Văn học-Nghệ thuật 40 năm hội nhập và phát triển - Bùi Văn Tiếng
Trải qua 40 năm đổi mới và hội nhập, văn học nghệ thuật ở thành phố bên sông Hàn - với tư cách là thủ phủ của tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng từ sau ngày giải phóng cho đến hết năm 1996, và với tư cách là đô thị trực thuộc Trung ương từ đầu năm 1997 - đã có được một số chuyển biến rõ nét, ít nhất trên bốn phương diện sau đây:
Một là trên phương diện lực lượng lao động văn học nghệ thuật. Có thể nói ngay sau ngày giải phóng, Đà Nẵng sớm có được một lực lượng lao động văn học nghệ thuật đông đảo hơn so với trước ngày giải phóng, từ người đã thành danh trong những năm tháng chiến tranh - thậm chí từ thời tiền chiến - cho đến người mới khẳng định tên tuổi sau khi đất nước thống nhất, từ địa hạt của nghệ thuật ngôn từ và nghệ thuật tạo hình cho đến địa hạt của nghệ thuật biểu diễn, từ lĩnh vực sáng tác cho đến lĩnh vực nghiên cứu và lý luận phê bình, được tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau.
Chỉ nói riêng về những văn nghệ sĩ đã thành danh trước năm 1975, có thể kể những người hoạt động văn học nghệ thuật ở Đà Nẵng tạm bị chiếm - trong đó có nhiều người từng tham gia và trưởng thành qua các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ…, nhưng chủ yếu là những văn nghệ sĩ mới đến/mới về lại Đà Nẵng từ vùng giải phóng hoặc từ hậu phương lớn miền Bắc… Những văn nghệ sĩ này sớm có thành tựu đáng kể trong nghề vẫn tiếp tục sáng tạo một cách sung mãn trong lao động nghệ thuật, và cùng với những văn nghệ sĩ mới gầy dựng “thương hiệu” sau khi thống nhất nước nhà, đã góp phần làm nên diện mạo văn học nghệ thuật Đà Nẵng đương đại.
Tất nhiên lực lượng lao động văn học nghệ thuật đáng quý/đáng giá này khi tụ khi tán, vừa không ngừng được bổ sung vừa không ngừng bị thất thoát, chẳng hạn sau sự kiện chia tách tỉnh đầu năm 1997, lực lượng lao động văn học nghệ thuật Đà Nẵng cũng phải kẻ ở người đi; hoặc do hoàn cảnh sống, một số văn nghệ sĩ phải rời Đà Nẵng để ra Bắc vào Nam; hoặc không ít người về sau chuyên chú viết báo - xem sáng tạo văn chương chỉ còn là việc làm tay trái, thậm chí chỉ như một cố nhân kính nhi viễn chi trong dĩ vãng.
Cho nên một vấn đề đang được đặt ra với văn học nghệ thuật Đà Nẵng - mà chắc không phải riêng của Đà Nẵng - là làm thế nào thu hút/đào tạo một nguồn nhân lực hết sức đặc thù như nguồn nhân lực lao động văn học nghệ thuật. Đây là một thứ lao động đòi hỏi phải có tài năng và sự khổ luyện. Trong một buổi sinh hoạt đầu năm Ất Mùi của Câu lạc bộ Thơ Hàn Giang ở Đà Nẵng, có trò chơi hỏi-đáp. Hỏi rằng giữa người hay làm thơ và người làm thơ hay, ai tốn nhiều công sức hơn? Câu trả lời được thưởng là người làm thơ hay tốn nhiều công sức hơn.
Tốn nhiều công sức hơn tức là phải khổ luyện hơn. Người hay làm thơ chưa chắc đã có được thơ hay, thậm chí cả đời không có được thơ hay, nhưng người làm thơ hay thường phải lao động nghệ thuật nhọc nhằn - nói như nhà thơ Inrasara là phải đủ cô đơn để sáng tạo, và quan trọng hơn là phải có sự thôi thúc từ bên trong - sáng tác một bài thơ/một truyện ngắn/một tiểu thuyết không phải do có thể sáng tác mà là do không thể không sáng tác. Đào tạo người không có tài năng văn học nghệ thuật thành người có tài năng văn học nghệ thuật đã vô cùng khó, nhưng làm cho một người - dẫu tài năng đến mấy - có được sự thôi thúc sáng tạo từ bên trong thì hầu như là bất khả thi.
