi chưa về quê hương
Nước mắt đẫm trong giấc ngủ
Thấy mình chia tay bạn cũ…
Bài thơ kết thúc bằng ba chấm lửng nghĩa là nó vẫn đang còn, tác giả chưa ghi cả ngày tháng viết. Nó là một nỗi lòng để ngỏ, cho ta gặp đúng một Thanh Quế trong đời, chứ không phải chỉ trong thơ (thơ về gia đình mà cứ giữ kẽ “quan trên trông xuống người ta trông vào” thì thường không đạt). Bây giờ, ngoài thất thập, ông níu lấy cháu, cháu nội cháu ngoại, năm đứa, tên gọi trong nhà nghe thân lắm: Lá, Cây, Cỏ, Rơm, Mầm. Thơ về cháu đang là nhiều nhất ở ông già này.
Độ mươi năm nay thơ Thanh Quế bắt đầu nói tới bến ga cuối của chuyến tàu đời. Cũng là tự nhiên thôi. Với nó, cũng trước lạ sau quen. Không đợi nước đến chân mới nhảy. Ông ướm thử: năm 2009, thấy mình như đã ở phòng đợi và ý thức Bên kia sau cánh cửa này/ Là căn phòng vĩnh cửu. Lần lượt vào, không thấy ai ra. Mà lạ, chỉ xếp hàng vào mà cũng chí chóe. Năm 2014, tiến thêm một nấc nữa, gần hơn, ông hình dung: trên báo Văn nghệ/ Một dòng chữ đen/ “Vô cùng thương tiếc nhà thơ Thanh Quế”. Viết về tang lễ mình. Không có gì để hớn hở nhưng hài lòng: Đời chúng ta chỉ vậy thôi/ Thật là thỏa nguyện. Đấy là cái hài lòng của trí tuệ, trí tuệ nắm quy luật, tuân theo quy luật để chủ động. So với bài thơ 26 năm trước, Thanh Quế chơi trò giả chết với hai con, Thi và Hoàng. Hai đứa nhỏ khóc toáng. Ông bố cũng phát hoảng, cơn hoảng đầy cảm tính, vì đã ai chuẩn bị, biến cố ấy còn ở tương lai xa. Bây giờ nó ở ngay bên kia bờ rào thời gian này thôi. Thơ Thanh Quế ngày càng gọn, chắc, thiết thực là vậy. Ông tránh mọi kiểu bàn cao nói rộng để đạt một hàm súc, khả thi. Đó là một đức tính cần thiết, không chỉ cho thơ, mà cho cả xã hội ta hiện nay.
Trang đầu tập thơ vừa xuất bản Sự chuyển động, Thanh Quế, trong Lời thưa trước, có cho biết từ năm 1980, ông đã chủ động thay đổi bút pháp, và đến năm 2000 sự thay đổi ấy đã cho kết quả rõ rệt: sự khác biệt về đề tài, về cách biểu hiện. Khi soạn tập thơ mới đưa in, ông cũng đã tách thành hai dòng: mới và cũ. Có lẽ ông muốn giúp bạn đọc thấy rõ ưu việt của sự cải tiến. Dù ông cũng thấy khó mà phân tách rành mạch được. Tôi là bạn đọc thấy rõ bước tiến của thơ ông trong việc tìm vào chất thơ cốt lõi nơi tâm hồn con người, tước bỏ những trang trí, dù đẹp và khéo léo, để tiến đến những tình cảm lão thực, thấm thía, sâu nặng nhân tình. Nhưng có cần tách bạch như ông nói không. Thơ thay đổi, cố nhiên nằm trong ý định tác giả, trong yêu cầu của toàn xã hội “đổi mới tư duy” nhưng cũng trong quy luật phát triển nội tại của chính thơ nữa chứ. Mạch thơ lấy chiêm nghiệm làm cốt lõi như ở Thanh Quế cũng thường vận động theo quy luật: chiêm nghiệm càng dài thì thơ càng ngắn lại, các thuyết minh phụ trợ tự rơi rụng mà sức thuyết phục lại càng cao. Nghĩa là những phát triển của thơ anh vốn là một quá trình liên thông từ chặng trước sang chặng sau và có tính tiệm tiến. Tách bạch ra một cách cơ học e làm rối cảm thụ của bạn đọc, có khi chặng nọ lại triệt tiêu thành tựu của chặng kia. Chặng sau khái quát rộng, tác động vào nhận thức mạnh. Chặng trước có sức mê đắm trong thể phách câu chữ, âm điệu, nhịp điệu. Cứ để nó tự nhiên chan hòa vào nhau, tạo nên những ngả rẽ kỳ thú cho người thưởng thức. Tội gì lại nhốt chúng vào từng ô kéo rồi dán nhãn ra ngoài. Những bài như Thăm chồng, Trước nhà em sông Vu Gia… cộng hưởng với những Tại sao anh chẳng nói. Khi người khác… càng thật sự tạo nên sức âm vang Thanh Quế chứ sao.
V.Q.P