Núi thiêng - Nguyễn Văn Tám

04.10.2013
Chín mười tuổi tôi đã rời ngôi làng êm ấm bên con sông cát nhiều hơn nước quê tôi đi biền biệt. Hơn hai mươi năm sau tôi mới trở về. Ngôi làng vẫn bé nhỏ chật chội song tôi càng hiểu và yêu quý làng quê mình hơn. Không yêu quý sao được, nơi ấy tôi có một tuổi thơ khá huyền hoặc không thể nào giải thích được và luôn hiện hữu trong tiềm thức của tôi. Làng tôi êm đềm nép mình dưới những rặng tre ngà, giữa hai dãy núi lớn có con sông Vệ chảy ngang qua. Trước mặt là núi Vàng và phía sau là núi Đình Cương. Núi nào cũng sừng sững bề thế. Đứng trên núi nhìn xuống, làng tôi trải một vệt dài như khẩu súng trường.

Núi thiêng  - Nguyễn Văn Tám

Những con đường ngoằn ngoèo như những sợi tơ trời lơ lửng. Ông anh tôi học cấp ba trường làng. Cả khu Năm rộng lớn chỉ có một trường cấp ba Lê Khiết duy nhất đóng ngay tại làng mà thôi. Anh tôi có nhiều chữ nên được nhiều người biết đến và vì nể lắm. Những đêm trăng sáng, lũ chúng tôi ngồi trong cái nong phơi lúa trước nhà nghe anh tôi kể chuyện về ngọn núi Vàng trước mặt: “Phía bên kia núi là một thế giới khác, tất cả những người chết trong làng dù chôn ở khắp nơi nhưng vẫn chờ đến những ngày cuối tháng tối trời, tụ lại bên kia núi rì rầm suốt đêm. Những đêm trăng sáng, các cô tiên trên trời cũng về đấy múa hát đến tận sáng mới về lại trời”. Dưới chân núi, một cái miếu đã có từ bao đời, sau miếu là cây đa xum xuê, gốc rễ sù sì mốc thếch bóng tỏa đen một vùng. Người ta đặt rất nhiều ông bình vôi quanh gốc đa. Từ nhỏ đến khi rời làng tôi chưa bao giờ thấy có người lui tới hương khói. Người lớn dặn bọn chúng tôi: Miếu đó thiêng lắm, đi ngang qua phải cúi mặt mà đi thẳng, không được nhìn. Họ nói vậy mà không giải thích vì sao nên tôi cứ thắc mắc. Một lần đi qua miếu, tôi len lén nhìn vào trong đó rồi chạy thục mạng vì sợ.

     Tôi mang câu chuyện núi Vàng, có cái miếu và cây đa bí hiểm khó hiểu rời làng đi rất xa. Tận phương Bắc.

    

 

     Khái niệm về núi thiêng đã hình thành trong tôi từ rất sớm. Đến khi sắp nghỉ hưu được cơ quan cho đi tham quan phía Bắc, tôi càng hiểu thế nào là đất nước có lắm núi, lắm sông, lắm biển, lắm rừng và cảm nhận dường như sông ít thiêng bằng núi, nhất là núi ở đồng bằng. Sao không thiêng được khi mà giữa đồng bằng Bắc Bộ bao la rộng lớn bất chợt vút lên trời xanh những ngọn núi hùng vĩ chạm mây như thu tất cả tín hiệu của vũ trụ bao la vào lòng. Hồn thiêng sông núi một vùng tụ vào đấy cả. Trong nó là kho huyền thoại đan chen tầng tầng lớp lớp những điều có thật và không có thật, được cất ủ truyền từ đời này sang đời khác.

 

       Chuyến đi ra Bắc lần này, tôi chọn những ngọn núi mà lịch sử mách bảo với tôi là thiêng và để giải đáp những thắc mắc chất chứa trong lòng tôi đã lâu. Châu thổ Bắc Bộ rộng lớn và tôi đã đến. Phía Tây Bắc có núi Ba Vì (Hà Tây), phía Bắc có núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), không xa Tam Đảo có núi Tây Thiên (thôn Đền Thông, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Phía Đông Bắc có dãy Yên Tử hùng vĩ - thánh địa Phật giáo Đại Việt (Uông Bí, Quảng Ninh). Đó là ba núi lớn nhất Bắc Bộ, ngoài ra có núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ). Là quần thể núi lúp xúp nhưng núi nào cũng có điển tích, truyền thuyết, là nơi thờ tự 18 vị vua Hùng thời Văn Lang dựng nước.

