“Thưa Bác, chúng cháu lại xuất kích!” - Vân Trình

02.05.2019

“Thưa Bác, chúng cháu lại xuất kích!” - Vân Trình

50 năm trước, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, tin Bác Hồ kính yêu “từ biệt thế giới này” để đi vào cõi vĩnh hằng đã gây nên niềm xúc động mạnh mẽ và sự tiếc thương vô hạn đối với người dân Việt Nam nói chung và đất Quảng nói riêng.

Nhớ lại những ngày tháng đau thương ấy, mặc dù địch lập ra hàng trăm khu dồn và ấp chiến lược cùng với gần 500 chốt điểm phòng thủ và kìm kẹp nhân dân cũng như tăng cường đánh phá ác liệt vùng giải phóng, cán bộ và nhân dân đất Quảng vẫn tìm mọi cách truy điệu và để tang Bác. Trong bài viết “Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (lúc bấy giờ công tác tại bộ phận phía trước của Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà) cho biết tình cảm đặc biệt sâu nặng ấy của người dân đất Quảng: “...Ở gần Vĩnh Điện (Điện Bàn), khi được tin Bác mất, các mẹ, các chị khi đi chợ ai cũng mua hương đèn, mấy tên lính chắc đã rõ lý do nhưng vẫn cứ hỏi: “Mị thật, sao bà nào bữa nay cũng mua hương đèn?”. Có mẹ nói: “Mấy chú biết cả rồi, đâu chỉ có ở đây, khắp nước này, mấy hôm nay ai cũng mua như chúng tôi”. Có tên còn nói nhỏ với các mẹ: “Bà có lập bàn thờ Cụ vái giùm cho tôi ba vái, xin Cụ thương cho tôi”.

Những ngày để tang Bác, bà con ở quanh Đức Dục bảo nhau đội nón trắng quai đen đi ngang qua đồn, vào chợ. Thấy vậy, có tên lính nói: “Mấy bà này to gan thiệt làm vậy mấy bà không sợ mang tội theo Việt Cộng à?”. Có mẹ trả lời: “Mắc chi tôi sợ, Cụ là Thánh, là Phật, cả thế giới ai cũng thờ Cụ”. Cũng theo ông Nguyễn Đình An, nhiều gia đình trong vùng địch đã lập bàn thờ Bác, thắp hương đèn một cách nghiêm trang, đọc bản đăng ký “Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ”, rồi mỗi người ký tên vào bản đăng ký rất xúc động, có gia đình ký nhưng không dám giữ vì sợ địch phát hiện đã khấn xin Bác cho đốt và nói rằng trong lòng họ lời thề vẫn còn mãi. Xin được nói thêm rằng, bản đăng ký nói trên là sáng kiến độc đáo của cán bộ Tuyên huấn Quảng Đà, nội dung có hai phần. Phần đầu nói lên ơn nghĩa trời biển của Bác với dân và nỗi đau thương khi Bác mất: “Bác Hồ mất đi, gia đình chúng tôi thương tiếc vô hạn. Càng thương tiếc Bác bao nhiêu, chúng tôi càng ân hận bấy nhiêu vì miền Nam chưa được giải phóng hoàn toàn để rước Bác vào thăm, để gia đình chúng tôi được đón Bác. Bác Hồ là Người Thầy cách mạng thiên tài kính yêu của dân tộc. Người là Cha, là Bác, là Anh của mọi người Việt Nam, của gia đình chúng tôi. Nhờ sự chỉ bảo của Bác mà gia đình chúng tôi biết đứng lên làm cách mạng, cứu nước, cứu nhà, giành lại quyền sống, quyền làm người... Công lao trời bể của Bác, gia đình chúng tôi nguyện nhớ ơn mãi mãi”. Phần thứ hai của bản đăng ký là ba lời thề của gia đình trước anh linh Người, trong đó có đoạn: “Gia đình chúng tôi xin hứa: Một tấc không đi, một li không rời vùng giải phóng.

