CHUYỆN NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG Ở CALI

03.03.2011

CHUYỆN NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG Ở CALI

Bút ký

MAI HỮU PHƯỚC

Mặc dù là đồng hương của nhau nhưng tôi chỉ biết anh trong thế giới ảo, để rồi gặp anh bằng xương bằng thịt trong cuộc đời thật khi đi nửa vòng trái đất gõ cửa nhà anh tại thành phố Berkeley, bang California, Hoa Kỳ. Là một thạc sĩ y học được mời đi tham quan học tập tại Trung tâm Y khoa Saint Mary, thành phố Kobart, bang Indiana, nhưng tôi lại tranh thủ bay đến nơi anh sống vì tình bạn, vì tình đồng hương và không tránh khỏi máu văn chương nghệ thuật đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc: Một thiếu niên nhà quê chưa đầy 16 tuổi mang trên người đầy thương tích chiến tranh và tật nguyền làm sao có thể sống một mình và thành danh trên xứ người trong suốt hơn 40 năm qua.

Khi bước vào nhà anh, tôi thấy ở tầng trên trong một chiếc tủ cạnh tường có món quà chạm cảnh Lầu Vọng Nguyệt, biểu tượng của Thăng Long văn hiến. Bên góc của món quà có cài tấm danh thiếp ghi dòng chữ: Trương Vĩnh Trọng, phó thủ tướng chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Ở một góc khác trong nhà anh tôi thấy có tấm hình chụp cảnh vợ chồng anh đang đón tiếp người khách đặc biệt này. Anh tên là Phạm Văn Tịch, sinh năm 1952, quê nội ở xã Đại Bình, quê ngoại ở xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Bất hạnh tuổi thơ thời chiến

Ba anh mất năm anh lên 3 tuổi. Chừng 1-2 năm sau anh phải rời quê nội ở xã Đại Bình, về sống bên quê ngoại ở xã Đại Thạnh cùng với bà ngoại và dì để mẹ anh bước thêm bước nữa. Tuổi thơ anh gắn liền với lũy tre làng hiền hoà và con sông quê mỗi chiều đi học về anh ra tắm mát.

Sự yêu thương của những người thân bên ngoại bù đắp phần nào cho những thiệt thòi mà một đứa trẻ không cha, xa mẹ như anh phải gánh chịu và nếm trải. Tuổi thơ hồn nhiên của anh lúc đó cũng chưa hiểu hết được những mất mát và thiệt thòi của mình. Anh lớn lên như lau sậy bên sông với một sức sống mãnh liệt. Rồi anh cắp sách đến trường hăng say học tập, vui chơi cùng bè bạn, cho dù vùng quê anh ở nằm trong tầm đạn chiến tranh của cả hai bên.

Một buổi chiều đầu năm 1967, với anh đó là một buổi chiều định mệnh. Anh trầm ngâm hồi tưởng lại buổi chiều đã xô đẩy anh trôi dạt cho đến tận bây giờ. Chiều hôm đó sau khi đi học về, đang loay hoay làm việc vặt trong nhà thì nghe tiếng cô bạn gái đứng bên rào “réo” ra sông tắm. Chạy đuổi theo bạn vừa tới cạnh dòng sông, chưa kịp ngụp lặn thỏa thuê thì đột nhiên nghe những tiếng rít trên đầu. Bầy pháo canh nông từ đâu bay đến nổ ầm ầm trong xóm và ven sông. Khói bụi bốc lên nghi ngút. Đất đá và mảnh đạn bay ào ào và sàn sạt trên đầu. Như một phản xạ sinh tồn tự nhiên cả hai lao xuống dòng sông giấu mình dưới nước. Khi anh vừa ngoi lên mặt nước lấy hơi và quan sát tìm bạn thì một quả canh nông nữa lại nổ. Lần này tiếng nổ nghe như bên tai. Tất cả diễn ra nhanh bằng khoảng thời gian của cái chớp mắt. Một mảnh đạn đã chém ngang lưng anh. Tai anh ù đặc, hụt hẫng và chới với. Anh gắng bơi vào bờ, nhưng đôi tay đập nước không điều khiển được thân mình, phần chân như đã rời khỏi cơ thể. Anh ngoi lên trong tuyệt vọng, đớn đau và đuối sức. Nước cuốn anh đi trong dòng chảy đỏ ngầu màu máu từ người anh tuôn ra.

