Báo và chí đôi điều nhìn lại - Lưu Phương Định
1. Báo chí nói chung, báo chí Việt Nam nói riêng có lịch sử lâu đời và vô cùng phong phú, nhưng việc nghiên cứu báo chí còn hạn hẹp, không được quan tâm đúng với tầm hiện thực và giá trị của nó.
Theo thư tịch cổ, thời La Mã cổ đại, giáo trưởng thường ghi các sự kiện quan trọng lên một cái bảng trắng và dựng ở cửa nhà cho dân chúng xem. Đó là loại hình báo chí đầu tiên xuất hiện - “báo bảng”. Có lẽ đây là cha đẻ của loại ”bích báo” (báo tường) sau này.
Báo in, có thể gọi là báo “chính thống”, thì lại sinh sau đẻ muộn hơn so với “báo bảng” rất nhiều. Tờ Kinh Châu (Trung Quốc) ra đời năm 911 trước công nguyên được cho là thủy tổ của loại báo chí chính thống.
Còn Châu Âu mãi đến thế kỷ thứ XVI, lúc chủ nghĩa tư bản ra đời, báo chí mới xuất hiện. Bỉ có tờ Tin Tức xuất bản ở Aêng-ve năm 1605, Anh tờ Tin hằng tuần xuất bản năm 1622, Pháp tờ Nhật báo nước Pháp xuất bản năm 1631. Đầu thế kỷ thứ XX, khoa học kỹ thuật tiến bộ nghề in được cải tiến (một nhà máy in báo ở New York đã cho in tới 25 vạn bản 8 trang trong 1 giờ) kéo theo sự phát triển của báo chí.
Do nhu cầu của đời sống, nội dung báo chí được mở rộng không chỉ gói gọn trong một số bản tin mà còn triển khai ở nhiều mục như bình luận, chính trị xã hội, văn hóa, văn nghệ, rao vặt, quảng cáo, nhắn tin... Mục rao vặt trên báo xuất hiện khá sớm. Năm 1648, một người Anh ở Căn-đi-sơ bị mất 2 con ngựa, đã nhắn tin trên báo. Về sau, đến các ngành buôn bán cũng chen chân vào mục quảng cáo.
Riêng ở Việt Nam có thể điểm qua một số “sự kiện” báo chí được cho là khởi đầu, đi những bước tiên phong.
Trước 1862, nước ta không có báo chí. Tờ báo đầu tiên xuất hiện ở nước ta là tờ Bulletin Officiel de L’expédition de Cochinchine (Công báo của đoàn quân viễn chinh ở Nam Kỳ, bằng tiếng Pháp, ra đời năm 1862).
Báo Quốc ngữ khai sinh làng báo Việt Nam là Gia Định báo, phát hành số đầu vào ngày 15 tháng 4 năm 1865 do Ernest Potteaux (viên thông ngôn người Pháp làm việc ở Soái phủ Nam Kỳ) đứng tên, Trương Vĩnh Ký trợ bút đến 16 tháng 9 năm 1869 Trương Vĩnh Ký mới làm chủ biên tồn tại suốt 44 năm.
Thông loại Khóa trình là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên do Trương Vĩnh Ký chủ trì, số 1 ra mắt vào tháng 5 năm 1888.
Nữ giới chung (tiếng chuông của nữ giới) ra mắt ngày 1 tháng 2 năm 1918 do Lê Ðức làm chủ nhiệm và Sương Nguyệt Anh, con gái của Nguyễn Ðình Chiểu làm chủ bút, tờ báo đầu tiên chuyên đề về phụ nữ.
Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn), là tờ báo kinh tế đầu tiên số 1 ra ngày 1 tháng 8 năm 1901.
Đông Dương tạp chí “cơ quan văn học đầu tiên bằng chữ quốc ngữ”.
Nam Phong (1917-1954), đồng chủ bút là Phạm Quỳnh và Dương Bá Trạc, số báo Xuân năm 1918 được cho là thủy tổ báo xuân của nước ta.
Các báo trên đều là tuần báo (ngoại trừ Thông loại Khóa trình , Nam Phong là nguyệt san) và ra mắt tại Sài Gòn (riêng Nam Phong in ở Hà Nội).
Nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837-1888), tên tự là Sĩ Tải thường gọi là Pétrus Ký, quê ở Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre). Ông là một học giả lớn, thông thạo 26 ngoại ngữ (sau này có ý kiến cho là không chính xác), là tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến xuất sắc cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, nhân chủng học. Ông thành lập, làm tổng biên tập tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Tổng biên tập nữ đầu tiên là Nguyễn Xuân Khuê (1864-1921), bút danh Sương Nguyệt Anh (Tổng Biên tập tờ Nữ giới chung)
Mẩu quảng cáo đầu tiên xuất hiện ở tờ Gia Định báo số 1, năm 1882 dành toàn bộ trang cuối để đăng quảng cáo cho Nhà thuốc Pharmacie Reynaud. Từ đó, quảng cáo trở thành một trang cố định, xuất hiện thường kỳ trên Gia Định báo và hoạt động quảng cáo cũng dần phổ biến ở nhiều báo khác.
2. Trong đời sống hiện nay, báo chí trở thành món ăn tinh thần hằng ngày. Từ người lao động đến viên chức nhà nước không ai không lướt qua mặt báo mỗi ngày hoặc ít ra cũng đọc báo theo kiểu “Hôm nay báo có gì vậy?”. Báo chí đã vượt ra ngoài chức năng thông tin vốn có để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cuộc sống hiện đại. Theo đà phát triển của khoa học con người ngày càng được hưởng thụ nhiều tiện nghi vật chất. Trong lĩnh vực báo chí phát sinh nhiều tên gọi mà ta có thể hình dung cái áo mặc ban đầu của báo chí không đủ dung lượng để tải các loại hình báo chí đương đại. Các loại hình ấy có thể kể:
- Báo viết: Xuất hiện đầu tiên, có lịch sử lâu đời nhất, thể hiện trên giấy, có thể có hình ảnh minh họa. Loại hình này tính phổ cập rộng, truyền tải lượng thông tin lớn, dùng làm tài liệu nghiên cứu, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ v.v...
- Báo nói: Ra đời từ thế kỷ XIX, thông tin được chuyển tải bằng ngôn ngữ qua đài phát, nhận bằng thiết bị radio. Thông tin nhanh chóng, kịp thời, tiện ích, trực tiếp từ người phát đến người nhận không qua trung gian. Cũng có loại hình thông tin bằng ngôn ngữ nhưng qua việc truyền miệng nên gọi là báo miệng. Ví dụ như việc hai đại thần Tường, Thuyết sau khi Tự Đức mất, lập và phế truất bốn tháng đến ba vua:
“Nhất giang lưỡng quốc nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương triệu bất tường”
- Báo hình: Người nhận thông tin không chỉ nghe (âm thanh) mà còn thấy được bằng hình ảnh qua thiết bị máy phát hình (đài truyền hình) và máy thu hình (television). Loại hình này khắc phục được một số nhược điểm của hai loại trên nhưng không hẳn là hoàn hảo.
- Báo điện tử: Sử dụng giao diện website trên Internet để truyền tải thông tin bằng bài viết, âm thanh, hình ảnh, các đoạn video gồm cả hình ảnh động và âm thanh (video clip).
3. Trong một giai đoạn lịch sử mang tính cá biệt: trình độ dân trí chưa cao (95% dân số còn mù chữ), bị chính sách thực dân cai trị, chữ quốc ngữ còn trong giai đoạn hoàn thiện (Chữ quốc ngữ phôi thai từ thế kỷ XVI nhưng đến 22/2/1869 Marie Gustave Hector Ohier mới ký nghị định dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán); nhưng hoạt động báo chí của nước ta khá sôi nổi và có đóng góp nhiều mặt. Khá đông người làm báo, viết báo. Đội ngũ chủ nhiệm, chủ bút, biên tập, quản lý ngày càng nhiều kể cả trong Nam, ngoài Bắc. Tính từ khi tờ báo đầu tiên ra đời đến trước 1945 báo chí Việt Nam trải qua 82 năm (1862-1944). Theo thống kê tương đối đầy đủ đã có 229 tờ báo ra đời. Ở Bắc kỳ 119 tờ, Nam kỳ 80 tờ, Trung kỳ 30 tờ. Báo chí ở Nam Kỳ là nơi khởi nguồn, trước 1900, có đến năm tờ báo ra mắt. Ở Bắc Kỳ phải đến 1892 mới có tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo ra mắt nhưng là báo in chữ Nho.
