Khuôn mặt - Ngô Đình Hải

06.06.2018

Khuôn mặt - Ngô Đình Hải

Chợ là chợ. Chợ không thể lẫn với thứ gì khác. Dưới nước hay trên bờ, sang hay hèn, lớn hay nhỏ, chợ vẫn là chợ. Là của mọi hỉ nộ ái ố. Chợ không chỉ có mua bán. Chợ còn là nơi cho người ta thấy mình sống. Thế nên sống thì không thể... không có chợ. Xóm gò mả cũng vậy. Người chết ở chung với người sống. Người chết không cần ăn, nhưng người sống phải ăn. Người chết không cần chợ, nhưng người sống, dù là loại cùng đường như Dũng què vẫn phải cần chợ.

 Dũng trước đi lính, đạp trúng mìn, văng mất hai chân, một lớn một nhỏ! Còn lại một chân lớn. Năm đó Dũng hai mươi. Nghỉ chơi ngay khi vừa thấy chiến tranh dù chưa kịp hiểu nó là cái giống gì. Nằm ở Quân y viện. Khi biết được chắc chắn mình còn sống, Dũng lại muốn chết quách đi cho rồi. Mở mắt ra là thấy bê bết máu chung quanh, tiếng rên la liên tục. Nằm một chỗ, Dũng trân mình chịu. Nhưng thà ngó qua, ngó lại, còn hơn ngó xuống dưới người mình. Dũng sợ. Cái sợ kỳ quặc. Cái sợ của cảm giác mất mát, sợ không còn làm được những điều bình thường và quen thuộc nhất. Nó tệ tới mức, lần nào ngủ thiếp đi, Dũng cũng mơ thấy mình và tên bạn say ngất ngưỡng, đứng trước cái vách tường nhà, trên một con đường vắng, mà... xả thoải mái! Nó nhẹ nhõm và sướng tê người. Đang vậy, thinh không nghe ầm ầm như chuyển mưa. Tên bạn đang cười, bỗng bung ra từng miếng văng tứ tung trước mặt. Hai chân tự nhiên buốt tới háng, người nẩy lên, hai tai ù đi, trước khi trời sập xuống tối thui! Cái giấc mơ cứ lặp đi lặp lại, càng làm cho Dũng thêm thèm muốn, cái đứng dạng chân của một thằng đàn ông bình thường tới quay quắt. Tới mức Dũng ước phải chi mình cứ banh cha nó luôn, như tên bạn không chừng còn đỡ khổ hơn.

 Xuất viện, Dũng chống nạng, lê lết mấy ngày đường, tìm về thăm mả tên bạn thân chết trận trước tiên. Ở nghĩa địa, Dũng gặp lại lão Hán, cha của nó.

Lão Hán trước bán hủ tiếu mì gần rạp hát, ở nhà mướn nhưng lo cho vợ con tử tế. Của ăn của để đàng hoàng. Xui xẻo, gặp con vợ phản trắc, mê hơi trai hơn mê mùi nước lèo. Ngày đi, của nã dành dụm của lão Hán cũng ôm theo sạch nhách. Lão không giận, chỉ buồn. Buồn nhứt là mỗi buổi chiều đẩy xe mì một mình ì ạch ra chỗ bán. Rồi lủi thủi chan, múc, bưng bê, tính tiền lão làm hết. Càng cô đơn bao nhiêu, thì tình thương và sức lực lão dồn hết cho thằng con trai duy nhất bấy nhiêu. Nó không muốn theo nghề, lão cũng chiều cho đi học chữ. Ngặt cái, thằng nọ lại cóc chịu học, lo chơi miết. Tới tuổi đi lính, nó con một, được hoãn dịch gia cảnh, lão chưa kịp mừng. Nó đã tình nguyện đăng lính. Mà đăng lính chỉ vì theo thằng bạn thân mới ác. Dũng rớt Tú tài, không thích vô Hạ sĩ quan, kiếm Thủy quân lục chiến đăng lính trơn cho nó oai. Thằng nọ sợ vắng bạn, buồn, đăng theo...

Hết vợ, giờ lại tới con, lão Hán buồn thê thiết. Lão hồi hộp, lão sợ hãi từng đêm. Lão đốt nhang, lão cầu Trời Phật, chỉ cần nó về, có thứ gì lão cũng cho nó hết! Rồi chuyện gì tới phải tới. Nó về, mà là người ta trả xác nó về. Lão tê tái, lão đau tới mức không khóc được. Đám ma nó, lão ngồi đơ như pho tượng, mọi chuyện nhờ lối xóm thu xếp giùm.

 Lão lên nghĩa trang mua cho nó cái huyệt. Lão năn nỉ chủ đất bán luôn cho lão thêm khoảnh đất nhỏ gần bên. Chôn nó xong, lão đào sẵn cho mình một cái. Rồi dựng luôn cái chòi phía trước. Không có nó, lão chẳng còn thiết gì tới buôn bán. Làm cho ai ăn bây giờ. Lão lôi cái xe mì về để sát bên chỗ nằm. Chiều chiều, lão đi giáp vòng, cắm cho mỗi cái mả một cây nhang, rồi về cắm nhang lên mả nó. Lão lầm lì như người câm. Tới đêm, chỉ còn tiếng côn trùng, từ trong cái chòi của lão, tiếng khóc nghẹn mới trào ra từng chập, ở xa nghe như tiếng tru của con sói già cô độc...

