Hát Bội - loại hình nghệ thuật độc đáo - Thu Hường
Tôi mê hát bội từ khi 5 tuổi. Tôi thường theo ba tôi đi tập hát tuồng hàng đêm. Một số đứa trẻ cùng tuổi tôi khi xem tuồng thì sợ phát khiếp vì những khuôn mặt được vẽ đen sì hay trắng đen hoặc đỏ lè. Tiếng chầu thùng thùng dội lên nghe tức cả ngực, tiếng kèn lá dủ dẻ, tiếng đàn nhị, trống đế... vang lên nghe chói cả tai. Thế nhưng tôi lại thích. Tôi thích từng điệu bộ, từng cách hát của từng nhân vật. Thích cả cái người không bao giờ ra sân khấu mà lại đóng vai trò rất quan trọng cho gánh hát đó là người nhắc tuồng. Hầu như không con hát nào thuộc tuồng mà hoàn toàn nhờ vào người nhắc tuồng. Mặc dù lúc đó tôi chưa hề biết được cái đẹp, cái hay trong tuồng bắt nguồn từ đâu nhưng tôi vẫn mê xem hát tuồng. Ba tôi hay đóng vai Thái sư. Tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt ba tôi được vẽ đỏ, chân mày xếch ngược đen sì, hai mắt to, liếc ngang liếc dọc, đúng kiểu môt vai chuyên nịnh nọt
Gánh hát của thôn lúc ấy chỉ có 10 người, có khi môt người phải đóng hai vai. Mỗi gánh hát luôn có một người làm “đạo diễn ” gọi là thầy tuồng. Thầy tuồng không hề được hưởng “các-xê”, mà hoàn toàn mang tính chất phục vụ, đam mê là chính. Họ tập luyện từng đêm rồi diễn cho bà con trong thôn xóm xem, nếu có điều kiện, rảnh rỗi theo mùa vụ thì mang gánh hát sang các làng bên, xã khác để biểu diễn phục vụ. Khi tôi 7 tuổi, tôi và em trai (NS Trần Quế Sơn) cùng tham gia đóng vai Nghi Xuân, Tấn Lực trong vở Phạm Công Cúc Hoa... Hôm ấy, hai chị em tôi đã làm cho không ít khán giả rơi nước mắt và cho tiền vào chiếc nón cời mà hai chị em đã dùng làm đạo cụ. Thật không thể nào quên những kỉ niệm đó.
Hát bội chỉ còn kéo dài cho tới những năm cuối của thập kỉ 70-80 và đến nay hát bội gần như chỉ còn tồn tại trong tiềm thức của môt số ít người. Hầu như là những người lớn tuổi. Thế hệ 8X-9X trở đi có lẽ rất hiếm người biết đến hát bội chứ đừng nói là thích hoặc gìn giữ nó. Một số nơi như Bình Định, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh... đến nay vẫn còn một vài gánh hát nhưng không thể chắc chắn rằng một thời gian sau nữa nếu không đảm bảo được đời sống thì các nghệ sĩ trẻ không bỏ nghề.
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn đề cập đến nét độc đáo trong nghệ thuật hát bội, mong rằng những người trẻ tuổi nếu có bắt gặp bài viết của tôi thì họ có thêm một tài liệu để biết về một loại hình nghệ thuật độc đáo mà cha ông ta vô cùng yêu thích, nó tồn tại song hành cùng với người dân Việt Nam, nó là tài sản vô cùng quý giá trong kho tàng văn hoá của nước ta.
Kịch bản và đề tài
Kịch bản của các vở tuồng thường dựa vào các điển tích cổ, phóng tác từ kinh điển truyện cổ Trung Hoa như Tam Quốc Chí, Vạn Hoa Lầu, Ngũ Hổ Bình Tây... Các vở tuồng hát bội hầu như chỉ lấy những nét chính của các điển tích mà dựng lớp. Một câu chuyện dài như Ngũ Hổ Bình Tây, Phản Đường... mà chỉ lấy 10 lớp diễn mà đủ cả câu chuyện. Các vở tuồng hát bội vừa có cốt truyện hấp dẫn, gay cấn, hồi hộp vừa là bài học nhân ái, đạo đức. Bên cạnh đó, hầu như các vở tuồng có tính dị bản rất cao. Mỗi gánh hát trình diễn các điển tích, theo môt khía cạnh khác nhau. Họ có thể chọn môt phần nhỏ nội dung các điển tích đó rồi dựng nên vở tuồng tuỳ theo vùng miền, tuỳ theo các trích đoạn mà viết lời thoại, mà dựng nên môt kịch bản mang đầy dấu ấn cá nhân (thầy tuồng) và vùng miền.
