Tiếng sáo - Nguyễn Đức Sơn
- Nó nhận thế là tốt rồi, không được nói cho ai biết nghe chưa! Nhà trường chỉ nghi cho hai đứa mình chứ chẳng có bằng chứng gì nên không kỷ luật được. Còn lộ ra thằng Chanh thì chắc chắn là nó bị đuổi học, phải giữ cho nó.
Tôi đã là một học sinh nghịch ngợm, nhưng thằng Chanh còn nghịch hơn. Buổi chào cờ thứ hai nào cũng nổi danh toàn trường, không chuyện nọ thì chuyện kia. Biết làm thế nào được, chúng tôi còn trẻ con quá, cứ vô tư theo bản năng chứ đã có ý thức gì nhiều đâu.
Bấy giờ trường của chúng tôi là những cái nhà lán nằm sâu trong rừng. Cả ba huyện mới có một trường cấp ba. Học sinh ở xa thì xúm nhau vào đẵn cây, gồi lá dựng nên những cái lều nhỏ có sạp nứa làm giường ngủ ở luôn lại cạnh trường. Tôi và thằng Chanh ở cùng một cái lều nhưng khác tổ. Mỗi tổ lại có một cái lều nhỏ làm bếp nấu ăn của tổ mình. Nhà Động gần, không ở chung, nhưng Động thường xuyên la cà ở chỗ chúng tôi, thỉnh thoảng nghỉ qua đêm, còn sách vở thì để luôn ở lại. Thằng Chanh vốn là người Hà Nội theo gia đình vừa là sơ tán vừa là định cư xây dựng quê hương mới ở Võ Miếu. Thuở thiếu niên ở Hà Nội, cảm phục và thấy hình ảnh người lính chữa cháy luôn luôn là thần tượng đáng ngưỡng mộ, nó bảo sau này sẽ quay trở về Hà Nội làm lính chữa cháy. Một hôm, sau buổi học, đoàn viên chi đoàn cả lớp ở lại sinh hoạt. Tôi và thằng Chanh chưa phải là đoàn viên, về nghỉ trước. Tôi đang lúi húi mồi lửa nấu cơm thì bỗng nghe Động quát ngoài sân:
- Thằng Cầm đâu, mang nhanh cho tao con dao!
Tôi chẳng hiểu gì, vớ vội con dao lao ra. Động nhảy phốc lên nương sắn chặt luôn một bó nhỏ chạy lại nơi góc lán, chỗ ấy ngọn lửa đang bốc lên to. Thằng Chanh đứng như trời trồng, mặt xanh lét ngây như ngỗng ỉa. Động dùng bó cây sắn vừa dập lửa vừa sai khiến:
- Hai thằng chúng mày mang thùng xuống suối lấy nước, nhanh nhanh lên!
Chúng tôi xách được nước về thì lửa đã tắt. Động bảo:
- Đổ nước ra chậu rồi hắt lên từng ít cho nó tắt lịm hết tàn lửa đi!
Hóa ra là trong lúc tôi vào bếp nấu cơm, thằng Chanh xách một thùng nước ra góc sân nhà rồi châm lửa đốt thực tập chữa cháy. Lúc lửa cháy to, nó đổ nước từ thùng ra chậu để hắt lên góc mái nhà cháy, lập cập thế nào làm thùng nước đổ ào xuống đất.
Động bị chi đoàn bắt làm kiểm điểm tường trình cái sự việc viết láo ra bàn, anh đã viết nhưng để ở chỗ chúng tôi nên quay về lấy. Gặp đúng lúc thằng Chanh đang cuống cuồng không biết làm thế nào trước ngọn lửa ngày một to thêm.
Động nói với hai thằng chúng tôi:
- Bây giờ tao phải vào sinh hoạt tiếp. Lớp nó hỏi cứ khai là tàn lửa do người ta đốt nương nó bay vào gây cháy, nghe chưa! Còn cái thằng Chanh kia, từ rày không được nghịch ngợm kiểu trẻ con như thế nữa. Đến lúc làm lính cứu hỏa thật không khéo thấy cháy lại lủi xa ý chứ!
Buổi chiều, cả lán phải đi gồi lá dọi lại góc mái nhà bị cháy. Hẳn nhiên là thằng Chanh rất tích cực. Động cũng ở lại tham gia. Do có sự chứng kiến của Động và đúng là lúc ấy trên núi có nhiều nương rẫy đang được đốt, tàn lửa bay đầy trời rơi xuống đen sân nên ai cũng tin vụ cháy là do tàn lửa nương rẫy gây ra thật. Thế là thằng Chanh không những không bị kiểm điểm mà cả nó và tôi đều được biểu dương. Cuối năm học ấy còn được kết nạp vào Đoàn.
