Gọi thương - Nguyễn Thị Thu Sương

02.05.2019

Gọi thương - Nguyễn Thị Thu Sương

Ngày 7.3.2019, kỷ niệm 50 năm ngày mất của nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, nhà văn Bùi Minh Quốc và con gái từ nước Anh về tổ chức buổi ra mắt tập Nhật ký chiến trường của chị. Nhiều nhà văn, nhà thơ từ Hà Nội, từ trong Nam về dự. Trong không khí trang trọng và ấm cúng, nhà văn Bùi Minh Quốc vẫn nghẹn lời với Bài thơ về hạnh phúc mà ông viết cách đây đúng nửa thế kỷ. Đây là bài thơ nằm trong sổ tay của thế hệ 5X - 7X. Tràn đầy từng câu chữ là cảm xúc chân thành thiết tha. Hạnh nphúc là gì?/ Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra/ Cho đến một ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt... Đất nước gọi, lớp lớp tuổi trẻ đã ra đi. Nữ nhà văn trẻ đã gửi con gái mới 16 tháng tuổi cho bố mẹ để ra chiến trường. Và rồi chị hy sinh ở Duy Xuyên, Quảng Nam vào ngày 8 tháng 3 năm 1969.

Hạnh phúc là gì? Đó là câu hỏi mà con người luôn phải đối diện. Thế hệ Xuân Quý là chiến đấu vì vận mệnh đất nước, rồi sau đó là cơm áo ...Đã mòn chân với suối đèo/Mấy năm lính đã chịu nhiều gió sương/ Liều thêm, ừ, một đoạn trường/ Con thơ, vợ dại thương suông ích gì!/ Áo cơm nặng lắm, đi đi... (Tiễn em trai đi Hàn Quốc - Cao Xuân Sơn). Những tưởng qua loạn lạc, đói rét con người sẽ có hạnh phúc khi cuộc sống đủ đầy nhưng không. Có thể nói, hiện nay, không gì hạnh phúc bằng bình yên trong mỗi con người, mỗi gia đình. Giáp tết Kỷ Hợi 2019, chùa Quán Thế Âm kết hợp với tăng thân làng Mai chùa Từ Hiếu, Huế tổ chức buổi thuyết pháp. Phật tử các nơi về rất đông, trong đó có nhiều nam nữ thanh niên. Cuối buổi thuyết pháp là phần trả lời các câu hỏi của phật tử. Tôi rất bất ngờ khi thấy nhiều câu hỏi mang tính thời sự nóng hổi của giới trẻ. Có thanh niên nói: bình an chỉ có khi tâm tịnh nhưng cuộc sống bận rộn hiện nay việc giữ tâm tịnh là cực kỳ khó. Có câu hỏi: tình trạng dùng ma túy tổng hợp, thuốc lắc, đập đá hiện nay rất nhiều, làm cho cuộc sống ngày càng khó khăn, thậm chí, gây nên những cái chết bất đắc kỳ tử. Vậy, người chết như thế có được siêu thoát sang thế giới Tây phương cực lạc? Một cô gái nói, cô chơi với bạn chân thành nhưng thường bị bạn làm tổn thương. Dù tha thứ nhưng mỗi khi nghĩ lại cô vẫn thấy đau lòng, cảm giác bản thân không được tôn trọng. Có chàng trai sau một hồi ngập ngừng nói: ba má hay cãi nhau, khi con can ngăn thì ba má la “mày biết gì mà nói”. Con không biết làm sao cho ba má bớt cãi nhau. Con không muốn về nhà để đỡ chứng kiến cảnh cãi vã ồn ào... Cậu ta nghẹn lời một lúc rồi nói tiếp: mong thầy chỉ giáo giúp con...

