Người vùng cát - Bút ký của Hồ Hải Học

09.10.2012

Mảnh đất ấy vừa trải qua một thử thách dữ dội và trong lửa đạn của chiến tranh đã vụt đứng lên, trung trinh như những đồi cát trắng mãi chẳng đổi màu, hiên ngang như cả rừng dương mọc thẳng cứ nhằm trời xanh mà vươn tới.

Trên bến chợ Nồi Rang thuyền chở khẳm cá, khoai đậu san sát. Không thể nào tính được giặc đã dội xuống đây bao nhiêu bom đạn mà cỏ cây quanh chợ rụi tàn hết, những buổi chợ đông, những gánh rau cải đầy ắp, những hàng dưa bụ bẫm đã nhuộm lại cho chợ một màu xanh mát mắt.

Người vùng cát - Bút ký của Hồ Hải Học

Trận càn lớn của Mỹ vào các xã vùng cát vừa chấm dứt chưa lâu. Dấu xích xe tăng, xe bọc thép còn hằn trên cát ngang dọc, lại qua như mạng nhện. Lẫn trong mớ bòng bong đó là con đường mới mở trên cát bằng những bước chân trần, những dấu dép cao su của những người du kích ngày đêm đi bám địch, của anh cán bộ tất tưởi qua lại các thôn, của chị dân công đêm đêm chuyển lúa, của các em bé tới trường, của các mẹ tới chợ "mặc dù chẳng bán, chẳng mua/ đi cho giặc Mỹ thấy thua dân mình” (Thơ Cao Phương).

Về đây ngay sau ngày hàng đàn lính Mỹ cùng cả lũ xe tăng bị bà con đuổi chạy cời đầu vẫn cảm thấy cái khí thế đấu tranh hừng hực còn hơn cát bỏng. Về đây, mỗi người dân đều sẵn sàng kể cho ta nghe những ngày vùng cát này sống dậy khí thế hào hùng của đồng khởi năm nào.

... Trận càn bước sang ngày thứ tư. Vòng vây khép chặt. Lính Mỹ ập vào làng. Nhà cháy. Tre nổ lốp bốp. Ruột gan cháy. Người người xông vào. Bà già cầm câu liêm cố giật những tấm tranh vừa bén lửa rồi ném vào đám lính Mỹ đang châm lửa đốt nhà. Lửa khắp nơi. Lửa chạy vèo vèo trên các mái nhà lợp bằng lá dừa nước. Lửa liếm vào quần, vào áo. Lửa trườn lên các ngọn dương. Lửa vây quanh những chiếc xe bọc thép. Lửa trong mỗi ánh mắt người dân trừng trừng nhìn lũ giặc. Chị Hai giằng lấy chiếc máy lửa trên tay thằng Mỹ đen cao lớn, miệng hô to: Đừng đốt! Đừng đốt! Đông bơn! Đông bơn!- mấy chữ tiếng Anh cán bộ binh vận vừa mới dạy. Chiếc máy lửa rớt xuống cát. Thằng Mỹ cúi xuống. Chị Hai nhào đến ôm chầm lấy nó. Thằng Mỹ nhe răng cười, quơ tay kéo cái quần đen của chị Hai rách toạc cũng thành thạo như khi hắn mở lon đồ hộp. Nhanh như chớp chị Hai co chân đạp. Cái chân mạnh lạ kỳ, đôi chân quanh năm lội trên cát lún với đôi gàu trên vai, lấy nước từ dưới hố bom sâu tưới cho những vồng khoai lang nằm phơi mình trong nắng lửa vùng cát. Thằng Mỹ ngã chỏng gọng. Chị Hai đứng lên, nhanh tay xé toạc cái ống quần rách, quật lên cái đầu thằng lính Mỹ trọc lóc. Bà con ập đến. Tiếng la làng, tiếng mõ, tiếng nồi chảo, gàu tưới nước từ bốn hướng, lúc đầu còn nhỏ, sau to dần và đổ dồn về một phía như kiểu dân chài đuổi cá về phía mình đã giăng sẵn lưới. Cát trắng lóa mắt. Những cơn gió xoáy dựng cát lên thành từng cột cao quá ngọn dương. Một trăm, hai trăm, năm trăm rồi cả ngàn người xung trận. Bồ cào thường ngày dùng để gom lá dương khô thay củi giờ lăm lăm trong tay các cụ. Đòn gánh, cành dương, thậm chí cả đôi đũa bếp cũng theo các mẹ, các chị. Khí thế bừng bừng. Bọn lính hoảng sợ lui ra bìa làng. Xe tăng, xe bọc thép bắt đầu gầm rú, ủi rạp cả một rừng dương, lừng lững tiến vào làng. Tiếng la dậy đất át cả tiếng xe. Bất cứ thứ gì có thể phát ra tiếng động đều đã lên tiếng. Những chiếc gàu tưới, thùng thiếc bị gỏ đến bẹp dúm lại, soong nồi méo mó, giọng người khản đặc. Những chiếc mũ sắt trên tháp xe tăng biến mất. Chúng nó chui cả vào trong xe như lũ rùa hoảng sợ rúc đầu vô mai. Bỗng từ phía sau có tiếng ai la lớn báo tin du kích xã vừa bắn cháy một xe tăng ngay ở thôn bên. Niềm vui dâng tràn. Như sóng gặp gió, niềm tin được nhân lên, cả khối người ào tới trước...