Thực hiện câu “lá lành đùm lá rách”, “tối lửa tắt đèn có nhau" cùng bà con làng xóm, sống chết cũng trọn nghĩa, trọn tình với tổ tiên, mồ mả ông cha. Dù gươm kề cổ, súng kề tai vẫn son sắt một lòng với cách mạng như bông sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn... Giữ tâm hồn hơn gìn vàng giữ ngọc. Không nghe, không ngó mọi thứ luận điệu tuyên truyền bịp bợm của địch...”.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Học tập và làm theo Di chúc Bác Hồ”, quân và dân xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) đã lấy máu viết lên lời Tuyên thệ của mình trên mảnh vải dù trắng khổ 245cm x 85cm, dưới có nhiều người ký tên. Nội dung lời tuyên thệ như sau: “(1)- Sống thì sống trên đất Hòa Hải. Chết cũng chết trên đất Hòa Hải, một góc giang san mà Đảng đã giao cho trụ bám. (2)- Khắc sâu mối thù với giặc Mỹ và bọn tay sai, quyết đánh đến cùng, mỗi ngày ít nhất cũng phải tiến công chúng một trận. (3)- Không sợ hy sinh, không sợ ác liệt. Dù gian khổ, tra tấn, tù đầy cũng quyết giữ lòng trung với Đảng, chí hiếu với dân. (4)- Đoàn kết một lòng, sống chết có nhau, tình sâu nghĩa nặng”.

Khôn nguôi tiếc thương Bác, nhà thơ Thu Bồn viết tác phẩm thơ nổi tiếng: “Gửi lòng con đến cùng Cha” mà bây giờ đọc lại mỗi người dân đất Quảng đều trào dâng cảm xúc mãnh liệt: “Con qua Cẩm Lệ sông Hàn/ Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha.../Bạn từ bãi biển Hirôn/ Bạn còn đến kịp để hôn Bác Hồ/ Mà con trông đợi Bác vô/ Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng...”. Nhà văn Phan Tứ (Lê Khâm) nén đau thương để viết: “Mấy dòng dâng Bác” rất chân thành, giàu cảm xúc và cũng giàu chất thơ. Ông viết: “Tin dữ đến trong bão. Bác mất, cháu mồ côi. Cháu viết ngay trong khi tay run và mắt không nhìn rõ chữ. Cháu chưa bao giờ dám viết lá thư ấp ủ một đời này, bởi biết mình chưa xứng đáng. Cháu chỉ ước một ngày được xếp hàng lên đường, vẫy hoa đón Bác... Bác không vô miền Nam nữa rồi, Bác ơi!”. Kết thúc bài viết và cũng là những lời hứa thiêng liêng trước anh linh của vị Cha già dân tộc, nhà văn nguyện tiếp tục đi theo con đường mà Bác đã vạch ra: “Những trận diệt Mỹ - ngụy sắp tới vẫn là những trận mở đường: Miền Nam mở đường đến với Bác Hồ. Xung kích bay nhanh hơn theo luồng lửa đạn. Tiếng loa nhân nghĩa thôi thúc hơn nữa những kẻ lầm đường... Những ống bộc phá chất chứa căm thù lại quét rạt những rào lính rào thép. Chúng cháu mở đường về thăm Bác đây. Sau khi bóng giặc cuối cùng đã văng xuống biển, bà con miền Nam sẽ được quây quần chung quanh linh cữu Bác. Chúng cháu sẽ tô đậm tên thành phố Hồ Chí Minh trên những tấm bản đồ Việt Nam thống nhất. Ngày vui ấy phải đến, đang đến ở miền Nam. Thưa Bác, chúng cháu lại xuất kích”.