Tương truyền, vở tuồng đầu tiên của nước ta được sáng tác bởi ông Đào Duy Từ có tên Sơn Hậu.
Hầu hết các vở tuồng đều hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, luôn kết có hậu. Đề tài của tuồng rất rộng, phản ảnh nguyện vọng, mơ ước của con người. Phần lớn nội dung nói lên lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa và tinh thần tôn sư trọng đạo. Kịch bản của tuồng giàu kịch tính và mang tính ước lệ. Xem tuồng thì phải thật tinh tế, chú ý những chi tiết nhỏ mới hiểu hết ý mà người viết tuồng muốn truyền tải.
Một số vở tuồng nổi tiếng và quen thuộc với những người yêu hát bội như:
* Sơn Hậu (Đào Duy Từ)
* Tam nữ Đồ Vương ( Thế kỉ 17)
* Diễn Võ Đình (Đào Tấn)
* Ngoại tổ dâng đầu (Nguyễn Hiển Dĩnh thế kỉ 19)...,
Ngoài ra người ta còn dựa vào môt số cốt truyện cổ tích, thần thoại như Thạch Sach Lý Thông, Tấm Cám, Thoại Khanh Châu Tuấn, Phạm Công Cúc Hoa... để soạn kịch bản cho tuồng... Hầu hết khán giả đã biết cốt truyện, đến xem tuồng là xem cách diễn của từng gánh hát. Mặc dù khán giả biết cốt truyện, tình tiết của tuồng thế nhưng họ xem không biết chán, mê tuồng và thậm chí thuộc tuồng. Nếu diễn viên nào không nhớ lời thoại là khán giả biết ngay.
Nhân vật trong tuồng hát bội
Trong hát bội thường có hai tuyến nhân vật rõ ràng: Phản diện và chính nghĩa. Vai phản diện đáng chú ý nhất là Thái Sư. Người được chọn đóng vai này thường là người có kinh nghiệm diễn xuất tốt. Từ dáng đi, điệu cười đến các hoạt động diễn xuất đều phải toát lên tính cách ranh ma, hiểm độc, gian xảo... Ngoài ra còn tuỳ thuộc vào các điển tích của tuồng mà xây dựng các nhân vật khác mang tính cách phản diện nữa như vua, hoàng hậu hoặc anh, em của vua hoặc các tướng.
Vai chính nghĩa thường là đào, kép chính, lính, nông dân, người hầu... họ là nhân vật yêu nước, yêu người, yêu cuộc sống, luôn bảo vệ chính nghĩa... Tùy theo các điển tích khác nhau mà xây dựng nên tuyến nhân vật khác nhau trong tuồng. Mỗi nhân vật đều mang tính điển hình, đại diện cho một tầng lớp nào đó, cho “thông điệp” nào đó mà vở tuồng muốn hướng đến.
Cách diễn tấu của tuồng
Người học hát bội không phải dễ học được ngay các kiểu hát. Nếu đem so sánh tập hát một ca khúc như bây giờ với tập một câu, đoạn trong tuồng ngày xưa thì phải nói rằng tập hát bội khó hơn nhiều lần. Nhiều lúc người học hơi mơ hồ vì hầu như cách hát của hát bộ chưa được kí âm rõ ràng, mà chỉ qua truyền miệng. Người đi trước dạy người đi sau. Người học tự cảm nhận giai điệu và tập theo người làm mẫu.
Lối trình bày tuồng dùng nhiều thể văn học như: Đường thi, phú, song thất lục bát, lục bát... rồi ghép với lễ nhạc, động tác, điệu bộ . Hầu như “ca từ” trong tuồng có vần có điệu hoặc đối nhau về nghĩa. Bất kì một vai nào lần đầu ra sân khấu cũng mở bằng câu bạch, tự giới thiệu... thường là dùng nói lối theo thể thơ thất ngôn. Trong hát bội điệu hát quan trọng nhất là “nói lối”. “Nói lối ”còn được chia thành hai giọng chính đó là XUÂN và AI. XUÂN là giọng vui tươi, phấn khởi, còn AI là giọng bi thương, não nề, ai oán, buồn tẻ. Ngoài ra còn có các kiểu như nói lối như “lối rịn”,“lối hằng”, “lối hường”, “lối giậm”...
