NHỮNG BỨC KÝ HOẠ Ở KRACHE

03.03.2011

NHỮNG BỨC KÝ HOẠ Ở KRACHE

TRẦN TRUNG SÁNG

Trại "Viết kỷ niệm sâu sắc về tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam- Campuchia"do Cục tuyên huấn - Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức tại TP Đà Nẵng (từ 15/4 đến ngày 3/5), với sự tham dự của 32 trại viên là nhà văn, nhà báo, các đồng chí tướng lĩnh, cán bộ quân đội đã từng có nhiều năm sống, chiến đấu, công tác trên đất bạn Campuchia. Trong đó, có nhiều cây bút quen thuộc tại Quảng Nam - Đà Nẵng như: Tiêu Đình, Trần Kỳ Trung, Đoàn Bích Hồng, Trần Trung Sáng, Đỗ Trung Hội, Lê Anh Dũng, Đỗ Như Thuần, Phạm Xuân Thu...

Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc một trong những tác phẩm tham dự Trại viết nói trên của nhà văn Trần Trung Sáng.  

Hồi đơn vị còn ở trong nước, đóng quân tại Tuần Dưỡng (Quảng Nam) và Krôngbút (ĐakLak), tôi làm nhiệm vụ quản thủ Thư viện, thuộc bộ phận Câu lạc bộ văn hoá văn nghệ Sư đoàn, dưới sự phụ trách trực tiếp của hoạ sĩ Mai Ngọc Chính.

Khi chuyển quân sang đất bạn, tạm thời Thư viện không hoạt đông nữa, tôi được bố trí đi học kỹ thuật điện ảnh và phục vụ đội chiếu phim. Dù vậy, tôi vẫn là lính của CLB, thuộc phòng chính trị Sư đoàn. Giờ đây, nhiệm vụ mới của tôi có phần nhàn nhã hơn trước, nên tôi thường có điều kiện “tháp tùng” cùng anh Chính đi đó đây, và phát hiện ra điều thú vị: đi đến bất cứ nơi nào, anh Chính cũng luôn say sưa ghi chép những bức hoạ đầy sinh động về phong cảnh và con người chung quanh.

***

Lần ấy, sau nhiều tháng trời trải chịu cái nắng oi bức nghiệt ngã ở miền đất khô cằn tại Cô-Nhét (Munđunkiri), bước đến Krache - một thị trấn nằm ven sông MêKông lồng lộng gió, anh em chúng tôi ai nấy đều phấn chấn hẳn. Dịp này, bộ chỉ huy và các đơn vị của sư đoàn lại bố trí sinh hoạt dã ngoại trong các khu dân cư, bên cạnh khung cảnh thiên nhiên hiền hoà đầy bóng mát. Đây cũng là lần đầu, chúng tôi được tiếp cận người dân xứ chùa tháp gần gũi như vậy.

Được dăm ba ngày, sau khi công việc ăn ở của từng đơn vị đã được bố trí ổn định, hoạ sĩ Mai Ngọc Chính lại tập trung vào công việc ký hoạ. Bức hoạ đầu tiên của anh phác thảo tại đây, không đâu xa, mà chính là cảnh quan đoạn sông Mê Kông ngay trong tầm mắt, phía sau ngôi nhà chúng tôi trú quân.

Giữa buổi trưa hè, từng cơn gió mát rượi lùa vào người chúng tôi những cảm giác thật thảnh thơi, dễ chịu. Nhìn sang bên kia bến bờ xa lắc, anh Chính vừa phác những nét bút chì, vừa nói: “ Chưa thấy khúc sông nào rộng mênh mông như khúc sông này. Cứ cảm giác như là cửa biển...”. Tôi nói lại với anh: “Vậy mà ngày qua, tôi đi xuồng xuống đơn vị, ngay giữa lòng sông, có những đoạn bị mắc cạn, anh em phải trèo xuống đẩy xuồng. Vui thật!”. Bên cạnh chúng tôi, hai cô gái và một anh chàng chừng 17 – 18 tuổi từ trong nhà chạy ra cũng xúm xít đến gần nhìn bức tranh ký hoạ. Bất ngờ, tôi nghe chàng trai huýt gió nho nhỏ một khúc nhạc quốc tế quen thuộc Sunday Morning (trước 1975, tại miền Nam được phổ biến rộng rãi với lời dịch Chủ Nhật tươi hồng). Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Sunday Morning?