Những câu hỏi và đôi mắt đỏ hoe của chàng trai làm tôi nhớ lần tham dự trại viết Chào mừng 70 năm thành lập ngành Tòa án. Chánh án Tòa án Cấp cao tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Bường cho chúng tôi biết: miền Trung có những vụ án lớn như tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh tỉnh Đắk Nông, tại Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên, buôn bán ma túy, tranh chấp đất đai... Nhưng, đặc biệt là các vụ án từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt và li hôn trong gia đình trẻ ngày càng tăng. Hiện nay mỗi thẩm phán xét xử khoảng 100 vụ/năm, tức là 3 ngày một vụ! Có phiên tòa xét xử vào ngày 8 tháng 3 - Ngày Quốc tế Phụ nữ thì bị can là nữ, phạm tội buôn thuốc nổ! 27 tháng 7 là Ngày thương binh liệt sỹ nhưng bị can là con liệt sỹ, phạm tội hiếp dâm... Ngoài tư liệu do Tòa án cung cấp, chúng tôi còn tham dự những phiên tòa tại Tòa án Thành phố Đà Nẵng và Tòa án Thừa Thiên - Huế để xem xét xử vụ buôn ma túy xuyên quốc gia, ly hôn có yếu tố nước ngoài, vụ cướp giật tài sản của một thanh niên có cha mẹ ly hôn... Ông Đặng Quang, Chánh án Tòa án Thừa Thiên - Huế nói: tình trạng li hôn ngày càng nhiều, với những lí do mà vợ và chồng đưa ra quá nhỏ nhặt. Người phạm tội do chưa hiểu pháp luật, suy nghĩ nông cạn, sống gấp, ăn thua,...

Một người nói với tôi sau khi dự phiên tòa: thời mình lao về chiến trường còn thanh niên bây giờ lao về vũ trường. Tuổi trẻ bây giờ sống quá ảo, quá gấp, quá sân si. Những giá trị của gia đình, của tình yêu đang mai một. Vậy, khi đất nước gọi thì làm sao họ có mặt?

Bởi vậy, câu chuyện của những thanh niên làm tôi xót xa. Đâu chỉ có sống ảo, họ cũng có nỗi buồn sâu kín. Gần ngàn người trong khán trường cũng im phắc. Động viên chàng trai bớt cơn xúc động, sự thầy mới nói: cần quán chiếu sâu sắc sự việc. Có thể bằng cách đặt câu hỏi: tại sao ba má cãi nhau? Có nỗi khổ nào của ba má mà mình không biết? Có thể là áp lực kinh tế, là công việc mệt mỏi... Từ đó sẽ thương ba má hơn mà cố gắng, tùy lúc, tìm lời động viên với từng người. Nhìn khuôn mặt đã giãn bớt ưu tư của chàng trai, tôi hy vọng xã hội sẽ bớt được một người đi hoang, có thêm một gia đình yên ấm.

Về tình trạng thanh niên sống buông thả, sư thầy nói: ngáo đá đã gây ra nhiều cái chết thương tâm với bản thân người sử dụng ma túy tổng hợp và người thân. Hãy nghĩ nếu tiếp tục sống vậy thì kết cục bi thảm sẽ đến bất kỳ lúc nào. Hãy đặt câu hỏi mình chết có gì tiếc không? Mình đã nói được câu “con yêu ba mẹ” chưa? Làm khổ đau cho bản thân là làm khổ đau cho cha mẹ. Phải điều chỉnh lại cách sống bằng công việc mình yêu thích, tham gia hoạt động thể thao, văn hóa với cộng đồng, nhất là công việc thiện nguyện sẽ thấy cuộc sống rất ý nghĩa. Tây Phương cực lạc không đâu xa mà ngay trước mặt, nếu chúng ta hiểu thấu đáo và sống theo giáo lý đạo Phật. Về việc giữ tâm tịnh: Có thể đi 10 bước, nếu vẫn phân tâm thì bước trở lại hoặc nhiếp tâm vào hơi thở. Hãy thở một hơi thở cho trọn vẹn, đi một bước đi cho trọn vẹn. Theo dõi hơi thở sẽ thấy tâm bừng sáng. Hoặc cố gắng thực tập, làm gì biết đó. Hạn chế lời nói làm người khác đau khổ bằng cách thở sâu. Tâm tịnh thì sẽ bình an. Một sư cô từng trải qua việc bị bạn làm tổn thương nói: có thể đó là mới sự tha thứ bên ngoài, còn trong tàng thức vẫn chưa. Cần đặt câu hỏi vì sao mình còn giận? Đôi khi thương bạn mà nói không đúng lúc vẫn phản tác dụng. Lời ái ngữ, nói đúng lúc sẽ cho kết quả tốt. Không có mối quan hệ nào hoàn hảo mà không phải bỏ công xây đắp. Chỉ khi nói được với nhau mọi điều mới thành tri kỷ. Kinh nghiệm cho thấy, người tri kỷ là những người thẳng thắn. Khi nói thẳng có thể ban đầu bạn sẽ buồn nhưng sau đó sẽ an lạc hơn.