Theo sau xe, bọn lính dò dẫm bước. Khi nòng pháo dài ngoẵng trên xe sắp chạm vào bức tường người phía trước, chúng dừng lại. Tụi lính xông lên trước a vào bắt người. Dân chúng giằng lại. Một cuộc chơi kéo co bất phân thắng bại. Một thằng Mỹ chụp được vạt áo của cô gái. Bà mẹ đứng bên nhanh như chớp cầm con dao bửa cau sắc lẹm rạch một cái xoẹt. Thằng Mỹ ngã ngửa người nằm trọn trên bụi gai lưỡi long tua tủa, tay vẫn giữ khư khư vạt áo ni lông. Thằng lính khác a vào chụp lấy mớ tóc dài của chị phụ nữ. Cây đũa bếp trong tay chị giáng xuống đầu hắn. Chiếc mũ sắt kêu lộp bộp. Hắn khoái chí nhe răng cười. Đứa bé con chị nhào đến cắn vô cánh tay lông lá của thằng Mỹ. Hắn buông tay ra, quay sang tóm gọn đứa bé vất lên chiếc xe bọc thép. Xe rú ga, thằng bé nhảy xuống. Chúng nó lại ném em lên xe. Chiếc xe vừa chạy đến đầu vạt khoai, đứa bé lại lao xuống, tay ghì chặt mớ dây khoai. Cuộc giằng co làm cho cả vồng khoai lớn bật ra, củ to củ nhỏ nằm phơi ra trên cát. Tên Mỹ to xác mồ hôi nhễ nhại vẫn không thể nào nhấc đứa bé lên được. Hình như qua mớ dây khoai, đất cát quê hương đã tiếp thêm cho em sức mạnh. Và rồi cuốc chĩa, bồ cào ập đến chĩa thẳng vào tên Mỹ lấm lem đất cát. Bay có thả ra không? Bay có thả ra không? Nhìn thấy đám xe bọc thép bị mọi người vây kín đang nhả khói tháo lui, tên lính buông thằng bé, tay ôm đầu chạy, vấp phải vồng khoai té lên té xuống. Người đuổi theo xe. Xe chạy tránh người. Người và xe quần nhau trên bãi cát cho đến khi chúng rút chạy khuất hẳn sau những hàng dương.

Sau cái hôm đuổi xe giặc chạy cời đầu ấy, nhiều bà con đến gặp cán bộ để chia sẻ niềm vui: "Du kích xã mình cừ thiệt. Tụi nó không bắn cháy xe tăng thì sức mấy mà bọn nó rút”. Cô xã đội trưởng thì cảm ơn bà con: ”Nếu không có các mẹ, các chị chi viện, chỉ mấy mống du kích thì làm chi được. Hiệp đồng tác chiến hết chỗ chê!”. Các mẹ phấn khởi: ”Bữa rày tụi hắn có vô đây, cứ la làng là tụi già này có mặt liền. Phải sống chết với bọn chúng mới được. Tức quá, mấy câu tiếng Mỹ mới học được sao hồi đó quên hết trơn hết trọi”. Ở mảnh đất này tiếng la, tiếng thét thực sự là một mệnh lệnh tiến công.

