NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ TRONG BÀI THƠ “MÀU TÍM HOA SIM” CỦA HỮU LOAN

03.03.2011

NÉT ĐỘC ĐÁO CỦA NGHỆ THUẬT NGÔN TỪ TRONG BÀI THƠ “MÀU TÍM HOA SIM” CỦA HỮU LOAN

Ngọn nguồn của thơ là cảm xúc, để viết được thơ thì phải có cảm xúc, thậm chí là cảm xúc rất mãng liệt. Làm thơ mà không có cảm xúc thì người làm thơ trở thành người thợ gép chữ. Chữ có thể cầu kỳ, phức tạp, có thể trôi chảy, hoa mỹ nhưng không phải là thơ. Tuy vậy nếu độc tôn vai trò của cảm xúc sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Có cảm xúc mãnh liệt nhưng không biết biểu hiện nó bằng ngôn từ với những kỹ thuật tinh vi thì cũng không tạo nên thơ. Cảm xúc thì ai cũng có, có rất nhiều, lắm khi thác loạn trào sôi nhưng mấy ai biến nó thành thơ? Đây là hai yếu tố không thể thiếu để tạo nên thành công của một bài thơ. “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan là một bài thơ có sự quện hòa vi diệu cả hai yếu tố này làm nên giá trị và sức sống vĩnh hằng của bài thơ. Độc đáo và quyến rũ hơn nhất vẫn là kỹ thuật ngôn từ được sử dụng trong thơ, nó tạo ra nhiều khoái cảm thẩm mỹ mới lạ.

Đọc bài thơ, người đọc thấy rõ quá trình diễn tiến của các chuỗi sự kiện như một câu chuyện kể có thực của ai đó nhưng sao gần gũi, quen thuộc lạ thường. Hiệu quả này được tạo ra từ hệ thống ngôn từ mà tác giả đã khéo léo tuyển lựa (Tuyển lựa những từ ngữ gần gũi, quen thuộc nhất) và sử dụng một cách hiệu quả nhất, phát huy được hết công dụng của nó. Tác giả đã sử dụng tới hơn 20 đại từ dùng để xưng hô như: “anh”, “em”, “tôi”, “nàng”… Cách dùng từ và cách diễn đạt tự nhiên, mộc mạc, gần gũi như chính bản chất của cuộc sống vậy. Không cầu kỳ hóa, không lạ hóa, không sử dụng các hình ảnh tượng trưng, không sử dụng các biện pháp nghệ thuật tu từ cầu kỳ… “Nàng có ba người anh/ đi bộ đội/ những em nàng/ có em chưa biết nói/ Khi tóc nàng/ xanh/ xanh”.

Sau khi tuyển lựa, hệ thống từ ngữ được dàn ra trong giọng kể chậm rãi, tâm tình như hai người bạn đang thủ thì tâm sự nhỏ to. Nếu trình bày các đoạn ngôn liệu này trên cùng một dòng, liệu có ai dám khẳng định đó là thơ? “Nàng có ba người anh đi bộ đội những em nàng có em chưa biết nói. Khi tóc nàng xanh xanh”. Chỉ là một câu văn mang nội dung thông tin rất cụ thể rõ ràng. Tương tự như vậy nếu trình bày cả bài thơ như cách trình bày đoạn thơ đầu ở trên thì nó giống như một câu chuyện cực ngắn, rõ ràng và dễ thương.

Khi đọc “Màu tím hoa sim” cái ấn tượng đầu tiên và mạnh mẽ nhất của người đọc là sự giản dị, gần gũi, quen thuộc của ngôn ngữ đời thường và cách diễn đạt hồn nhiên, giọng điệu chậm rãi. Điều này giúp tác giả truyền tải cảm xúc đến trái tim người đọc một cách trực tiếp nhất và hoàn toàn tự nhiên. “Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ mà chết người/ gái nhỏ hậu phương/ Tôi về không gặp nàng/ má tôi ngồi bên mộ con/ đầy bóng tối/ chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương tàn lạnh/ vây quanh”.