Chùa Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn do Thượng tọa Thích Huệ Vinh trú trì tháng nào cũng tổ chức khóa tu tập cho học sinh, thanh niên sống theo giáo lý đạo Phật: hiếu kính với ông bà, cha mẹ, hòa thuận với mọi người, thân ái với bạn bè, giúp đỡ người bệnh tật, khó khăn... Ngoài học giáo lý, các khóa sinh còn được học khí công, võ, thiền định. Những hoạt động này đã giúp đạo sinh giảm bớt thời gian sống ảo với mạng.

Một lần, bạn gọi điện rủ tôi đi từ thiện ở Đại Lộc sau trận lũ lớn. Chuyến đi cho tôi nhiều suy nghĩ và từ đó tôi dành thời gian đến chùa nhiều hơn. Không lặng lẽ như bên ngoài, trụ trì và phật tử các chùa hoạt động rất mạnh mẽ trong công việc thiện nguyện. Chùa Pháp Lâm, quận Hải Châu, hiện là Trụ sở của Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng có cơ sở chữa bệnh từ thiện cho người nghèo. Bắt đầu từ thực trạng mười năm sau giải phóng, đất nước vẫn vô cùng khó khăn, mạng lưới y tế chưa phát triển, bảo hiểm y tế hạn hẹp trong các cơ quan Nhà nước, người dân ốm đau phải tự mua thuốc, người nghèo chỉ mua mấy viên giảm đau chứ không có điều kiện chữa bệnh. Vì vậy Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ II (1986), Giáo hội đề ra cương lĩnh lấy Y phương minh làm cơ sở, sẻ chia nỗi đau thương tật sau chiến tranh và đồng bào nghèo khổ bị bệnh. Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng đã thành lập Tuệ Tĩnh Đường để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo chưa có BHYT. Kinh phí mua dụng cụ y khoa khám bệnh, châm cứu và thuốc do anh chị em Tuệ Tĩnh Đường vận động. Đội ngũ Y - Bác sỹ, Lương y và nhân viên y tế là những người công tác ở ngành y tế đã về hưu, làm việc từ thiện không có lương. Ngày 19/9/1990, đúng vào dịp Vía Đức Quán Thế âm Bồ Tát năm Canh Ngọ, cơ sở chữa bệnh từ thiện của chùa đi vào hoạt động, mỗi tuần làm việc 5 ngày. Lúc đầu chỉ khám chữa bệnh tại chỗ, về sau vào các dịp lễ lớn, Tuệ Tĩnh Đường thường tổ chức đi về vùng sâu vùng xa của Đà Nẵng và Quảng Nam để khám và phát thuốc miễn phí cho bà con. Đã nghỉ hưu, sức khỏe hạn chế, có người đi lại khó khăn nhưng lấy tinh thần phục vụ chúng sanh làm niềm vui hạnh phúc nên tất cả đều vượt qua. Có người hai vai còn nặng gánh bởi đang đi làm. Chị Tâm Hương kể chuyến đi khám bệnh, phát thuốc vào tháng 11 năm 1996: Sau khi khám và phát thuốc cho 600 người dân xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, 16 giờ đoàn mới lên xe trở về Đà Nẵng. Đến Nam Phước thì gặp đoàn xe nằm nối đuôi nhau do nước nguồn về ngập cầu Cao Lâu. Chị Tịnh đang làm ở khoa Sản, bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng có lịch trực buổi tối. Không thể chậm ca, chị đón một chiếc xe bồn chở xăng để về. Nhiều người thấy nước trên mặt cầu Cao Lâu chảy xiết ngăn lại nhưng chị Tịnh quyết tâm trở về. Đến tối, mưa càng lớn, chủ trạm xăng Nam Phước lội nước ngang rốn đi mua cho mỗi người một ổ bánh mì rồi cho mượn phòng nghỉ của công nhân trạm xăng, 20 người nằm chen chúc trong căn phòng 3m2! Hôm sau mưa tạnh nhưng nước trên nguồn vẫn đổ về ngập đường quốc lộ cả mét. Sư cô Huệ Bổn chùa Long Phước nấu cơm, chèo ghe đem ra cho đoàn. Trưa nước rút dần, đoàn trở về Đà Nẵng lúc 2 giờ chiều.