Nhân đây xin nói thêm rằng sẽ rất đúng khi quan niệm lao động nhà văn đòi hỏi người cầm bút phải biết thường xuyên đối diện với cô đơn, lúc nào cũng chỉ một mình ngẫm nghĩ suy tư trước trang giấy trắng, hay hiện đại hơn là trước màn hình computer, bởi không thế không thể đặt dấu vân tay vào tác phẩm của chính mình - nhưng chỉ đúng khi nhà văn đang-viết-văn chứ không phải khi nhà văn đang-tích-lũy-để-viết-văn, nói một cách hình ảnh hơn là chỉ đúng ở giai đoạn con-ong-đang-làm-mật chứ không phải ở giai đoạn con-ong-đang-hút-nhụy-trăm-hoa.
Cũng nên thấy thêm một nghịch lý là muốn sáng tạo thì đòi hỏi phải đủ cô đơn song đến khi đã sáng tạo ra được cái mới, cái khác trước rồi thì người sáng tạo lại tiếp tục phải đối mặt với cô đơn. Chẳng hạn có trường hợp sản phẩm của sáng tạo quá mới, quá khác trước đồng thời quá sớm so với quán tính tư duy của số đông - mà nhất là lại do một người quá trẻ ấp ủ sinh thành, nên chưa được số đông chấp nhận, có khi người sáng tạo còn bị đám đông “ném đá”…
Tất nhiên là không hề đơn giản nhưng dẫu sao vẫn có thể làm cho nhà văn giảm bớt/không còn cô-đơn-trước-sáng-tạo và cả cô-đơn-sau-sáng-tạo, nhưng làm sao cho đủ cô-đơn-trong-sáng-tạo thì hầu như không ai có thể giúp được gì đáng kể ngoài bản thân từng nhà văn với lao động nghệ thuật của chính mình. Đây là câu chuyện riêng của văn chương mà cũng là câu chuyện chung của mọi loại hình nghệ thuật.
Hai là trên phương diện nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật- yếu tố quan trọng để có được sự thôi thúc sáng tạo từ bên trong. Thấm đẫm thực tiễn địa phương là đặc điểm nổi bật của cảm hứng nghệ thuật trong văn nghệ sĩ Đà Nẵng 40 năm qua. Thực tiễn đó có thể là lịch sử Quảng Nam mở cõi khởi nguyên từ 600 năm trước, có thể là lịch sử phong trào duy tân đất Quảng đầu thế kỷ XX, hay là lịch sử hai lần Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đương đầu với các thế lực xâm lược Pháp và Mỹ; cũng có thể sự chuyển mình ngoạn mục của một Đà Nẵng trẻ trung năng động hiện nay; mà cũng có thể là nỗi đau về chủ quyền khi huyện đảo Hoàng Sa vẫn còn bị Trung Quốc chiếm đóng. Đây chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật rất mạnh mẽ của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, nhất là trên lĩnh vực sáng tác.
Đặc điểm thấm đẫm thực tiễn địa phương được thể hiện rõ qua phần lớn các thành tựu sáng tạo văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, chẳng hạn những thành tựu trên lĩnh vực tiểu thuyết như Kỳ nữ họ Tống của Nguyễn Văn Xuân, Vầng trăng ban ngày của Vĩnh Quyền, Minh sư của Thái Bá Lợi, Thế kỷ bị mất của Phạm Ngọc Cảnh Nam…, hay trên lĩnh vực điện ảnh như các phim tài liệu Người giữ thành Hà Nội, Người cho sông núi mượn tên, Con mắt còn có đuôi… của Huỳnh Hùng, cũng như trên các lĩnh vực nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh nghệ thuật và sân khấu.
