Sóng thời gian - của tin còn một chút này! - Phan Trang Hy
Nói đến Phạm Minh Thông, người Quảng Nam - Đà Nẵng, thuộc thế hệ như chúng tôi, không ai không biết. Nhất là khi tên tuổi của ông được các tờ báo năm 2000 đưa tin. Không phải là “Tin lành tin dữ đồn xa/ Tin lành tin dữ đồn ba ngày đường” như thời xưa, mà là tin nóng hổi!
Tin nóng hổi ấy, như ông kể trong hồi ký “Sóng thời gian” (Nxb Hội Nhà văn, 2019): “Lễ khánh thành cầu quay Sông Hàn ngày 29/03/2000 kỷ niệm 25 năm giải phóng Đà Nẵng, tôi được mời lên sân khấu hai lần để đón nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trong nỗi mừng vui, nhận những lời chúc tụng chưa được một ngày, tối hôm sau, tôi đã bị công an đón bắt tôi trên đường đi công tác về lại cơ quan tại ngã năm trước khách sạn Phương Đông Đà Nẵng. Tôi bị nhốt ngay vào nhà lao Hòa Sơn trong đêm 30/03/2000”. Không nóng sao được, khi một người vừa có công trong việc thi công cây cầu - cây cầu quay độc nhất vô nhị trên đất nước, thể hiện quyết tâm của nhân dân Đà Nẵng trong công cuộc phát triển xây dựng thành phố về phía đông sông Hàn - lại bị bắt ngay sau đó! Quả là nóng hổi! Nóng hổi bởi các báo đưa tin với những hàng tít lớn: Tại sao Phạm Minh Thông bị bắt?; Tỉ phú đỏ Phạm Minh Thông có bao nhiêu đất, bao nhiêu tiền gửi các ngân hàng?... Và nóng nhất, có lẽ là Phạm Minh Thông đâu dễ minh oan cho mọi người thông hiểu về mình. Những ngày ấy, theo tôi nghĩ, là những ngày đớn đau đối với ông, người bị tạm giam khi công trình hoàn thành. Cũng là những ngày bàn tán đủ kiểu, đủ cách của bao người. Chính sự bàn tán công tội của ông tạo thành những làn sóng trái ngược nhau. Đủ sự khen, chê ở đời. Công, tội đan xen.
Theo nhiều người thường nghĩ thời gian sẽ làm bớt đau những vết thương lòng, những vết xước của cuộc đời này. Và tôi cũng vậy khi đọc hồi ký “Sóng thời gian”, tôi nghĩ là Phạm Minh Thông cũng bớt đau mà bình tâm viết lại những con chữ, không chỉ thanh minh cho mình mà còn chuyển tải cho mọi người cùng thời với ông, cũng như thế hệ sau này biết được chuyện cây cầu mang tên “Sông Hàn” có con người phải chịu hệ lụy của tình đời, tình người để rồi ông phải tù phải tội, để rồi qua thời gian ông thấm tình đời, tình người khi nghĩ đến công lý, tình người. Bởi như Martin Luther, cho rằng: “Công lý là thứ nhất thời và cuối cùng cũng sẽ đi đến kết thúc; nhưng lương tâm là vĩnh cửu và sẽ không bao giờ lụi tàn”.
Và “lương tâm vĩnh cửu, không bao giờ lụi tàn” ấy ẩn hiện theo thời gian tạo thành những con sóng của cuộc đời Phạm Minh Thông. Những con sóng đó trong ông, chính là “Sóng thời gian” với độ dày gần 550 trang được ghi lại theo thời gian từ tuổi thơ yêu dấu gắn bó với La Qua, Điện Bàn ngày ấy đến hôm nay. Nào là thời gian khi đi học, khi làm liên lạc ở quê nhà trong những năm đầu 1940. Rồi thời gian dấn thân thoát ly, tham gia đánh Pháp, mừng ngày hội hòa bình cũng như những ngày sống ở miền Bắc với những kỷ niệm khó quên khi làm nhiệm vụ ở đội cải cách cũng như ở quê hương Rú Đụn, Nam Đàn, Nghệ An.