Nhưng có thắng lợi nào mà không phải đổ máu xương. Mười một người dân đã nằm xuống. Hôm nay là ngày mở cửa mả cho chị Nam. Khói hương nghi ngút. Nhiều người trải chiếu ngồi ngay trên cát. Râm ran câu chuyện về cái chết hiên ngang của chị...

- Con mẹ Nam gan thiệt. Đạn vãi ra như cát. Bà con mình nằm xuống hết rứa mà hắn cứ bươn lên nỗng cát cao, vừa chạy vừa la: Bà con mình ra đây để đấu tranh với tụi Mỹ chớ đâu phải để núp đạn. Giặc gây ác liệt, phải lấy ác liệt trị ác liệt thôi! Nghe hắn kêu mình cũng hết sợ luôn...

- Em thấy thằng Mỹ nhắm súng vô người chị liền ấn chị xuống mà không kịp. Chị Nam lảo đảo. Mọi người đỡ chị đứng thẳng dậy. Chị nhìn bà con không chớp mắt. Rồi chị bước tới, bước tới. Chị trước, bọn em sau. Các anh có tin được không, cả bầy xe Mỹ bỏ chạy cời đầu đó...

Nghe bà con mình háo hức kể chuyện đấu tranh làm sao chúng tôi không tin được. Tin ở sức mạnh của cả ngàn con người đồng một lòng sống chết với kẻ thù, quyết giữ từng tấc đất của quê hương.

Vẫn còn cay cú lắm sau thất bại ê chề, pháo hạm từ ngoài biển xa vẫn đêm ngày dội xuống vùng đất này. Ngồi trong căn hầm đang rung lên bần bật, cát đổ xuống đầu thành dòng, chị chủ nhà luôn miệng kể cho tôi nghe về bà Thơ. Nghe tụi Mỹ ở xóm dưới đặt mìn giật sập hầm của bà con mình, bà Thơ bàn bạc với các mẹ, các chị rồi mình giả chết, bó xác trong chiếu. đặt trong hầm. Tụi Mỹ mang mìn tới. Bà con chỉ cái xác trong hầm, đấu tranh ngăn chúng lại. Tụi Mỹ phải chùn tay. Căn hầm này được giữ lại như vậy đó. Mà đâu chỉ có cái hầm này. Xác bà Thơ lại được bà con khiêng qua đặt trong căn hầm khác. Cứ thế nhiều hầm tránh pháo của người dân ở đây đã được bảo vệ.

Chúng tôi quyết định tìm gặp mẹ Thơ để hỏi cho rõ chuyện. Vừa mới nghe anh cán bộ xã giới thiệu chúng tôi là nhà báo, bà Thơ đã vui hẳn lên: "Nhà báo phải viết chuyện ni đăng báo cho thiên hạ biết! Tiếc quá! Các chú nhà báo đến sớm hơn một chút thì vui biết mấy. Bà Xưng vừa mới đi tưới khoai rồi. Bả bảo vệ một lần bốn du kích đó!”. Không để cho chúng tôi hỏi thêm câu nào bà đã say sưa:

- Bả dạn thiệt mấy chú nghe. Mà mấy đứa du kích cũng lườm. Đánh cho tới khi tụi Mỹ tới ngay sau lưng mới chịu rút. Lúc đó tìm đâu ra công sự mật. Bà Xưng biểu mấy đứa cứ rúc xuống hầm, tao đứng canh trên miệng. Tụi Mỹ có hỏi tao nói "nâu vi-xi” (không có việt cộng). Tao không cho Mỹ phá hầm đâu. Mà chúng nó có liều lia lựu đạn xuống hầm, tao chụp tay la liền. Lúc đó bay nhào lên chiến đấu. Có chết cùng chết. Rứa mà bọn Mỹ tới mặt bả cứ tỉnh rụi như củ khoai chưa lột vỏ. Tui mà rứa thì đánh bồ cạp rồi!

- Sợ thế sao bác dám giả chết bó chiếu? - chúng tôi hỏi.

- Ủa, sao các chú biết hay rứa? - Bà Thơ hỏi lại. - Mà chuyện nớ khác!

- Khác chi bác. Nếu hồi đó bọn Mỹ cứ ngoan cố giật sập hầm thì sao?

- Thì chết chớ răng! - Bà Thơ cười hì hì.

