Bốn tư chất của “nàng thơ” sông Hàn - KTS. Huy Trí

06.06.2018

Bốn tư chất của “nàng thơ” sông Hàn - KTS. Huy Trí

Đi nhiều nơi, khi nghe người ta bình rằng Đà Nẵng giờ đáng sống lắm, lại có dòng sông Hàn đẹp vào hàng nhất nước, thật ấm lòng, ấm dạ. Bản thân tôi cũng đôi lần được chiếu cố một cách ngọt ngào với danh xưng là “chàng trai sông Hàn”, tai nghe mà chân vội bấm chặt xuống đất. Tôi đâu còn là chàng trai nữa nên cái sự lâng lâng kia không xuất phát từ việc ai đó muốn ăn gian cho mình mấy chục tuổi. Nó là cảm giác lâng lâng khi thấy mình được sống bên một dòng sông ấn tượng đến độ người ta dùng tên nó để gán theo những thông điệp tình người.

Mà quả là sông Hàn của chúng ta đẹp thật, là báu vật của thiên nhiên, là mơ ước của bao thành phố khác. Nếu coi Đà Thành như một tổ ấm gia đình mà trong đó Hải Vân, Sơn Trà, Non Nước như những chàng trai khỏe mạnh, khí chất thì sông Hàn là cô gái duyên dáng, đẹp xinh, là nàng thơ đầy cảm hứng.

Tuy vậy, chúng ta phải đồng ý với nhau rằng một cô bé dù có vẻ đẹp bẩm sinh đến mấy cũng cần có sự nuôi nấng, chăm bẵm cần thiết mới trở thành hoa khôi, hoa hậu được. Nàng Thơ Sông Hàn đang rất cần sự chăm sóc như vậy. Rất đáng mừng là lãnh đạo thành phố đang dành cho sông Hàn sự ưu ái đó và đã có chủ trương nghiên cứu thiết kế cảnh quan sông Hàn.

Vừa qua, Tư vấn thiết kế JiNa (Hàn Quốc) đã báo cáo lãnh đạo thành phố ý tưởng thiết kế lần đầu. Tại cuộc họp, nhiều vấn đề được xới lên như tổ chức không gian xanh, việc nới rộng bờ sông, điểm nhấn kiến trúc, các bến du thuyền, điểm bắn và khán đài xem pháo hoa...

Nhìn chung, nghiên cứu của Tư vấn JiNa có tính chuyên nghiệp, đề xuất được một số ý tưởng hay. Tuy nhiên nếu chỉ đến vậy thì tôi e rằng Nàng Thơ của chúng ta cũng chỉ ở mức ưa nhìn chứ không vươn tới tầm hoa hậu được. Để có một phương án thật hay, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân Đà Nẵng và khách bốn phương, cần phải có sự chung tay, góp sức của nhiều phía từ lãnh đạo, các nhà quản lý, các tổ chức phản biện xã hội cho đến đông đảo cộng đồng. Với tư cách một người dân Đà Nẵng, tôi xin mạo muội một số lời bàn.

Nếu tôi có một cô con gái nhỏ xinh xắn và nếu tôi muốn cháu lớn lên trở thành một người đẹp nổi tiếng thì điều đầu tiên tôi nghĩ đến không phải là đẹp cỡ nào mà là đẹp như thế nào. Nói cách khác là vẻ đẹp ấy phải được định hướng. Người xưa đánh giá phụ nữ qua Công, Dung, Ngôn, Hạnh thật là một cách nhìn sâu sắc, nhân văn và đến giờ vẫn nguyên giá trị. Thậm chí những tiêu chí này có thể vận dụng cho nhiều đối tượng khác trong cuộc sống. Bạn đang định mua một chiếc xe ư, hay một căn hộ? Bạn sẽ nghĩ ngay đến Công và Dung.

