Nhìn nhận và đánh giá các xu hướng kiến trúc thời kỳ đổi mới - Huỳnh Tòa
Sau ngày miền Nam giải phóng, Đà Nẵng thành phố lớn thứ hai sau Sài Gòn hồi ấy, trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong suốt một thời gian dài. Hai mươi năm (1975 -1995) trong cơ chế quản lý trực tiếp của cấp huyện, đô thị Đà Nẵng không mấy thay đổi. Vẫn chỉ mấy con phố đã có từ lâu đang ngày một tồi tàn hơn. Giấu bên sau nó là những xóm nghèo ao tù nước đọng, ngày loang lở dần đến nỗi không còn nhận ra đâu là thành thị và đâu là thôn quê.
Năm 1993 thành phố Đà Nẵng cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “quy hoạch xây dựng tổng thể” đến năm 2010 và cũng đã râm ran những kế hoạch công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nhưng rồi Đà Nẵng cứ thế xuống cấp qua thời gian. Một Đà Nẵng có gần 60 vạn dân (1990) với vị thế địa kinh tế, chính trị, quốc phòng, xuống cấp trầm trọng.
Sự yếu kém và xuống cấp của hạ tầng kỹ thuật đô thị Đà Nẵng trở nên những vấn đề xã hội bức xúc và cấp bách phải giải quyết. Một dự án táo bạo, dự án khu dân cư Thạc Gián, Vĩnh Trung được ra đời và triển khai. Mở hai tuyến đường trọng yếu Đông Tây và Bắc Nam xuyên qua khu trung tâm thành phố, nơi nhà ở tồi tàn, tạm bợ, ao, bàu, đến ga hàng không và ga đường sắt. Cùng với nó sẽ tạo nên một khu dân cư mới, đáp ứng theo những nhu cầu đô thị phát triển, và xóa đi hàng vạn mét vuông ao, bàu, gây ngập úng, ô nhiễm quanh năm. Dự án đã mở một hướng đi mới trong việc tạo nguồn vốn xây dựng từ “lấy đất đổi công trình”.
Thời kỳ hồi sinh, phát triển của Đà Nẵng có thế lấy mốc từ tháng 10 năm 1996 khi Đà Nẵng được tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sự thay đổi cơ chế quản lý đã đưa Đà Nẵng thật sự bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Đà Nẵng đã huy động tổng lực để nhanh chóng tạo ra mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị, trước hết là hệ giao thông khung. Đường mở đến đâu nhà mới, phố mới hình thành đến đó. Đất đô thị là nguồn tài chính quan trọng để phát triển. Chỉ sau sáu năm Đà Nẵng đã mang dáng vẻ, sức lực của một Đô thị loại I.
I. Tình hình phát triển kiến trúc Đà Nẵng (1986 - 2003)
Hướng quy hoạch tổng thể và phát triển Đà Nẵng đến năm 2020 là: Mở rộng đô thị về hướng Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam; Hạn chế phát triển vào khu thành phố cũ, gồm các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà; Xây dựng mới vào các khu thuộc quận Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và một số xã Hòa Phát, Hòa Thọ, Hòa Xuân thuộc huyện Hòa Vang.
Tính chất của thành phố Đà Nẵng là một Trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; Thành phố cảng, đầu mối giao thông viễn thông; Trung tâm cấp quốc gia, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng.
Tạo dựng kiến trúc cảnh quan đô thị
Một thời các ngôi nhà 5,6 tầng đã là xa lạ với Đà Nẵng, nhà 9-10 tầng chỉ có trong mơ, còn hình dạng mặt bằng kiến trúc thì muôn thuở bị hình chữ nhật ám ảnh, công trình thô cứng trần trụi. Nhưng “đùng” một cái Đà Nẵng ào ào xây dựng, nhà to nhà nhỏ, cao tầng, thấp tầng chen xô mặt phố. Nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều chủ đầu tư và yêu cầu đa dạng. Kiến trúc đến thời “nở hoa”.
Nhà ở tư nhân được xây dựng với khối lượng lớn, ngày càng tăng nhanh làm thay đổi hẳn bộ mặt của từng vùng đô thị. Mới ngày nào du khách xuống sân bay Đà Nẵng muốn về nơi ở, xe đưa phải len lỏi, quanh co qua những phố xá lặng thầm bây giờ xe đưa khách băng băng trên trục đường Nguyễn Văn Linh nối sân bay với trung tâm thành phố trong dòng người như hội, đây đó những ngôi nhà vượt lên trời cao. Các khu đô thị mới lần lượt thay thế dần những khu cũ như: Thạc Gián - Vĩnh Trung, Bạch Đằng Đông, Liên Chiểu, Thuận Phước. Gần như ba khu vực I, II, III của Đà Nẵng cũ đã được cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới.