      Núi Tam Đảo không thiêng thì tại sao từ dưới chân núi lên đến đỉnh có 13 cây số phải đi qua hơn mười đền thờ. Tôi chỉ biết đền Chân Suối, đền , đền Cậu, đền Hai Nữ tướng, đền Cậu bé trường sinh, đền Chùa Vân, đền Đức Thánh Trần và đền Mẫu Giao Trì. Trên cùng là đền Bà Chúa thượng ngàn ở lưng chừng ngọn Thiên Nhị. Từ đường nhựa qua rừng trúc đến đền Bà Chúa thượng ngàn phải lên 129 bậc đá ximăng. Điện thờ Quốc mẫu vua bà khói hương nghi ngút, những hình nhân bằng giấy chất cao tận sàn thờ. Mâm lễ đầy ắp rực rỡ vàng son. Qua vườn tượng La Hán đi thêm 58 bậc sẽ đến Chùa Vàng. Khách thập phương tập trung ngồi đọc kinh Quy y đều đều theo nhịp mõ. Tam Đảo mây phủ quanh năm, gió thốc mây vần, khí hậu mát mẻ, cây cối tốt tươi. Người ta xây rất nhiều nhà nghỉ mát, biệt thự… có nhà thờ bằng đá ghép do người Pháp xây lờ mờ ẩn hiện.

    Trời quang mây tạnh đứng trên Tam Đảo ta có thể nhìn lên phía Bắc gặp núi Tây Thiên trong mây. Vị thế Tây Thiên rất quan trọng nên được trùng tu mạnh với nhiều hạng mục mới đúng tầm cỡ của nó: Bãi đỗ xe mười mấy hecta. Đường vào Tây Thiên mở rộng và cáp treo đã hoạt động liên tục đưa đón khách viếng lên tận đỉnh núi. Đi hơn 20 phút trong mây bằng cáp treo sẽ tới Đền thờ Quốc Mẫu. Một quần thể chùa xung quanh có tên Tam Bảo Sơn Trụ Quốc Mẫu tối linh Đại Vương hoặc Thanh Sơn Đại Vương. Trên đền Thượng là cung chính có ghi Quốc Mẫu Thiên. Truyền rằng đức bà tên là: Lăng Thị Tiêu – là chính phi giúp Vua Hùng triều đại thứ bảy Hùng Chiêu Vương đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau khi về trời bà vẫn hiện về giúp các vua Hùng đời sau đánh giặc. Hàng năm đến ngày 15 tháng 2 Âm lịch là ngày Quốc Mẫu thân về trời. Đền thờ lúc nào cũng hương khói ngút trời. Sính lễ là những mâm trái cây, vàng mã la liệt cùng những bó lúa mạ vàng như muốn nhắc công ơn của các vua Hùng đã trị vì quốc thái dân an, no đủ vào thời đầu của nền văn minh lúa nước.