Với Hàn Giang, tôi muốn Nàng Thơ của chúng ta trong tương lai phải mười phân vẹn mười với đầy đủ bốn tư chất Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Công: Sông Hàn là phần không gian mềm của đô thị, là nơi để người dân thư giãn, thưởng ngoạn, giao lưu, rèn luyện thân thể... Vậy thì các không gian mở cần đặc biệt ưu tiên. Phương án của JiNa đề xuất tỷ lệ diện tích này tăng từ 5% hiện trạng lên 10% khu vực nghiên cứu. Theo tôi tỷ lệ này vẫn còn rất thấp. Có thể JiNa đã lệ thuộc vào thực trạng sử dụng đất mà chưa mạnh dạn đề xuất thêm. Thí dụ tại khu vực An Trung cạnh Khu Euro Village còn khu đất 1,2 ha. Cuối chân cầu Thuận Phước còn khu đất 7,2 ha. Ngoài ra trụ sở Hội đồng nhân dân hiện nay cũng có thể biến thành nơi sinh hoạt cộng đồng kết hợp triển lãm, trưng bày kết nối đến tòa nhà Novotel về phía Bắc, Thư viện thành phố về phía Nam thành một dải không gian mở liên hoàn. Nếu sử dụng các diện tích này để mở rộng không gian xanh sẽ không cần tính đến việc lấn sông làm ảnh hưởng dòng chảy. Ai cũng biết những miếng đất kể trên nếu đem đấu giá sẽ đem lại cho chúng ta hàng nhiều tỷ đồng. Khi sử dụng làm không gian sinh hoạt cộng đồng tuy không thu được khoản lợi trực tiếp nhưng chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn thế. Dù là một đô thị lớn hay một ngôi nhà nhỏ, các không gian sinh hoạt luôn thể hiện tính cách của chủ thể. Ví như với một ngôi nhà, nếu gia chủ là người sống khép kín thì phòng khách nhỏ, nếu gia chủ là người phóng khoáng, hào hiệp thì phòng khách rộng. Sự khoáng đạt của các không gian sinh hoạt cộng đồng thể hiện sự cởi mở, hiếu khách. Sự cởi mở đưa đến những người bạn, và như người ta thường nói “giàu vì bạn”.

Ý tưởng về công viên trên cao do Tư vấn đề xuất tại khoảng giữa khu vực khán đài A xem pháo hoa và đầu cầu sông Hàn là một sáng kiến hay. Nếu được hình thành đây sẽ là một chiếc ban công xanh khổng lồ rất thú vị.

Một công năng quan trọng khác là hoạt động du lịch trên sông. Trên đoạn sông từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Thuận Phước với chiều dài 5 km, rộng từ 320 m đến 800 m đã quy hoạch 6 vị trí bến du thuyền. Như vậy là nhiều hay ít? Cần phải bắt đầu quy mô phục vụ, tức là số lượng du khách và du thuyền trên sông. Vắng quá thì buồn tẻ, đông quá thì bức bối. Không nên suy nghĩ theo kiểu có bao nhiêu phục vụ tuốt. Như vậy sẽ biến hình ảnh mặt sông trở nên chật chội, bon chen, không thanh lịch, không sang trọng. Phải định lượng thế nào cho vừa, đó là trách nhiệm của các nhà quản lý nhưng đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu của tư vấn. JiNa chưa đặt vấn đề này. Theo tôi hình dung, để đảm bảo hình ảnh sống động mà vẫn thanh bình, số lượng tàu lớn nhỏ cùng lúc hoạt động trên sông vào khoảng 100 chiếc. Tất nhiên trên thực tế ta sẽ vừa làm vừa xem xét. Dự báo như vậy là để quy hoạch hợp lý hệ thống bến du thuyền.

Sự kết nối đôi bờ cần suy xét kỹ. Đoạn sông này đã có 4 cây cầu đang hoạt động, trong khi đó vấn đề xây dựng cầu đi bộ tại khúc giữa cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước còn bỏ ngỏ. Hiện các cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng có lưu lượng giao thông vừa phải, cầu sông Hàn đang dần quá tải, cầu Thuận Phước hơi... lưa thưa. Theo tôi, trong tương lai, các cây cầu này đều quá tải hết. Thế nên hãy thôi vương vấn về cây cầu đi bộ đỏm dáng mà không được việc kia, chúng ta cần một cây cầu thực thụ hoặc tốt hơn là một tuy-nen phục vụ nhiều phương tiện. Vấn đề này JiNa chưa đề cập.

Việc tổ chức phố đêm là rất cần thiết để phục vụ khách du lịch. Theo nhận định từ nhiều du khách, Đà Nẵng là “thành phố ngủ sớm”, thiếu các hoạt động về đêm. Có thể đối với hoạt động du lịch, chúng ta đang lãng phí mấy giờ đồng hồ mỗi ngày. Không những thất thu về kinh tế mà còn bị chê là “quê quê”. Một thành phố du lịch không thể ngủ sớm. Sông Hàn phải là “dòng sông không ngủ”. Có như thế mới buộc du khách phải thao thức, phải động tâm, phải rút hầu bao và thêm yêu Đà Nẵng. Phố đêm có thể tổ chức tại một điểm, cũng có thể bố trí rải ra nhiều điểm nhỏ. Vấn đề này JiNa có đề xuất nhưng chưa phân tích sâu.