Những người tôi gặp ở đây đều như vậy cả. Họ có thể kể hàng giờ về chiến công của những người khác, nhưng lại nói rất ít về mình.

Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu. Những cơn gió từ biển làm dịu đi cái nóng hừng hực bốc lên từ những nỗng cát lóa mắt. Một cậu bé đầu trần, chân đất, tay che cành dương, tay cầm mấy quyển vở cúi khom người bước vào cái lán mới dựng lại trên miệng hầm. Bà Thơ nắm tay đứa bé kéo lại phía mình:

- Tổ cha mi, giang nắng đen thui thui như củ khoai nướng. Thằng Thạnh, cháu nội của tui đó. Chào mấy chú đi con!

- Cháu xin chào các chú nhà báo. - Thạnh cúi đầu lễ phép. - Cháu đi học về ạ.

- Trường có xa không?

- Dạ, gần xịt. - Chú bé chỉ tay về phía đám dương liễu vẫn còn xanh tốt. - Bọn cháu học ngoài đó. Trường bị chúng nó đốt rồi. Ngăn không kịp.

- Ủa, mà sao biết các chú là nhà báo? - Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Ngó nước da biết liền. - Thạnh cười giòn tan. - Bà nội kể chuyện giả chết cho mấy chú nghe chưa?

- Đừng có bép xép cái miệng! - Bà Thơ cười móm mém. - Cái miệng ni ghê gớm lắm đây. Hắn dám cắn thằng Mỹ chảy máu tùm lum đó.

Thì ra là chú bé dũng cảm đó. Hình ảnh em ôm ghì mớ dây khoai lang bám chặt vào lòng đất và đất quê hương đã truyền cho em sức mạnh để thắng mấy thằng Mỹ to xác làm chúng tôi nhớ lại câu chuyện về Ăng-tê trong thần thoại Hy Lạp. Chừng nào đôi chân của thần còn chạm được vào đất thì không có kẻ thù náo đánh bại được Ăng-tê. Hôm nay chúng tôi đã gặp được Ăng-tê không phải trong thần thoại.

- Cháu dám cắn thằng Mỹ để cứu mẹ à? - Tôi hỏi.

- Cắn chớ sợ chi chú! Tụi Mỹ coi rứa mà nhát hít chú ơi. Cứ coi tụi hắn bỏ chạy mà tức cười. - Thạnh vừa nói vừa làm điệu bộ. - Có thằng không phải chạy mà là nhảy từng cú một. Một bước của hắn bằng ba bốn bước của con. Có thằng chạy sao không biết mà dấu chưn cứ dính cục lại với nhau. Chắc là hắn quýnh lắm. Có thằng sợ quá tay kéo súng, chưn đi thụt lui, đụng phải cây dương liễu ngã té lăn cù rồi cứ rứa mà bò. Các chú có biết hắn bò đi đâu không? Bò vòng quanh cây dương tới mấy vòng. May gặp tụi lính Mò mười ba nhảy xuống xe cứu. Mà tụi xe cũng chẳng dám dừng chờ cứ băng trên cát mà chạy. Báo đời mấy thằng lính kéo nhau xềnh xệch. Còn bà con mình đứng lại cười đã đời thì thôi. Nồi chảo, gàu tưới, ống pháo sáng gõ rầm trời. Chẳng còn ai buồn đuổi theo chúng nó nữa…

Hình ảnh những tên lính Mỹ hung hăng qua đôi mắt của em bé Việt Nam trở nên buồn cười như vậy đấy!

***

Chúng tôi được mời dự buổi khao quân do bà con đứng ra tổ chức. Cả trung đội du kích đều có mặt. Bữa tiệc bày trên mấy tấm tôn cũ mảnh đạn găm thủng lỗ chỗ đặt ngay trên mặt cát. Món chủ lực là thịt bò hiệp đồng tác chiến với thịt lon của tụi Mỹ đi càn bỏ lại. Có bia lon của bà con bên Hội An gửi về. Du kích ta ngồi phì phèo thuốc Salem chiến lợi phẩm. Ông Bằng, hội trưởng phụ lão lên tiếng:

- Thưa anh em du kích, hôm trước cũng đãi du kích tụi bay một bữa rồi. Nhưng ngó bộ không ra chi. Tụi Mỹ còn nằm đầy ngoài nỗng, xe đậu cùng cùng thì ăn ngon răng được. Nhưng mà động viên được kịp thời. Bữa ni giặc cút rồi, phải làm một chầu thả cửa. Mai mốt chi đây tộc Lê xin đãi nữa. Thách rồi, cứ du kích giết được Mỹ, "vật” được xe thì tụi này vật bò liền. Kỳ này sắp bay mới "vật” được đâu hai xe chớ mấy.