       Cách Tam Đảo và Tây Thiên không xa trong vòng mấy chục cây số về phía Bắc là đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cường, thành phố Việt Trì, Phú Thọ - nơi các vua Hùng lập nước, nơi thờ tự 18 đời vua Hùng suốt các thời Triệu, Đinh, Lê, Lý, Trần lư hương không bao giờ nguội lạnh. Núi Hùng – Núi Nghĩa Lĩnh không cao lắm (175m). Khu vực rộng lớn lúp xúp đồi bát úp là nơi chuyển tiếp giữa vùng núi cao và đồng bằng hay gọi là trung du. Ngày trước đây là xứ sở của đồi cọ rừng chè. Nơi đây thế núi không hoành tráng đồ sộ uy nghi như Tam Đảo, Ba Vì, Yên Tử nhưng Núi Hùng chiếm một vị trí rất đặc biệt, rất quan trọng trong tâm thức của người dân Đại Việt trước kia và bây giờ. Đó là cội nguồn, là tổ tiên của giống nòi từ thời Văn Lang dựng nước và mở cõi. Hàng năm, cứ gần đến ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3 là cờ thần trên núi Nõn kéo lên báo cho dân làng xung quanh chuẩn bị Hội dâng lễ. Người bốn phương về lễ nối nhau như nước chảy. Tại đền Hùng có ba khu vực thờ phụng chính là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Cột đá thề vẫn còn trên đền Thượng, là nơi vua Hùng đánh xong giặc ngoại xâm, vắt áo trên cành Kim Giao và về trời tại đó. Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, nở trăm con, năm mươi người xuống biển năm mươi lên rừng. Nào là giếng Ngọc - nơi rửa chân, gội đầu, vấn tóc của nàng Tiên Dung, Ngọc Hoa. Nào là chàng Lang Liêu dâng bánh chưng cho vua cha. Đồi núi bát úp nhưng đều mang dáng dấp sinh linh mà lịch sử lưu truyền như: Núi Phú Lộc dáng hổ phục, rồng chầu. Núi Thậm Thình như 99 con voi đang quỳ phục quay đầu về phía Đất Tổ. Nơi đây có ngã ba Việt Trì là nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Lô, sông Thao và sông Hồng. Trời, đất, sông, suối, mây, nước ở đây đều có điển tích huyền thoại đã được xác định và đã đi vào lịch sử dân tộc.

    Năm 1874, Vua Tự Đức của triều Nguyễn cho xây lại  Đền Thượng và lăng. Đến những năm 1917 – 1922, nhân dân 18 tỉnh phía Bắc đã cung tiến để tôn tạo lại đền Thượng và đền Giếng. Nhà tư sản Nghĩa Lợi cũng cung tiến cho xây 539 bậc xi măng từ cổng chính lên đền Hạ, đền Trung và tận đền Thượng, trong đó có cả đường đi xuống đền Hạ đến đền Giếng. Hiện nay đền vẫn thờ 18 đời Vua Hùng và ba vị thần núi “Cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương thánh trị”. Năm 2000 nhà nước cho khởi công xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn (Viễn Sơn) cách núi Hùng không xa với nhiều hạng mục: Bảo tàng, nhà khách, bãi giữ xe, vườn cây cảnh và đang thi công hệ thống sông nhân tạo ôm quanh khu di dích thành một quần thể hữu tình. Đến nay việc giỗ Tổ đền Hùng đã được nhà nước Việt Nam chính thức đưa vào nghi lễ quốc gia. Không thiêng sao được, ngày 19 tháng 9 năm 1954 Bác Hồ đã về thăm đền Hùng và tại đây Người vạch ra kế hoạch tiếp quản Thủ Đô và câu nói bất hủ của Người được khắc trên bia đá như cột đá thề nghìn năm trước: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Việc một dân tộc, một đất nước có ngày giỗ Tổ chung là chuyện hy hữu trên thế giới. Càng thấu hiểu sâu sắc hai tiếng đồng bào, bà con gần gũi như thế nào. Ngày 6 tháng 12 năm 2011, Unesco đã công nhận Lễ hội đền Hùng là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Gần nhất là ngày 14 tháng 4 năm 2013 nhân lễ hội đền Hùng năm nay tại Phú Thọ, Việt Nam được đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Theo thống kê mới nhất nhân giỗ Tổ Hùng Vương 2013, cả nước có 1400 điểm thờ Vua Hùng. Riêng tỉnh Phú Thọ không lớn nhưng đã có 600 điểm thờ phụng khác nhau như chùa chiền, miếu, thờ vv…