Lấy sức khỏe và hạnh phúc của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu và điều trị bệnh nhân với lòng từ bi và tôn trọng, Tuệ Tĩnh Đường ngày càng phát triển. Nhiều Y - Bác sỹ trẻ cũng tham gia. Từ ngày thành lập 19/9/1990 đến cuối tháng 12/2017

có 181.410 người được khám, cấp 2.872.036.987 đồng tiền thuốc, 103 lần tổ chức đi khám và phát thuốc cho đồng bào ở các vùng sâu vùng xa.

Với chủ trương tốt đời đẹp đạo, chư tăng và phật tử Đà Nẵng đã đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nồi cháo tình thương ở các bệnh viện. Tham gia từ thiện đến các vùng đồng bào xa xôi, hẻo lánh trên cả nước trong lúc hoạn nạn: bão lũ, mưa giá. Vượt hàng ngàn cây số trong gió lạnh giáp Tết để đem lại hơi ấm cho đồng bào nghèo nơi biên cương. Tôi đã tham gia chuyến từ thiện đến xã A Tiêng, một xã giáp biên giới Việt Lào của huyện Tây Giang. Xã có 6 thôn với 200 hộ nhưng chỉ 5 thôn đến nhận. Chúng tôi nghĩ do đường sá xa xôi, lầy lội hoặc do sơ sót về thông báo nên sau khi phát quà tại điểm tập trung, đoàn nhờ người dẫn đến bản. Vào bản mới thấy các dự đoán đều sai. Trong bản không có người lớn. Bọn trẻ cho biết cha mẹ đi lấy bông đót. Đã 23 Tết nhưng nhà nào cũng trống rỗng, bếp chưa có chút gì gọi là hương vị Tết.

Phật giáo có pháp tu Lục độ Ba - la - mật tức là sáu phương pháp để độ mình (phật tử tu tập) và độ người (giúp đỡ người khác). Trong đó bố thí ba - la - mật là pháp tu đầu tiên, bao gồm chia sẻ vật chất, thân mạng của mình (còn gọi là bố thí nội tài), dùng lời khuyên khiến người bỏ ác hướng thiện và giúp đỡ người bớt sợ hãi bằng lời nói hay việc làm. Bố thí Ba - la - mật đúng pháp là bố thí không chấp tướng, tức là xuất phát do tâm từ bi, vì lợi ích chúng sanh, không cầu danh lợi hay mong được đền đáp,... Chính vì vậy trong bài viết này tôi xin phép không nói tên thầy trú trì mà chỉ nói công tác Phật sự trong vấn đề an sinh xã hội ở một số chùa.

Có chùa tuy nhỏ nhưng nuôi nhiều trẻ cơ nhỡ, người bệnh. Mỗi tháng, vào ngày Mồng Một và Rằm, chùa tổ chức phát 300 - 500 suất cơm từ thiện. Chùa còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội tại địa phương như Xây dựng nhà Đại Đoàn Kết cho người nghèo, Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”... Hàng năm, chùa tổ chức rất nhiều chuyến từ thiện đến các xã miền núi, biên giới xa xôi. Tôi đã tham gia chuyến đi từ thiện vào Giáp tết Kỷ Hợi đến 2 xã Trà Leng và Trà Mai của huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Nhiều người trên 70 tuổi vẫn tham gia. Trà Leng nằm giáp huyện Đăk GLei, tỉnh Kon Tum, là địa bàn hiểm trở nhất của huyện Nam Trà My. Đường 40B khá hẹp, từ thị trấn Bắc Trà My lên càng hẹp, ngoặt tay áo liên tục. Từ ngã ba Trà Mai đến Trà Leng chỉ 20km nhưng xe đi mất 1 tiếng. Chỉ 150km nhưng sau 6 tiếng, đến hơn 12 giờ trưa chúng tôi mới đến Trà Leng. Điểm trao quà Tết tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trà Leng. Bà con đã đông đủ. Nhiều người từ sáng sớm, vượt dốc vượt suối cả buổi mới đến. Địa hình trắc trở, nhất là vào mùa mưa, đi lại các nóc vô cùng khó khăn. Bởi vậy, ngoài 150 suất quà, mỗi suất trị giá 400 ngàn gồm tiền, gạo, chăn, áo ấm, hạt dưa, xì dầu, mì chính... còn có 10 chiếc xe đạp, dành cho các em học sinh nghèo hiếu học. Người dân Trà Leng sống rải rác, chưa tới 20 người/km2. Đất sản xuất nông nghiệp ít, lúa rẫy năng suất thấp lại chỉ làm một vụ. Quế là nguồn thu chính nhưng bán ở dạng thô, giá cả phụ thuộc thương lái. Đồng bào trồng keo, chuối, cau... nhưng mưa nắng khắc nghiệt nên vào kỳ giáp hạt vẫn xảy ra đói. Tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Có thôn chỉ 50 hộ thì 35 hộ nghèo và 11 hộ đặc biệt nghèo. Vì vậy những món quà thiết yếu vào dịp Tết là rất quý.