Các trục cảnh quan đô thị bậc nhất của Đà Nẵng cũng đã và đang hình thành: Trục cảnh quan sông Hàn, cảnh quan ven vịnh và bờ biển phía Đông kéo dài từ Liên Chiểu đến Ngũ Hành Sơn. Trục cảnh quan xuyên đô từ chân đèo Hải Vân qua cầu sông Hàn về đến biển. Công cuộc xây dựng mở ra hầu khắp từ trung tâm đến ven đô. Bộ mặt kiến trúc mới hình thành mặt phố không còn bình lặng bởi những dãy nhà 1-2 tầng nghèo nàn đồng điệu cứ ngoằn ngoèo ra mãi, mà là những dãy nhà 3-4 tầng, xen đan những trung tâm dịch vụ với những công trình 9-11 tầng làm biến điệu không gian, tạo cảnh quan ưa nhìn, thành phố Đà Nẵng mang hẳn bộ mặt kiến trúc mới, mà ai đến cũng ngỡ ngàng bởi sự đổi thay.
Quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc:
- Hoạt động kiến trúc ở thành phố Đà Nẵng diễn ra tập trung trong thời gian 1997 đến nay. Những năm trước đó việc quản lý nhằm vào việc xây dựng nhà ở tư nhân, tiến hành kiểm tra không cho phép xây dựng tùy tiện, chiếm, lấn đất, xâm hại lợi ích của cư dân, do ba cơ quan tiến hành thực hiện: Sở Xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng cũ quản lý việc xây dựng nhà ở trên các đường phố chính. Ban Xây dựng (thuộc thành phố Đà Nẵng cũ) quản lý xây dựng nhà ở trên kiệt, hẻm trong khu dân cư, UBND các phường đình chỉ việc xây dựng trái phép và giải quyết việc tranh chấp trong xây dựng thuộc địa phương mình.
Từ 1997 đến nay Sở Xây dựng tập trung quản lý việc xây dựng theo quy hoạch trên đường phố chính và quản lý kiến trúc trên toàn bộ địa bàn thành phố, UBND các Quận quản lý xây dựng theo quy hoạch và xử lý việc xây dựng trái phép trên kiệt hẻm thuộc địa phận mình. Quản lý kiến trúc thành nội dung quan trọng trong công tác quản lý quy hoạch đô thị. Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố thực hiện việc xem xét đánh giá các đồ án quy hoạch, thiết kế kiến trúc làm cơ sở để Sở Xây dựng chọn lọc phương án trình UBND thành phố phê duyệt, Sở cấp chứng chỉ quy hoạch xây dựng công trình, cấp giấy phép xây dựng tất cả các công trình kể cả nhà ở tư nhân trên cơ sở hồ sơ thiết kế đã được kiểm tra. Đối với xây dựng các nhà ở chia lô liền kề, Sở Xây dựng đã quản theo thiết kế mẫu.
Đà Nẵng đã đưa việc xây dựng các công trình trong thành phố vào nề nếp của quy định quản lý nhà nước tránh được phần nào sự hỗn độn của kiến trúc nhà ở mặt tiền đường phố, nhưng chất lượng quản lý chưa cao, việc quy định các tầng cao xây dựng, khối tích công trình, độ lùi, các chi tiết được nhô ra không gian chung... còn là cảm tính chưa có cơ sở của một nghiên cứu kiến trúc cảnh quan hoàn chỉnh đặc biệt chưa có thiết kế đô thị.
Về Hành nghề Kiến trúc: kiến trúc sư Đà Nẵng từ chỗ đếm ngược trên đầu ngón tay nay đã có trên 150 người, đa số là lớp trẻ. Họ từ nhiều nơi đến Đà Nẵng lập nghiệp, hành nghề. Một số ít trong số họ được thừa hưởng từ sự phát triển của lực lượng xây dựng những năm 80. Thợ xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng đã có mặt tại nhiều thành phố của 3 miền đất nước, công trình xây dựng của họ được đánh dấu tay nghề tốt và điều này đã tạo cơ hội một số KTS Đà Nẵng thò tay dài đến nhiều nơi và cũng để lại những dấu ấn sáng tác kiến trúc. Số KTS này là tác giả phần lớn các kiến trúc của Đà Nẵng.