     Núi thiêng không phải diện tích lớn, bề thế, cao mà chính là nó định vị ở đâu trong một vùng đất. Núi Ba Vì mang tính chất khác với núi Hùng – Nghĩa Lĩnh. Ba Vì sừng sững vút lên mây xanh giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Đứng trên đỉnh Ba Vì nhìn khắp cánh đồng Bắc Bộ với sông Đà uốn khúc tung bọt trắng xóa mờ dần sau những thảm lụa làng mạc vô định. Ba Vì là ngọn núi rất thiêng, một trong những ngọn núi được tôn thờ nhất Đại Việt. Những khảo cổ học vùng văn hóa cổ Ba Vì nói lên chiều sâu văn hóa của dân tộc ta. Ba Vì là nơi ngự trị muôn đời của Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” tín ngưỡng Việt Nam. Ba Vì là một kho tàng thần thoại, truyền thuyết, huyền thoại cổ tích và giai thoại. Xung quanh Ba Vì có nhiều tên đất, tên làng, tên sông, khe suối, địa danh, địa vật, đầm hồ, bờ bãi, đình, đền, miếu và những con người còn lưu truyền trong dân gian. Không linh thiêng thì tại sao vua Đường coi Ba Vì là đầu rồng hùng mạnh, thân rồng là dãy núi Trường Sơn cuốn lượn, đuôi rồng mãi tận núi Bà Đen Tây Ninh? Truyền rằng: không muốn nước Nam phát vương nên vua Đường đã cử Cao Biền vừa là tướng, vừa là phù thủy dùng pháp thuật cho đào 100 giếng xung quanh chân núi Ba Vì trấn yểm tà và triệt long mạch. “Cao nhất là núi Ba Vì”, đó là cách nói ước lệ. Thật ra Ba Vì không cao bằng Tam Đảo, nhưng Ba Vì là nơi ngự của thần linh. Ba Vì cao chỉ 1296m còn Tam Đảo cao đến 1581m. Đại thi hào Nguyễn Trãi đã viết “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”. Ba Vì cũng có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Chót vót trên tận đỉnh nhọn hoắt chạm mây trời vần vũ là miếu thờ thần Sơn Tinh - Đức Thánh Tản. Tuy còn hoang sơ gió thốc mây vần nhưng hương khói không bao giờ thiếu. Đặc biệt sau khi Bác Hồ mất, nhà nước có xây nhà thờ Bác Hồ (gọi là K.9) để nhân dân muôn đời hương khói thờ phụng Người. Những năm Mỹ đánh phá Hà Nội bằng không quân, linh cữu của Người được lưu giữ ở đây.

    Phía Đông Bắc cũng có một núi khác linh thiêng không kém bất cứ núi nào ở đất Việt. Đó là dãy Yên Tử, một trong mạch núi cánh cung Đông Triều nhoài lấn sâu vào đồng bằng. Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí, Quảng Ninh. Nói đến Yên Tử người ta nghĩ ngay đến thánh địa Phật giáo. Vua cha Trần Nhân Tông (Đức Thái Hoàng) đánh xong giặc ngoại xâm, nhường ngôi vua cho con về đây tu hành và lập nên trường phái Trúc Lâm Tự khi ở tuổi 35.

      Yên Tử được gọi là Bạch Sơn Vân – Yên Tử rộng lớn tầng tầng lớp lớp thảm thực vật và rừng cây nguyên sinh. Nếu đi bộ từ dưới lên đỉnh phải hơn một buổi. Được đi bộ như vậy mới cảm nhận được hương vị tinh khiết thơm tho của hương rừng, hương suối, cỏ cây, hoa lá chim muông và tiếng róc rách của suối ngàn tạo nên dàn giao hưởng bất tận của thiên nhiên. Cảm nhận về cội nguồn cũng hình thành trong ta giống như khi ta đặt bàn chân lên Đất Tổ của người Việt. Bây giờ Yên Tử đã có cáp treo để phần nào giúp cho những người lớn tuổi viếng thăm thánh địa Phật giáo. Tuy nhiên đi như vậy cảm xúc bay bổng lâng lâng về đất Phật bị mất đi phần nào. Những cây tùng, cây bách hơn bảy trăm năm, cùng thời với những cây đại gốc sù sì  thân bám địa y mốc meo như con trăn thần uốn lượn. Từ quốc lộ 18A lên đến đỉnh Yên Tử phải qua lần lượt: chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Viên và cuối cùng là chùa Đồng trong mây mù. Yên Tử thế núi hùng vĩ. Vừa qua trên thánh địa Yên Tử đã khánh thành tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng nặng 140 tấn ở lưng chừng núi cao như một cao ốc mười mấy tầng. Yên Tử là nơi hành hương về đất Phật và trời ban cho vị thế độc nhất vô nhị trong việc tu hành. Trong định hướng phát triển du lịch tâm linh, sinh thái và cội nguồn, vừa qua nhà nước đã xác định quần thể: Yên Tử, Vịnh Hạ Long, Cát Bà, đền thờ Trần Hưng Đạo và chiến tích Bạch Đằng Giang là tiềm năng du lịch đã định hướng. Tôi nhớ đến câu nói của một người Châu Âu không rõ tên: “Du lịch sinh thái là không cần đầu tư gì hết mà chỉ giữ nguyên những gì đã có do thiên nhiên ban tặng”.

