Tác phẩm Văn học là giấc mơ cuộc đời trên trang giấy - Minh Toàn
Hướng tới Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ IX, kể từ số tháng 5 này tạp chí Non Nước mở chuyên mục dành cho các văn nghệ sĩ trao đổi về công việc sáng tác/ sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay. Làm sao để văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển chung của văn học, nghệ thuật nước nhà và hòa vào dòng chảy chung của văn học, nghệ thuật trên thế giới.
Chúng tôi tìm gặp các nhà văn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với câu hỏi: Các nhà văn suy nghĩ, quan niệm như thế nào về sáng tác văn học? Làm thế nào để có tác phẩm văn học hay? Nhà văn Trương Điện Thắng nói ngắn gọn: “Sáng tác là một thôi thúc tự thân, như một cách tự khám phá chính mình”, còn nhà văn Trần Trung Sáng quan niệm cụ thể hơn: “Hãy viết những gì mình thật sự hiểu biết và cảm xúc về nó”.
Quan niệm, khát vọng về sáng tác - tạo ra những đứa con tinh thần là tác phẩm văn học - mỗi nhà văn đều có quan niệm và khát vọng khác nhau nhưng đều có chung một mục đích là làm sao tác phẩm văn học có ích cho cuộc sống hôm nay, chất lượng nghệ thuật của mỗi tác phẩm đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của bạn đọc và phong phú, đa dạng trong từng tác phẩm, từng tác giả. Mời bạn đọc cùng chúng tôi gặp gỡ, chia sẻ cùng các nhà văn.
“VIẾT VĂN
LÀ VIẾT VỀ CON NGƯỜI”
Nhà văn Quế Hương: Tác phẩm văn học là giấc mơ cuộc đời trên trang giấy. Ở đó mọi thứ dù tầm thường nhất cũng có thể “bay” bởi phép lạ ngôn từ, chiều sâu tư tưởng, khát vọng người viết. Nhà văn là kẻ đào đục, khai thác những tầng vỉa sâu thẳm, khuất lấp của kiếp nhân sinh để nhặt ngọc, kim cương và cả cát bụi, rác rưởi. Trong sáng tác, sự tưởng tượng và thông minh của cảm xúc còn quan trọng hơn cả kiến thức và hiện thực.
Dù lạc lõng tôi vẫn thích tạo ra thứ văn chương sâu thẳm, đầy ánh sáng nhân văn hơn trần trụi, thực dụng.
* Nhà văn Thái Bá Lợi: Con người dù sống ở bất cứ quốc gia nào cũng là đề tài muôn thuở của văn học. Dù chúng ta có viết về chiến tranh hay hòa bình, thành phố hay nông thôn, người lớn hay trẻ nhỏ, quá khứ hay hiện tại, viết về nơi mình đang sống hay một xứ sở xa xôi, viết về thiên nhiên tươi đẹp hay vùng đất khắc nghiệt, viết về hiền nhân hay bạo chúa... thì cũng là viết về con người. Trong quá trình tiến hóa của mình để vươn lên sự hoàn thiện, con người đã phải trải qua nhiều thử thách cam go, có khi phải trả bằng giá đắt. Lịch sử các dân tộc đã cho ta biết điều đó. Nhưng con người phải luôn luôn tiến hóa để rốt ráo đến Chân, Thiện, Mỹ. Với tư cách một người cầm bút, tôi tin tưởng vào điều này. Trên con đường đến với sự hoàn thiện của con người, những nhà văn chúng ta bằng công việc của mình góp phần vào thiên chức làm bớt đi càng nhiều càng tốt khả năng làm điều ác, tăng trưởng điều thiện của con người. Đó là hạnh phúc của nhà văn.
* Nhà văn Hoàng Hương Việt: Với tôi, nỗi khổ đau và hy vọng, số phận bất hạnh và niềm hoan lạc của con người quanh tôi, những hoàn cảnh, thời thế quanh tôi, những dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa đất quê lề thói đã thuộc về tâm hồn và lặn sâu vào trái tim đau đáu của tôi, nên tôi luôn muốn viết. Viết những điều lớn lao đó, có nghĩa là tôi đang viết về đời mình, viết về một xứ sở đã đặt vào bổn phận của một công dân cầm bút những nguyên liệu ròng, để phân biệt được sự vận động thế nào là thiện, ác, xấu xa và vẻ đẹp vĩnh hằng vốn có trong cuộc sống.