Có ngôi chùa được gọi là “Tổ ấm cho chim lạc đàn” bởi chùa đã nuôi 114 trẻ vô thừa nhận, mồ côi và người già không nơi nương tựa. Nhiều trẻ bị bỏ trước cổng chùa vẫn còn nguyên dây rốn. Nhiều sinh viên lỡ làng đến xin ở lại chùa chờ sinh. Sư cô và hơn 10 sa di, tì kheo nữ cùng 15 người tình nguyện chăm sóc trẻ phải dậy từ 3 giờ sáng để lo việc kinh kệ, ăn uống, chuẩn bị sách vở cho các cháu đến trường. Mỗi người chăm 10 đến 16 em, trẻ ốm đau thì chăm 4 đến 5 cháu. Để có tiền lo cái ăn cái mặc cho hơn 100 trẻ, người già không nơi nương tựa và người cơ nhỡ, ngoài sự đóng góp của phật tử xa gần, với 2 sào ruộng trồng lúa, chùa nhận nấu tiệc chay, ngày Rằm và Mồng Một bán mỳ Quảng chay... Vậy mà có tháng phải nợ tiền điện nước. Trong một lần thăm chùa, tôi gặp một phụ nữ đến xin nhận lại con. Vợ chồng ly dị, 2 đứa con chia đôi, người chồng đem con gửi vào chùa rồi lấy vợ mới. Mười hai năm sau, người vợ đã ổn định cuộc sống xin nhận lại con. Với tâm nguyện cho các cháu có tổ ấm, có ăn học, nhận thức đúng đắn để trở thành người có ích, đỡ gánh nặng cho xã hội. Vì vậy chùa đã nuôi dưỡng trẻ, cho học hành, Hơn hai mươi năm qua, có người đã tốt nghiệp thạc sỹ... Trường hợp người thân đến nhận lại, chùa tạo điều kiện cho cháu về đoàn tụ với gia đình. Việc này đã làm nhiều người suy nghĩ khi đem con đến chùa: Sư cô nuôi được hàng trăm trẻ tại sao mình lại không nuôi được đứa con đã rứt ruột đẻ ra? Vậy là họ đưa con trở về gia đình. Những người theo đạo Công giáo cũng trở nên thân thiết, không chỉ quan tâm, giúp đỡ các cháu mà còn đóng góp đúc tượng Phật.

Có chùa một tháng hai lần tổ chức nấu cơm từ thiện cho bệnh nhân vào ngày 6 và 18 âm lịch. Mỗi lần nấu 1200 - 1500 suất cho hai bệnh viện Ung bướu và bệnh viện Đa Khoa Đại Lộc. Rau củ cắt rửa từ chiều hôm trước. Cứ 4h sáng là anh chị em thiện nguyện tập trung nấu nướng. Hơn chục người làm không ngơi tay. Lúc cho cơm, thức ăn vào hộp có khi lên tới 30 người. Đến 10 giờ là cơm đã vào thùng, chất lên xe đến bệnh viện Đại Lộc đúng 10 giờ 30 phân phát cho bà con. Trong những lần tham gia, tôi đã gặp Mostafa Mansour (Ai Cập), Kathrina và Milena, người Thụy Điển và Đức,... Họ đều rất trẻ, đang dạy ở tiếng Anh ở quận Ngũ Hành Sơn nhưng rất tận tâm, cho cơm vào hộp, khuân thùng cơm canh nặng ì lên xe, đến từng giường bệnh phát quà. Từ năm 2011 đến nay, dù những lúc mưa lũ trắng đồng, rau củ đắt đỏ nhưng mỗi tháng hai lần, chùa vẫn đều đặn vậy.

Có chùa thành lập Đội tình nguyện viên Máu sống gia đình phật tử Đà Nẵng, tổ chức khám bệnh, tầm soát ung thư và cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo Đà Nẵng, Quảng Nam. Đội còn tổ chức Giải Bóng đá “Chia sẻ yêu thương” gây quỹ từ thiện xây nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo.