      Nói như vậy nhưng phải hiểu nên có đầu tư hợp lý và cân nhắc. Những nhà lịch sử, các nhà khoa học còn trăn trở nhiều về vấn đề này. Con người chạm đến thiên nhiên nhiều quá. Giữa cổ, kim, âm, dương, tục lệ  lẫn lộn với bụi trần.

     Ngần ấy những đỉnh núi thiêng trên vùng châu thổ Bắc Bộ đã khẳng định phía Bắc lễ nghi thờ phụng, cúng bái, rất phong phú. Càng cho ta thấy các triều đại vua chúa nghìn đời thường chọn phía Bắc gần Vua Hùng để lập kinh đô. Theo thời gian những sự kiện càng trầm tích tầng tầng lớp lớp. Con người đang từ từ khai thác bóc tách hóa giải bao nhiêu câu hỏi bí ẩn và lịch sử đã ngày càng hé mở. Còn đó vọng về tiếng nói của cha ông ngàn xưa mà bụi thời gian cố tình che khuất. Chúng ta – thế hệ hôm nay đã và đang giải mã những gì đã có của cha ông và lịch sử để chứng minh Việt Nam là một dân tộc văn minh, nhân hậu.

     Địa phương nào cũng có núi thiêng như Núi Bà Đen ở tận Tây Ninh với rất nhiều huyền thoại là núi cao nhất đồng bằng Đông Nam Bộ (986m). Cũng núi Heo, núi Phụng, núi Bà Đen; cũng chùa Điện Bà, chùa Hạ, chùa Thượng và chùa Hang. Huyền thoại về nàng Lý Thị Thiên Hương trong dân gian cũng huyền hoặc ly kỳ thà chết để giữ tấm lòng trong trắng với người phu quân ra trận. Người dân ở xung quanh tôn vinh đức hạnh của bà và hương khói bằng tấm lòng chân tình.

        Một Đà Nẵng có núi Ngũ Hành với chùa Linh Ứng, có tượng Phật bà Quan Thế Âm sừng sững nhìn ra biển độ trì che chở cho chúng sinh. Một Huế có chùa Thiên Mụ trên núi cao bên dòng Hương Giang mềm mại. Một Quảng Ngãi có núi Thiên Ấn linh thiêng tọa lạc bên dòng sông Trà Khúc vuông vức như cái triện của nhà trời… và các địa phương khác cũng có những ngọn núi thiêng mà tôi không thể nào biết hết.

     Có những điều con người không lý giải nổi đành phải chấp nhận. Khoa học có thể không dựa vào tâm linh và tâm linh có thể tồn tại bên ngoài khoa học. Nhưng con người muốn trở nên hoàn thiện thì cần có cả hai!

      Núi Vàng trước nhà tôi vẫn thiêng trong tâm thức thuở bé của tôi qua câu chuyện anh tôi kể mỗi mùa trăng lên là không thật. Nhưng chuyện 18 đời Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh ở Việt Trì, Phú Thọ là có thật! Vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc ngoại xâm về tu hành trên núi Yên Tử lập ra trường phái Thiếu Lâm tự là có thật! Trên đỉnh núi Ba Vì có thờ thần núi Tản là có thật! Tôi đang sống lẫn trong quá khứ và hiện tại, giữa sự thật và truyền thuyết đan chen và mỗi ngày tâm hồn tôi được nuôi lớn, phong phú thêm từ đấy…

    Chim có tổ, người có tông. Như cây có cội như sông có nguồn.

    Thật tự hào về một dân tộc Việt Nam có cội nguồn rạch ròi được thế hệ sau bồi đắp phong phú thêm so với thế hệ đi trước. Nước non này ngàn năm vững bền!

 

                                                                                    Trại sáng tác Tam Đảo

                                                                                      Tháng ba năm 2013

                                                                                                    N.V.T