Tuy nhiên, KTS trẻ Đà Nẵng đông, tay nghề không đều, làm nghề kiến trúc hiện chỉ là phương tiện kiếm sống. Kiến trúc đối với họ thuộc loại hình lao động của công nghệ máy tính, kết cục công trình được ra đời nhiều nhưng không có mấy “tác phẩm kiến trúc” đúng nghĩa. Riêng lĩnh vực quy hoạch xây dựng thì quá giản tiện, nhà quy hoạch lấy đất làm đối tượng chính nghiên cứu và mục tiêu sẽ có bao nhiêu lô đất để xây dựng nhà liền kề!
Kiến trúc sư thời nay được cơ may là có “đất dụng võ” những năng lực thật sự sẽ tự khẳng định được mình. Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế là hình thức hoạt động dung nạp KTS bên cạnh sự quản lý nhà nước của Sở chuyên ngành và trợ lực của Hội KTS. Bên cạnh đó, sự đa dạng đầu tư, một mặt đã tạo ra nhu cầu lớn về thiết kế, mặt khác lại có tác động làm nghèo ý tưởng sáng tác và chất lượng kiến trúc. Tiến độ thời gian, năng suất đầu tư công trình trở nên yếu tố hàng đầu.
II. Các xu hướng trong sáng tác
Sự phát triển kiến trúc Đà Nẵng chủ yếu là nhà ở đô thị do tư nhân xây dựng, chưa chú ý đến nhà ở nông thôn. Xây dựng loáng thoáng một số công trình dịch vụ, cao tầng, loại hình khách sạn chiếm phần lớn. Về Kiến trúc Công nghiệp: Đà Nẵng đã xây dựng 03 khu công nghiệp tập trung nhưng kiến trúc chưa có công trình nào đáng đề cập.
Kiến trúc Đà Nẵng một phần do phát triển muộn, đầu tư trong thời gian qua cũng chỉ là của giai đoạn khởi đầu, vì vậy số lượng kiến trúc không nhiều chưa thể nào có sự đa dạng và càng chưa thể có một khuynh hướng kiến trúc nào tạo ra ảnh hưởng chính đến sáng tác kiến trúc của Đà Nẵng.
Cứ mỗi một sáng tác kiến trúc cho công trình mới sắp xây dựng, tác giả của nó đi tìm sự gợi mở từ các hình thức kiến trúc thuộc “Phong cách Đông Dương” hoặc theo phong cách kiến trúc “Hiện đại - nhiệt đới hóa”, hoặc vay mượn các kiến trúc đã xây dựng trong nước và nước ngoài được đăng tải trên các tạp chí. Nhưng có thể khẳng định rằng điều mà các tác giả kiến trúc Đà Nẵng muốn đạt tới là một kiến trúc hiện đại và sử dụng các chi tiết mặt ngoài nhiệt đới hóa với tiêu chí: thích dụng, bền vững, kinh tế và đẹp.
Khai thác kiến trúc “Phong cách Đông Dương” của thập niên 50-60:
- Kiến trúc phong cách Đông Dương xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX, có ảnh hưởng cả hai miền Bắc - Nam đặc biệt ở miền Trung từ Đà Nẵng trở vào và tập trung ở Sài Gòn cũ. Đến thập niên 40 bị lắng xuống và ít được chú ý khi kiến trúc hiện đại xâm nhập vào Việt Nam, nhưng đến thập niên 50, 60 một số KTS tâm huyết lại tiếp nối kiến trúc “Phong cách Đông Dương” với tầm cao hơn.
Kiến trúc Đà Nẵng thập niên 80 và đầu 90 nặng khai thác kiến trúc “Phong cách Đông Dương”: Chợ Hàn xây dựng 1992 có kiến trúc mặt ngoài dùng các chi tiết lam và hoa beton che nắng hướng Tây, đồng thời tạo sự thông gió; Khách sạn Bạch Đằng sử dụng dãy ban công kéo dài bề mặt công trình: Không những nâng cao cả tính sử dụng của công trình mà còn cho ta cảm giác những con sóng của thành phố biển - Đà Nẵng trong quãng thời gian này chưa xây dựng mấy công trình, nên có được những bài học kiến trúc từ thực tế quá khó, tác giả quay về những kiến trúc thời xa.
