Nỗi nhớ mèo hoang - Trần Trung Sáng

02.05.2019

Nỗi nhớ mèo hoang - Trần Trung Sáng

Không biết tự bao giờ, có thể khoảng chừng hơn 5 năm nay, tôi bắt đầu chú ý đến bầy mèo con thường nhởn nhơ bên mái ngói kề sát hành lang sân thượng nhà tôi. Đầu tiên, thỉnh thoảng gia đình tôi chỉ cho chúng vài nhúm cơm. Riết rồi quen dần, chúng cứ bâu ở đó. Lứa mèo này lớn lên tản mác bỏ đi dần, lứa mèo khác lại ra đời thay thế. Cứ như vậy, tiếp nối nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, tôi không thể nhớ xuể đã có bao nhiêu mèo con lớn lên từ mái ngói, chỉ biết rằng, sự việc ấy trở thành quen thuộc, chẳng có gì đáng để phàn nàn. Có thể bởi sự bé bỏng, xinh xắn, trẻ thơ của nó dễ gợi lòng trắc ẩn, khiến mình cảm thấy sự quan tâm, chăm nom đến chúng mỗi ngày ít nhiều cũng đem đến niềm vui và thú vị. Hoặc cũng có thể bởi cái duyên nợ gì đó giữa lũ mèo hoang và gia đình tôi...

 

Gần như tôi và vợ đã thỏa thuận chính thức công nhận đàn mèo hoang là những thành viên liên quan đến gia đình. Hàng ngày chúng tôi phân công nhau lo việc cơm nước cho chúng. Thực ra, mỗi trưa và chiều chỉ dành cho chúng chút ít thức ăn thừa dồn vào chiếc đĩa ở góc sân hành lang kề cận mái ngói. Thỉnh thoảng, hơi vất vả một chút là có một mèo con mới sinh chạy nhảy chưa vững rơi tọt từ mái ngói xuống đường luồng hoặc những ngôi nhà kế cận kêu la inh ỏi, thế là tôi và vợ không cầm lòng bỏ mặc nó được, phải chia nhau bằng mọi cách túm cổ trả nó về với mèo mẹ tại chỗ cũ...

Có lần, một cơn mưa to bất ngờ trút xuống. Trong tình cảnh đàn mèo con chưa đến độ trưởng thành để tự xoay xở, mèo mẹ phải dắt díu chúng ẩn nấp vào các thứ đồ đạc lỉnh kỉnh chúng tôi bỏ lộn xộn trên hành lang sân thượng, nhưng vẫn không tránh được ẩm ướt nên vợ chồng tôi đành phải xếp cho chúng một chỗ tạm trong góc nhà. Sau đó, lại kiếm vài tấm nhựa cũ che chắn cho chúng một ngôi nhà mèo ngoài sân, đủ sức để tránh được nắng mưa. Thế nhưng, điều đó dẫn đến một rắc rối khác: đàn mèo gần như không qua mái ngói nữa, chúng mãi quẩn quanh trên hành lang sân thượng nhà tôi, rồi lại bới tung đất trong các chậu kiểng mỗi khi đi ị, gây nên mùi hôi hám vô cùng khó chịu...

Được dăm bảy ngày như vậy, chính vợ tôi phản ứng trước tiên, vì không chịu đựng nổi: “Thôi, giải tán, không nhà cửa chi cho tụi bây ở đây nữa. Qua mái ngói ấy mà ở. Cứ tự lo với nhau đi nghe”. Tôi cũng đồng tình cách giải quyết với vợ, nói theo: “Rõ ràng nó phải tự chiến đấu và lớn lên trong thiên nhiên. Lâu nay vẫn thế mà. Mình cứ thương, lo cho tụi nó, mà lo sao xuể!”.

Thế là đàn mèo từ từ trở về với nếp sinh hoạt như xưa. Hằng ngày, ngoài những lúc chạy nhảy tung hoành đến một khu vực nào đó mất dạng, bình thường chúng cứ vẫn nằm lăn đùa giỡn cùng nhau trên mái ngói, đến giờ ăn thì chạy về chỗ đĩa thức ăn gia đình tôi dành cho chúng gọi meo... meo... rân trời!

Ở gần với bầy mèo hoang có cùng huyết thống, dần dần vợ chồng tôi cũng hiểu ra được một vài quy luật mang tính kế thừa của chúng. Đó là thỉnh thoảng có những chú mèo con rơi khỏi bờ tường kế cận (là một khoảng sân của một trường học, nằm sát cửa sổ mặt hậu nhà tôi), thì giờ đây chúng tôi không cần phải đi tìm về nữa. Bằng cách nào đó, chúng có thể được mẹ chúng đưa về, hoặc chính chúng tự về. Nhưng cũng có trường hợp, chúng cứ ở lì bên lãnh địa mới, cứ đến giờ đòi ăn thì chạy đến gần cửa sổ kêu la inh ỏi! Vậy là vợ tôi phải chia thêm một phần cơm nữa bỏ xuống cửa sổ. Mèo mẹ hoặc những con còn lại trên mái ngói vẫn chờ cơm ở chỗ cũ.