Đặc biệt, các buổi thuyết pháp về Đạo và Đời rất bổ ích, với các chủ đề thiết thực, sát thời sự: lời nói trong cuộc sống hàng ngày, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, quan hệ vợ chồng,... Trong buổi thuyết pháp của một ngôi chùa ở ngoại thành thành phố, có phật tử hỏi: sau khi hiến tạng có được vãng sanh về Tây phương cực lạc? Đây là vấn đề thời sự nóng bỏng bởi trong khi nhiều người ngưng tim, chết não thì rất nhiều bệnh nhân chờ đợi, mong mỏi được hiến tạng. Thượng tọa Thích Nhật Từ, trú trì chùa Giác Ngộ, thành phố Hồ Chí Minh được thỉnh giảng hôm ấy đã trả lời: Với quan điểm Phật giáo, thân thể con người là vô ngã, chúng ta không sở hữu một cái gì của mình mà chỉ là vay mượn nên hiến tạng là hành động bố thí nội tài, không ảnh hưởng đến vãng sanh. Trước đây, Đức Phật đã kêu gọi chúng sinh bố thí nội tạng. Dù thời điểm đó y học chưa phát triển nhưng Đức Phật đã tiên đoán được. Đức Phật kêu gọi bố thí nội tạng là để hướng đến đạo quả. Chúng ta gieo nhân tốt thì sẽ được quả tốt. Chính quan điểm nhân văn này mà khi chùa Giác Ngộ, thành phố Hồ Chí Minh thông báo tiếp nhận hồ sơ hiến mô tạng cứu người và hiến xác cho khoa học vào cuối tháng 11 năm 2016 đã có 450 tăng ni và phật tử đăng ký. Câu trả lời của Thượng tọa Thích Nhật Từ đã được đạo tràng vỗ tay nhiệt liệt.

Tôi đã gặp chị Thủy, một con chiên ngoan đạo chuyên nhận thai nhi từ các cơ sở phụ sản về chôn cất ở nghĩa trang Hòa Sơn. Chị cho hay tình trạng nạo phá thai do quan hệ tiền hôn nhân quá nhiều, chưa nói đến tội lỗi làm họ cắn rứt lương tâm nhưng nguy cơ dẫn đến vô sinh rất lớn. Bởi vậy, những khóa tu như Quay về bến Giác, Quay về cội nguồn yêu thương, Hãy là chính mình, Hãy biết yêu chính mình để yêu người trọn vẹn,... trên địa bàn có nhiều sinh viên các trường Đại học và nam nữ thanh niên khu công nghiệp ở trọ là vô cùng cần thiết. Khóa tu giúp mỗi người tự giác ngộ, khẳng định sức mạnh nội tại để xứng đáng là người con hiếu hạnh, là công dân tốt của xã hội.

Tôi đã tham dự khóa tu Hãy biết yêu chính mình để yêu người trọn vẹn, tổ chức tại Cung thể thao Tiên Sơn với 4000 thanh niên. Sư thầy tổ chức buổi thuyết pháp này nói: tình yêu trong đạo Phật không chỉ là danh từ mà còn là động từ, phải biểu thị ở hành động, ở chia sẻ, động viên... Yêu thương không nặng về ngôn từ và diễn đạt mà nói bằng trái tim. Trong tình yêu cần biết chấp nhận cả cái đắng vì ngọt và đắng thường đi cùng nhau. Những diễn giả hàng đầu cả nước như Phó G.s T.s Huỳnh Văn Sơn, diễn giả Quách Tuấn Khanh đem đến chủ đề: “Bí quyết cho tình yêu thăng hoa”, “Yêu thương và 1001 cách lầm tưởng”. Phải nói là các chủ đề rất hay, rất thực tế: Muốn người khác yêu mình thì trước hết mình phải đáng yêu. Đó là điều vô cùng đơn giản nhưng trong cơn lốc công việc, ăn nhậu bù khú, thâu đêm với ánh sáng huỳnh quang có ai nghĩ đến điều đó? Có ai dám yêu những gương mặt như vậy?... Nói đúng thực trạng, đúng tâm lý nên cả 4000 người lặng yên lắng nghe. Và rồi người gọi người, chiều tối càng đông, lên đến 4500 người.