Anh chàng thanh niên dừng huýt gió, gật đầu. Tôi lại nhớ ra, hồi ở bên nhà, nhiều người đồn đãi:” tại những thành phố lớn của Campuchia, thanh niên thường sử dụng rành cả hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Ở Krache cũng vậy”.

Mấy ngày sau, mỗi sáng sớm hoặc xế chiều, khi bơi lội ở mé sông tôi lại gặp anh chàng thanh niên đến gần làm thân. Bây giờ, tôi phát hiện ra, tuỳ theo yêu cầu của người đối diện, ngoài các cụm từ ngắn bằng tiếng Anh hoặc Khơme, anh ta lại còn nói xen những câu tiếng Việt đơn giản. Bằng chất giọng y hệt những người Nam bộ ở quê nhà, anh cho tôi biết, anh có một bà dì ruột sinh sống tại Châu Đốc. Trước kia, thỉnh thoảng mỗi dịp hè, anh vẫn qua ở vài tuần.

Còn hai cô gái trẻ, em gái của anh thanh niên ngày cũng càng dạn dĩ, thân quen, và vui vẻ làm nhân vật trong tranh ký hoạ của anh Chính. Đôi lần tôi hỏi họ, có thích những bức tranh của anh Chính không? Một cô gái nói rằng, hồi nhỏ đi học cô rất thích học vẽ, nên rất thích xem tranh. Thời Pôn Pốt, Ăngca đã đập phá tất cả các trường học. Bây giờ thì cô hy vọng, đất nước sớm ổn định và cô sẽ đi học, nếu có cơ hội, có thể sẽ học vẽ...

***

Ở Krache, theo lịch trình, đội chiếu phim sư đoàn chỉ phục vụ cho người dân thị trấn khoảng 1-2 đêm/tháng, còn lại là phải xuống nhiều hơn ở các phum, sóc hẻo lánh. Những lần như vậy, hoạ sĩ Mai Ngọc Chính luôn đi cùng chúng tôi với tâm trạng đầy hào hứng. Trong những xấp bản thảo ký hoạ của anh lại có nhiều thêm hình ảnh những dấu vết chùa tháp, những hàng cây thốt nốt, những chiếc xe bò lăn bánh chậm rải trên cánh đồng chiều, những cô gái quấn khăn rằn hớn hở bắt tay hoà nhập vào nhịp sống mới...

Một buổi chiều, tại một phum cách xa đơn vị khoảng nửa ngày đường. Chúng tôi dừng xe, soạn bỏ đồ đoàn của đội phim xuống một cánh đồng trống. Đây cũng một trong những cánh đồng cằn khô, nứt nẻ như tôi thường thấy trong những ngày hè nhiệt đới ở đất nước Camphuchia. Thế nhưng, khi chúng tôi vừa dựng phông màn xong, thì người lớn và trẻ nhỏ từ những xóm nhà thưa thớt nhanh chóng kéo đến rất đông. Tại địa phương, người ta giới thiệu với chúng tôi một cô gái tên Khen chừng ngoài 20 tuổi, khá linh hoạt, tươi vui để phiên dịch nội dung phim (hoặc những yêu cầu khi cần).

Cô Khen bắt đầu thử giọng trên micro. Cô mời người dân đến xem phim, lặp đi lặp lại nhiều lần, đại khái đây là những bộ phim rất hấp dẫn do bộ đội Việt Nam đem đến. Thỉnh thoảng, cô xen vào vài câu nói ngắn, cũng bằng chất giọng rất giống người Nam bộ :”Cảm ơn, các anh bộ đội Việt Nam đã không ngại khó khăn đến nơi xa xôi, phục bà con nơi này”. Nếu không nghe cô Khen đôi lần vấp váp một vài từ thông dụng, tôi dễ nghĩ cô là người gốc Việt chính hiệu.

Đột nhiên, khi buổi chiếu phim sắp bắt đầu, một người du kích địa phương đến gần, chỉ tay về khóm cây ở phía xa, nói với Khen:” đêm qua, du kích phát hiện có mấy tên lính Pôn Pốt về bắt trộm chó làm thịt ở khóm cây đó, đã rượt đuổi rồi, nhưng phải cẩn thận”. Thế là rất lặng lẽ và rạch ròi, cô Khen bảo tôi nhắc nhở mọi anh em theo đoàn phim đứng rời xa chiếc xe đặt máy chiếu phim. Ngoại trừ tôi và Khen ngồi lại để theo dõi kỹ thuật và thuyết minh phim.