Không gian hai bờ Sông Hàn còn phải là nơi tổ chức các hoạt động nghệ thuật. Thi pháo hoa quốc tế là một đặc sản của Đà Nẵng cần duy trì và phát huy. Tôi cho rằng sân khấu pháo hoa trên sông cần được sử dụng làm sân khấu đa năng, hằng ngày trình diễn các loại hình nghệ thuật như nhạc nước, ca múa nhạc chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng... Cùng với đó có thể xây dựng khán đài A thành công trình cố định có quy mô vừa phải và kiến trúc độc đáo. Được như vậy sẽ tạo thêm một tụ điểm sôi động và ấn tượng. Triển lãm, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và các vật phẩm độc đáo của địa phương cũng là cách tự giới thiệu về thành phố rất tự nhiên và hiệu quả. Như trên đã gợi ý, vị trí số 42, số 44 Bạch Đằng có thể bố trí nhà bảo tàng tổng hợp. Các tác phẩm nghệ thuật theo chủ đề được rải ra trên hai bờ sông, kết hợp tinh tế với cây xanh, thảm cỏ và các tiểu cảnh khác. Vấn đề này JiNa chưa thể hiện gì nhiều.

Về tư chất đầu tiên của Nàng Thơ, có thể còn nhiều ý tưởng hay. Tôi mới chỉ hình dung vài định hướng như vậy.

 Dung: Nhân bàn về cái đẹp tôi lại nhớ đến truyện Hai người đẹp của văn hào Nga A.P.Tsekhop tả về hai người phụ nữ. Một người có vẻ đẹp theo chuẩn mực cổ điển, người kia có vẻ đẹp hiện đại phá cách. Hai vẻ đẹp rất đối lập nhưng đều là đẹp cả, không thể nói ai đẹp hơn ai. Nói vậy để thấy chữ đẹp kia cũng có “ba bảy đường” nhưng tựu trung phải phù hợp với bối cảnh, với thời đại và hơn nữa là phải phù hợp với bản thể bên trong.

Ở đây, ta đang bàn việc chọn vẻ đẹp thế nào cho dòng Hàn Giang. Theo tôi trước hết và quan trọng nhất là vẻ đẹp ấy phải có cá tính. Cá tính ấy chính là đặc điểm riêng có của đô thị vốn bao hàm cả những phần vật chất và phi vật chất. Có lần tôi tự hỏi chẳng biết có phải vẻ đẹp đượm buồn của Sông Hương đã gieo vào lòng cố đô “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” hay ngược lại tinh thần Huế đã ru mềm con nước. Dù thế nào thì Huế cũng không thể thiếu dòng Hương Giang và ngược lại dòng Hương Giang chỉ có thể là của Huế.

Vậy Hàn Giang thì sao? Trước khi định hình vẻ đẹp của sông Hàn ta cần xác định hình ảnh tượng trưng của dòng sông. Với dòng sông quê, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh người mẹ bởi những kỷ niệm trẻ thơ chăn trâu, thả diều rồi ùa xuống tắm. Thế nên khi trở về sau bao năm phiêu bạt người ta mới có xúc cảm “úp mặt vào sông quê, như thuở nhỏ úp mặt vào lòng mẹ”(Lời bài thơ Khúc hát sông quê của Lê Huy Mậu). Người Đà Nẵng trước đây rất ít tắm sông Hàn, nay càng không có chuyện đó. Vì thế không thể gán hình ảnh người mẹ cho sông Hàn được.

Đà Nẵng giờ đang chuyển mình mạnh mẽ trong khi vẫn là một đô thị trẻ trung. Vậy thì hình ảnh tượng trưng không gì hơn là một cô gái tuổi dậy thì tươi tắn, năng động. Sông Hàn cần mang một diện mạo và sức sống như vậy. Tất cả các thành tố tạo nên cảnh quan sông Hàn như kiến trúc, cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, điện chiếu sáng và trang trí, bờ sông, du thuyền... đều phải toát lên được điều đó. Định tính là như vậy, nhưng còn phải định lượng nữa. Sự hồn nhiên, năng động cũng có chừng mực, phải đi kèm với vẻ thanh lịch và trí tuệ nữa. Nếu như Hương Giang qua bút pháp của Hoàng Phủ Ngọc Tường là “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế” thì Hàn Giang theo tôi là điệu soft - rock đủ mạnh mẽ nhưng vẫn ý tứ, lịch lãm.