Người đọc thấm thía nỗi đớn đau mất mát này như chính của bản thân mình, chính mình là người phải gánh chịu. Cảm xúc của tác giả được biểu hiện bằng ngôn từ, hay ngôn từ thể hiện cảm xúc? Thật khó mà phân biệt được vì cả hai đã hòa quện vào nhau, tan chảy trong nhau thành một, thành “Màu tím hoa sim”. Thế mới thấy, nếu xét trên phương diện tổng quan nhất thì nghệ thuật ngôn từ trong bài thơ đã đạt đến trình độ điêu luyện, điêu luyện đến mức như chính bản thân nó đã như thế từ xa xưa.

Nếu khảo sát nghệ thuật ngôn từ ở những phương diện cụ thể, ta còn phát hiện nhiều khoái cảm ngôn mỹ mới lạ, tinh vi. Tác giả khéo léo sử dụng nhiều nguyên âm /a/, /o/, /e/ và các bán nguyên âm -i- , -u- để tạo vần ở cuối mỗi đoạn ngữ âm (Không thể khẳng định đó là câu): “Tóc nàng xanh xanh/ ngắn chưa đầy búi/ Em ơi ! giây phút cuối/ không được nghe nhau nói/ Không được trông nhau một lần”. “Nhưng không chết/ người trai khói lửa/ mà chết người / gái nhỏ hậu phương Tôi về không gặp nàng/ má tôi ngồi bên mộ con/ đầy bóng tối chiếc bình hoa ngày cưới/ thành bình hương tàn lạnh/ vây quanh”.

Nguyên âm là những âm phát ra từ những giao động của thanh quản. Tự nó có thể đứng riêng biệt hay kết hợp với phụ âm tạo thành tiếng trong lời nói. Khi phát âm các nguyên âm luồng ra ngoài hoàn toàn tự do. Bán nguyên âm là âm tố có thuộc tính trung gian giữa nguyên âm và phụ âm (nên còn gọi bán phụ âm) xuất hiện ở đường biên giới của âm tiết. Khi phát âm, luồng hơi đi ra gần như tự do, rất ít bị xát hoăc tắc mà ngược lại mang tiếng vang. Bán nguyên âm không thể làm đỉnh âm tiết. Do đặc điểm ngôn ngữ học và cơ chế phát âm như trên nên các tiếng ở cuối mỗi đoạn ngữ âm: “xanh, cuối, búi, nói, lần, chết, lửa, người, phương, nàng, con, tối, cưới, lạnh, quanh.” Đều mang âm hưởng vang ngân, lan tỏa như sự phát tán của nỗi buồn và sự chia ly, mất mát. Bằng các âm điệu này người đọc có thể liên tưởng, nỗi buồn như các vòng tròn đồng tâm cứ lan tỏa mãi, lan tỏa mãi vô hạn, vô hồi… Hãy tưởng tượng như ta ném một viên đá xuống mặt hồ phẳng lặng…Kỹ thuật này khiến cho nỗi buồn, sự đau thương, mất mát dâng trào, vang vọng ở bề nổi như ngàn con sóng dữ cồn cào trên mặt biển nhưng đồng thời cũng đắm chìm, sâu lắng vào bề sâu như vạn con sóng ngầm dưới đáy đại dương. Đây là một hiệu ứng đa chiều độc đáo, tinh tế.

Kỹ thuật ngôn từ độc đáo còn được thể hiện ở nhịp thơ. Cách ngắt nhịp của “Màu tím hoa sim” trong Văn học Việt Nam không phải là lần đầu tiên nhưng cũng không phải đã hoàn toàn quen thuộc với đa số người đọc lúc ấy. Cách ngắt nhịp trúc trắc, lạ và rất độc đáo. Thử thay đổi một chút:

“Nàng có ba người anh

đi bộ đội

những em nàng

có em chưa biết nói

Khi tóc nàng

xanh

xanh”(1)

Thành:

“Nàng có ba người anh đi bộ đội

Những em nàng có em chưa biết nói

Khi tóc nàng xanh xanh”(2)

Nếu bố cục một cách liền mạch (2) thì giá trị nghệ thuật và hiệu quả biểu cảm giảm sút rất nhiều. Ở (1) các thông tin đến lần lượt, đơn lẻ và được nhấn mạnh nên trực tiếp hơn, cụ thể hơn.

