Về một người “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” - Bùi Văn Tiếng
Hồi nhỏ học thơ Cao Bá Quát, tôi thường hình dung ông là một nhà thơ có tài và ngang tàng không biết sợ ai. Tài thơ Cao Bá Quát thì rõ rồi, còn ngang tàng không biết sợ ai cũng dễ thấy qua các giai thoại Cao Bá Quát dám “chơi trội” cả đấng quân vương quyền lực tối cao tối thượng. Có lúc tôi nghĩ ông này sĩ phu Bắc Hà mà sao ngang ngang giống dân Quảng Nam hay cãi… Những tưởng con người ngang ngang ấy sẽ không bao giờ biết cúi đầu, nhưng lớn lên có lần đọc thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, tôi mới biết mình nhầm. Hóa ra Cao Bá Quát dọc ngang nào biết trên đầu có ai (Nguyễn Du - Truyện Kiều) vẫn có lúc phải cúi đầu.
Về chuyện Cao Bá Quát cúi đầu, có người nghĩ ngay đến hình ảnh ông cúi đầu trước hoa mai, cũng là cúi đầu trước cái Đẹp. Bằng chứng là sinh thời nhà thơ Phạm Tiến Duật từng lấy câu đối Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa - Xuôi ngược mười năm tìm kiếm cổ/ Một đời chỉ cúi trước hoa mai làm đề từ cho bài thơ Cây mai trắng trong phòng tổng biên tập và/vì tin chắc đây là câu đối của Cao Bá Quát . Nhưng đây là một ngộ nhận về bản quyền và dường như không chỉ có tác giả Bài thơ về tiểu đội xe không kính ngộ nhận như vậy. Thực ra câu đối này có xuất xứ Trung Quốc, do Tri phủ Hán Dương tỉnh Hồ Bắc Ngải Tuấn Mỹ tặng phó chánh sứ Nguyễn Tư Giản khi tiếp đoàn sứ thần Đại Nam đi sứ sang Trung Quốc vào năm 1868.
Có điều những người luôn nghĩ câu đối Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa ấy là của Cao Bá Quát không hề nhầm lẫn khi cho rằng ông vẫn thường đê thủ/ cúi đầu bái lạy trước cái Đẹp. Chẳng hạn Cao Bá Quát là nhà thơ Việt Nam đầu tiên đưa vào bài thơ Dương phụ hành hình ảnh một mỹ nhân phương Tây: Tây Dương thiếu phụ y như tuyết/ Độc bằng lang kiên toạ thanh nguyệt/ Khước vọng Nam thuyền đăng hoả minh/ Bả duệ nam nam hướng lang thuyết/ Nhất uyển đề hồ thủ lãn trì/ Dạ hàn vô ná hải phong xuy/ Phiên thân cánh thiến lang phù khởi/ Khởi thức Nam nhân hữu biệt ly! Khoảnh khắc cô đơn nơi bến cảng Singapore năm xưa, Cao Bá Quát nhìn thấy hai người nước ngoài một nam một nữ, và chắc cả hai người họ cũng đang nhìn thấy ông. Nhưng nhà thơ chỉ đặc tả người đẹp, nào là cô ấy mặc áo trắng, nào là cô ấy tựa vào vai chồng, nào là cô ấy nũng nịu đòi chồng đỡ dậy, nào là cô ấy cầm cốc sữa một cách hững hờ… Rõ ràng ông đang đê thủ/cúi đầu trước cái Đẹp không dễ thấy ở quê nhà. Không sững sờ mê đắm cái Đẹp, chắc khó nhận ra cái hững hờ đáng yêu của mỹ nhân khi nàng cầm trên tay cốc sữa và đặc biệt chắc khó nhận ra cái se lạnh của gió biển đêm ở Hạ Châu...
Thường đê thủ/ cúi đầu bái lạy trước cái Đẹp nên một lần ngồi uống rượu trên sông Trà chia tay với người bạn thân, Cao Bá Quát xem Trăng như người bạn cùng đối ẩm với hai ông và đang đồng cảm với nỗi cô đơn của nhà thơ trong bài Trà giang thu nguyệt ca: Cử bôi thí yêu nguyệt/ Nguyệt nhập bôi trung hành/ Hàm bôi dục yết cánh phi khứ/ Chỉ hữu nhân ảnh tương tung hoành/ Đình bôi thả phục trí/ Hựu kiến cô quang sinh - Nâng chén mời trăng với ta cùng uống/ Rượu long lanh vào đáy chén. Trăng đi/ Toan nhắp chén Trăng bay đâu rồi nhỉ/ Ngoài bóng người nghiêng ngửa chén còn chi/ Ngưng chén đặt vô nơi cũ/ Le lói trăng sáng lại về (bản dịch của Giản Chi). Trà giang ở đây chính là con sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi - bài thơ Trà giang thu nguyệt ca này Cao Bá Quát đề tặng một người bạn Quảng Ngãi tên là Bảo Xuyên đang đối ẩm cùng ông và Trăng. Thật ra bữa tiệc rượu dưới trăng này còn có thêm người thứ tư: Đà giang cựu lữ Tồn Chân ông - Ông bạn cũ Tồn Chân ở Đà giang/ sông Đà Nẵng. Đương nhiên người thứ tư này còn không được như Trăng, bởi chỉ có thể hiện lên trong thơ và trong ký ức. Xin nói thêm Tồn Chân và Bảo Xuyên kết giao với Cao Bá Quát trong thời gian ông được điều động vào công tác ở đất Quảng. Rõ ràng trong Trà giang thu nguyệt ca, Cao Bá Quát không chỉ đê thủ/ cúi đầu bái lạy trước cái Đẹp của Trăng mà còn đê thủ/ cúi đầu bái lạy trước cái Đẹp của tình bạn tri âm tri kỷ…
Không phải ngẫu nhiên mà Cao Bá Quát tự đặt hiệu cho mình là Cúc Đường/ Nhà Hoa Cúc và không dưới hai mươi lần hoa cúc xuất hiện trong nhan đề các bài thơ chữ Hán của Cao Bá Quát, chẳng hạn như Cúc ký bán khai, văn hữu súc mai hoa điểu giả, dĩ thi sách chi - Cúc đã hé nụ, nghe có kẻ nuôi chim hồng tước, dùng thơ đòi mượn chim, hoặc Đối cúc Chuyết Hiên trạch đồng chư hữu phú - Viết cùng các bạn khi ngắm cúc nhà Chuyết Hiên… Đương nhiên đê thủ/ cúi đầu bái lạy trước cái Đẹp, nâng niu trân trọng cái Đẹp nhưng Cao Bá Quát vẫn luôn ý thức về sự mong manh của cái Đẹp và tỏ ra bất lực khi không thể trì níu được cái Đẹp. Trong bài Lạc hoa, Cao Bá Quát viết: Đỗ quyên thanh lý vũ mông mông/ Nhất dạ chi đầu khấp lạc hồng/ Xuân sắc khả liên lưu bất trú/ Tiếu tha bạc hãnh giá đông phong - Đỗ quyên kêu trong mưa bụi nhòa/ Đầu cây thầm khóc đêm hồng sa/ Sắc xuân thương lắm làm sao giữ/ Đành cười mệnh bạc gió đông qua (bản dịch của Nguyễn Lương Vỵ). Thực ra thì một nhà thơ tài hoa như Cao Bá Quát không hẳn đã bất lực trong việc trì níu cái Đẹp, bởi làm thơ chính là một cách để bất tử hóa/ vĩnh cửu hóa cái Đẹp…
B.V.T