Rất may, người bạn của anh không bị tổn thương gì, cô ấy hét to cho những nhà cạnh sông biết và lao ra dìu anh. Hai người nông dân mình trần nghe thấy đã băng đi dưới làn đạn. Canh nông vẫn nổ dập dồn. Ngớt tiếng canh nông thì trời bắt đầu tối. Họ đưa anh vào xóm và băng bó tạm thời. Mờ sáng hôm sau anh được cáng lên vùng B Đại Lộc để chữa trị. Về nhà, trong điều kiện vệ sinh kém, lại thiếu kháng sinh nên vết thương đã bị nhiễm trùng và bắt đầu hoại tử. Mọi người lại tìm cách “gửi” anh ra bệnh viện Giải phẫu Đà Nẵng (nay gọi là bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng). Khi ấy vết thương trên thân thể của anh đã nồng nặc mùi hôi thối và giòi bò lúc nhúc.

Thời điểm năm 1968 là thời điểm chiến tranh đang diễn ra ác liệt, người bị thương rất đông, các trường hợp nặng từ khắp nơi trong tỉnh và các địa phương lân cận đều tập trung về đây, kẻ ngồi người nằm la liệt, trên giừơng, dưới đất đầy khắp các bệnh phòng, tràn ra ngoài các dãy hành lang. Tiếng rên, tiếng la vì đau đớn không khi nào ngớt. Thỉnh thoảng có người chết. Xác được chuyển lên xe phủ ra trắng đẩy đi dọc hành lang về phía nhà xác. Giữa cơn quằn quại, anh không nghĩ rằng mình có thể sống sót được qua thời điểm đó.

Trong khi nằm chờ… chết, có chương trình nhân đạo của một nhóm bác sĩ và những người yêu chuộng hoà bình đưa khoảng 100 trẻ bị thương do chiến tranh ở miền Nam sang Mỹ để cứu chữa. Điều kiện được chọn đi là phải dưới 12 tuổi. Lúc này anh đã 16, nhưng do nhỏ con và thương tích nhiều ngày, thân hình anh chỉ còn nắm da bọc xương, trông không lớn hơn một trẻ lên 10. Một cô y tá phúc hậu, từ tâm, thương tình anh lạc mất thân nhân nên giúp anh khai lại giấy tờ, nhờ vậy mà anh có mặt trong chuyến bay đưa 100 trẻ dưới 12 tuổi bị thương sang chính đất nước đã gây ra thảm cảnh này để cứu chữa.

Anh nói với tôi, bây chừ anh ao ước tìm lại người y tá năm xưa để trả ơn, nhưng anh không thể nào nhớ được tên họ của người y tá ấy, vì thời gian đã trôi qua quá lâu và cuộc sống đã có biết bao nhiêu sự biến động, đổi thay.

Bôn ba ngàn dặm quê người

Sau một năm điều trị tại Mỹ, qua nhiều lần phẫu thuật, đóng đinh và nẹp vít. Các vết thương trên thân thể anh đã lành. Nhưng các di chứng và nỗi đau thì vĩnh viễn còn đó. Từ đây anh phải sống với nạng nhôm, nẹp sắt. Đôi chân anh tuy còn, nhưng mang tính hình thức hơn là hiệu quả. Nhiều hoạt động của đôi chân anh phải nhờ đôi tay làm thế, điển hình như là chuyện lái ô tô. Với một người bình thường thì chân ga, chân phanh, nhưng với anh là tay ga, tay phanh. Tôi sẽ không tin khi nghe kể có một người chỉ lái ô tô bằng tay. Nhưng tôi rất thú vị khi ngồi trên xe, bên cạnh anh để xem anh điều khiển ô tô khéo léo như thế nào. Một người tật nguyền đã đưa một người lành lặn như tôi đi chơi khắp các thành phố Berkeley, Oakland , San Francisco và San Jose. Trong lúc đi đường tôi tranh thủ đặt vài câu hỏi để nghe anh kể về từng đoạn đời anh.