Tiếng vỗ tay rôm rốp cùng tiếng bẻ bánh tráng nướng. Một cô gái dong dỏng cao vụt đứng lên:

- Thưa bác Bằng, phải chi bọn Mỹ ở lại thêm ít ngày thì bác còn mệt. Bò đâu mà vật cho xuể.

- Cô Chanh yên trí đi. Bò trong xã ni mà hết thì tụi tui đi Hương An, Bà Rén dắt về. Du kích cứ lo đánh còn bò để đó.

Hóa ra cô gái đó là cô Chanh, người mà hầu như trong câu chuyện mọi người ở đây đều nhắc. "Nó tuổi Dần nên đánh giặc dữ như cọp. Chẳng biết sợ chết là cái chi”...

... Trận càn bước sang ngày thứ tư. Chanh cùng đội du kích quần nhau với giặc, vừa đánh vừa phải tạo điều kiện cho bà con đấu tranh chính trị với bọn Mỹ. Phát hiện ra lực lượng du kích ít ỏi, chúng quyết định khép chặt vòng vây. Chanh dẫn tổ của mình rút men theo chân những nỗng cát cao quá đầu người. Hình như đánh hơi được, bầy xe giặc lần theo. May quá, bà con ta đã túa ra ngăn không cho đoàn xe tiến tới. Nhưng chưa kịp mừng đã phát hiện ba chiếc xe khác đột kích từ phía sau lưng. Một cuộc hội ý chớp nhoáng và tất cả đã được quyết định: ba đồng chí ở lại chiến đấu với xe tăng địch để Chanh kịp chạy vô xóm thay quần áo, giấu súng tạo thế hợp pháp cùng bà con đấu tranh với giặc. Một quyết định mà Chanh phải miễn cưỡng chấp hành.

Chanh ngồi xắt chuối cây, tay cầm con dao mà đôi mắt lo lắng dõi nhìn về phía những đồng đội của mình đang cản xe tăng giặc. Bà Năm yên lặng nãy giờ ngồi bên miệng hầm bỗng bật đứng dậy: "Chanh ơi, sao im tiếng súng rồi. Chẳng lẽ anh em mình hy sinh cả sao”. Mới nói tới đó quay lại đã thấy xe đậu ngoài ngõ. Mấy thằng Mỹ xồng xộc bước tới. Chẳng nói câu nào, thằng chỉ huy ra lệnh trói Chanh lại. Bà Năm xông đến giật dây liền bị mấy báng súng giáng vô người. "Có lẽ mình đã bị lộ”. Chanh nghĩ vậy rồi đứng yên cho chúng nó trói, đầu nghĩ miên man tìm cách thoát thân. Chanh nhờ người thông dịch nói với tụi Mỹ, cô không phải là Việt cộng nên cô đâu có sợ, dẫn đi đâu cô cũng đi. Bất quá qua Hội An ăn mấy tô cao lầu rồi về. Hãy cởi trói để cô tự trèo lên xe. Có lẽ thấy Chanh nãy giờ luôn ngoan ngoãn, lại xinh xắn, chẳng hề chống cự, tụi lính tháo dây rồi tranh nhau đỡ cô gái leo lên trần chiếc xe bọc thép. Xe địch bắt đầu trườn qua nỗng cát rồi men theo con lạch nhỏ, băng qua con đường mòn bà con vẫn thường ngày đi chợ. Chanh nhấp nhổm, nhưng rồi lại ngồi bệt xuống. "Chưa được. Chỗ này trống trải quá”. Trời tối dần. Chiếc xe đã tới đầu đám khoai nhà mình. Chanh đứng bật dậy, nhảy nhanh, lăn người xuống giữa hai vồng khoai rồi cứ thế mà bò. Súng nổ loạn xạ. Vồng khoai vùng cát vừa to vừa cao trở thành giao thông hào che chở cho Chanh. Phía Hội An pháo sáng địch chập chờn...

