Ngõ Chùa - Kai Hoàng

02.05.2019

Ngõ Chùa - Kai Hoàng

Hôm gặp lại anh giữa ngã tư, chẳng hiểu tại sao tôi lại không nhận ra. Chợt nhớ lúc trước có đợt làm chung cơ quan, đi đâu cũng có đôi có cặp, đến điếu thuốc cũng chia nhau hút, chưa kịp mở lời thì phía bên kia đã hiểu ý nhau. Bẵng đi một thời gian, mỗi người tự chạy theo những dự tính xa xôi của riêng mình, điểm giao thoa vì thế cũng đành đứt đoạn.

 

Hồi đó câu chuyện thường trực trong mỗi cuộc cà phê chỉ quanh quẩn mỗi chuyện về hưu. Kiểu anh tính sống sao khi đầu đã hai luống tóc? Hay anh định làm gì với số tiền hưu trí để dành? Lần nào cũng thấy một anh trầm ngâm, một tôi trầm ngâm khi nghĩ đến tuổi về chiều. Những vành môi chưa qua bốn mươi, những mái đầu còn xanh màu nắng sớm, nhưng câu hỏi thì cứ đẩu đâu của hơn hai mươi năm sau. Tôi cho đó là những mong ước thường thấy của một con người, ờ thì không còn trẻ nhưng chắc lâu lắm mới già, ai lại chẳng mong muốn vẽ cho riêng mình một bức tranh của thì tương lai, dù chỉ là những nét chì mờ của lần đầu phác họa?

 

Nên tôi vẫn hay đem câu hỏi này treo nơi cửa miệng để hỏi những người mà mình có cơ duyên gặp gỡ, như một kiểu sẻ chia lòng thành lúc cuộc sống quăng quật đến mệt nhoài. Hỏi ra mới biết cũng có nhiều người loay hoay giống mình, cũng khao khát ước ao đủ điều lúc tuổi chiều xế bóng. Người thì muốn mở một quầy sách báo, chắc bán thì ít nhưng đọc thì nhiều. Người thì thích một nhà hàng món xưa, ngó bộ chắc hoài niệm tuổi thơ dữ lắm. Có người còn bứt mình lao đi như gió, trú ngụ ở một cao nguyên thông xanh trồng dâu trồng chè. Người thì khoái cảnh hoàng hôn đỏ rực chìm dần xuống biển, thầm biết đang mưu cầu một ngôi nhà nằm ngay dốc núi để mỗi ngày hít hà cái mùi gió cát mặn mà…

 

Câu trả lời thì nhiều, kèm theo đó là một khoảng lặng trước khi buông ra thành tiếng. Tôi chỉ ngạc nhiên là tại sao anh không nghĩ ngợi đăm chiêu nhiều như những người tôi từng hỏi, hoặc giả là cái viễn cảnh của thì tương lai đó đã được anh thuộc đến nằm lòng, nay có người nhắc nhớ thì từ ngữ cũng như mấy đám lục bình, nhẹ trôi. Khi nghe anh nói mua một mảnh đất vườn, rồi dựng ở đó một căn nhà để nằm nghe nắng nghe mưa, tôi chợt bắt gặp anh ở một nhân dạng khác mà mình chưa từng chứng kiến. Một cuộc sống nhàn tản, khác hẳn với sự bận rộn thường thấy mà anh thường hay đeo mang bên mình.

 

Đôi bữa làm mây, tôi cũng hay để hồn mình lơ lửng trên những cánh diều. Tự dưng thấy lòng tị nạnh với một vật thể vô tri, hết chán chê bay lượn thì nằm gọn gàng nơi một góc nhà. Điềm nhiên như chưa từng phiền muộn. Nhưng rồi mới phát hiện mình chẳng phải diều, diều được nối dây bởi sự tự do tự tại, còn mình vẫn còn nặng lòng với những sợi dây vô hình của lắng lo cơm áo tiền nong, của những mối quan hệ giữa đi và đến, của những cưu mang nhớ tiếc hay buông bỏ thứ tha... Thậm chí đến tận bây giờ, tôi còn chưa sở hữu được cái cảm giác buông trôi của diều, nói chi xa xôi đến chuyện an nhàn của một người nương gió.

 

Mà nói ra thì tôi không nhận ra anh cũng đúng thôi. Buổi chiều hôm đó, anh khoác lên người chiếc áo nâu sòng, đầu trần nhẵn nhụi. Nhưng anh thì nhận ra tôi, tình cờ hơn cả sự tình cờ, rồi anh mời tôi về ngõ chùa, chạy dăm chừng cây số men theo đường núi là tới. Ở đó tôi chứng kiến một ngôi nhà (mà đúng hơn là ngôi chùa) cất trên một mảnh vườn, bao phủ xung quanh là cây xanh bóng mát, tôi đoán chừng chắc hẳn đây là chỗ để nằm nghe nắng mưa giống như hôm xưa anh từng nói. Khi nghe tôi kể lại chuyện cũ, anh cười cười, sao nhớ lâu vậy. Ờ, phải nhớ chứ, bởi nó gây nhiều ấn tượng cho người nghe, và cũng để nhắc nhớ mình làm sao để biết cách buông bỏ những muộn phiền mà cuộc sống quăng quật rồi để đó.

 

Chỉ có điều để buông bỏ hết giống như anh thì mấy ai làm được?

K.H