Khóa tu còn mời ca sĩ Cẩm Vân, nghệ sỹ Thành Lộc, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng,... Ca sĩ Cẩm Vân nói, đây là lần đầu tiên chị đứng trước khán giả đặc biệt vậy. Chị kể về sự nhiệm màu của Phật pháp đã giúp gia đình chị vượt qua những khúc ngặt cuộc sống.

Trả lời câu hỏi: với hơn 600 vai diễn, lên đồng nhập cốt với nhân vật thì liệu nghệ sỹ có thể còn yêu bản thân mình? Thành Lộc nói: chức năng nghệ thuật là khơi gợi con người làm cách mạng, trước hết là với bản thân mình, làm cho con người mới lên theo chiều hướng tích cực. Người nghệ sỹ sống nhiều cuộc đời qua các nhân vật nhưng phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Ngay cả khi đóng vai phản diện cũng là một dịp thanh lọc, làm bản thân hoàn thiện hơn, loại bỏ dần những điều xấu, tức giác ngộ. Khi đã giác ngộ thì sẽ thấy scandal là vớ vẩn, thấy sân khấu và nghệ thuật là bàn thờ. Một buổi biểu diễn là một buổi kết hợp thập nhị công nghệ với người nghệ sỹ: tóc, giày, trang phục, họa sỹ, thiết kế, kiến trúc, ánh sáng...! Với chủ đề Hãy yêu chính mình để yêu người trọn vẹn, trước hết là không chán chính mình. Đây là slogan (tuyên ngôn) mà cuộc sống hiện đại rất cần.

Stani Lapxki nói: Hãy yêu nghệ thuật trong mình. Nhà văn ưu tú Nguyễn Minh Châu cũng đã viết “Hãy đi đến tận cùng của cái ta, ta sẽ gặp nhân loại”. Người Anh cũng có câu ngạn ngữ rất hay, rất ý nghĩa về tình yêu và hạnh phúc “Mỗi người hãy là kiến trúc sư cho hạnh phúc của mình”. Phải biết yêu lấy chính mình hay nói một cách khác, hãy trọn vẹn với cái ta (theo nghĩa tu thân) để yêu người trọn vẹn!

Ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng đem tới 5 ca khúc sôi động nhưng bất ngờ nhất là khi ca sỹ Cẩm Vân nói sẽ hát theo yêu cầu thì 4500 nam thanh nữ tú đồng thanh “Bài ca không quên”. Và rồi cả 4500 nam thanh nữ tú lặng đi lúc tiếng hát Cẩm Vân vang lên ...Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên... Không nhạc, không đèn màu nhưng gần nửa vạn người lặng đi rồi cùng hòa theo ...Bài ca tôi không quên, tôi không quên gửi trọn đời cho tất cả/ Là đồng đội tôi còn ôm súng giữ biên cương...

Có gì đẹp bằng bài ca về cha ông, về thời giữ nước gian khó được tuổi trẻ trong khóa tu Hãy yêu chính mình để yêu người trọn vẹn yêu cầu? Tôi tin rằng những ai đã đi qua mưa bom bão đạn, đã mất niềm tin với hiện tại cũng sẽ rưng rưng nước mắt để rồi trào dâng niềm hy vọng mới khi chứng kiến một thính phòng như vậy. Thực sự, nếu trong giới trẻ có sự mất phương hướng thì rồi họ sẽ chững lại bởi yêu thương chính là tiếng gọi bầy. Bởi Phật pháp bất li thế gian, tính nhân văn, mối quan hệ gia đình - xã hội, bảo vệ môi trường thiên nhiên và hòa bình thế giới luôn được đề cao. Bởi trong giáo lý đạo Phật, đất nước - Tổ Quốc - là một trong bốn trọng ân mà người phật tử phải khắc ghi. Lịch sử đã lưu danh nhiều tăng ni “cởi áo cà sa khoác chiến bào” tham gia đánh giặc, “đền xong nợ nước thù nhà. Thiền môn trở gót Phật Đà Nam Mô”. Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Thành phố Đà Nẵng đã phát biểu: “Hãy biết yêu chính mình để yêu người trọn vẹn” là thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn và hoàn toàn không cổ vũ lối sống cá nhân, vị kỷ chỉ biết có và cho mình. “Hãy biết yêu chính mình để yêu người trọn vẹn” là chủ đề vừa mang ý nghĩa triết học cao sâu, vừa mang ý nghĩa thực tiễn sinh động. Đây cũng chính là một trong những yếu tố mà thành phố Đà Nẵng đang ra sức xây dựng. Một thành phố mà ở đó tính nhân văn được đề cao. Một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình và sống tốt...

