Về bài thơ “Nắng chiều” của Phan Khôi - Phan Nam Sinh

07.05.2019

Về bài thơ “Nắng chiều” của Phan Khôi - Phan Nam Sinh

1- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Nắng chiều”.

Theo Phan An Sa trong cuốn “Nắng được thì cứ nắng” thì vào một buổi chiều ngày 2 tháng 10 năm 1956, Phan Khôi một mình nằm trên giường, lòng nặng trịch, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà, tự mình vật vã với nỗi khổ tâm chưa viết được bài báo về Vũ Trọng Phụng theo như thời gian mà nhà xuất bản Minh Đức yêu cầu. Trớ trêu thay, nỗi khổ tâm ấy không phải vì ông không đủ tài để viết mà vì chưa biết viết cách thế nào để không bị các nhà lãnh đạo văn nghệ lúc bấy giờ ghép vào tội đề cao Vũ Trọng Phụng, một nhà văn tài năng từng bị dư luận lúc bấy giờ lên án là có tư tưởng tờ-rốt-kít.

Bất thình lình, ông nhận ra những vệt nắng rọi vào phòng sao mà đẹp đến thế. Ông vùng dậy, mở toang hai cánh cửa sổ. Cái nắng thu vàng như chưa bao giờ đẹp đến thế thúc giục ông ra khỏi nhà. Ông thả bộ từng bước khoan thai dọc phố Hàng Bài, qua ngã tư Lý Thường Kiệt, ngã tư  Hai Bà Trưng, qua đầu phố Hàng Khay, đến chỗ giáp với cuối phố Đinh Tiên Hoàng là tới hồ Hoàn Kiếm.

Ông ngồi lên một cái ghế ở ven hồ, mắt ngó về phía Tháp Rùa, để mặc cho gió hồ tự do mơn man lên đầu, lên tóc. Cây ba-toong phía tay phải được ông tựa xuôi theo chiều đứng của chiếc ghế. Đó là phút tĩnh tâm duy nhất mà ông bất chợt tìm thấy trong một buổi chiều cuối thu, vào lúc chỉ mỗi mình ông với mặt hồ thiêng. Ông tắm trong nắng, thở bằng nắng, nhìn bằng nắng và chính nắng làm dội lên trong ông tất cả cái quá khứ dài dặc, cái hiện tại đầy tai ương và cái tương lai ngắn ngủi ở phía trước chỉ toàn một màu đen. Trong phút giây ấy, như một thứ bản năng sống, ông vụt đứng lên khỏi ghế, tay giữ chặt lấy cây ba-toong, chống vững chãi xuống mặt đất. Ông tự chống trả những gì đang dội về trong đầu bằng những lời tự sự cứ dần dần hiện ra trong dòng suy nghĩ của ông.

Ông ngồi bên hồ cho tới khi trời tắt nắng, rồi chậm rãi bước từng bước về nhà. Đến nhà, ông ngồi vào bàn ghi lại mấy câu tự sự ấy và sắp xếp chúng thành một bài thơ, đặt tên là “Nắng chiều”.

Tôi đã được đọc bài thơ này ngay sau khi nó được đăng trên “Giai phẩm mùa thu” của Nhà Xuất bản Minh Đức vào năm 1956. Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu, như sau:              

Nắng chiều

Nắng chiều đẹp có đẹp,

Tiếc tài gần chạng vạng.

Mặc dù gần chạng vạng,

Nắng được thì cứ nắng.

Nên hiểu bài thơ “Nắng chiều” như thế nào cho đúng?

Nói theo cách của Phan Khôi trong bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” thì “Nắng chiều” là một bài thơ thuộc loại “suôn đuồn đuột mà xốp xồm xộp”, chẳng có gì là khó hiểu cả. Ấy thế mà khi đọc tới các bài viết của các nhà phê bình có liên quan tới bài thơ, tôi vẫn cứ ngờ ngợ là họ đã hiểu sai câu thứ hai.

Tìm hiểu thì thấy vấn đề nằm ở chữ “tài”. Có nhà phê bình hiểu chữ “tài” đây là tài năng và cho rằng ở vào cái tuổi gần bảy mươi, Phan Khôi tự cho mình đã cạn tài, cạn tài rồi nhưng vẫn còn cố gắng gượng.

Tôi không hiểu như thế. Theo tôi, “tài” ở đây hoàn toàn không có nghĩa là tài năng. Nó chỉ là một thứ tiếng đệm, thường theo sau tiếng “tiếc”, là tập quán ngôn ngữ của người Quảng Nam. Điều này cũng đã được nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên, người Quảng Nam, xác nhận bằng hai thí dụ anh vừa gửi cho tôi mới đây: “Tiếc tài mình không được dự cuộc họp ấy” hay là “Tiếc tài anh ấy phải bỏ cuộc quá sớm”. Vì vậy, “tiếc tài” chẳng qua nó chỉ là “tiếc rằng”, “tiếc vì”, “tiếc là”... đó thôi.