Cuối những năm thập niên 1950, thời gian ấy, ông vừa dạy xóa nạn mù chữ, vừa tự học cấp ba. Riêng môn Văn học, theo ông việc tự học rất dễ dàng. Có lẽ niềm đam mê văn học ở ông giúp ông được điều ấy. Niềm đam mê đó vẫn theo suốt những năm đầu của thập niên 1960. Ông không thể quên là bài thơ Giấc mơ theo Đảng của ông được báo Quân đội nhân dân ra ngày 03/02/1961 đăng. Hai câu cuối của bài thơ là tâm nguyện, là ước mơ hoài bảo của ông: “Xin dâng cho Đảng đời tôi/ Muôn phương đất nước muôn nơi Đảng cần”.
Những con sóng vẫn mãi miết theo Phạm Minh Thông khi ông rời quân ngũ để tiếp tục con đường học tập. Ban đầu, ông có nguyện vọng thi vào Đại học Y khoa vì nghĩ rằng mình có kinh nghiệm về y trong những năm tháng làm lính. Nhưng sóng đời đưa đẩy ông trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian này, tình yêu đôi lứa của ông được vun trồng và đơm hoa kết quả. Biết bao tâm trạng của chàng trai xứ Quảng trên đất Bắc. Đọc hồi ký này, tôi thấy được nỗi mừng, lo của ông khi được vào đại học, khi được sánh duyên cùng người mình yêu thương, trân quý. Chuyện cưới được người mình yêu, thời điểm ấy, không dễ dàng đối với thanh niên, quân nhân, v.v... là người miền Nam tập kết ra Bắc. Nào là phải có người thẩm tra lý lịch xem có vợ ở miền Nam chưa; nào là phải có người đảm bảo là chưa vợ, bởi có trường hợp những anh chàng tham lam phụ nữ đã khai khống mình chưa vợ, để rồi khi lấy thêm vợ thì có đơn kiện tụng. Đây là lời của chị trưởng phòng Tổ chức trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Phải có giấy đồng hương cấp tỉnh chứng nhận mới được. Các anh ra Bắc, anh nào cũng khai chưa vợ ở miền Nam để lấy vợ miền Bắc, tôi có hàng tá đơn kiện các anh đây này”. May cho ông, là có thầy Lê Vạn - chủ nhiệm khoa Xây dựng ký đảm bảo là ông chưa vợ. Và trời đất, lòng người không phụ tình yêu của ông. Ông được nên duyên chồng vợ với người mình yêu. Tình yêu của ông ngày ấy, duyên vợ chồng của ông ngày ấy, ông nào quên được. Trong hồi ký này, ông đã ghi lại kỷ niệm ngày cưới của mình sau ba mươi năm: “Ngày này/ Em còn nhớ không/ Ba mươi năm trước/ Cô thanh nữ mủi lòng trong tiếng nấc/ Chàng sinh viên/ Cài chặt cửa tình yêu/ Trăm Hoa/ Một chiều/ Âm ỉ lửa tình cháy lên thành ngọn đuốc/ Em - có mẹ già/ Anh - những người con của Bác/ (Đất nước còn chưa thống nhất)/ Đông đủ bạn bè/ Ngân lên tiếng hát:/ Thăng Long - Hà Nội - Tình yêu/ Lễ cưới của chúng ta/ khép lại trong lòng chiều/ Mùa thu - đất thánh/ Rồi/ Vai em gồng gánh/ Lưng anh gùi hạnh phúc./ Ta đi!/ Vật lộn với đời/ Bước-đến-ngày-ni/ cảm ơn em/ Anh biết nói gì!/ Ba mươi năm/ Chặng đường không phải ngắn/ Tình yêu ta/ Dần tan vào trong nắng/ Cho cháu con nồng ấm lúc xuân về”.