/Ba người anh đi bộ đội các em chưa biết nói tóc xanh/

Cách ngắt nhịp của bài thơ tạo nhiều bất ngờ và đột biến khiến cho tâm thức của người nghe bị gõ mạnh và liên tục đều, gây ấn tượng sâu sắc. Đặc điểm này góp phần tạo nên nét độc đáo của bài thơ. Hệ thống từ ngữ trong thơ là những từ ngữ quen thuộc trong giao tiếp hằng ngày, những từ ngữ quen thuộc ấy được sử dụng một cách tin tế nên đã phát huy hết khả năng của nó và tạo nên những bất ngờ thú vị đến lạ thường: “Tôi người vệ quốc quân/ xa gia đình/ yêu nàng/ như tình yêu em gái/ ngày hợp hôn/ nàng không đòi may áo mới/ Tôi mặc đồ quân nhân/ đôi giầy đinh bết/ bùn đất hành quân/ Nàng cười xinh xinh/ bên anh chồng độc đáo/ Tôi ở đơn vị về/ cưới nhau xong là đi”.

Đáng lẽ phải là “nàng không may” và “áo cưới”, thì lại là “nàng không đòi may” và “áo mới”. Khi đọc đoạn ngữ âm “nàng cười xinh xinh/ bên anh chồng” rất bình thường, rất quen thuộc nhưng khết thúc bằng tính từ “độc đáo” thì người đọc hoàn toàn bất ngờ, bất ngờ đến choáng váng nhưng lại tiếp thu được những khoái cảm thẩm mỹ không thể diễn tả được bằng lời. Điều đặc biệt nhất khi khảo sát hệ thống từ ngữ thơ là các cặp đại từ nhân xưng. Khi thì: “anh” và “em”, “tôi” với “nàng”, lúc lại “chồng’ cùng “vợ”. Thông qua các cặp từ này, người đọc có thể tưởng tượng rất rõ hoàn cảnh hai người đến với nhau và quá trình phát triễn của tình cảm. Cùng sinh ra, lớn lên và đi học trên một mảnh đất như anh trai và em gái rồi thầm yêu, trộm nhớ nhau trong sự kín đáo thẹn thùng và kết tinh của quá trình ấy là thành vợ thành chồng.

Bài thơ sử dụng một hệ thống từ loại phong phú: từ tượng thanh, từ tượng hình, từ láy, danh từ, lượng từ…làm cho hình ảnh thơ trở nên sống động, cụ thể. Đặc biệt là các danh từ “hoa sim” và tính từ “tím” rồi các danh từ “đoàn binh” xuất hiện càng dày đặc khi càng về cuối bài thơ. Có phải chăng nó là màu của tình yêu chung thủy, màu của son sắt, yêu thương, nhưng cũng là màu của chia ly, chờ đợi, mất mát và thử thách? Vì không có chia ly, khắc khoải đợi chờ và mất mát sao biết lòng thủy chung. Càng về cuối các danh từ “sim”, “hoa sim”, “đồi sim” xuất hiện càng nhiều, tất cả là 6 lần. Riêng tính từ “tím” xuất hiện tới 7 lần càng nhấn mạnh đến bản chất thủy chung thắm thiết của tình yêu: “Chiều hành quân/ qua những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim/ dài/ trong chiều không hết/ màu tím hoa sim/ tím/ chiều hoang biền biệt”. “Ai hát vô tình hay/ ác ý với nhau/ chiều hoang tím/ có chiều hoang biết/ chiều hoang tím/ tím thêm màu da diết/ nhìn áo rách vai/ tôi hát trong màu hoa/ Áo anh sứt chỉ đường tà,/ vợ anh mất sớm/ Mẹ già chưa khâu”. Sim là loài hoa chỉ mọc và nở ở những vùng đồi núi trung du, nơi ấy có những con đường mòn in dấu chân đoàn binh đi đánh giặc. Các danh từ, tính từ này lồng xoắn vào nhau khiến cho bài thơ đậm màu tím ngắt. hãy cảm nhận bằng chính trái tim mình…

Sức hấp dẫn, sự quyến rũ đối với người đọc mọi thời đại chứng minh sự thành công trên mọi phương diện của bài thơ nhưng đặc biệt nhất là phương diện ngôn từ. Bằng phương pháp khảo sát trong nghiên cứu phong cách học tiếng Việt cho chúng ta nhiều cảm nhận cụ thể hơn, trực tiếp hơn và có căn cứ hơn. Chính hiệu quả này tạo ra cho chúng ta nhiều khoái cảm thẩm mỹ mới lạ tuyệt vời.

ThS. Nguyễn Thanh Tuấn