Bên cạnh NÓI LỐI còn có các kiểu hát như : NAM, KHÁCH, TẨU MÃ, THÁN, OÁN, NGÂM... mỗi kiểu này còn có nhiều giọng khác nữa. Ví dụ kiểu NAM thì có NAM ai, NAM đi, KHÁCH thì có KHÁCH mở, KHÁCH chiến. Không phải tất cả các nhân vật đều được dùng tất cả các điệu hát này mà tuỳ thuộc vào nhân vật. Đào, kép, ông bà lão, người hầu... thì dùng NÓI LỐI, NAM, THÁN... còn tướng thì dùng NÓI LỐI, KHÁCH, TẨU MÃ... Nói chung cách diễn tấu của tuồng cũng có quy tắc khắc khe nhưng cũng rất phong phú, bên cạnh đó nó còn mang đậm chất dị bản. Nói lối của hát bội Bình Định khác với Quảng Nam, khác với các tỉnh miền Nam, miền Bắc. Ngay trong một tỉnh, gánh hát này có thể có cách nói lối khác với gánh hát khác. Điều này còn tuỳ thuộc và thầy tuồng, kịch bản và sự sáng tạo của từng con hát. Các điệu hát, nói lối trong hát bội hầu như không được kí âm, mà người học lĩnh hội cách hát từ các con hát có kinh nghiệm, học theo kiểu... ”bắt chước” là chính. Giai điệu của các điệu hát trong hát bội thường sử dụng những từ đệm như : ư, ứ, ừ, ư... kéo dài câu hát. Có lúc, các con hát hát lên như thét, hô hoán hoặc ngân nga não nề, ai oán. Những điệu này nếu có kí âm cũng thật vô cùng khó vì không thể nào chính xác môt trăm phần trăm được. Sau này, những năm cuối của thập kỉ 70-80 thì mới có môt vài nghệ nhân kí lại môt số điệu cơ bản, đưa vào giáo trình giảng dạy cho các con hát trẻ.
Sân khấu tuồng hát bội
Sân khấu tuồng ngày xưa ở các làng quê Việt Nam rất đơn giản. Có khi sân khấu chỉ là một bức phản đăt trước sân nhà, trải chiếc chiếu hoa. Hoặc “hoành tráng” hơn môt tí thì các gánh hát tìm gò đất cao, kê ván cao lên thành bục hoặc dùng gỗ, tre làm sân khấu. Hai bên sân khấu có thể treo hai tấm màn che, giữa sân khấu là tấm phông. Thường thì tấm phông này được xẻ làm đôi để lối cho vua chúa, tướng soái ra vào. Trước phông có thể kê bộ bàn ghế. Trên phông là nơi ghi những câu liễn quan trong bằng chữ Tàu, cũng có khi để ghi sự thay đổi về địa điểm hoăc thời gian của điển tích như (15 năm sau, trong rừng sâu, trên ngai vàng, tại vùng quê nọ...) Sân khấu hoàn toàn không có đèn chiếu, không có đèn màu, không có cảnh phụ... tất cả không gian và thời gian của tuồng đều gói gọn trên sân khấu nhỏ với môt loại ánh sáng. Chủ yếu là ánh sáng của đuốc bằng sậy, dầu mù u, đèn dầu hỏa... Sau khi nước ta có điện thì các sân khấu dần dần tân tiến hơn, điện, đèn màu được ứng dụng làm cho sân khấu trở nên hấp dẫn và thu hút khán giả hơn.
Với không gian nhỏ bé như thế nhưng sân khấu có khi là môt hoàng triều có ngai vàng vua chúa; nhưng cũng có khi là chiến trường chết chóc, phơi xác bao quân giặc hoặc là cảnh môt gia đình nghèo khổ của tiều phu... Hầu như mọi cảnh bày ra trong không gian gọi là sân khấu này đều mang tính ước lệ, tượng trưng. Người xem cũng phải sáng tạo, biết tưởng tượng và am hiểu những quy định mang tính ước lệ của tuồng. Con hát có thể nhảy lên môt cái ghế (cái ghế này cũng có thể là ngai vàng, cũng có thể là ngựa, cũng có thể là đỉnh núi... tùy theo nội dung của vở tuồng mà người xem tưởng tượng ra), người ta có thể dùng cái roi mây... kẹp giữa hai chân, nhún nhún như đang cưỡi ngựa, lúc này cái roi mây là vật tượng trưng cho ngựa... Nói chung sân khấu của hát bội cực kì đơn giản và mang đậm tính chất tượng trưng, ước lệ. Con hát, người xem đều phải hiểu và tưởng tượng các cảnh diễn, phải thật sự hiểu điển tích, hiểu cái hàm ý sâu xa trong trong cách bày trí sân khấu thì mới thực sự thưởng thức được cái hay của tuồng.