- Đến giờ nếu có dịp nhìn ngắm những công trình kiến trúc đại diện của phong cách Đông Dương, thật thú vị bởi nó mang nét vừa Tây vừa Ta. Những đường nét của kiến trúc hiện đại hòa vào nghệ thuật bản địa bởi các trang trí tường hoa, ban công, mái nhô, cửa sổ mở to hợp với điều kiện thời tiết nhiệt đới. Một số công trình còn thêm vườn cây, thảm cỏ, hồ nước tạo nên tính liên tục từ trong công trình ra ngoài thiên nhiên, đậm nét không gian truyền thống Việt. Mặt khác cũng cần thừa nhận rằng những chi tiết trang trí rườm rà, không phù hợp với kiến trúc mang tính hiện đại đặc biệt trong điều kiện vật liệu chất lượng cao ngày càng đa dạng và kỹ thuật hiện đại yêu cầu thiết kế công trình phải đáp ứng, nên hạn chế chi phí tốn kém hơn cho công tác thi công, nó không phản ảnh tính thời đại của công trình, khoảng cách với xu thế hiện đại hóa sẽ làm cản trở công nghiệp hóa trong lĩnh vực của ngành. Kiến trúc phong cách Đông Dương và trào lưu khởi xướng đầu tiên cho việc tìm kiếm khai thác kiến trúc truyền thống bản địa đưa vào kiến trúc Pháp xây dựng ở Việt Nam. Kiến trúc Phương Tây cổ điển với tất cả sự rườm rà của chi tiết trang trí của nó đã nhanh chóng được tước bỏ thay vào đó bởi các mô típ thuộc văn hóa Việt. Các KTS Việt thời bấy giờ đã dày công để Việt hóa kiến trúc Pháp trong suốt thời gian dài mấy chục năm và đã tạo ra một phong cách, một trường phái trong lịch sử kiến trúc Việt Nam và lưu mãi đến ngày nay những công trình giá trị đáng được thế hệ KTS ngày nay nghiên cứu học tập.
Khai thác hình thức kiến trúc hiện đại, sử dụng các chi tiết kiến trúc nhiệt đới hóa.
Khả năng đầu tư, những yêu cầu phát triển mới cần xây dựng các công trình có quy mô lớn, cao tầng hơn, đặc biệt sự xâm nhập kiến trúc hiện đại Quốc tế vào Việt Nam được rộng đường. Những kiến trúc thời mở cửa xuất hiện ngày càng nhiều ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội ảnh hưởng trực tiếp đến các vùng.
Tiếp nhận xu hướng kiến trúc hiện đại thế giới đưa vào từng vùng địa phương là những KTS lớp đàn anh được đào tạo từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hoặc một số từ nước ngoài về. Những KTS năng lực thật sự, họ nhận ra được tính riêng biệt của địa lý, khí hậu, cốt cách con người Việt Nam, nên họ tiếp tục phát huy giải pháp nhiệt đới hóa vào kiến trúc hiện đại, một số xu hướng đã thành công trước đây và nay có thể dễ được chấp nhận nhất: khách sạn Bamboo Green; Bệnh viện Hoàn Mỹ.
Xu hướng kiến trúc này tập trung vào hình khối vật liệu xây dựng và kỹ thuật hiện đại. Hình khối thường dùng là hình tháp, hình trụ, hình cầu, chính những dạng này thường nổi bật lên trong không gian, tạo nên những đặc trưng riêng và làm chúng trở nên đẹp, hợp với tính thời đại mà ta đang sống. Hướng về hiện đại hóa. Ngày nay xây dựng các công trình cao tầng thường mang nhiều chức năng như: khách sạn, văn phòng, nhà ở và các dịch vụ khác, nội dung đa năng được thực hiện trong một hình thức kiến trúc thống nhất bởi hình khối và đường nét. Nhược điểm chính của loại kiến trúc này là không thích hợp với khí hậu vùng nhiệt đới nóng ẩm, cần phải có các giải pháp nhiệt đới hóa để công trình đạt tính thích dụng.
Xu hướng khai thác kiến trúc hiện đại quốc tế.