 

Vào những ngày nắng ấm, cũng là thời điểm lứa mèo con gần nhất đã khá trưởng thành. Chúng có thể tự ý chạy nhảy mọi nơi. Có khi tụ tập bên kia bờ tường, có khi lại xúm về trên mái ngói kêu meo, meo... đòi ăn. Thậm chí thỉnh thoảng, chúng bỏ đi đâu đó rất xa trong vài ngày, nên chúng tôi không bận tâm nhiều. Vợ tôi chỉ phỏng đoán: “ Mèo mẹ chắc lại sắp sinh lứa mới rồi!”. Tôi hỏi: “Sao biết được?”. Vợ nói: “Em thấy bụng nó đã khá to. Chắc mấy hôm rày nó tìm ổ để sinh. Khi sinh mèo giấu rất kín”.

Một buổi trưa đi làm về, chưa kịp thay đồ đạc, đột nhiên tôi thấy vợ từ trên cầu thang chạy xuống gọi tôi hối hả:

- Anh ơi, nhanh lên đây, coi nè!

- Chi rứa? Mèo mẹ sinh con rồi sao? 

Vợ tôi chẳng nói chẳng rằng, kéo tôi đến góc sân hành lang, chỉ vào một thứ gì đó trông như một cái túi bầy nhầy và nói:

- Anh biết chi đó không?

- Không. Cái chi lạ rứa? 

Vợ tôi vẻ mặt nghiêm trọng, nói như thì thầm:

- Đó là nhau mèo. Mèo mẹ sinh con giấu đâu đó và đem nhau về cho mình. Anh giữ bí mật đừng cho ai biết chuyện này nghe!

Tôi hỏi:

- Nhau mèo là vậy à? Chi mà giữ bí mật ghê rứa?  Có dùng nó để làm được việc chi không?

Vợ tôi trợn mắt:

- Trời ơi! Anh không biết chi hết! Mèo cho nhau là cho mình tài lộc, may mắn đó! Cả ngàn người nuôi mèo chưa dễ ai có được nhau của nó. Anh cứ vào mạng tìm hiểu mà xem. Không chừng cuộc đời mình sẽ thay đổi từ đây!

 Sau đó, vợ tôi nhặt cái túi nhau mèo xuống bếp rửa ráy cẩn thận, phơi khô, rồi cho vào một chiếc lọ thủy tinh cất giữ cẩn thận như một báu vật của gia đình. Phần tôi, nghe lời giải thích của vợ cũng không tránh được tò mò, vào mạng tìm hiểu thật chi tiết về “nhau mèo”. Quả nhiên, hầu hết những thông tin liên quan đến “nhau mèo”, đều khẳng định, ngoài việc dùng để sắc thuốc chữa bá bệnh, thì những người nhặt được nó đều gặp may mắn, phát tài, phát lộc, giàu sang nhanh chóng... Tôi không tin lắm vào những điều đó, nhưng dù sao lòng cũng thấy vui vui, không tiếc công đã nuôi lũ mèo hoang trên mái ngói...

 

Ngày lại ngày trôi qua. Đối với loài mèo, một năm có thể sinh nở đến vài ba lứa. Thậm chí, nó có thể mang thai ngay khi đang chăm sóc con. Và nàng mèo mang sứ mệnh người mẹ đã sinh sản ra các bầy mèo hoang trên mái ngói kế cận gia đình tôi đang nằm trong trường hợp đó. Vợ tôi nói:

- Mèo mẹ lại có bầu nữa. Nó mắn đẻ quá! Lần này sẽ cho nhau mình hay không đây ta?

Tôi cười nói:

- Thôi em. Anh cũng tìm hiểu chuyện này trên mạng rồi. Họ nói đây là chuyện hy hữu, làm sao có được lần thứ hai?

Nhắc đến chuyện nhau mèo, chuyện tài lộc..., tự nhiên, tôi thoáng bâng khuâng, hỏi vợ:

- À mà này, bữa trước chừ em thấy mình đã phất lên tí nào chưa?

- Phất hay không là ở anh đó chớ! Anh thấy công việc ra sao?

- Anh thấy mọi thứ cũng bình thường, yên ả. Miễn sao cứ thuận buồm xuôi mái là quý rồi!

- Ừ thì tài lộc là vậy đó anh. Nghĩa là cứ làm ăn ổn định, bền vững, chứ có phải giàu lên cái rầm đâu!

- Đúng rồi, anh cũng mong bấy nhiêu! Chứ giàu cho lắm mà chi! Tiền nhiều để làm gì? Hì... hì...