Những đứa trẻ bị thương trong chiến tranh cùng đi trong đoàn 100 người lần lượt được đưa về nước sau khi đã chữa trị lành lặn. Riêng trường hợp của anh là nặng nề nhất. Nhiều lúc anh lịm đi vì đau đớn và rơi vào những cơn mộng mị về một miền quê đang ngập tràn khói lửa chiến tranh. Làm sao một người với đôi chân tật nguyền trên đôi nạn gỗ có thể chạy tránh đạm bom. Sự trở về của anh chắc chắn sẽ là một gánh nặng cho người thân. Anh quyết định ở lại xứ người cho dù những ngày trước mắt mù mịt hướng đi. Và thật là may mắn, một gia đình Mỹ đã nhận bảo trợ cho anh. Họ đã xem anh như là con cái trong gia đình. Anh bắt đầu cắp sách đến trường làm quen với ngôn ngữ của quê hương thứ hai này. Năm đầu tiên quả thật là quá khó khăn cho một cậu học trò vừa tật nguyền, vừa quê kiểng. Tuy nhiên bằng một nghị lực mà chính anh cũng không hiểu từ đâu có đựơc đã giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này và dần đần hội nhập được với bạn bè trong lớp, cũng như đời sống xã hội chung quanh. Học trò ở đâu cũng luôn hồn nhiên và sẵn sàng giúp đỡ nhau nên anh cảm thấy rất vui khi đến trường, đến lớp.

Ở xã hội Mỹ, con cái của các gia đình khi lên 18 tuổi đã có thể vừa học, vừa làm kiếm sống. Gia đình luôn động viên tinh thần tự lập để phát huy sự tự tin, lòng tự trọng và tinh thần độc lập, sống không dựa dẫm. Làm sao để kiếm tiền và làm sao để sống trong tương lai luôn luôn là câu hỏi thôi thúc anh phải tìm cách trả lời. Thế là anh chọn cái nghề đầu tiên mà anh cho rằng phù hợp với khả năng của mình là đi giao báo và các tờ quảng cáo đến cho các gia đình. Ban ngày anh lê gót trên đôi nạng đi nhiều bao nhiêu thì ban đêm về cả hai chân tụ máu và cả hai nách, hai tay đau nhức bấy nhiêu. Không phải gia đình nào cũng hoan nghênh một người tật nguyền như anh gõ cửa nhà họ. Điều tủi thân nhất mà anh nhớ mãi là có lần anh gõ cửa nhà một “gã” dân bản xứ, nằm trên tầng 4 của một khu chung cư để thu tiền giao báo tháng. Không hiểu vì sao hắn ta xô cửa xông ra trong vẻ mặt giận dữ, vừa văng tục, vừa nhất bổng anh lên bằng thân hình hộ pháp và đôi tay gọng kèm ném anh xuống đất. Anh nhắm mắt, thấy mình rơi nhẹ. Thật hú vía, gã ta không ném mà xô nhẹ xuống thềm, rồi sầm sập đóng cửa lại. (Luật pháp Mỹ phạt rất nặng những ai xâm phạm thân thể của người khác, nhất là những người tật nguyền). Lòng anh nghẹn ngào, tê điếng, nước mắt anh chảy trên xứ người trong sự dọ dẫm của những bước chân đầu tiên vào đời trong một hoàn cảnh như vậy. Ứơc mơ về một ngày mai sáng sủa hơn và đẹp tươi hơn đã giúp anh vượt qua các nghịch cảnh trớ trêu của số phận, tiếp tục học hành. tiếp tục tiến về phía trước.

Trong lúc chuyện trò ban đầu, anh không nói rõ anh đã học tốt nghiệp bằng cấp ra sao. Vì tế nhị nên tôi chưa tiện hỏi. Anh đã thật là khiêm tốn cho đến ngày hôm sau, khi bước vào căn phòng mà anh bố trí cho tôi ngủ, tôi đã phát hiện ra bằng cấp của anh treo ở chỗ khuất của góc phòng, mà khi mở cửa vào phòng nó bị che sau cánh cửa. Anh đã tốt nghiệp cử nhân khoa học (Bachelor of Science), ngành máy tính (Computer Science) tại trường đại học Hayward, bang California. Sau khi tốt nghiệp, anh đã làm việc phù hợp với ngành học và bằng cấp của mình. Nhờ đó mà cuộc sống của anh dần ổn định. Trong suốt những năm độc thân, anh thuê nhà ở một mình và tự làm lấy tất cả những việc cần thiết. Khi đã nói chuyện thân mật, anh “tiết lộ” cho tôi hay có vài trường Đại học trong nước đang gởi anh lời mời cộng tác.