Biết bao con sóng đưa đẩy ông trong thời gian học đại học, kể cả thời gian ông được Ban Tổ chức thành phố Hà nội đưa ông về nhận công tác tại Cục Xây dựng Hà Nội. Biết bao suy nghĩ, trở trăn, biết bao chuyện không đâu vào đâu tạo nên sóng lòng trong ông. Hai lần không được kết nạp Đảng, như ông tâm sự là vì “bảo phê bình Đảng lại phê bình cụ thể đảng viên và cán bộ đảng”, và cũng theo ông nghĩ, “đó là cái đạo mà mình chưa hiểu đã vội theo. Phải chăng muốn trở thành một đảng viên Cộng sản thì phải biết đâu là đạo và đâu là đời”. Còn đây là làn sóng vui mà ông nhận là được góp công xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ xây Lăng là vô cùng vinh dự cho ông và những người thợ cũng như cộng sự hết lòng vì công việc. Ông không quên cảm ơn đồng đội, những cộng sự, công nhân góp phần công sức để công trình Lăng hoàn thành. Theo tôi, những đợt sóng trong thời gian xây dựng công trình Lăng Bác là những đợt sóng tạo niềm tin yêu, tự hào, trân trọng, yêu thương, trách nhiệm đầy hạnh phúc đối với ông. Điều đó, ông đã có lời tự bạch: “Đến nay ngồi nghĩ lại, gần 50 năm sống với nghề xây dựng, từng thi công biết bao công trình trên cả nước, nhưng trong đời tôi, quá trình xây dựng Lăng Bác là một sự kiện quan trọng, kỷ niệm sâu sắc mà tôi đã mang đi suốt cả đời mình. Vừa tự hào, vinh dự, vừa hạnh phúc vỡ òa vì mình đã góp một phần nhỏ trong việc xây dựng lăng Bác Hồ”.
Sau ngày thống nhất đất nước, ông lại về thăm quê hương. Và rồi tiếng gọi của nơi chôn nhau cắt rốn, tiếng gọi của làng quê, tiếng gọi của thời thơ ấu, tiếng gọi của đất Quảng Nam đã thôi thúc ông về lại quê nhà. Cũng có những cơn sóng khiến ông và gia đình không dễ yên bình để được về lại quê hương. Cũng có những cơn sóng muốn ông phải quy phục, chùn bước, chùn tay như là chuyện ông được nâng lương, thăng chức ở Hà Nội, thế mà về lại quê hương lại bị hạ chức. Mặc những con sóng đời, ông vẫn quyết tâm trụ vững trong nghiệp nghề, trong niềm tin yêu, để góp công sức xây dựng quê nhà. Một nhà máy xi măng Thủy Tú, một thời đã có tiếng ở miền Trung, Việt Nam. Một Công ty Công tư Hợp doanh Xây lắp Đà Nẵng ra đời, sau thành Công ty Hợp doanh Xây lắp và Kinh doanh Nhà Quảng Nam - Đà Nẵng để từ đó biết bao công trình như công trình Tổng Lãnh sự quán Liên Xô tại đường Trần Phú, Đà Nẵng; Nhà máy Rau quả Tam Kỳ; Tượng đài Chiến thắng Núi Thành; Đài Tưởng niệm 2/9... Những công trình này đâu chỉ là dấu ấn của ông trong công việc, mà đó còn là dấu ấn in đậm nét sự phát triển của Quảng Nam - Đà Nẵng một thời. Tự nhìn lại mình ở giai đoạn này, ông đã viết trong hồi ký: “Kể từ ngày tôi chính thức làm giám đốc từ năm 1991, công ty đã có những bước đi tiên phong, mở ra những hướng kinh doanh, mô hình hoạt động mới để khai thác tiềm năng vốn trong các nhà thầu, trong nhân dân bằng quy chế hoạt động kinh doanh của công ty”.
Cả cuộc đời này đâu chỉ mình Phạm Minh Thông phải chịu sóng dập sóng dồi. Nhưng cơn sóng dữ nhất đối với ông như mọi người đều biết đó là cơn sóng trên sông Hàn, cơn sóng không những cuốn hút nhiều người liên đới mà cuốn cả sự nghiệp, công danh của ông. Để rồi khi bình tâm lại, ông vẫn phải viết những dòng đau xót: “Những người gián tiếp hoặc trực tiếp tham gia bắt giam, kết luận điều tra, truy tố, xét xử tôi đều sử dụng một lương tâm khác - không phải lương tâm của người cầm cân nẩy mực - theo 'đúng tinh thần và nội dung' của nền tư pháp. Chỉ riêng có Phạm Minh Thông là không biết nên phải làm gì khi tai nạn đến với mình. Điều biết và không biết đó có thể dẫn anh ta tới thành công hay thất bại cho chính mình, không ai đâm lao vào anh ta để phải theo lao”. Và ông cho rằng đó là “cuộc chiến giữa Ruồi, Muỗi và Người”.
