THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT SƠN MÀI NGUYỄN GIA TRÍ

03.03.2011

THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT SƠN MÀI NGUYỄN GIA TRÍ

Trịnh Chu

Nguyễn Gia Trí, Vườn Xuân và Thiếu Nữ

Đã hai lần giới hội họa Việt Nam đưa ra các thứ bậc để vinh danh người tài: Trí (Nguyễn Gia Trí) – Vân (Tô Ngọc Vân) – Lân (Nguyễn Tường Lân) – Cẩn (Trần Văn Cẩn) bên cạnh Sáng (Nguyễn Sáng) – Nghiêm (Nguyễn Tư Nghiêm) – Liên (Dương Bích Liên) – Phái (Bùi Xuân Phái). Tuy chỉ là truyền miệng nhưng mặc nhiên đã trở thành sự đánh giá mang tầm vĩ mô về vai trò cá nhân cũng như sự đóng góp lớn lao của các nhà danh họa đối với nền nghệ thuật tạo hình nước nhà. Các danh họa, mỗi người một số phận, một tâm thế và cách thế dấn thân riêng, nhưng tựu trung lại, họ đều là những con người xuất chúng về tài năng và nhân cách nghệ sĩ của mình.

Danh họa Nguyễn Gia Trí đứng vào hàng ngũ những họa sĩ tiên phong có cao vọng cách tân nền hội họa Việt Nam. Ông là người đi đầu, sục sôi sáng tạo, và có công rất lớn trong việc tìm tòi, nghiên cứu, thể nghiệm ở chất liệu mới sơn mài – một chất liệu mà trước đây chỉ sử dụng trong mỹ nghệ và đồ thờ cúng – thành một chất liệu quí, sang trọng, lộng lẫy, rực rỡ, sâu thẳm trong nghệ thuật tạo hình. Nguyễn Gia Trí đã giải phóng sơn ta thoát khỏi cái tĩnh trang trí ngàn năm để đến với cái động tự do, phóng khoáng, mở rộng các khả năng biểu đạt những rung cảm tinh tế nhất của người nghệ sĩ. Và, cũng cần lưu ý thêm rằng, lúc bấy giờ thế giới vẫn chưa có công nghệ sơn mài này.
 

Chân dung họa sĩ Nguyễn Gia Trí

Nghệ thuật tranh sơn mài manh nha từ đầu những thập niên 1930, khi cụ Nam Sơn – người đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – hướng sự say mê nghệ thuật của hai ông thầy người Pháp Victor Tardieu và Joseph Inguimberty vào việc tìm hiểu vẻ đẹp của đồ sơn Việt Nam tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội để rồi chính họa sư Victor Tardieu quyết định mở xưởng nghiên cứu sơn ta do họa sư Joseph Inguimberty phụ trách và mời nghệ nhân Đinh Văn Thành về dạy nghề sơn. Qua bước đầu mày mò, tìm kiếm, các sinh viên những thế hệ đầu của trường đã sáng tạo nên những bức sơn mài lộng lẫy, thơ mộng. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chất liệu sơn mài vẫn chưa hoàn toàn được làm chủ; đặc biệt là kỹ thuật sử dụng vỏ trứng, trên thực tế, cũng chỉ dừng lại ở mức độ diễn tả dạng mảng phẳng. Phải đến với Nguyễn Gia Trí, nghệ thuật tranh sơn mài mới đạt tới tầm cao mới. Ở đây, vỏ trứng không đơn thuần chỉ là dạng mảng phẳng mà thậm chí còn có thể diễn tả mảng tối, tạo sự liên tưởng đa chiều về chất. Có thể là da thịt mịn màng của nhân vật, cũng có thể là cát đá thô ráp của phong cảnh… Từ nền tảng tiếp thu, sử dụng và kế thừa bốn màu sắc chính: đen (then), đỏ (son), vàng (quì), bạc của truyền thống, Nguyễn Gia Trí đã thể nghiệm bằng nhiều phương cách nhằm mục đích làm giàu cho bảng màu của chất liệu sơn truyền thống như trộn dầu thông với sơn cánh dán và son, dây, rắc vàng, bạc, cát… bằng độ thưa mau để tạo nên sắc độ khác nhau, nung đốt vỏ trứng rồi cẩn vào nền tranh một cách tinh tế tạo nên một vẻ đẹp lãng mạn, bay bướm cho hình khối. Kết quả là bảng màu của sơn mài đã phong phú thêm lên, nâng cao hiệu quả diễn đạt nghệ thuật.
 