Đưa giải pháp nhiệt đới hóa vào kiến trúc hiện đại đối với một số KTS không là chuyện dễ nó là kết quả lao động thuần thục của một tay nghề, công việc càng khó khăn hơn đối với kiến trúc quy mô lớn, nhà có tầng cao vài chục tầng, trường hợp này thường một số KTS xu thời theo kiến trúc hiện đại Quốc tế. Hoặc một số trường hợp do tính chất công trình, yêu cầu của chủ đầu tư, khuynh hướng hiện đại hóa, đặc biệt thể hiện hình khối công trình. Toàn cầu hóa, hiện đại hóa xu thế tất yếu. Tiếp nhận kiến trúc hiện đại Quốc tế là điều bất khả kháng. Công trình trung tâm phần mềm Đà Nẵng theo xu hướng kiến trúc hiện đại thế giới.
Hiện đại hóa là một quy luật khách quan, tiếp nhận kiến trúc hiện đại là xu hướng tiến bộ. Do công trình phải vươn lên cao nên hình khối của nhà tháp, trụ ưu điểm hơn. Thời gian thiết kế công trình có thể đạt được nhiều yêu cầu cho một số công trình đặc biệt.
Kiến trúc hiện đại thế giới đang tác động, ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Ngày nay, ta dễ bắt gặp nó ở hầu khắp các thành phố Âu, Á, Đông, Tây. Chúng như những chiếc hộp đựng người, tường phong kín chung quanh, xa lạ với cốt cách người Việt Nam vốn sống chan hòa trong thiên nhiên, trong cộng đồng.
Khai thác Kiến trúc Đông Á
Đầu năm 2000 Đà Nẵng xây dựng khu Furama Resort do Hồng Kông đầu tư và thiết kế, công trình này mang sắc thái kiến trúc Đông Á lấy kiến trúc Trung Quốc làm gốc, đã để lại Đà Nẵng một kiến trúc mang dấu ấn của nhà đầu tư. Việc sử dụng loại kiến trúc này không chỉ do quốc tịch nhà đầu tư mà còn vì tính chất của khu công trình là khu nghỉ biển. Khi đến khu nghỉ này ta nhận ra ngay một kiến trúc mà gốc của nó là kiến trúc Trung Quốc (cổ).
Thuộc một số trường hợp đặc biệt, chủ đầu tư muốn đánh dấu quốc tịch người đầu tư, và kiến trúc họ đưa đến cũng có nguồn gốc sâu xa từ nền văn hóa Việt. Có thể chấp nhận nhưng không phổ biến.
Tóm lại, kiến trúc Đà Nẵng dù phát triển muộn, khối lượng không lớn nhưng cũng phản ảnh tính phức tạp, đa dạng của nó. Chịu ảnh hưởng không chỉ của hiện tại mà cả quá khứ của trong nước và quốc tế. Hình thành và phát triển trên một nền văn hóa nhiều tầng, sự đan xen của tính thời gian, sự giao thoa của các nền văn hóa, sự tích hợp vượt gộp tạo ra đa sắc trong văn hóa Việt Nam nói chung cũng như trong kiến trúc. Đà Nẵng hiện vẫn chưa có được công trình để đời, chủ yếu vẫn là nhà ở mặt phố với những bộ mặt mới của thời kỳ “kiến trúc nở hoa” không hỗn độn tùy tiện, giữ được cảnh quan thiên nhiên đã ban tặng.
Kiến trúc không thể tự thân mà đạt tới sự toàn mỹ, nó phải gắn với không gian và môi cảnh. Khi bàn về những xu hướng kiến trúc, đừng quên vị trí của công trình, sử dụng không gian cũng là kiến trúc và thuộc văn hóa Việt Nam. Kiến trúc biểu hiện lối sống, thẩm mỹ, là văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc. Chính thiên nhiên, khí hậu của một xứ, miền, đã chung đúc nên cách ăn, cách ở, cách nương tựa vào thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Những chi tiết kiến trúc nhiệt đới hóa, các giải pháp phù hợp đã làm cho kiến trúc công trình lưu lại qua thời gian.
III. Các tác động ảnh hưởng đến kiến trúc
Nền kinh tế thế giới sẽ lôi tất cả các nước vào guồng hoạt động chung chịu tác động và ảnh hưởng nhau, nước phát triển sẽ đóng vai trò quan trọng và tác động ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, trong đó đô thị hóa là tiêu chí được quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Việt Nam đang trong tiến trình đô thị hóa tăng tốc. Quá trình này làm cơ cấu kinh tế không gian có sự sắp xếp lại. Đô thị sẽ được xây dựng trên các điểm gốc – “thành phố trung tâm”. Đà Nẵng sẽ nằm trong cực phát triển, và sẽ là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt của toàn cầu hóa.