Cả hai chúng tôi cùng cười. Vợ tôi lại mở tủ lấy chiếc lọ đựng nhau meo bảo tôi cùng ngắm nghía.  Đôi mắt vợ lúc này thật mơ mộng, khiến tôi tưởng chừng một thế giới thần tiên bí ẩn đầy hứa hẹn nằm bên trong chiếc lọ. Nàng nói:

- Anh biết vì sao mèo mẹ cho nhà mình món quà tặng này không?

Tôi chưa kịp suy nghĩ trả lời, vợ đã giải thích luôn : “Là vì nó trả ơn mình đã chăm nom gia đình, con cái nhà nó trong suốt mấy năm nay. Và ngược lại, chừ cũng đã đến lúc mình phải tưởng thưởng cho tụi nó phải không anh?”.

Tôi nói:

- Ừ, chừ đây, cứ bất cứ con mèo nào lãng vãng trên mái ngói cũng đều có gốc gác “hoàng tộc” cả mà, phải lo cho tụi nó thôi!

 

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó.  Một hôm tôi đi làm về lại thấy vợ nét mặt bần thần, hối hả, níu tay nói:

- Anh ơi, có chuyện không vui rồi đây...

- Là sao? Mèo sinh hở?

- Không. Nó chưa sinh, nhưng cái nhà kế bên họ sắp dỡ mái ngói để xây mới. Họ đem giấy tờ qua chờ anh về nhờ ký xác nhận nhà ở liền kề đó. Vậy là tụi mèo con ra đời sắp tới sẽ trú ẩn ở đâu đây?

- À, cái vụ này thật không lường được!... Nhưng nhà của họ, thì họ làm chứ biết nói sao? Đành xem như trời sanh trâu sanh cỏ, cứ thuận theo tự nhiên thôi...

 

Diễn biến việc xây dựng của ngôi nhà người hàng xóm kế cận diễn ra thật nhanh chóng bất ngờ. Chỉ sau chưa đầy một tuần tôi ký vào tờ đơn thủ tục xin phép của họ, mái ngói nơi thường trú ẩn của đàn mèo lập tức bị triệt hạ cùng những thứ liên quan, để nhường chỗ cho khoảng đất trống, với bộn bề những thứ vật liệu chuẩn bị công trình mới...

Dĩ nhiên, mèo mẹ và những lứa mèo con trưởng thành không còn thấy lai vãng trên sân hành lang nhà tôi. Vợ tôi chỉ còn hy vọng là chúng sẽ tụ tập đòi ăn ở khoảng sân trống ngôi trường nằm kề bên cửa sổ sau nhà như thông lệ. Nhưng đợi chờ hết ngày lại đêm, hết tuần này sang tuần khác... mà vẫn chẳng một lần nghe động tĩnh meo, meo... Cứ thế, ròng rã một tháng trôi qua, vợ tôi áng chừng: “Lệ thường, chắc lứa mèo lớn lên đợt vừa rồi đã bỏ đi tìm lãnh địa mới. Nhưng thế nào đến lúc này mèo mẹ cũng đã sinh con. Nó phải quanh quẩn bên trường ấy thôi. Lạ là sinh xong, nó rất đòi ăn để có sữa cho con bú, nhưng lần này lâu quá, không nghe kêu la chi cả!... Không biết nó ra sao?”.

Một bữa chủ nhật, nóng lòng, tôi cùng vợ rủ nhau đi vòng ra con đường phía cổng chính nhà trường kế cận, xin người bảo vệ vào trong tìm mèo. Lắng nghe đầy đủ xong câu chuyện của chúng tôi, anh bảo vệ nói: “Mọi khi vào giờ nghỉ hoặc đêm hôm, tôi cũng thường thấy mấy chú mèo lảng vảng quanh sân trường hoài. Nhưng gần đây, bọn trộm mèo cứ rình rập qua lại khu vực này rất gắt. Tụi nó dụ dỗ, truy lùng bắt sạch về bán cho mấy quán nhậu “tiểu hổ” rồi. Chắc không còn sót lại con mèo nào đâu. Bởi vậy, dạo này tụi chuột quậy phá rất dữ....”.

Chợt, nhìn thấy vẻ mặt buồn rũ rượi của vợ tôi, thoáng trong chốc lát, anh bảo vệ lại nói thêm: “À, mấy con mèo con thì may ra còn sống sót đó. Bữa trước, trong giờ thể dục tụi học trò phát hiện lũ mèo con ngu ngơ đi lững thững tìm mẹ..., tụi nó chia nhau ôm đi hết”.

 

Trở về nhà, vợ tôi lặng lẽ không nhắc chuyện mèo nữa. Từ đó, đến suốt nhiều tháng sau cũng vậy. Nhưng tôi biết, trong những đếm khuya khoắt, thỉnh thoảng, nàng vẫn thường trằn trọc, trở mình nghe ngóng, đợi chờ những tiếng meo, meo...

T.T.S