Tôi đã nghĩ rất nhiều về buổi thuyết pháp “Hãy biết yêu chính mình để yêu người trọn vẹn” khi xem diễn đàn “Hạnh phúc là gì” vừa được tổ chức tháng 3/2019 của VTV6. Diễn giả là những người đã đóng góp tích cực cho cộng đồng: Phạm Thị Hương Giang (Jang kều), H'hen Niê (hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, top 5 hoa hậu Hoàn vũ 2018, Hoa hậu đẹp nhất thế giới năm 2018), và vận động viên điền kinh Bùi Thu Thảo, huy chương vàng Asiad 2018... Họ là những người đã dồn hết sức lực xây gần ngàn ngôi nhà chống lũ cho bà con vùng ngập lụt cả nước, xây thư viện cho trẻ em dân tộc thiểu số, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó và chiến đấu vì màu cờ Tổ quốc. Mỗi người mỗi việc nhưng tất cả họ đều có mẫu số chung: bắt chặt mối quan hệ với gia đình, làng quê và có tấm lòng nhân ái. Họ cho rằng “hạnh phúc là được sống chính mình, là được cho đi”. Khách mời của diễn đàn, nhà báo Hữu Việt đã nhận xét sau khi nghe câu chuyện của họ “bản thân mình hạnh phúc” (được là chính mình) thì mới đem hạnh phúc lại cho người khác. Có lẽ đây là tuyên ngôn chắc thật, bền lâu về hạnh phúc.

Cũng cần nói thêm một việc trong các buổi thuyết pháp. Tôi chưa thấy ở đâu mà hàng ngàn người trước khi ăn đã chắp tay im lặng quán tưởng: Thức ăn này là tặng phẩm của đất trời, của muôn loài và tình thương, công lao khó nhọc của bao người! (!-Chuông) Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này! Xin nhận diện và chuyển hóa những thói quen xấu và ăn có chừng mực! Xin nguyện ăn để nuôi dưỡng tình thương, giảm thiểu khổ đau cho muôn loài, bảo hộ trái đất và chấm dứt những nguyên nhân biến đổi khí hậu bất thường! Vì muốn xây dựng thân tâm, nuôi dưỡng tình huynh đệ và ý nguyện độ đời nên chúng tôi xin thọ nhận thức ăn này! Các thông điệp nhân văn được gửi đến trước bữa ăn như thế thì làm sao sống không có trách nhiệm? Làm sao có say xỉn dẫn đến ẩu đả, dẫn đến tai nạn giao thông, gây đau khổ cho bao người? Và có một điều chắc chắn, sẽ thêm nhiều người được ấm lòng. Ấm lòng với đủ nghĩa.

Không chỉ đem lại nhìn nhận tình yêu và hạnh phúc với sự chân xác, giúp phật tử hiểu cặn kẽ các vấn đề cuộc sống mà Đại đức, Tăng ni Đà Nẵng còn có buổi chia sẻ với các học viên tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05 - 06 (tiền thân là Cơ sở Xã hội Bàu Bàng, quản lý người nghiện ma túy của Đà Nẵng) giúp họ xóa bỏ mặc cảm sai lầm, tội lỗi, có niềm tin xây dựng lại cuộc đời. Sau buổi nói chuyện, tình trạng bế tắc dẫn đến tự tử, trốn trại của học viên giảm hẳn.

Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận, các triều đại hưng thịnh như Lý, Trần... đều có sự đóng góp tích cực của đạo Phật. Viết tiếp trang sử hào hùng, đạo Phật đang được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện hoạt động thuận lợi. Hiện nay Đà Nẵng có 109 ngôi chùa. Ngoài những ngôi chùa có bề dày lịch sử, nhiều chùa mới được xây dựng, to đẹp, là điểm đến yêu thích không chỉ của người dân thành phố mà cả du khách thập phương. Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, thành phố yên bình, hiền hòa, hiếu khách. Trong những giá trị làm nên thương hiệu cho thành phố, có sự đóng góp của tăng ni và phật tử Đà Nẵng. Bằng yêu thương, các tăng ni đã quy tụ mọi người sống theo giáo lý đạo Phật - Từ-Bi-Hỉ-Xả - chia sẻ vật chất và tinh thần. Lặng lẽ, kiên trì gieo trồng, hạt giống yêu thương đã nảy mầm.

N.T.T.S