12 năm gần đây anh, có một cô gái Việt dịu dàng như một Nàng Tiên, đã rất dũng cảm khi về làm bạn với anh sau một lễ cưới trang trọng trong sự chúc mừng của bạn bè “liên hiệp quốc”. Tên chị tên Thu Hương, người Sài Gòn, sang Mỹ định cư cùng gia đình. Khi ở Việt Nam, chị là một y tá, qua Mỹ chị học ngành sư phạm và đi dạy.

Đắm đuối một miền quê xa

Khi người em trai của tôi là Mai Thanh Ngọc dùng bộ định vị Magellan gắn trên xe đưa tôi đến ngay trước cửa nhà anh, anh ra đón tôi với nụ cười trên môi và những lời chào hỏi vồn vã. Anh nói đây là lần đầu tiên anh đón được một người đồng hương xứ Quảng đến thăm nhà. Trước đây anh chỉ đón người phía Bắc hoặc phía Nam (Việt Nam) ghé thăm mà thôi. Anh bảo: “Phước phải ở đây chơi với mình một tuần nhé, để... nói chuyện cho đã”. Cho dù không có nhiều thời gian để ở chơi với anh theo đúng như thời gian mà anh bảo, nhưng tôi cũng đã cảm nhận được tấm lòng của anh riêng dành cho người đồng hương và đặc biệt là dành cho quê hương xa tít phía chân trời.

Trên bốn bức tường trong phòng khách, anh treo nhiều hình ảnh gợi nhớ về miền quê Đại Lộc. Hôm vừa tới nhà, mở cửa bước chân xuống xe tôi “chạm” ngay với bụi mía anh trồng đầu sân. Đi quanh một vòng trong vườn nhà tôi có cảm tưởng như mình đang đi trong một khu vườn quê ở Đại Lộc. Anh trồng nào là mía, là chanh, các loại rau thơm, rau mùi, cây mai, bụi trúc... Cây chanh thật là sai quả, nhiều trái đang chín vàng. Màu vàng tươi của nắng ấm. Chủ nhân của khu vườn không hái để ăn mà chỉ để... ngắm nhìn cho vui mắt, cho đỡ nhớ quê xa.

Anh sang Hoa Kỳ từ năm 1968, sau đó hoàn toàn mất liên lạc với quê nhà. Gia đình tưởng anh đã chết và lập bàn thờ cúng giỗ hằng năm. Sau năm 1975, anh tìm mọi cách để nối lại liên lạc với người thân ở quê. Anh chia sẻ gánh nặng cơm áo của thời kỳ kinh tế khó khăn với bà con chân lấm tay bùn. Đến năm 1986 anh mới về thăm quê lần đầu tiên sau gần 20 năm đi biệt. Ngày gặp lại nhau lần đầu đầy nước mắt và nụ cười. Bà con, bạn bè ở quê kẻ còn người mất. Anh lại đi trên những con đường mòn quen thuộc, thấy mình hãy còn may mắn hít thở được không khí thanh bình sau cuộc chiến tranh đầy khốc liệt. Anh thầm cảm ơn những tấm lòng vàng và những đôi bàn tay nhân ái đã nâng bước đưa anh về phía trước. Anh luôn tâm nguỵện có những đóng góp thiết thực cho xã hội như là lời cảm ơn cuộc sống.