Vậy là không có chuyện tài năng gì ở đây cả. Trước sau chỉ có nắng chiều và... nắng chiều. “Tiếc tài gần chạng vạng” tức là tiếc trời đã sắp tối, màn đêm đã sắp về, quỹ thời gian cho một đời người cũng đã sắp cạn, tác giả cũng đã thuộc vào loại “cổ lai hy” rồi, cần phải làm gấp một cái gì đó có ích để không bị thời gian bỏ lại phía sau.

Hơn nữa, sống gần Phan Khôi lúc cuối đời, tôi chưa từng nghe ông than vãn về tài năng của mình bao giờ cả. Đầu năm 1958, nghĩa là sau đó gần hai năm, Phan Khôi còn viết truyện ngắn “Ông Năm Chuột”, thuộc loại truyện ngắn hay nhất của ông, đăng trên tuần báo Văn của Hội Nhà văn Việt Nam. Cho mãi tới trước khi nhắm mắt một hai tuần lễ, ông còn kịp viết xong “Những con số không nhất định trong từ ngữ” kia mà.

Vả lại, với một nhà văn, một nhà nghiên cứu thì ở vào cái tuổi suýt soát bảy mươi, nếu không muốn nói tài năng đang ở vào độ chín thì cũng chưa thể nào đã cạn được. Thế thì sao dám bảo rằng ông tự cho mình đã cạn tài? Tôi không tin!         

“Nắng chiều” Phan Khôi và “Đăng Lạc Du nguyên” Lý Thương Ẩn

Lý Thương Ẩn (813 - 858) là nhà thơ Trung Quốc thời Vãn Đường. Ông là tác giả bài ngũ ngôn tứ tuyệt “Đăng Lạc Du nguyên” nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nguyên văn bài thơ như dưới đây:           

Nguyên văn:

豋 樂 游 原

向 晚 意 不 適

驅 車 登 古 原

夕 陽 無 限 好

 只 是 近 黄 昬

Tôi phiên âm và mạo muội dịch ra tiếng Việt như sau này:                    

Phiên âm:

Đăng Lạc Du nguyên

Hướng vãn ý bất thích

Khu xa đăng cổ nguyên

Tịch dương vô hạn hảo

Chỉ thị cận hoàng hôn

Dịch thơ:                     

Chiều tới lòng rối bời,

Rảo xe cổ nguyên chơi.    

Trời chiều đẹp quá đẹp,

Tiếc màn đêm tới rồi.           

Tôi chưa được đọc bài nghiên cứu nào cho biết Lý Thương Ẩn viết “Đăng Lạc Du nguyên” vào thời điểm nào của cuộc đời ông, nhưng dựa vào những gì mà người đọc lĩnh hội được ở câu mở đầu bài thơ thì có thể là Lý Thương Ẩn đã viết “Đăng Lạc Du nguyên” vào những năm cuối của cuộc đời mình. Nếu điều này là đúng, thì lúc này Lý Thương Ẩn đang mắc kẹt giữa hai phe Ngưu Tăng Nhụ và Lý Đức Dụ đang đấu đá, tranh giành quyền lực lẫn nhau, khiến đời sống Lý Thương Ẩn rơi vào khủng hoảng, bế tắc. Và chỉ ít lâu sau ông đã qua đời ở tuổi bốn mươi lăm, trong niềm cô đơn, uất ức.

Điều này cũng không khác với Phan Khôi bao nhiêu. Bởi, sau khi đăng bài “Phê bình lãnh đạo văn nghệ” trên “Giai phẩm mùa thu” vào năm 1956, Phan Khôi cũng đã phải hứng chịu không ít búa rìu của dư luận đương thời. Có thể là Phan Khôi đã không bị khủng hoảng hay bế tắc như Lý Thương Ẩn nhưng chắc chắn ông đã không khỏi buồn phiền và nhìn đời cũng như những người xung quanh bằng một con mắt khác.

Có lẽ vì cùng hoàn cảnh đó nên hai bài thơ có không ít những chỗ tương đồng. Tương đồng tới mức tôi ngờ rằng khi viết “Nắng chiều”, Phan Khôi đã nghĩ nhiều, hay ít ra cũng đã nhớ tới bài thơ “Đăng Lạc Du nguyên” của Lý Thương Ẩn.

Tương đồng từ thể thơ, thi liệu, cho tới tâm tình người viết. Cùng là ngũ ngôn tứ tuyệt, cùng là vẻ đẹp của thứ ánh nắng lúc mặt trời đang lùi dần về phía chân trời đằng tây và cùng là tâm trạng tiếc nuối cho một vẻ đẹp sắp lụi tàn. Khác chăng chỉ là: một bên thì chỉ có tiếc nuối, còn bên kia thì như cố sức để vươn lên, vươn lên để làm chủ bản thân mình cũng như làm chủ hoàn cảnh: Mặc dù gần chạng vạng, Nắng được thì cứ nắng!

P.N.S