Từ đấy, bộ ba chúng tôi chơi với nhau rất thân thiết. Động lớn tuổi hơn nên điềm đạm và chắc chắn. Cuối năm học lớp tám Động đã có người yêu. Người yêu Động là Hòa, cô bạn học cùng lớp. Còn tôi và thằng Chanh thì chưa biết yêu đương là gì. Học hết lớp chín, chuẩn bị khai giảng năm học mới thì Động đến nhà tôi bảo là đã có giấy gọi nhập ngũ. Hôm đó, tôi và Động đã đi bộ trên 30 km, sang tận Trung Hà để Động đón xe về quê chơi vài ngày trước lúc tòng quân.
Động nhập ngũ tháng 8 năm 1968. Đến sau năm 1975 tôi mới được biết tin Động đã hy sinh. Anh là bộ đội lái xe của đường dây 559.
Học hết lớp mười, bạn bè đứa đi học nước ngoài, đứa đi học đại học trong nước, cũng có đứa có giấy gọi đi đại học cùng với giấy gọi nhập ngũ thì đi bộ đội. Có đứa trở về vinh quang. Có đứa vĩnh viễn không trở về, thằng Chanh nằm trong diện ấy. Nó đã xung phong nhập ngũ và cũng đã anh dũng hy sinh tại thành cổ Quảng Trị.
Đầu năm 2010, tôi theo đoàn Văn nghệ sĩ Phú Thọ đi dự hội thảo Văn nghệ năm vùng kinh đô xưa và nay ở Huế. Khi về, đoàn vào viếng các anh hùng ở nghĩa trang Trường Sơn. Trong khi cầm hương đi cắm cho các mộ, tình cờ tôi thấy mộ anh, liệt sĩ Trần Văn Động - bạn tôi.
Ở nghĩa trang Trường Sơn, có những cháu bé thường la cà ở các khu mộ chí vô tư giúp đỡ khách phúng viếng hoặc tìm mộ người thân. Thấy tôi bần thần đứng trước ngôi mộ, một cháu đến gần hỏi:
- Đây là mộ người thân ông à!
- Phải rồi, đây là mộ một người bạn học với bác!
- Ông nằm dưới mộ là bạn chiến đấu với ông cháu đấy!
- Ồ thế à! Thế nhà cháu có gần đây không?
- Nhà cháu thì gần đây, nhưng nhà ông cháu ngoài thị trấn Cam Lộ. Ông cháu dặn hễ gặp ai là người thân của ông Động đến viếng mộ thì mời vào nhà ông cháu.
- Hôm nay ông đi theo đoàn, không thể vào thăm nhà ông cháu được rồi. Nhà ông cháu có điện thoại không?
- Ông ghi vào máy của ông đi, ông cháu có số di động, cháu đọc cho.
Cuối năm ấy theo lệ, cơ quan chúng tôi lại tổ chức cho anh em đi tham quan du lịch. Do có ý từ trước nên lần này tôi bố trí cho đi tham quan Thành cổ Quảng Trị, cả đoàn đi bằng một chiếc xe lớn của công ty du lịch, còn tôi đi bằng xe riêng. Trước chuyến đi, tôi đã liên lạc với Hiền (ông ngoại cháu bé tôi gặp ở nghĩa trang). Khoảng 2 giờ chiều, đoàn chúng tôi đi qua thị trấn Cam Lộ, tôi tạm chia tay đoàn để đến thăm nhà ông Hiền. Qua điện thoại, ông Hiền đón tôi ở ngay đầu thị trấn, rồi dẫn xe đưa tôi chạy thẳng vào tận sân. Nhà ông Hiền xây cấp bốn, nằm giữa một mảnh vườn rộng có nhiều cây cối râm mát. Chúng tôi xuống xe vào thì xảy ra một tình huống thật bất ngờ, người đàn bà đi ra chào khách lại chính là bà Hòa, bạn học cùng lớp và là người yêu của Động khi xưa.
Tôi gọi điện cho anh phụ trách đoàn du lịch của cơ quan, yêu cầu thay đổi kế hoạch. Đêm nay đoàn nghỉ lại đâu đó để mai vào viếng liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn trước, sau đó mới đi các chương trình khác. Đêm ấy, tôi nghỉ lại nhà vợ chồng Hiền Hòa để nghe ông kể chuyện về bạn tôi và họ.