Để có được hình ảnh đó cần phải làm thế nào. Theo tôi cần chú ý một số điểm sau:

Kiến trúc hai bờ sông cần có thiết kế đô thị riêng với định hướng hiện đại, sang trọng, không lai tạp. Cần khống chế số lượng các công trình cao tầng ở mức vừa phải, không để tạo thành hai bức tường khổng lồ bên bờ sông. Không xây công trình kiến trúc trên sông (trừ nhà hàng Memmory đã có sẵn). Các dự án ven sông chưa triển khai như Olalani, Quốc Cường Gia Lai, Hoàng Anh Gia Lai, Khu vực Nhà máy đóng tàu Sông Thu cũ đều phải được kiểm soát về phương án kiến trúc với yêu cầu rất cao. Các công trình kiến trúc có thể có hình dáng kích thước khác nhau nhưng đều phải có một phong cách hiện đại, khỏe khoắn và duyên dáng. Kiến trúc của tòa nhà Indochina Riverside, khách sạn Brilliant là đáng phát huy. Kiến trúc của Nhà khách T26 là nửa cổ nửa kim, không nên theo đuổi phong cách này. Đài Truyền hình là ví dụ cho kiến trúc thô vụng, những công trình kiểu này sẽ phải cải tạo hình thức.

Cần xây dựng và ban hành quy chế quản lý kiến trúc cho hai vệt bên sông. Nên định hướng phát triển kiến trúc xanh cho toàn khu vực. Như vậy vừa đẹp lại vừa góp phần cải tạo môi trường.

Thiết kế lại hệ thống cây xanh, thảm cỏ, dây leo tạo nên hai chuỗi xanh liên tục hai bên bờ, gồm cả việc thay thế các cây hiện có không phù hợp bằng cây mới. Cây bóng mát phải có dáng khỏe mạnh. Thảm cỏ, hoa, lá màu, dây leo cần đa dạng và tinh tế.

Thiết kế điện chiếu sáng và trang trí cho toàn không gian sông Hàn trên các công trình kiến trúc, hệ thống cây xanh, các cây cầu, bến du thuyền. Sử dụng hiệu ứng ánh sáng về đêm để sông Hàn như một con rồng luôn chuyển động.

Thiết kế mới và chỉnh sửa lại những chi tiết chưa đẹp như lan can dọc bờ sông, gạch lát vỉa hè. Các hạng mục phụ trợ như cây ATM, máy bán hàng tự động, biển quảng cáo, bảng hướng dẫn... đều phải nghiên cứu tỉ mỉ.

Phương án của JiNa nhìn chung khá bắt mắt nhưng mới chỉ là sự make-up bên ngoài, chưa tìm tới được vẻ đẹp nội tâm của Nàng Thơ.

Như trên đã nói, vẻ đẹp có nhiều kiểu. Đây mới chỉ là sự hình dung của riêng tôi.

 Ngôn:

Trong cuộc sống, mọi thứ đều có ngôn ngữ riêng. Với loài hoa là sắc hương, với loài chim là giọng hót, điệu múa, với hội họa là màu sắc, với kiến trúc đường nét, hình khối... Vậy ngôn ngữ của dòng sông là gì? Là tổng hòa ngôn ngữ của các thành tố tạo nên cảnh quan dòng sông. Tức là kiến trúc, cây xanh, mặt nước, ánh sáng điện... đều có thể hòa giọng để tạo nên “khúc hát” của dòng sông.

Tuy vậy, theo tôi cần suy nghĩ thực tế. Các ngôn ngữ của kiến trúc, ánh sáng, mặt nước là những thứ không phải ai cũng cảm nhận được. Vậy để chọn những thông điệp và ngôn từ cho dòng Hàn Giang, cách hữu hiệu nhất là “nhờ” các loài hoa.

 Tôi không chơi hoa nhưng cũng biết đại khái là mỗi loài hoa có những thông điệp riêng. Không biết đây là ý của các loài hoa hay do con người áp đặt nhưng dù sao đó cũng đã như những quy ước. Vậy ta nên ứng dụng điều đó cho cảnh quan sông Hàn. Theo đó tùy theo chủ đề của mỗi khu vực trên sông, ta trồng những loài hoa đặc trưng cho chủ đề ấy. Nên xác định các loài hoa chủ đạo để thể hiện những thông điệp có chủ đích. Ví dụ các khu vực chủ yếu dành cho người trẻ dùng hoa Hồng biểu tượng cho sắc đẹp và tình yêu; Tử Đinh Hương Trắng cho sự hồn nhiên của tuổi trẻ; Hoa Lan cho sự trong trắng... Các khu vực ưu tiên cho người lớn tuổi dùng Trúc, Thược Dược cho sự tao nhã, Sen Cạn cho lòng yêu quê hương...