Đại Việt Tân báo là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, phát hành năm 1905. Đúng ra đây là tờ báo song ngữ, có phần Quốc ngữ và phần Hán văn.
Kể từ 1930 báo chí Bắc Kỳ phát triển mạnh, có năm có trên 10 tờ báo ra mắt (năm 1935: 10 tờ, 1938: 12 tờ, 1941: 11 tờ). Phong trào báo chí Trung Kỳ phát triển chậm hơn so với Bắc và Nam Kỳ. Chỉ riêng năm 1936 có đến 10 tờ báo ra mắt.
Làm phép tính tổng hợp trong 229 tờ báo chỉ có 14 tờ là nhật báo còn lại là tuần san và nguyệt san nhưng tuần san là chủ yếu, với 44.384 số trong đó nhật báo chiếm 23.788 số. Tuổi đời của 229 tờ báo tổng cộng 613 năm bình quân chưa đến 3 năm/tờ. Phần lớn các tờ báo chịu chung số phận non yểu, có tờ chỉ ra được vài số. Có mặt lâu nhất trong làng báo phải kể đến Gia Định báo, 44 năm (tờ báo quốc ngữ đầu tiên và có tuổi đời lâu nhất); Nam kỳ Địa phận, 37 năm (Sài Gòn, 1908-1945);Trung Bắc Tân văn, 29 năm (Hà Nội,1913-1041); Lục tỉnh Tân văn, 24 năm (Sài Gòn, 1907-1944); Công luận, 23 năm (1916-1939); Nam Phong, 18 năm (Hà Nội,1917-1934); An Hà nhựt báo, 16 năm (Cần Thơ, 1917-1933); Đăng cổ Tùng báo, 15 năm (Hà Nội,1892-1907); Trung lập, 10 năm (Sài Gòn, 1924-1933).
Trong không khí đấu tranh cách mạng buổi đầu, ở cả ba kỳ đều có hàng chục tờ báo của Đảng Cộng sản, của Mặt trận Dân chủ Đông Dương và các đoàn thể công nhân, thanh niên ra đời.
Bắc kỳ có Notre Voix, Le Travail, Rassemblement, Enavant, Tin Tức, Thời Thế, Bạn Dân, Đời Nay, Người Mới, Ngày Mới, Tân Xã Hội, Hồn trẻ, Tiếng Trẻ, Thế Giới [14 tờ].Trung kỳ có Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn, Sông Hương tục bản [3 tờ]
Nam Kỳ có L’Avant Garde, Le Peuple, Dân Chúng, Lao Động, Mới, Phổ Thông [6 tờ]. Tổng cộng: 23 tờ.
Cương lĩnh của tờ Notre Voix được xem là cương lĩnh chung của các tờ báo Cộng sản trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ: “ Đấu tranh chống lại các lực lượng bảo thủ và áp bức xã hội, chống lại những kẻ gây chiến, chủ nghĩa phát xít trong nước và trên quốc tế, đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ngày 28/9/1939 Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đóng cửa báo chí cách mạng và tiến bộ nên các tờ báo trên phải ngừng hoạt động.
Kể từ sau cách mạng thành công, đất nước tạm phân chia hai miền Nam, Bắc và từ khi đất nước thống nhất đến nay báo chí tiếp tục phát triển và không ngừng lớn mạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về món ăn tinh thần cho nhân dân. Điểm qua một số mặt của báo chí trước 1945 để khẳng định vai trò của báo chí, đồng thời minh xác đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ nhà báo nói riêng của ta ra đời từ rất sớm và có vai trò nhất định trong đời sống xã hội. Trước kia, hiện nay và mãi mãi về sau báo chí luôn giữ vị trí trung tâm trong hoạt động tri thức.
Nên chăng, trước việc nghiên cứu báo chí và lịch sử báo chí còn phôi thai, chưa được quan tâm như hiện nay chúng ta bắt tay vào công việc mà cách đây 13 năm (3/1986) nước Pháp đã làm: ra đời “Tạp chí về các tạp chí” (Revue des revues).
Nhìn lại một chặng đường đã qua của báo chí như một sự “ôn cố” và cũng là hành trang cho những người làm báo hôm nay tiếp tục hành trình đầy vinh dự, tự hào và trọng trách.
L.P.Đ