Trang phục và cách hóa trang
Có thể nói trang phục và cách hóa trang của hát bội so với các loại hình nghệ thuật khác có sự độc đáo vượt trội. Nghệ thuật hóa trang của hát bội là một tinh túy xuất phát từ Kinh Kịch và có từ lâu đời. Trải qua bao triều đại nhà Tùy và Đường. Hầu như trong các buổi lễ người ta dùng mặt nạ là chính. Những mặt nạ này được vẽ rất tinh tế và tài tình. Các mặt nạ đó trông rất dữ tợn, họ cho rằng nhìn các mặt nạ dữ tợn này sẽ xua đuổi được ma quỷ. Đến đời nhà Minh thì nghệ thuật sân khấu hóa trang và vẽ mặt cho các con hát phát triển và tuân theo môt quy ước chặt chẽ. Sang đời nhà Thanh thì nghệ thuật hóa trang và trang điểm cho các con hát hoàn thiện hơn. Người làm được việc này phải tinh tường điển tích, có khả năng về hội họa mới có thể hóa trang và vẽ mặt cho các con hát được.
Màu sắc trong trang phục và hóa trang của hát bội đa số là màu nóng: đỏ, vàng, cam... bên cạnh đó có hai màu chủ đạo nữa là đen và trắng. Trang phục và hoá trang phải theo tuyến nhân vật. Qua cách hóa trang từ áo quần, râu tóc, cách vẽ mặt, mắt, mũi là người xem có thể nhận ra ngay tính cách nhân vật, ai là gian thần, trung, nịnh, ai thô lỗ, ai thanh tú anh minh, chính, tà đều có thể phân biệt một cách dễ dàng. Mỗi nhân vật mỗi kiểu hóa trang về trang phục hoặc trang điểm mang đặc trưng riêng. Sắc đỏ, là biểu hiện cho sự can đảm, tận tụy, ngay thẳng, là kiểu dặm mặt cho những trung thần; sắc đỏ chen lẫn trắng đen được dùng vẽ mặt của các tướng; màu xám dùng cho những vai nịnh thần như thái sư...; màu đen dành cho vai chân thật, cá tính bộc trực (đào, kép chính); màu trắng được vẽ mặt cho những vai độc ác, đa nghi, lừa lọc, xảo trá; Màu tím dành vẽ mặt cho những người trầm tĩnh, liêm chính, còn màu bạc, vàng dành vẽ mặt cho thần linh, thượng đế... Để vẽ được một khuôn mặt cho con hát trước khi lên sân khấu phải mất khoảng 30 phút. Người vẽ mặt cho con hát phải pha màu cho phù hợp với từng nhân vật, công đoạn này cầu kì và phải thật khéo léo. Có lúc sau khi vẽ, ra mồ hôi chảy hết thì phải ...dặm lại rất vất vả. Chính vì thế, con hát đóng vai nào thì quen với cách trang điểm của vai ấy vì thế những người hát lâu năm họ có thể tự mình trang điểm cho khuôn mặt của mình mà không cần đến người hóa trang. Bên cạnh nghệ thuật vẽ mặt, nhưng bộ trang phục cũng phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt. Hầu hết y trang phải đối chọi về màu sắc để bắt mắt người xem dẫu cho nó trông sặc sỡ, diêm dúa. Những áo bào thêu cầu kì pha sắc vàng dành cho vương phi, vua chúa; trang phục đỏ, thường dành cho cô dâu; màu trắng tinh khiết thường dùng cho các tiểu thơ đài các... Nghệ thuật hóa trang, không những phải thật lộng lẫy mà còn phải độc đáo cho mỗi nhân vật, mỗi vai trò. Mỗi cử chỉ, mỗi động tác của con hát đều áp dụng nguyên tắc như thế và theo một quy ước sân khấu được bố trí và quy định sẵn.