Đặc điểm này đã chi phối cảm hứng nghệ thuật của văn nghệ sĩ Đà Nẵng, từ đó chi phối việc lựa chọn và thâm canh trên một/một số đề tài sáng tác nhất định liên quan đến thực tiễn địa phương. Và văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã tận dụng được ưu thế của người trong cuộc để sáng tác đạt chất lượng nghệ thuật như mong đợi. Tuy nhiên có thể nói đây là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu của văn học nghệ thuật Đà Nẵng, bởi dễ dẫn tới xu hướng tự thu hẹp đề tài sáng tác vào những gì liên quan trực tiếp đến thực tiễn địa phương, dễ dẫn tới xu hướng đứng ngoài những đề tài vĩnh cửu của văn học nghệ thuật, dễ dẫn tới nguy cơ đẩy nền văn học nghệ thuật quê nhà trở thành nền văn học nghệ thuật nhà quê! Và không dừng ở lĩnh vực sáng tác, điểm yếu này còn dễ lây lan sang cả lĩnh vực nghiên cứu và lý luận phê bình.
Ba là trên phương diện cách tân nghệ thuật. Nghệ thuật tối kỵ sự lặp lại, kể cả sự lặp lại của chính các tài năng. Vì thế cách tân nghệ thuật/đổi mới thi pháp là nhu cầu tự thân của văn nghệ sĩ nói chung và văn nghệ sĩ Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên trên phương diện này Đà Nẵng 40 năm nay chưa có trường hợp đi tiên phong nhằm khởi xướng những trào lưu/trường phái văn học nghệ thuật mới, chỉ dừng lại ở nỗ lực tiếp thu cái mới/cái khác trước từ thiên hạ thông qua con đường hội nhập: tổ chức các cuộc giao lưu quốc tế về văn học nghệ thuật - tại chỗ hoặc ở nước ngoài, tổ chức các tuần lễ phim nước ngoài, nghiên cứu lý luận văn học nghệ thuật nước ngoài…
Công chúng Đà Nẵng tỏ ra mặn mà với nghệ thuật sắp đặt, với cuộc trình diễn nghệ thuật tạo hình trên cát lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng vào năm 2012, và nghệ thuật tạo hình bằng bong bóng cũng xuất hiện trên đường phố Đà Nẵng từ mấy năm nay thông qua hoạt động của Câu lạc bộ bong bóng nghệ thuật bắt nguồn từ những buổi lưu diễn của một nghệ sĩ tạo hình bằng bong bóng người Mỹ, tuy nhiên hãy còn xa lạ với một số cách tân nghệ thuật/đổi mới thi pháp trong sáng tạo văn chương như thơ tân hình thức, hậu hiện đại… - kể cả tác phẩm cách tân/đổi mới của các tài năng chứ không phải của những kẻ bất tài.
Cuối cùng là trên phương diện tổ chức Hội/Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Lao động văn học nghệ thuật mang tính cá thể rất cao và những thành tựu văn học nghệ thuật mang dấu vân tay từng văn nghệ sĩ mới thực sự làm nên đẳng cấp của một vùng văn học. Tuy nhiên đẳng cấp của một vùng văn học có thể sẽ vươn cao hơn khi những người sáng tạo văn học nghệ thuật có cơ hội được giảm bớt/không còn cô-đơn-trước-sáng-tạo và cả cô-đơn-sau-sáng-tạo. Muốn vậy họ mới cần đến tổ chức Hội/Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.
Điều đó cũng có nghĩa rằng nếu không góp phần làm cho những người sáng tạo văn học nghệ thuật có cơ hội được giảm bớt/không còn cô-đơn-trước-sáng-tạo và cả cô-đơn-sau-sáng-tạo thì tổ chức Hội/Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật không còn lý do gì để tồn tại. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cùng các hội chuyên ngành 40 năm qua đã và đang phấn đấu để ngày càng làm tròn sứ mệnh nêu trên. Nếu được thế thì những tài năng văn học nghệ thuật vẫn còn đứng ngoài tổ chức Hội/Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật có thể sẽ phải thay đổi cách nghĩ cách nhìn của mình về tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp này./.
B.V.T
[*] Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học-nghệ thuật thành phố Đà Nẵng.