Hiền là người ở Cẩm Khê, Vĩnh Phú. Nhập ngũ cùng đợt, cùng dự lớp học lái xe cấp tốc rồi được phân công về cùng một đơn vị với Động và bổ xung ngay cho chiến trường miền Nam. Hiền cũng học hết lớp chín rồi đi bộ đội. Hai người cùng tuổi lại có hoàn cảnh giống nhau nên rất tâm đầu ý hợp.
- Địa bàn hoạt động của chúng tôi- Hiền kể- chạy suốt tuyến từ Hà Tĩnh vào đến Quảng Trị, lúc ở Binh trạm 12 lúc lại ở Binh trạm 14, có rất nhiều trọng điểm ác liệt như Khe Tang, Khe Dao, Ngầm Ve, trọng điểm 050 qua Cổng Trời nối Đông với Tây Trường Sơn... Không ngày nào không có người hy sinh. Thường mỗi đêm tuyến đường chúng tôi chạy trên một trăm cây số, cả đi cả về gần ba trăm cây, chỉ khi về đến binh trạm mới biết là còn sống. Vì vậy mỗi lần nhận nhiệm vụ là những người ở binh trạm lại chia tay những người lên đường rất quyến luyến và trang trọng, không biết sáng mai trong số những người ra đi ấy, ai sẽ là người không trở về. Những chuyến hàng vào thời điểm ác liệt thì chúng tôi còn làm lễ truy điệu sống cho những người sắp khởi hành. Thực mà nói, cũng có lúc mềm lòng đấy. Hồi ấy lái xe không chỉ là nam giới thôi đâu, còn có cả cánh nữ nữa. Một lần có nhiệm vụ đi qua Cổng Trời, chở hàng sang Cha Lo rồi đón thương binh về vào thời điểm ác liệt. Anh biết trọng điểm Cổng Trời được gọi là gì không? Là “Cửa tử” đấy! Tất nhiên chúng tôi cũng không tỏ ra nao núng, ai cũng đều xung phong đi cả, nhưng chỉ huy Binh trạm lại cử xe của hai cô gái đi đầu mới đau chứ. Chuyến ấy tôi không đi, sáng hôm sau quay về Động bảo: “Cánh thím xế này nó hăng lắm, tay lái cừ chẳng kém gì đám mày râu, nó dẫn đầu, cả đoàn phải đi theo sự chỉ huy của nó. Lúc lên dốc Cổng Trời đèn hắt ngược, nó tăng ga yêu cầu cả đoàn lao nhanh, vừa qua khỏi được dốc thì bom tọa độ trút xuống nát đồi. Mấy ông lãnh đạo Binh trạm cũng thâm lắm. Bọn mình lớ xớ là xấu hổ với các thím ấy đấy”. Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi chẳng giấu nhau điều gì, thỉnh thoảng có được một lá thư gia đình thì tất cả đều đọc. Bà Hòa đây cũng có vài lá thư, lại còn có cả ảnh gửi vào, chúng tôi đều được xem cả. Bao giờ trước lúc lên đường, Động cũng mang cây sáo ra thổi bài “Anh vẫn hành quân”. Động thổi sáo rất hay, hình như bài hát nào hễ cứ thuộc là anh đều thổi được, những buổi sinh hoạt văn nghệ, chị em ngâm thơ mà được anh thổi sáo đệm thì tuyệt cú. Động bảo tôi: “Bài Anh vẫn hành quân là ám hiệu gọi người yêu của tao đấy. Nhà tao cách nhà nàng mấy thửa ruộng, muốn gặp nhau thì cứ thổi sáo bài hát ấy xong rồi thì đi ra chỗ hẹn”. Thế rồi Động dạy tôi thổi sáo, rồi gần như cả đơn vị ai cũng có sáo. Không khó khăn gì lắm, cắt một gióng nứa rừng, lấy thanh sắt nung đỏ dùi lỗ là xong.
Có một lần, khi ấy chúng tôi thuộc Binh trạm 14, hết xăng mà đường thì bị bom đánh tắc hết. Chúng tôi phải xuống kho xăng dưới chân trọng điểm Chà Ang để vần những phuy xăng bằng tay về Binh trạm. Trong khi đang mải miết làm thì chúng tôi bị đánh bom, một phuy xăng dính mảnh bom bốc cháy. Anh em chặt cành cây dập lửa, xăng bắn ra bám lửa vào một chiếc phuy xăng khác. Nếu không dập được có thể phuy xăng này nổ thì rất nguy hiểm. Động hét: “Mọi người cởi áo ra để bịt lửa”. Nói rồi anh lao tới phuy xăng bén lửa, vơ thêm được mấy chiếc áo nữa, anh xòe đám áo bịt ngọn lửa rồi ôm dịt luôn đám áo đó áp vào chiếc phuy xăng. Khi mọi người dập được ngọn lửa thì Động đã bị bỏng nặng. Câu cuối cùng anh thều thào với tôi: “Hết chiến tranh, mày về gặp Hòa bảo tao gửi lời chào, mong cho cô ấy hạnh phúc!”, rồi anh lịm dần. Chúng tôi đưa anh về Binh trạm được vài giờ sau thì anh ra đi vĩnh viễn.