Ở nhà tù Hội An, hơn một ngàn bốn trăm người bị giặc bắt cầm tù tại “Trung tâm cải huấn” đồng lòng để tang, tưởng nhớ công đức vị cứu tinh dân tộc. “Điếu văn truy điệu Bác Hồ trong nhà lao Hội An” do ông Huỳnh Kim Vạn viết rất xúc động: “Bác Hồ ôi! Hỡi Bác Hồ ôi!/ Công đức Bác như trời cao biển rộng/ Bác mất đi đất trời đều chuyển động/ Non sông nhà bao phủ một màu tang/ Bác mất đi cả thế giới bàng hoàng/ Nhân dân miền Nam chúng con đều cúi đầu rơi lụy...”. Cũng với cảm xúc và tấm lòng thành kính ấy, một người con đất Quảng đang sống xa quê hương, cụ Nguyễn Mẫn, một vị Đông y sĩ, nhà soạn tuồng hát bội, quê làng Tứ Câu, Điện Bàn đã viết: “Văn tế Cụ Hồ Chí Minh”. Cụ cho hay: “Sau đợt tấn công Tết Mậu Thân, tôi bị bọn Mỹ - Thiệu bắt và giam cầm ở khám Chí Hòa. Khai thác và ép mãi không được, đến đầu tháng 8 năm 1969, chúng buộc phải trả tự do cho tôi. Vừa ra khỏi tù thì như sét đánh ngang tai, ngày 3/9/1969, Đài phát thanh Hà Nội báo tin Cụ Hồ Chí Minh từ trần! Lòng đau như dao cắt và nước mắt lưng tròng, tôi lặng người nhìn về phương Bắc, nơi có ngôi sao Bắc Đẩu ngày đêm dẫn lối chỉ đường cho toàn dân chống bọn cướp nước và bán nước. Trong giờ phút dạt dào những tình cảm xúc động tột cùng, tôi viết liền một mạch “Văn tế Cụ Hồ Chí Minh” để tưởng niệm một bậc Đại Nhân, Đại Trí, Đại Nghĩa, Đại Dũng mà hồn thiêng sông núi Việt Nam đã hun đúc trong thế kỷ 20 này”. Sau đây là một trích đoạn: “Cụ Hồ hỡi! Thiên thu vĩnh biệt!/ Ôi thôi thôi!/ Cả dân tộc xé lặng đau khôn xiết/ Kìa Thăng Long rồng đang ở đâu đây?/ Hồn phách linh thiêng còn ngự chín tầng mây?/ Mà hồ Hoàn Kiếm cứ xôn xao gợn sóng?/ Mà đàn cháu nhỏ chiều nay ra trông ngóng?/ Bác đi đâu sao vắng dạng bóng hình?/ Cả miền Nam ngùn ngụt lửa đao binh/ Nhìn phương Bắc sụt sùi thương tiếc!...Đấng quốc phụ đã ra đi lặng lẽ!/ Cây Quốc thụ trời già nỡ bẻ! Để mấy chục triệu người phút chốc bỗng mồ côi! Đài Thủy cảnh ướp thân tuy lạnh nguội/ Linh hồn còn ấm áp giữa toàn dân...”. Cụ Nguyễn Mẫn cho biết thêm: "Ngày 20/9/1969, Lễ tưởng niệm và truy điệu Cụ Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể và trang nghiêm tại chùa Khánh Hưng (Hòa Hưng) do thượng tọa Pháp Lan trụ trì với hàng trăm đồng bào và Phật tử tham gia. Tại buổi lễ, bài “Văn tế Cụ Hồ Chí Minh” được tôi long trọng đọc lên giữa tiếng nấc, tiếng khóc sụt sùi tiếc nuối của hàng trăm trái tim đại diện cho hàng triệu trái tim đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và hàng chục triệu trái tim của đồng bào miền Nam chưa một lần được gặp mặt Cụ...Vậy mà... giờ đây Cụ đã ra đi... Mặc cho bọn mật vụ Mỹ - ngụy ngày đêm rình rập theo dõi, Lễ tưởng niệm Cụ Hồ Chí Minh vẫn được đều đặn tổ chức hàng năm cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng”.    

V.T