Văn hóa giao thông - Dân Hùng

06.06.2018

Văn hóa giao thông - Dân Hùng

Giao thông đô thị giờ đây đang trở thành đề tài thời sự được quan tâm thường xuyên, nhất là khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh, cùng với việc dân số ngày càng tăng, số lượng các loại phương tiện giao thông ngày một đông đúc, chủng loại ngày càng đa dạng và phong phú. Điều đó thể hiện đời sống tình thần và vật chất của các tầng lớp xã hội ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc và vi phạm luật giao thông ngày càng nghiêm trọng. Nói đến lĩnh vực này, không thể không nhắc đến “Văn hóa giao thông”, có thể hiểu, nó liên quan đến sự tự giác chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông của người tham gia giao thông, là biểu hiện ở việc cần tôn trọng và nhường nhịn nhau trong tham gia giao thông; không phóng nhanh, vượt ẩu; không lấn chiểm vỉa hè, lòng đường; hạn chế việc sử dụng còi v.v...

“Văn hóa giao thông” nằm trong khái niệm chung về nếp sống văn hóa văn minh, mà bất kỳ ở đâu, nhất là ở các thành phố lớn của nước ta đều quan tâm. Xung quanh vấn đề này, không khó nhận ra “trình độ Văn hóa giao thông” của mỗi địa phương đạt đến mức độ nào, ý thức của người tham gia giao thông ở đó cao hay thấp khi  đem đặt “thước đo” ở những nơi  dễ quan sát, chẳng hạn như tại giao lộ có đèn xanh đèn đỏ, đường một chiều v.v...

 Chỉ cần quan sát ở một vài trạng thái của đèn tín hiệu là có thể đánh giá được phần nào ý thức của người tham gia giao thông. Vẫn còn khá phổ biến tình trạng người ta vượt qua ngã tư khi chỉ mới có tín hiệu đèn vàng. Cũng có khi là khi đèn đỏ đã có, người ta tuy có dừng xe nhưng không dừng xe trước vạch giới hạn, mà là trước nửa, thậm chí là cả một thân xe. Tình trạng khi có đèn đỏ rồi mà vẫn thản nhiên vượt qua hoặc rẽ phải vẫn không phải là cá biệt. Trường hợp thứ hai, để đánh giá “trình độ văn hóa giao thông” là tại những con đường một chiều. Đó là  khi không có cảnh sát giao thông là người ta thản nhiên đi ngược chiều, ở những đoạn ngắn đã có bảng cấm rất to, rất rõ nhưng người ta vẫn “tranh thủ” đi qua, nhất là vào những khi trời tối, trời mưa, hiện tượng đó lại càng dễ bắt gặp. Một cái “nạn” nữa là tình trạng bóp còi vô tội vạ. Một số người lúc nào cũng sẵn sàng bóp còi, họ coi đó như là một thói quen, dừng xe chờ đèn đỏ đứng ở sau người khác cũng bóp còi, cứ thấy có người chạy đằng trước là bóp còi, trong khi rẽ trái rẽ phải lại hay quên bật đèn xi nhan hay giơ tay xin đường. Đành rằng chuyện “thói quen” hay bóp còi ở ta cũng một phần vì người tham gia giao thông hay lấn đường, không đi đúng phần đường quy định, đi hàng hai hàng ba, nên người nào muốn vượt lên không có cách nào khác là phải bóp còi, nhiều người như vậy trở thành ồn ào, gây khó chịu cho người xung quanh. Một tình trạng cũng khá phổ biến nữa là, người ta hay vượt lên ở phía bên phải, điều đó trái với quy định của Luật Giao thông nhưng người ta vẫn bất chấp, từ đó dễ dẫn đến những tai nạn không đáng có.

Những gì liên quan đến “Văn hóa giao thông” còn thể hiện ở những hành vi ứng xử khi tham gia giao thông. Chẳng hạn thấy người khác quên gạt chân chống nhưng bỏ qua không nhắc nhở; thấy người khác bị tai nạn nhưng lại làm ngơ, bỏ qua; đó còn là hình ảnh của nhưng thanh niên mình cởi trần, quần đùi áo mayô phóng xe bạt mạng trên đường, tệ hại hơn là không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội nhưng không cài dây... Ngoài ra còn là hiện tượng khạc nhổ, vứt rác bừa bãi khi tham gia giao thông; là ném xác chuột ra đường; là lấn chiếm vỉa hè làm cho người đi bộ phải xuống lòng đường mà đi...

Để xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị mà cụ thể là “Văn hóa giao thông”, ý thức của người tham gia giao thông là nhân tố quan trọng. Vẫn có không ít người tham gia giao thông còn tùy tiện, cẩu thả, có quan niệm sai về tự do theo cái kiểu “đường là đường chung, ai muốn làm gì thì làm” . Nếu nói vấn đề “Văn hóa giao thông”, nhất là ở các đô thị lớn hiện nay đang ở trong tình trạng “đáng báo động” cũng không phải là quá lời. Ở đây không chỉ là tính công dân, luật pháp mà mỗi người cần nghĩ về người khác chứ không phải chỉ nghĩ đến bản thân mình, hay nói cụ thể hơn là phải đi vào sự tự trọng của con người. Việc tuyên truyền phải đi đôi với chế tài mạnh, không chỉ là giáo dục mà còn là răn đe. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền về an toàn giao thông thời gian qua vẫn còn nặng về hình thức. Những cuộc tuần hành, trống dong cờ mở, những bản cam kết giao ước thi đua... phải chăng chỉ mới có tác dụng “làm vừa lòng nhau”!? Giải pháp đưa ra cũng đã nhiều, nhưng cái quan trọng đó là giải pháp đó phải được kiểm chứng thường xuyên, tìm ra nguyên nhân sâu xa của nó. Không chỉ nhìn nhận ở hiện tượng mà phải đi vào “mổ xẻ” bản chất bên trong của vấn đề “Văn hóa giao thông”. Qua đó, nó mới thật sự có ý nghĩa, là nét đẹp trong bức tranh chung của  văn hóa - văn minh của xã hội chúng ta.

D.H