Hiền kể đến đây thì lặng đi, Hòa đứng dậy vào nhà trong lấy khăn lau nước mắt.
Hiền với tay rót nước mời tôi, anh cầm chén nước chiêu một ngụm rồi kể tiếp:
- Chỉ sau vài năm thì giải phóng. Việc đầu tiên khi tôi được về là vào Thanh Sơn, chuyển cho gia đình Động những kỷ vật của anh. Tôi đưa lại những lá thư và chuyển lời nhắn cuối cùng của Động cho Hòa. Tôi nhớ là lúc ấy Hòa đã ngất xỉu, gia đình phải xúm vào xoa dầu day bóp mãi mới tỉnh.
Tôi được vào trường văn hóa học tiếp, rồi đi đại học Sư phạm. Trong thời gian đó, tôi và Hòa thường liên hệ với nhau, lúc ấy Hòa đã là cô giáo cùng nghề tôi học nên càng gần gũi hơn. Rồi chúng tôi đến với nhau. Ra trường, có anh Dần là bạn cùng đơn vị, lại cùng học, rủ về quê anh, bố mẹ tôi đã mất cả nên tôi và Hòa quyết định vào đây, nơi chiến trường năm xưa mà tôi và Động đã sát cánh bên nhau.
Trưa hôm sau, đợi xe của đoàn cơ quan tôi đến, vợ chồng Hiền, Hòa gọi thêm Dần cùng đoàn chúng tôi lên nghĩa trang Trường Sơn.
Xe của đoàn chúng tôi chạy thẳng vào khu vực của tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi thắp hương viếng các liệt sĩ ở đài tưởng niệm, anh em chia nhau hương đi cắm cho các ngôi mộ. Bốn người chúng tôi mang hoa đến thắp hương viếng mộ Động – người bạn, người anh thân thiết của tôi thời niên thiếu. Sau khi thắp hương vái lễ mộ bạn, ông Hiền lấy từ trong cái túi mang theo một cây sáo. Ông đưa lên môi và thổi bài “Anh vẫn hành quân”. Chúng tôi lặng người nghe tiếng sáo bổng trầm vang vọng lan tỏa giữa đại ngàn Trường Sơn. Anh Động ơi! Em Cầm đây, Hòa người yêu của anh đây, Hiền, Dần bạn chiến đấu của anh đây. Từ nơi sâu thẳm ấy, anh có nghe thấy tiếng sáo hẹn người yêu của anh không?
Bất chợt tôi lại nhớ đến Chanh. Chanh ơi! Bây giờ anh đang nằm ở nơi đâu? Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự hy sinh và tinh thần của các anh các chị là bất tử. Hơn hai vạn bộ đội và Thanh niên xung phong nằm xuống vĩnh viễn dọc tuyến đường Trường Sơn, hơn bốn ngàn liệt sĩ hy sinh cho cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị và bao nhiêu các anh hùng liệt sĩ khác đã cống hiến tuổi thanh xuân, cống hiến máu xương cho nền độc lập tự do của đất nước này, cho chúng tôi ngày hôm nay. Đứng trước các anh, tự nhiên chúng tôi thấy bé nhỏ và xấu hổ vì những tính toán vụ lợi bon chen trong đời sống thường nhật ngày hôm nay. Các anh sẽ còn sống mãi trong lòng bạn bè, người thân và trong lòng dân tộc. Động ơi! Anh nằm đây cùng đồng đội, vẫn tề chỉnh thẳng hàng. Vẫn thể hiện là một đoàn quân hào hùng, mang đầy sức mạnh tâm linh dân tộc.
Giữa bạt ngàn Trường Sơn, tiếng sáo bổng trầm réo rắt vẫn hòa quyện với khói nhang và hương rừng ngào ngạt. Tôi chợt nhìn ra phía bên lề nghĩa trang, mấy cây hoa phượng đang trổ hoa đỏ rực trời chiều Quảng Trị.
(Nguồn: Văn nghệ số 30/2014)