VỀ BÀI “SỰ THẬT CHÍNH XÁC VỀ BÀ THÂN, HÀ THÂN HAY HÀ THỊ THÂN” CỦA TÁC GIẢ DUY ANH TRÊN TẠP CHÍ NON NƯỚC SỐ THÁNG 4 NĂM 2010

03.03.2011

VỀ BÀI “SỰ THẬT CHÍNH XÁC VỀ BÀ THÂN, HÀ THÂN HAY HÀ THỊ THÂN” CỦA TÁC GIẢ DUY ANH TRÊN TẠP CHÍ NON NƯỚC SỐ THÁNG 4 NĂM 2010

TRUNG ĐĂNG

Tạp chí Non Nước, số tháng 4 năm 2010, mục Thông tin – Trao đổi có đăng bài “Sự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân” của tác giả Duy Anh. Có thể nói, đây là đề tài nghiên cứu về địa danh khá lý thú, hấp dẫn. Tuy nhiên, trong bài viết có nhiều chi tiết, tư liệu, sự kiện... chúng tôi thấy cần trao đổi với mong muốn làm sáng tỏ phần nào địa danh Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân mà tác giả đề cập.

Có lẽ, người dân làng An Hải, không ai không biết danh xưng Bà Thân. Bởi vì, theo truyền thuyết dân gian, Bà Thân là nhân vật có nguồn gốc từ Chăm. Bà Thân có công lập làng An Hải. Thế cho nên, thời trước, ở vùng đất nay thuộc quận Sơn Trà và một phần của quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng mới có các xứ đất là Bà Thân thượng xứ, Bà Thân trung xứ, Bà Thân hạ xứ và bà Thân hậu xứ. Như vậy, đây là những xứ đất hiện nay nằm trên địa bàn các phường An Hải Bắc, An Hải Đông, An Hải Tây, quận Sơn Trà và khối phố An Thượng thuộc phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Còn danh xưng Hà Thân là do người dân đọc chệch từ Bà Thân ra Hà Thân. Cho nên, sau này mới có chợ Hà Thân, rồi đường Hà Thị Thân.

Về danh xưng Hà Thân, tác giả viết, nguyên văn “Nghiên cứu qua nhiều nguồn sử liệu, chúng tôi thấy rằng: Các bia cổ viết về Hà Thân, thì chữ Hà viết (), tức có bộ thuỷ kèm theo, có ngữ nghĩa là con sông, chứ không hề thấy chữ Hà Thân nào viết chữ Hà (荷) có bộ nhân là người kèm theo, có nghĩa là họ Hà”. Ở đây, tác giả có sự nhầm lẫn, vì chữ Hà () gồm bộ nhân (人) bên trái, chữ khả (可) bên phải và bộ thảo (艹) trên cùng như tác giả dẫn chứng trong bài viết có nhiều nghĩa những không có nghĩa là họ (Hà). Trong các tự điển chúng tôi tham khảo, sử dụng, chữ Hà (何) có nghĩa chỉ họ (tộc), gồm bộ chính là bộ nhân (人) và chữ khả (可) bên phải và hoàn toàn không có bộ thảo ở trên. Mặt khác, tác giả đề cập đến các bia cổ nhưng không chỉ rõ bia cổ này hiện nằm ở đâu, viết năm nào, nội dung ra sao. Thế cho nên, người đọc cứ ngờ ngợ, không biết chắc và tin chắc trên địa bàn làng An Hải có tấm bia cổ viết về “Hà Thân” với chữ Hà (荷) như tác giả nêu? Bởi vì, nếu có một văn bia cổ, có viết chữ rành rành “Hà Thân” thì thiết nghĩ vấn đề gần như đã được giải quyết. Nghĩa là tên cổ của Bà Thân là Hà Thân. Và, sở dĩ có danh xưng Bà Thân là do Hà Thân đọc chệch mà ra. Điều này khó có thể xảy ra. Bởi theo truyền thuyết dân gian danh xưng của xứ đất An Hải xưa là Bà Thân. Và cũng hoàn toàn ngược lại, Hà Thân, như đã nói, là do đọc chệch Bà Thân mà ra, như cuốn lịch sử Đảng bộ phường An Hải Tây từ năm 1930 đến 1975 có nói rõ. Từ những dẫn chứng trên, chúng tôi nghĩ rằng không có tấm bia cổ như tác giả nêu.