Dàn nhạc của tuồng hát bội
Dàn nhạc của hát bội đa số là nhạc cụ dân tộc. Nổi bật nhất là trống chầu, trống chiến và kèn. Ngoài ra còn có chiêng, trống cơm, nhị, đàn bầu, sáo trúc, phách, chập chõa hoặc mõ... Ban nhạc nhiều khi chỉ có vài người. Một người có thể chơi hai ba nhạc cụ. Họ phối hợp với nhau rất nhịp nhàng và cũng tuân theo một quy tắc nghiêm ngặt. Tuỳ theo nhân vật bước ra sân khấu mà có câu dạo nhạc hoặc câu đệm hợp lý. Ví dụ vai tướng khi ra trận thì dùng kèn để chơi cho hát KHÁCH; kép, đào hát NAM LỤY, NAM ĐI thì dùng sáo để dìu giọng; lúc các quan lên triều, hoặc vãn hát thì dùng chập chõa; trống chầu hoặc trống chiến có thể sử dụng khi các con hát hát XUÂN hay AI... Quan trọng nhất là người cầm chầu. Người cầm chầu đại diện cho khán giả, họ thưởng, phạt rất nghiêm minh. Qua cách cầm chầu con hát biết được câu nào mình hát chưa đúng, thô bị phạt hay được thưởng chầu khi hát hay mà cố gắng hát hay hơn nữa.
Vũ đạo của hát bộ
Nếu dùng từ “vũ đạo” thì hơi mới trong nghệ thuật hát bội, có lẽ dùng từ điệu bộ thì phù hợp hơn. Như trên đã trình bày, trong nghệ thuật hát bội người ta thường khếch đại trong lối diễn xuất. Cái gì cũng gia bội hơn môt chút so với ngoài đời. Hầu hết các điệu bộ, động tác trong hát bội đều mang tính tượng trưng, ước lệ. Các động tác càng nhanh, càng nhỏ càng tăng độ cường điệu thì càng thu hút khán giả. Khi diễn viên đi một vòng trên sân khấu, khán giả phải tưởng tượng người đó vừa qua sông. Cũng cách đi vòng tròn trên sân khấu đó mà kết hợp với hát có tiếng kèn thổi những câu tẩu mã, trống chầu thúc giục thì khán giả phải tưởng tượng là tướng đang ra trận...
Tuy vậy, mọi động tác có ...gia bội bao nhiêu cũng phải tuân thủ những quy tắc nhất định mà con hát phải biết. Trong hát bội có những động tác cách điệu gọi là bê, xiên, lỉa và lăn. Con hát nào đi từ cánh gà bên phải (sinh môn) thì dù ở trong hoàn cảnh nào cũng ...sống tới cuối tuồng. Con hát nào đi từ cánh gà bên trái (tử môn) ra sân khấu thì dù có làm tướng, làm hoàng đế thì cũng ...chết. Kiểu cách đi đứng tiến, lùi, quay người còn dùng để biểu lộ cái tâm của từng tuyến nhân vật thiện hay ác. Các động tác đó nhất nhất đều phân thành từng bộ riêng, không thể diễn bộ trung cho vai hèn hay nịnh, hay tướng cướp... Ông quan văn vai trung có cách vuốt râu khác quan võ, khác với quan nịnh... Có như vậy, người coi mới có thể tưởng tượng, hình dung ra tính cách nhân vật, tình huống của cốt truyện, điển tích.
Khi xem tuồng hát bội, không ai biết được một nhân vật làm nên thành công của đêm diễn một cách thầm lặng đó là người nhắc tuồng. Ngày xưa các vở tuồng được chép bằng tay, có khi một vở tuồng được chép thành nhiều cuốn. Vở diễn dài, lời thoại cổ khó nhớ do vậy mà con hát cần một người nhắc tuồng. Người nhắc chỉ được ngồi ở chỗ khuất, bên cánh gà hoặc bên trong phông màn. Dưới ngọn đèn dầu hiu hắt người nhắc tuồng phải có “chuyên môn” cao mới có thể nhắc hết lời thoại cho tất cả các diễn viên được. Họ đóng vai trò quan trọng như vậy nhưng không bao giờ xuất hiện trước khán giả. Có nhiều câu chuyện vui xung quanh việc nhắc tuồng. Để phê phán những diễn viên không thuộc tuồng và non tay trong diễn xuất, người nhắc tuồng bực mình chửi: “thôi đi ông ơi, hát gì mà dở quá, vào trong đi...” thì diễn viên đó vẫn hát ý như vậy trước khán giả.
Cho đến nay, hát bội không còn là nghệ thuật chinh phục nhiều khán giả như ngày xưa nữa. Cuộc sống hiện đại, thị hiếu thẩm mỹ của lớp trẻ làm cho hát bội chỉ còn lại trong kí ức của môt số người. Hiện nay, những người có trách nhiệm trong việc bảo tồn gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, cũng như những người đã từng hát bội, yêu thích hát bội cũng chưa có kế sách nào để làm cho hát bội phát triển rộng rãi được. Hy vọng rằng một ngày nào đó hát bội lại được công chúng đón nhận nhiều hơn.
T.H