Đọc hồi ký này, tôi bắt gặp Phạm Minh Thông đâu chỉ là con người của cát đá, xi măng, sắt thép mà ông còn là con người của sự đam mê văn học, nghệ thuật. Một Phạm Minh Thông, hội viên Hội Nhà văn Đà Nẵng, với những tác phẩm đã xuất bản: Cưới trăng (Thơ) Nxb Đà Nẵng 1995; Có một loài hoa (Thơ) Nxb Đà Nẵng 1995; Nhớ một mùa trăng (Thơ) Nxb Đà Nẵng 1996; Nhịp cầu tri ân (Thơ) Nxb Văn học 2000; Men rượu men tình (Thơ) Nxb Văn học 2014; Tấm lòng người thợ xây lăng Bác Hồ (Ghi chép) Nxb Hội Nhà văn 2016; Sóng thời gian (Hồi ký) Nxb Hội Nhà văn 2019. Ông đã tổ chức đêm thơ cùng với ông Trương Quang Được. Quả là văn chương theo ông suốt cuộc đời, kể cả thời trai trẻ, kể cả khi bị tù. Đặc biệt những bài thơ trong tù, là những chiêm nghiệm về thế thái nhân tình, về lẽ sống, tình yêu, gia đình, bè bạn, quê hương. Theo ông, khi ở trong tù, ông tự khuyên mình hãy “vịn câu thơ mà đứng dậy” như Phùng Quán đã viết. Và quả thực vậy, thơ là nơi để ông trải những cơn sóng lòng. Ông mong sự rộng lượng của bạn đọc khi đọc những dòng hồi ký này: “Thơ quanh quẩn ngày đêm vẫn là tiếng lòng u uất, là nỗi đau không có hồi kết của cuộc đời. Đôi khi tôi muốn mình như một kẻ điên, ngược lại thì muốn mình như một cây cau đứng thẳng giữa trời và tôi muốn mình như một Ngọn nến. Trộn lẫn trong tôi là sự giằng xé những nghĩ suy đối nghịch, những cảm thức trăn trở, rồi chỉ biết đến với thơ: Đốt lên cho thân em cháy/ Ngọn lửa càng cao thân em càng chảy/ Không nửa lời than/ Em sẵn sàng cháy trọn cả thân mình/ Chỉ mong lời nguyện cầu/ LUÔN LÀ SỰ THẬT”.
Khi đọc những dòng trên, và nhất là mỗi khi đi trên cầu Sông Hàn, hoặc thơ thẩn trên đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo nhìn những con sóng trên sông, tôi cố tìm xem sóng sông Hàn có còn in bóng của những con người dụng công xây dựng chiếc cầu nối đôi bờ khát vọng của người Đà Nẵng. Và tôi nghĩ người đã trải thăng trầm bởi những cơn sóng như ông chỉ khát khao sự thật. Mọi thứ rồi sẽ qua đi. Chỉ sự thật là vĩnh viễn. Đối với ông, khi bị tù, có lẽ ông thầm nghĩ: “Thay vì tình yêu, thay vì tiền bạc, thay vì danh vọng, hãy cho tôi sự thật” (Henry David Thoreau). Chỉ có sự thật mới còn mãi với người yêu thơ, làm thơ như ông, bởi: “Thi ca gần với sự thực chân chính hơn lịch sử” (Plato).
Đọc xong hồi ký “Sóng thời gian”, tôi chỉ nêu đôi điều như trên về Phạm Minh Thông. Hy vọng rằng, những gì ông viết ở cuối hồi ký này trở thành hiện thực: “Khổng Tử cho rằng: Kẻ tiểu nhân dung lời nói để xin lỗi việc làm sai trái, người quân tử thì lấy việc làm thay lời xin lỗi. Tôi rất mong các cơ quan công quyền, các cơ quan tố tụng có ý kiến phản hồi những luận cứ mà tôi đã nêu nhằm chứng minh rằng tôi bị bắt oan. Nếu thấy sai thì sửa, không nên đùn đẩy cơ quan này sang cơ quan khác hoặc cho là 'quá lâu', 'người xử anh nay họ đã già yếu', 'có người thì đã mất'...
Đạo làm quan, người xưa dạy rồi, là phải biết trách nhiệm mà gìn giữ.
Vì những lý do đó, tôi tin tòa án sẽ trả lại sự công bằng cho tôi trước khi tôi từ giã cõi đời này”.
Mong thay những lời ấy trong “Sóng thời gian” là “của tin còn một chút này”!
P.T.H