* Nhà văn Bùi Công Dụng: Viết văn như công việc của một vị quan tòa. Phải rất công bằng khi nhận xét các khía cạnh của nhân vật ngay cả nhân vật phản diện trong tác phẩm để tránh lối viết một chiều. Người đọc chỉ thực sự thấy tác giả công bằng khi được đọc các lời thoại. Đối với tôi, lời thoại trong tác phẩm văn học là quan trọng nhất, nó làm nổi bật tính cách nhân vật kể cả chính diện và phản diện mà không cần phải giải thích, phân tích dài dòng. Cái quan trọng tiếp theo là tư liệu, đương nhiên là phải nên chắt lọc nó. Bạn cứ hình dung trong một tác phẩm lời thoại đã không hay mà tư liệu lại ngồn ngộn, thì tác phẩm còn ra gì nữa. Tôi có cảm nhận như thế và luôn cố gắng tránh điều này. Như người tạc tượng vậy, cứ gọt bỏ những chỗ thừa, chỗ không cần thiết, sẽ có được tác phẩm ưng ý!
* Nhà văn Nguyễn Thị Anh Đào: Viết văn là công việc thầm lặng và đòi hỏi người cầm bút phải cô độc trong chính con người của mình. Khi ngưng lại cảm xúc trên trang giấy, đó là lúc nội tâm thức tỉnh và cuộc sống đã phản chiếu vào nhãn quan một luồng linh cảm. Viết, đó là cuộc đua của sức bền và sự nhạy cảm trong một thực thể. Lúc đó, bản thân nhà văn đang chiêm nghiệm cuộc sống, chưng cất nội tâm và cống hiến cho cuộc đời những giọt mật vừa đắng vừa ngọt. Đó là mức độ hay - dở của tác phẩm mà chính thời gian và người đọc đánh giá qua không gian đọc, không gian chiêm nghiệm và sự đồng cảm.
* Nhà văn Bùi Tự Lực: Chiến tranh đi qua đã trên bốn mươi năm rồi, mà sự khốc liệt của nó vẫn còn hiển hiện trong mỗi con người, trên từng tấc đất. Cũng như bao nhiêu em bé, thế giới tuổi thơ của tôi bị nhấn chìm trong bom đạn; Gia đình tôi tột cùng trong nghịch cảnh phân ly. Tôi thiếu bầu vú mẹ, thiếu cháo cơm, nhưng bên vành nôi là lời ru mênh mang giữa đất trời của bà nội, bằng những tuồng tích Lục Vân Tiên, Thoại Khanh Châu Tuấn.... Cứ như thế, tôi lăn lóc lớn lên trong tình nghĩa xóm làng rồi đi theo Cách mạng.
Yêu văn chương và hết mực thủy chung với tình yêu ấy; tôn trọng quá khứ, nâng niu hiện tại và khát khao vươn tới ngày mai, tôi cầm bút gia nhập làng văn, là tác giả Văn học Thiếu nhi, vào cuộc hành trình tìm lại tuổi thơ của chính mình.
Dù biết rằng văn chương là con đường khổ lụy, cái nghiệp đa mang, nhưng tôi vẫn đi theo tiếng gọi cõi lòng: Viết để tri ân về người đã khuất, để tâm tình với người đang sống; viết để kể chuyện với cháu, con...
* Nhà văn Lê Khôi: Ngày nay không phải nhà văn chuyên nghiệp mới viết được tiểu thuyết. Bất cứ ai thường xuyên đọc sách, trăn trở với cuộc-sống-ngày-hôm-nay và văn chương trỗi dậy thôi thúc trong lòng... thì đều có thể viết tiểu thuyết. Những sự kiện, biến cố xã hội đang hoặc đã xảy ra gây cảm xúc tâm hồn nhà văn thì nội dung tiểu thuyết đó mới là nguồn cảm hứng cho độc giả. Vì vậy nhà văn phải đi đến và sống với thực tế, tôn trọng lịch sử mới có tác phẩm hay.