Chanh bò tìm tới chiếc giếng tưới. Nước mát làm cho cơn khát cháy cổ dịu đi, người sảng khoái. Chanh ù chạy về nhà bà Năm và việc đầu tiên cô làm là đào khẩu súng K.44 lên rồi đi tìm du kích. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và càng mừng hơn khi biết đêm nay anh em sẽ phối hợp cùng bộ đội huyện tập kích bọn Mỹ đóng trên nỗng Tình. Chanh xin đi chiến đấu cùng đồng đội, nhưng ai cũng lắc đầu, im lặng. Linh tính cho cô biết có điều chẳng lành. Đồng đội đau đớn báo tin, người cha của Chanh đã bị giặc Mỹ sát hại trưa nay. Bà con đã khiêng xác ông đi đấu tranh với giặc. Đâu chỉ người sống, người chết cũng tiến công kẻ thù. Chanh lặng người, có lẽ nhờ tựa vào cây súng trường K44 chống trên nền cát mà cô không quỵ xuống. Ai cũng khuyên Chanh về lo mai táng cho cha. Đánh giặc còn dài, không đánh bữa ni thì mai mốt đánh. Chỉ lo không đủ sức mà thôi. Mải một hồi lâu Chanh mới mở miệng được, giọng run run: "Các đồng chí cho tôi đi chiến đấu để trả thù cho cha, cho đồng chí Liên, đồng chí Quang đã hy sinh chiều nay, chặn xe tăng cho tôi rút để bây giờ còn được gặp mặt các đồng chí. Cha tôi dù sao cũng đã chết rồi. Bà con chòm xóm lo liệu được mà. Đó, chú Lê hy sinh bà con mình chôn đi chôn lại năm lần bảy lượt, quyết không để xác chú rơi vô tay giặc. Đánh thắng trận này, khuya tôi về thắp hương cho ông cụ cũng được. Cho tôi đi với”. Biết không thể cản được cô gái nói như đinh đóng cột, đã nói là làm, đồng đội trao cho cô khẩu tiểu liên AR.15 mới keng vừa thu được sáng nay thay cho cây K44 vừa dài vừa chỉ bắn phát một. Họ lặng lẽ xuất quân...

Chúng tôi năn nỉ mãi Chanh mới chịu gặp ngay sau buổi tiệc mừng công. Cô bảo sợ nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm lắm. Chúng tôi "trấn an” cô: "Bọn anh nghe thiên hạ kể về em hết cả rồi. Chỉ sợ viết không hết thôi, bỏ sót thì có tội chứ cần gì thêm với thắt”.

Đêm đã khuya. Chanh liếc nhìn đồng hồ, vẻ sốt ruột. Cô bảo sắp đến giờ pháo hạm bắn vô rồi đó. Các nhà báo lo về đi chứ gặp pháo bắn trên đường, có chuyện chi, tụi em ân hận lắm. Chúng tôi gấp sổ ghi chép cho vào túi, tranh thủ hỏi Chanh câu cuối:

- Thế em đã có gia đình riêng chưa?

- Chồng em đây! - Cô cúi xuống hôn khẩu AR15, nhoẻn miệng cười. - Các anh con trai thì "yêu súng như vợ, quý đạn như con”, còn em con gái chẳng lẽ cũng yêu súng như vợ sao?

- Thế "chồng của em” hôm đó đánh đấm ra làm sao? - Tôi hỏi.

- Hết chê! Bắn thiệt đã! Hết mấy băng đạn luôn. Quen tay rồi, trận càn tới chúng nó biết tay em!

Chúng tôi tin điều em nói. Mà đâu chỉ có em quen tay. Qua cuộc đụng độ đầu tiên với giặc Mỹ suốt mấy ngày qua, cả vùng đất này càng thêm tin vào sức mạnh của mình. Chắc chắn giặc Mỹ sẽ còn phải trả giá đắt hơn khi một lần nữa dẫm bước chân xâm lược lên vùng cát nóng bỏng này…

Sóng biển vẫn ầm ào. Rừng dương xanh vẫn đang đêm ngày rì rào ngợi ca họ, những người vùng cát…

Chiến trường Quảng Đà, tháng 2-1967

H.H.H

Tạp chí Non Nước 174