Chuyện trò loanh quanh rồi anh cũng muốn vòng lại cái thời đi học ngày xưa ở chốn quê nhà. Hình như đối với người ra đi thì mọi kỷ niệm buồn vui về tuổi học trò dưới những luỹ tre làng đều ngưng đọng lại tại đó. Thuở mới lớn, anh có một cô bạn học cùng lớp, tên Tầm. Tầm là con của một gia đình khá giả trong làng. Không hiểu vì căn cớ gì mà bạn học cặp đôi anh với cô ấy. Họ đặt vè để chọc ghẹo anh với cô Tầm. Những câu vè đó hơn 40 năm qua vẫn còn vang vọng trong anh: Tầm - Tịch rúc vô bịch xùng xịch... Tầm - Tịch rúc vô bịch cút kít... Nếu như cuộc đời vẫn bình lặng trôi qua thì anh ghét cay, ghét đắng cái bọn bạn nhất quỹ nhì ma, thứ ba học trò đã sáng tác ra mấy cái câu vè quái quỷ đó để chọc anh. Nhưng đã xa lắm rồi, tít mãi bên kia nửa vòng trái đất mà anh chỉ có thể về trong những cơn mơ. Nhiều lúc anh thèm biết bao sự chòng ghẹo của bạn bè, thèm thấy cái mặt đỏ của cô bạn gái và thèm nghe những tràng cười của đám bạn đang xúm nhau leo leo hai người, cho dù ở quê họ vẫn còn là con trẻ và chưa biết gì để nói với nhau...

Anh kể cho tôi nghe chuyện tuổi học trò và chuyện quê anh của hơn 40 năm về trước mà anh còn giữ trong ký ức, nhưng sao tôi nghe cứ như chuyện hôm qua, hôm kia. Tất cả những điều anh kể, tôi có cảm tưởng như là một điệp khúc. Đó là điệp khúc về quê hương, về tuổi thơ và về bạn bè. Điệp khúc này là một khúc hoài niệm đắm đuối về một miền quê xa lắc. Phải chăng khúc hoài niệm này đã nâng đỡ anh trong những tháng năm dài lưu lạc?

Khi anh đọc lại các câu: Tầm - Tịch rúc vô bịch xùng xịch... Tầm - Tịch rúc vô bịch cút kít... Tôi thấy đôi mắt của anh sáng lên một vẻ gì đó tươi vui, tinh nghịch như bọn học trò xa xăm kia trong mỗi lần chọc anh, Anh như tự chọc lấy chính mình để trút bớt những muộn phiền khó tránh khỏi và nỗi niềm hoài vọng quê hương và tuổi thơ. Nếu cô Tầm ngày xưa và gia đình của cô ấy tình cờ đọc được bài viết này, nhận ra đựơc người trong cuộc thì tôi tin rằng họ sẽ mỉm cười. Tất cả mọi kỷ niệm đều đẹp, cho dù đó là những kỷ niệm mờ xa trong mắt ướt của cuộc đời.

 

Vĩ thanh

Thời điểm tôi ghé thăm anh đúng vào những ngày cuối năm âm lịch ở Việt Nam. Người Việt ở nước ngoài đang có những hoạt động hướng về phút giao thừa bên quê nhà. Anh bảo tôi ở lại thêm vài hôm sẽ đưa dự tất niên ở Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco vì đã có lời mời. Hôm đi chơi trên đường về từ San Jose chúng tôi ghé vào chợ, anh mua nhiều lá chuối, nếp và đậu. Anh bảo ngày cuối năm sẽ gói bánh chưng và bánh tét đón giao thừa cùng với các sinh viên Việt Nam đang trọ học ở gần anh. Sau khi tôi về lại Việt Nam, anh gởi qua email cho tôi một chùm ảnh chụp cảnh các sinh viên nam nữ đang đong nếp, cột dây gói bánh cùng vợ chồng anh. Bên nồi bánh nấu giữa sân sau nhà anh, các sinh viên ôm đàn ca hát nghêu ngao chờ đến giờ vớt bánh. Anh bảo năm nào cũng tổ chức nấu bánh và tiệc mừng năm mới như là một chút đồng vọng với Tết cổ truyền ở quê nhà. Hơn 40 năm lưu lạc xứ người anh vẫn còn giữ được chút hồn quê.

New Jersey tháng 2 - Đà Nẵng tháng 3/2010

M.H.P

ẢNH 3: Tác giả và Phạm Văn Tịch dưới chân con đường siêu tốc ở SanFrancisco