- Tác động của kinh tế: Công nghiệp hóa và đô thị hóa trong mối quan hệ tương sinh. Khi kinh tế phát triển thì đô thị hóa phát triển. Mặt khác, cũng cần thấy rằng công nghiệp hóa Việt Nam trong thời kỳ mà thế giới chuyển từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông tin, dịch vụ, lao động và sản xuất ở khu vực thứ ba trở thành động lực thúc đẩy đô thị phát triển, và dần dần sẽ giữ vai trò chủ đạo trong các ngành ở đô thị. Sự gia tăng các dịch vụ trong sản xuất và tiêu dùng tạo nền phát triển.
Thị trường là yếu tố quyết định cho phần lớn các đầu tư dự án. Khi những giá trị không tính ra được bằng tiền, bằng lợi nhuận thì nhà đầu tư, đặc biệt là nước ngoài sẽ khó chấp nhận.
- Tác động của hiện đại hóa: Công nghiệp hóa trong lĩnh vực kinh tế đưa mỗi quốc gia thoát khỏi tình trạng lạc hậu của một xã hội truyền thống cũ sang một xã hội hiện đại. Đây là quá trình phổ biến, khuyếch tán không chỉ phương thức sản xuất công nghiệp mà còn phương thức sinh hoạt của nó nữa. Một xã hội công nghiệp hiện đại sẽ dần hiện diện ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng mà còn cả ở chính trị, tư tưởng và văn hóa.
- Tác động từ làm nghề: Kiến trúc thuộc hàng hóa tiêu dùng, có người mua và bán, đặc biệt thị trường sẽ mở rộng cùng với quá trình hội nhập. Sẽ đến lúc các kiến trúc sư nước ngoài đến thiết kế công trình cho các Chủ đầu tư Việt Nam và không nhiều thì ít các sản phẩm kiến trúc này sẽ mang sắc thái của tác giả nó. Sự chung đụng sẽ càng làm nổi lên mâu thuẫn giữa quốc tế hóa và bản sắc, khi không thể khẳng định một hướng thì “trung dung” sẽ là biện pháp hữu hiệu.
Nhìn nhận, đánh giá về những xu hướng kiến trúc trong mỗi địa bàn đô thị dù lớn hay nhỏ cũng là việc không đơn giản bởi chiều dài thời gian và khối lượng kiến trúc không đủ để phản ánh thực chất của nó. Do đó, cần sớm có được những đánh giá chung về kiến trúc Việt Nam và có định hướng cho phát triển của nó.
Phải bắt đầu từ đào tạo, làm sao để kiến trúc sư mới ra trường không quá xa lạ với thực tế xã hội, họ chỉ đi tìm những ý tưởng kiến trúc, những không gian đô thị nhưng lại ít quan tâm đến đối tượng sử dụng. Nhưng khi phải đáp ứng nhu cầu của chủ sử dụng, kiến trúc sư lại buông kiến trúc, làm mất đi vai trò tạo dựng không gian. Mặt khác, cần nhận thấy giá thiết kế của Việt Nam quá thấp, kiến trúc sư phải bươn chải để kiếm sống, thiết kế thành phương tiện.
Đô thị Việt Nam, Kiến trúc Việt Nam hiện đang đối mặt với loại nhà ở chia lô liền kề mặt phố, dù nó là cứu cánh cho đời sống đa phần là dân nghèo và cả trung lưu nhưng sẽ không lâu bền trong phát triển.
Cốt lõi của tất thảy kiến trúc là con người sống và làm việc trong ấy. Môi trường sống thực của cuộc sống con người Việt Nam, cốt cách Việt Nam, thiên nhiên, khí hậu Việt Nam. Kiến trúc không chỉ biểu hiện hiện thực của những hoàn cảnh hoạt động tinh thần và vật chất của con người mà nó còn mang hình tượng về xã hội của thời đại nhất định đã sinh ra kiến trúc đó. Tính thời đại của kiến trúc ngày nay không thể bỏ qua yếu tố hiện đại hóa, chính là yếu tố truyền bá phương thức sinh hoạt công nghiệp. Nó là sự biến đổi trong quá trình lịch sử xã hội loài người. Khuyếch trương tính công nghiệp đi sâu vào mọi lĩnh vực chính trị tư tưởng, văn hóa, xu hướng hiện đại hóa trong kiến trúc con đường duy nhất đúng là hiện đại có bản sắc.
H.T