Về hai chữ Bà Thân, tác giả cho biết “theo trát lập chợ Bà Thân của Thống chế Thoại Ngọc Hầu, châu bộ làng An Hải, nguyên bộ điền địa của làng An Hải, bộ gốc của làng hiện nay do cự Nguyễn Tiến Thành đang lưu giữ thì chữ bà Thân theo Hán tự[1], bên trên có bộ thuỷ (), kèm chữ thân() là bản thân. Khác với chữ thân () Bà Thân2 của làng có chữ nghĩa là bản thân nước. Bên dưới có chữ nhân () nghĩa là người kèm theo theo chữ bách () nghĩa là trăm. Theo ngữ nghĩa của chữ bách và chữ nhân có nghĩa là “trăm người”, tức là trong nước bản thân có 100 người, hàm nghĩa là họ tộc, mà chỉ có họ tộc mới có nhân số hàng trăm”. Ở đây, có mấy điểm cần trao đổi với tác giả:

1. Chúng tôi đã đọc tập sách được biên soạn khá công phu, dẫn ra nhiều tư liệu có độ tin cậy cao của tác giả Nguyễn Văn Hầu “Thoại Ngọc Hầu & những cuộc khai phá miền Hậu Giang” do Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006. Trong tác phẩm dày 360 trang này, tác giả đã dịch và đăng lại nguyên văn chữ Hán trát lập chợ của Thoại Ngọc Hầu nhưng trong trát không hề có hai chữ “Bà Thân” chứ chưa nói chữ Bà gồm có bộ thuỷ, bộ thân, bộ nhân và chữ bách như tác giả dẫn chứng. Và, dù chưa có điều kiện tiếp xúc với bộ châu bộ làng An Hải nhưng chúng tôi cũng có điều kiện tra cứu thông qua tài liệu ảnh đính kèm theo bài viết của tác giả. Chúng tôi nghĩ rằng, đã là ảnh minh hoạ, chí ít bức ảnh cũng mô tả rõ đoạn nói về hai chữ “Bà Thân”. Đáng tiếc, chúng tôi không phát hiện ra bất cứ chữ nào có tự dạng như chữ “Bà” mà tác giả đề cập. Đó là nguyên nhân khiến chúng tôi có quyền nghi ngờ độ chính xác nguồn tư liệu mà tác giả dẫn chứng. Về vấn đề này, chỉ có tác giả là người nắm rõ nhất.

2. Cũng về chữ “Bà”, chúng tôi đã tra nhiều tự điển như “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu, do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin xuất bản năm 2005, “Tự điển Việt – Hán hiện đại” của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà Nội ấn hành năm 2005, từ điển “Từ lâm Hán Việt từ điển” của Vĩnh Cao và Nguyễn Phố do Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế xuất bản năm 2001, “Giúp đọc Nôm và Hán Việt” của linh mục An Tôn Trần Văn Kiệm do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm Hoa Kỳ hợp tác xuất bản năm 2004, “Đại tự điên chữ Nôm” của Vũ Văn Kính do Nhà Xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 1998 cùng nhiều tự điểnm kể cả tự điển online khác. Thế nhưng, chúng tôi không thấy từ “Bà” gồm có bộ thuỷ, bộ thân, bộ nhân và chữ bách như tác giả Duy Anh dẫn chứng. Hơn thế nữa, chữ Nôm cũng không có cách cấu tạo... lạ đời như tác giả lý giải “Theo ngữ nghĩa của chữ bách và chữ nhân có nghĩa là “trăm người”, tức là trong nước bản thân có 100 người, hàm nghĩa là họ tộc, mà chỉ có họ tộc mới có nhân số hàng trăm”(!!?). Về cách cấu tạo chữ Nôm, có lẽ, một trong những tài liệu đáng tin cậy lý giả vấn đề khá khoa học là tác phẩm “Đại tự điẻn chữ Nôm” của Vũ Văn Kỉnh, sách đã dẫn, từ trang 14 đến trang 23. Đó là những cách cấu tạo chữ Nôm phổ biến của người Việt lúc bấy giờ.

Cuối cùng, về chữ “Bà”, học giả Trần Trọng Kim, trong tác phẩm “Việt Nam sử lược” , quyển 2, do Bộ Giáo dục và Trung Tâm Học liệu (chính quyền Sài Gòn) xuất bản năm 1971, có dẫn chứng hai nhân vật người Chăm là Bà Thâm hay Bà Tâm (婆 心) và Bà Tranh (婆 爭). Đây là hai vị vua cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành đã đánh nhau với quân của chúa Nguyễn hồi nửa cuối thế kỷ XVII. Chúng tôi cho rằng nếu các tư liệu hay văn bia có đề cập đến địa danh “Bà Thân”, có lẽ chữ “Bà” viết theo Hán tự là (婆), và cũng có thể là một chữ “Bà” khác, hoàn toàn không phải là chữ “Bà” là một từ gồm có bộ thuỷ, bộ thân, bộ nhân và chữ bách như tác giả dẫn chứng.

Có thể nói, xung quanh bài viết “Sự thật chính xá về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân” của tác giả Duy Anh vẫn còn một số điểm cần tranh luận. Ngay cả việc người Chăm có họ “Bà” như người Việt hay không cũng là vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo. Trong lịch sử, từng xảy ra chuyện vua Minh Mạng ban họ cho người Chăm vì người Chăm... không có họ theo đúng nghĩa như họ của người Việt. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ mạn phép đưa ra một số ý nghĩ, nhận xét bước đầu nhằm trao đổi cùng tác giả. Rất mong được các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc xa gần chỉ giáo.

T.Đ



[1], 2 Tác giả có dẫn ra chữ Hán. Đáng tiếc, chúng tôi không thể dẫn ra chữ này vì chúng tôi đã tra nhiều tự điển nhưng không tự điển nào có từ này.