* Nhà văn Nguyễn Thị Thu Sương: Viết văn thật khó nhọc. Tôi luôn nhớ lời thầy: chân không được rời mặt đất nhưng trí tưởng tượng phải vươn cao. Người viết phải vận công với từng con chữ, lấy con chữ làm phương tiện để chuyển tải thông điệp đến con người. Mỗi tác phẩm, mỗi bài viết phải nói lên được thân phận con người, tác động đến con người để biết cảm thông hơn, yêu thương hơn, sống có trách nhiệm hơn...
Tôi chăm chỉ thâm nhập thực tế, muốn viết thật nhiều những điều bắt gặp nhưng thường bế tắc trong thể hiện. Đôi lúc tôi đã muốn bỏ bút nhưng chưa bao giờ làm được. Cứ viết, y như ủi đường mà đi. Viết cho được điều mình cảm nhận đã khó, được bạn đọc đón nhận trong lúc nhiều hình thức giải trí chi phối càng khó hơn. Tôi thấy viết văn cũng như lão nông trên mảnh đất khô cằn, muốn sống thì phải thức khuya dậy sớm, đổ mồ hôi sôi nước mắt, tính toán chi li may ra mới được đơm bông, kết hạt.
“THƠ - MỘT THỨ GÌ ĐÓ
GHÊ GỚM HƠN TA TƯỞNG”
* Nhà thơ Nguyễn Kim Huy: Tôi nghĩ trước hết văn học phải ghi dấu được tiếng nói của tâm hồn mình, những con người thân yêu quanh mình, xóm làng, phố phường, đất nước quê hương mình... Nếu có tài năng, đó cũng đã là tiếng nói của con người và thời đại mình đang sống, để tác phẩm có hy vọng lay động được tâm hồn người đọc, tìm kiếm được sự đồng cảm của con người và có hy vọng còn lại với cuộc đời. Viết là một quá trình tìm kiếm lặng lẽ, trăn trở nghiệt ngã trong ma trận nghệ thuật ngôn từ và tư duy cảm xúc, nhưng cũng chính là một quá trình hạnh phúc kết tinh từ sự chiêm nghiệm, nhận thức và giãi bày khi đối diện với tâm hồn mình, bản ngã mình, cuộc sống vây quanh mình khi ta đang viết...
* Nhà thơ Phan Hoàng Phương: Khi đã dành trọn sự theo đuổi với thơ để bám theo từng câu, từng chữ để chắt chiu từng ý thơ cho từng ngày thì không còn là chuyện mỗi ngày hay mỗi tuần, mỗi tháng viết nên được một bài thơ trong tâm trí, mà có thể là một năm, hai năm và lâu hơn thế nữa. Chỉ có điều, đó không phải là sự nhọc nhằn, mà là một cảm giác thật nhẹ nhàng mỗi khi buông được câu cuối cùng cho mỗi bài thơ. Mỗi bài thơ đối với tôi là sự chắt lọc tất cả những gì khó khăn nhất, chật vật nhất, hạnh phúc nhất, đau đớn nhất và đẹp đẽ nhất trong từng chặng đường mà mình đã bước đi.
* Nhà thơ Trần Tuấn: Văn chương, cũng như Thơ - là một thứ gì đó ghê gớm hơn ta tưởng. Tôi không thể khoác cho Nó những sứ mệnh, thiên mệnh lớn lao như người ta vẫn làm. Đó là sự lầm lẫn. Ngược lại, chính tôi đang bị lưu đày trong Nó. Tôi nghĩ, tôi thở, tôi đi - cũng chính là Nó nghĩ, Nó thở, Nó đi... Cùng một nhịp. Chậm hơn sự dừng lại.
Nhà thơ luôn muốn đẻ ra những bài thơ “ghê gớm”, tất nhiên. Đó cũng luôn dẫn đến sự lầm lẫn khác, khi người ta chỉ muốn và quen dùng chung một quan niệm về Thơ. Khi người ta vẫn chỉ xem Nó như là một vật ngoại thân lấp lánh, không thích thì có thể tháo bỏ và quên đi.
Thơ là một sinh thể bất trị. Anh chỉ có thể giết Nó bằng cách làm ra một bài thơ theo cái cách quen thuộc nhàm chán người ta vẫn làm. Nhưng khi ấy, Nó đã không còn là Nó nữa. Anh sẽ không bao giờ gặp lại Nó, dù ngày nào anh cũng viết ra...
* Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật: Thơ có hàng ngàn định nghĩa nhưng thâm cảm nhất, là lời của thi hào Đức Johann W. Goethe: Thơ nên quá văn xuôi, nhưng chỉ nên quá một chút thôi. Điều này không khác với nhận xét của nhà phê bình Viên Mai (Trung Hoa): Thi nghi đạm, bất nghi nồng, nhiên tất tu nồng hậu chi đạm (Thơ nên đạm, không nên nồng, nhưng phải là cái đạm sau khi đã nồng).
Về trách nhiệm của người cầm bút trong mối quan hệ với xã hội, thì dường như một trong những “chuyện lớn” hiện nay, là khoảng cách giữa người viết và số đông người đọc. Để giảm bớt khoảng cách ấy, lại là chuyện “lớn” hơn nữa: đó là việc của toàn xã hội, là triết lý sống cho cả cộng đồng.
Và nền tảng của mọi cộng đồng là gì, nếu không là triết học và thơ ca.
* Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy: Một người làm thơ trước tiên phải có lòng can đảm, bởi thơ ca thường mang đến những hệ lụy không ngờ. Và phải biết chấp nhận, bởi ánh sáng hay bóng tối của ngôn từ đều có căn phận của nó.
Thơ của tôi đã được tôi làm ra từ những buổi lang thang vào trong chính nội tâm mình. Giữa những bổn phận, những ràng buộc tôi có cơ hội trốn chạy. Trốn chạy bao nặng nề, sợ hãi, ám ảnh về cái chết, sự chia ly, cái vô nghĩa, sự phản bội, muôn vạn mệt mỏi, và muôn vạn phiền muộn khác mà mỗi con người đều phải gánh chịu trong đời.
Với tôi thơ như cây cầu là ranh giới để tôi qua lại giữa cuộc sống thực với bộn bề công việc buộc ta phải thăng bằng, và cuộc sống mộng nơi ta có thể tự do buông thả, chiêm nghiệm. Vì thế trốn chạy không có nghĩa là vuột thoát mà mang ý nghĩa kiếm tìm. Và vì thế ảo và thực, thơ và cuộc đời trong tôi không tách rời nhau. Ảo chính là thực, thơ chính là cuộc đời được nhìn bằng một tâm thế khác, tâm thế của một thân phận muốn vượt lên trên thân phận bằng sự trung thực của bản thân mình.
* Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên: Tác phẩm văn học được sàng lọc qua thời gian. Sự xác lập chỗ đứng giữa lòng công chúng là thẩm giá cuối cùng. Giữa bao nhiêu kiểu sức nhi nhô các loại mác gắn lên làm trang sức, tôi vẫn bình tâm sống và viết trên 40 năm rồi. Nghề văn chọn tôi hay tôi chọn nghề văn cũng đều là định mệnh, phải dốc não tùy máu xương đi đến cuối cùng. Rồi ngày qua, rồi đời qua/ Bụi rơi xuống đất hương hoa lên trời/ Em còn buồn nữa hay thôi/ Núi cao là để phận đời... chon von!
Trên đây là lời trao đổi tâm huyết của các nhà văn, chúng tôi chỉ ghi lại và không bình luận gì thêm. Tạm kết thúc buổi trao đổi này, chúng tôi ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ văn học Lê Đức Luận: “Công việc viết văn như một con tằm nhả tơ, tác giả chắt từ cuộc đời mình qua những trải nghiệm, suy tư, cảm xúc... để bày tỏ nỗi lòng. Tác giả hóa thân mình vào cuộc đời, vào con người, vào từng cảnh đời số phận để cảm thông sẻ chia. Viết văn là sáng tạo nghệ thuật công phu, cần mẫn như con ong làm tổ. Tác phẩm văn học là một thông điệp, là một tín hiệu thẩm mĩ, là một công trình sáng tạo ngôn từ. Tác phẩm văn học là một cấu trúc mở, bản thân nó là con đẻ của tác giả nhưng khi vào đời sống văn học thì nó có cuộc sống riêng. Vì thế, căn cứ vào đời tư và ý đồ sáng tạo của tác giả mà phân tích nội dung tác phẩm sẽ không đầy đủ và đúng đắn. Người phê bình văn học nhập thân vào tác giả, đồng cảm rồi đồng hành cùng với tác phẩm văn học”.
M.T