Thỉnh thoảng, dưới bóng đèn vàng 100 W, tôi liếc nhìn Khen , xem cô có căng thẳng lắm không, nhưng trông cô thật bình thản, chăm chú với công việc. Buổi chiếu phim rồi cũng hoàn tất tốt đẹp. Cô khen bảo, người dân ở phum rất vui thích, họ nhờ nhắn với đoàn phim, có phim hay nhớ ghé lại nhiều lần hơn...

Về lại đơn vị, một buổi sáng đẹp trời, cùng anh Chính đi dạo quanh thị trấn, tôi bất ngờ nhìn thấy trong xấp phác thảo mới toanh của anh có chân dung cô Khen, với mái tóc ngắn, mắt nhìn thẳng, cổ quấn khắn rằn. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Chiều hôm ấy, làm sao mà anh kịp thời gian vẽ cô ấy? Anh vẽ vào lúc nào?

Anh Chính cười, nói lại:

- Làm sao tôi lại quên vẽ cô ấy? Không vẽ cô ấy, tôi đi với cậu để làm gì?

Thế nhưng, cả tôi và anh Chính không ngờ được, Khen - cô gái trong tranh vẽ đã bị sát hại ngay vài ngày sau đó bởi bàn tay Pôn Pốt, trên đường cô ra thị trấn để học khoá đào tạo cán bộ địa phương.

***

Những ngày tháng yên bình bên dòng sông MêKông ở thị trấn Krache rồi cũng qua nhanh. Tàn quân PônPốt vẫn không ngừng tìm mọi cách quấy phá chính quyền non trẻ vừa đang xây dựng lại của đất bạn Campuchia. Những người lính Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế lại tiếp tục luân phiên lên đường với những nhiệm vụ mới ác liệt, gian khổ nhiều hơn. Lúc nhận lệnh chuyển quân, tôi nhớ dường như Thủ trưởng đơn vị chỉ phổ biến trong một khoảng thời gian ngắn, rồi lập tức, từng bộ phận chia nhau lên xuồng, xuôi dòng nước tập trung về điểm hành quân...

Anh thanh niên thường huýt gió các bài hát tiếng Anh, cùng mấy cô gái nhỏ và mọi người nơi gia đình chúng tôi trú quân chừng hụt hẩng, khi bất ngờ chia tay. Họ rơm rớm nước mắt nói với chúng tôi:

- Lúc nào có dịp, nhớ trở lại ghé thăm chúng tôi nghe !

Vậy mà thoắt chốc, đã gần 30 năm trôi qua...

Câu nói thân thương cùng hình ảnh những bàn tay bịn rịn giã từ chúng tôi từ bến bờ một ngôi nhà ven sông MêKông thơ mộng, vẫn còn đọng mãi trong trí óc tôi, chẳng thể xoá nhoà. Nghe nói giờ đây, Krache đổi thay nhiều lắm, đang trở thành một trong những địa phương phát triển thu hút đầu tư du lịch hàng đầu của quê hương chùa tháp. Song, chẳng biết những người và cảnh gắn bó chúng tôi một thời trai trẻ năm nào giờ đã ra sao?

Sau ngày hoàn thành nhiệm vụ ở đất bạn trở về, hoạ sĩ Mai Ngọc Chính công tác tại Bảo tàng Quân khu V. Tình cờ, một ngày kia, khi cùng vài đồng đội cũ ghé thăm anh Chính, đang lúc ôn lại những kỷ niệm xưa, bất ngờ, anh khoe chúng tôi tập Nhật ký bằng tranh ở Krache còn lưu giữ gần như nguyên vẹn, với gần trăm bức tranh ghi chép sống động về cảnh và người... mà chúng tôi đã từng biết, từng gặp gỡ.

Tôi lại cảm nhận ra, con sông Mê Kông, với những chiếc xuồng trôi hiền lành êm ả; những nhóm trẻ con đùa vui vô tư bên ngôi đền hoang vắng; những chiếc xe bò cọc cạch, những gương mặt trìu mến tại ngôi nhà chúng tôi trú quân; và kể cả cô Khen...tất cả vẫn còn nguyên vẹn đó, như vừa mới hôm qua./.

 

Đà Nẵng , tháng 4/2010

T.T.S