Còn một thứ ngôn ngữ mang ý nghĩa trừu tượng hơn tôi tin là có nhưng chưa nghĩ được, xin gợi ra để mọi người cùng bàn. Cái cụm từ “khúc hát sông quê” giờ đã quá đỗi quen thuộc. Vậy sông quê của Lê Huy Mậu hát gì? Hát về tuổi thơ đầy kỷ niệm, hát về hạt phù sa lặng lẽ đắp bồi, hát về mối cộng sinh giữa con người và thiên nhiên. Con sông Cầu hát làn quan họ. Sông Hương hát Nam Ai, Nam Bình. Sông Lô, sông Thao hát về những chiến công vang dội. Vậy sông Hàn hát gì và cách biểu hiện điều đó qua nghệ thuật kiến tạo cảnh quan sông Hàn ra sao? Rất cần những cao kiến.

Hạnh: Vẫn thường nghe “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Sao lại đánh chết? Thực ra là ý nói tương quan giữa hai “cái” và “cái Nết” nặng ký hơn chứ chẳng ai muốn “giết” cái Đẹp cả. Uổng lắm! Cách nói hơi phũ của ông bà chẳng qua để tôn vinh cái Nết mà thôi. Cái “Nết” ở đây không nên hiểu theo nghĩa hẹp là “thói quen” kiểu như “cái nết ở ăn mỗi người một tính” mà cần hiểu theo nghĩa rộng hơn là cái “Hạnh”.

Vậy cái Hạnh của Hàn Giang là gì? Đó là cách ứng xử nhân văn. Ứng xử với ai? Với con người, với lịch sử và với môi trường.

Với con người, đó là sự đề cao lợi ích của cộng đồng khi cân nhắc về tỷ lệ diện tích không gian mở, cân nhắc về các loại hình dịch vụ phương thức phục vụ sao cho mọi đối tượng giàu nghèo đều có thể cảm thấy thoải mái, tự nhiên. Mọi người không phải nhìn nhau khi lựa chọn các dịch vụ cao cấp như du thuyền, nhà hàng hay bình dân như một chai nước suối ở máy bán hàng tự động. Ứng xử với người cao tuổi, người khuyết tật phải được đặc biệt chú ý. Lối đi của người khuyết tật phải thuận lợi và an toàn. Cần có không gian ưu tiên dành cho người cao tuổi. Người cao tuổi có thể được phát một loại thẻ riêng để sử dụng một số dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá.

Với lịch sử, đó là sự trân trọng quá khứ. Nay các công trình kiến trúc cũ từ thời Pháp còn rất ít. Đáng kể nhất là tòa nhà Hội đồng nhân dân. Sau này nếu được sử dụng vào mục đích khác cũng cần có giải pháp lưu dấu ấn. Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cầu nối của mấy giai đoạn lịch sử, cần nghiên cứu giải pháp để bảo tồn và kết hợp khai thác du lịch. Bảo tàng Chăm cần được tiếp tục quan tâm như hiện nay. Cần tái tạo lại dấu tích của bến phà cũ vốn là một mảnh ký ức của nhiều thế hệ. Ngoài ra trong việc trang trí ánh sáng sông Hàn có thể tái hiện bóng dáng xóm chài ngày xưa...

Với môi trường thì quá rõ. Sông Hàn không rộng nên phải hết sức hạn chế việc lấn sông. Phương án của JiNa đề xuất nhiều vị trí lấn sông để tăng không gian xanh. Như vậy lợi bất cập hại, cho dù là sử dụng giải pháp sàn và cọc bê tông. Các yếu tố ảnh hưởng môi trường khác như bụi, rác thải, âm thanh, hiệu ứng nhà kính... đều phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ để không gian sông Hàn phải sạch như... Singapore.

Vậy là lan man một hồi, tôi cũng đã phác thảo ra một kiểu chân dung của Nàng Thơ Sông Hàn. Có cái nghĩ ra được, có cái chưa nghĩ được. Mà ngay cái đã nghĩ được cũng chưa chắc đã hay. Dẫu sao thì cũng xuất phát từ một tình yêu đối với con sông mà có những giãi bày như vậy.

H.T