Nguyễn Gia Trí, Chùa Thày

Nguyễn Gia Trí đã làm kinh ngạc công chúng Hà thành với những bức: Bên đầm sen (1938); Vườn xuân và thiếu nữ (1939); Chùa Thày (1939-1940); Bình phong khoai nước và cảnh (1940); Hai thiếu nữ (1944); Chiều hôm những ánh vàng (1944); Thiếu nữ bên hồ Hoàn Kiếm (1944)… Trước mắt mọi người là những cảnh trí và thiếu nữ thướt tha trong vẻ đẹp liêu trai của sắc vàng rực rỡ quyến rũ, của sắc trắng trinh bạch chứng nghiệm cho những công đoạn làm tranh đầy cảm hứng, gợi khơi người xem trở về với vẻ đẹp duyên xưa. Sau khi xem tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí, họa sĩ Tô Ngọc Vân khẳng định: “Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là một mỹ nghệ nữa. Ở óc, ở tâm hồn người ấy ra, nó đã được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là ý tưởng, tình cảm của Nguyễn Gia Trí đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra”. Thành công của Nguyễn Gia Trí là sự kết hợp những tìm kiếm ban đầu của họa sĩ Trần Quang Trân từ năm 1933-1934 đến Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu, Lê Quốc Lộc… những năm 1936-1939. Thế giới sơn mài Nguyễn Gia Trí vừa thực vừa ảo trong đó gợi niềm khát khao về cái đẹp vĩnh hằng. Tranh sơn mài của ông đạt tới đỉnh cao của những năm 1939-1944. Bên cạnh chất liệu sơn mài là tiêu biểu, Nguyễn Gia Trí cũng thể nghiệm, tìm tòi qua các chất liệu hội họa quen thuộc như sơn dầu với các bức Bến Hồng Quảng, Sông Đà, phụ bản Kiều
 

Nguyễn Gia Trí, Chiều Hôm Những Ánh Vàng

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí là người cách tân xuất sắc, có công rất lớn phát triển sơn mài từ mỹ nghệ trở thành tranh mỹ thuật và đã đưa sơn mài lên vị trí đỉnh cao. Hạn chế của Nguyễn Gia Trí là ở chỗ không có mảng màu đập vào cảm giác nâng tầm tranh lên. Chi tiết nhỏ nhiều hóa rối, ít sáng tạo nên khô…
 

Nguyễn Gia Trí, Đám Cưới Nhà Quê

Sử dụng chất liệu thuần Việt để bộc lộ tình cảm của dân tộc bằng ngôn ngữ hội họa hiện đại là giá trị nghệ thuật của hội họa Nguyễn Gia Trí. Ngoài ra ông còn vẽ minh họa, biếm họa cho các báo Phong hóa, Ngày nay… lĩnh vực nào ông cũng tìm tòi, cũng để lại những dấu ấn sáng tạo khó quên.
 
 

Nguyễn Gia Trí, Trận Bạch Đằng

Quá nửa thế kỷ làm nghệ thuật, Nguyễn Gia Trí đã để lại trong lòng người ngưỡng mộ một chân dung nghệ sĩ tài năng đáng khâm phục. Sự đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà là những đóng góp có ý nghĩa nền móng và hết sức sang trọng. Ngôn ngữ nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí có sức truyền cảm mạnh. Màu đằm thắm, sắc nhị âm vang, rung tới tận đáy lòng người xem bởi truyền thống xưa cũ mà trí tuệ, nồng nàn mà sâu lắng, ký ức mà hiện hữu, mai sau.

T.C