 Có Dũng, lão Hán lò mò đi mua rượu. Cũng lần đó, sau một thời gian dài, căn chòi của lão Hán sáng đèn. Cái đèn dầu hột vịt. Không biết lão với Dũng nói chuyện gì. Sáng ra, người ta thấy Dũng què bận bộ đồ lính, xiêu vẹo trong mấy ngôi mả, làm thay công việc của lão Hán. Không đứng được, Dũng què bỏ nạng, ngồi bệt xuống đất nhổ cỏ, lau chùi mấy tấm bia. Cuối tuần, hoặc ngày lễ, thân nhân của những ngôi mả này lên thăm, cúng kiếng, cũng cho được ít tiền. Thanh Minh, ngày Tết cho nhiều hơn, coi như trả công chăm sóc thay cho họ. Lão Hán với Dũng có cái mà lay lắt sống.

 Sau Giải Phóng, chủ đất bỏ đi mất. Lão Hán tự nhiên thành chủ. Dân cơ nhỡ, dân chạy loạn không có đường về, dân cùng đinh mạt hạng, giang hồ tứ xứ, không đất dung thân, kéo qua đây xin tá túc. Lão Hán ừ tuốt, đất của ông của cha gì mình mà tiếc. Có thêm người ở, lão với Dũng càng đỡ cô quạnh có sao. Lần hồi làm thành cái xóm. Xóm gò mả.

 Nhờ vậy mà ngày lão Hán chết, có người phụ Dũng què lo hậu sự. Hồi sống, không nghe lão Hán nhắc gì tới thân bằng quyến thuộc. Nằm xuống, dân gò mả tới đốt nhang. Dũng què xách về can rượu, ngồi uống tì tì thâu đêm. Có rượu, có người nọ người kia, cũng đỡ lẻ loi và căn chòi cũng bớt lạnh lẽo đi đôi chút...

 Chôn lão Hán trong cái huyệt sau chòi, kế bên mả thằng bạn xong. Dũng đóng cửa, bỏ đi đâu cả tuần. Chừng về, có người hỏi Dũng chỉ lắc đầu không nói...

 Tới hồi có cái Khu Công Nghiệp mọc lên ở mấy dãy đất gần đó, thêm dân tứ xứ đổ về kiếm ăn, thì cái xóm của Dũng cũng lòi ra cái chợ. Có cái chợ, có mua có bán, có thêm chuyện làm, nuôi sống được một số người. Người chết cũng được hưởng xái nhang đèn. Thế là hài hòa. Chợ nhóm từ giấc khuya, kéo dài tới chạng vạng. Dũng thôi không nhổ cỏ, dọn mả nữa, để dành chuyện đó cho mấy tay mạt hơn. Dũng sửa lại cái chòi, làm quán. Sáng bán cà phê, chiều bán rượu. Chỉ rượu khan, không mồi màng gì ráo. Uống tại chỗ, hay ra mấy cái mả đá, ngồi lai rai càng tốt. Công nhân mấy xí nghiệp xa nhà, nhiều khi thèm xị rượu không có tiền uống, Dũng cho ghi sổ. Lãnh lương nhớ trả, vậy thôi.

 Lâu ngày coi như lòng vòng khu gò mả ai cũng biết Dũng què. Người thương nhiều hơn ghét. Cái quán đó cũng trở thành nơi tụ họp của mọi thứ trên trời dưới đất. Mấy mụ ở chợ, trưa ế khách hay mấy em bia ôm ở đầu trên, trưa chưa “lên ca” cũng gom nhau lại đậu chén, “điều binh khiển tướng” rần rần. Dũng mặc kệ, có hơi đàn bà cho nó vui cửa vui nhà. Ngặt cái sồn sồn không sao, chứ trẻ một chút là em nào vô, Dũng cũng ngó trừng trừng vô mặt, ngó muốn lòi con ngươi mới dị. Có em bị soi quá, bực mình lên tiếng:

- Ngó chi kỹ vậy cha nội, bộ lạ lắm ha? Sao không kiếm con vợ cho rồi.

Trời đất, nói kiểu này bằng chửi cha Dũng què còn gì nữa. Súng đạn đâu nữa mà ra trận. Cùng đinh mạt hạng, trên răng dưới “cát-tút” còn được, chứ Dũng tới cái “cát-tút” còn không có, thì làm sao lấy vợ! Vậy mà Dũng chỉ cười, rồi đâu lại vô đó, cái tật không bỏ, ai nói gì kệ họ. Chuyện Dũng ưa làm, cứ làm.

 Trong đám gái bia ôm ghé quán, có một em trẻ nhứt, khá nhứt, tên Chi. Dân quê mà trắng trẻo ngon lành. Mặt mũi cũng xinh xắn, ngó không đến nỗi muốn...đi tu như mấy em khác. Bữa đó, tan sòng tứ sắc, chắc bịnh hay sao mà không chịu về làm, ngồi dựa vô vách thở dốc.

Sập tối, Dũng lên đèn, thấy cô vẫn còn ngồi đó, mới lọc cọc đem cây đèn dầu đặt trước mặt, rồi lom khom ngó! Cô Chi trừng mắt chọc tức:

- Khỏi ngó, ưng thì xỉa tiền, tui “đi” với anh.

Dũng tỉnh bơ:

- Bao nhiêu?

Tới lượt cô Chi ngạc nhiên:

- Thiệt giỡn cha?

Dũng khoát tay:

- Ở đó, tui nấu cho tô cháo ăn rồi tính.

Cô nhắm con mắt lại, rồi ngủ thiếp đi. Chừng nghe lạnh giựt mình dậy, thấy Dũng ngồi trước mặt, ngó đăm đăm. Trên bàn có tô cháo trứng và hai tờ giấy một trăm ngàn. Cô bưng tô cháo ăn ngon lành. Dũng ngồi yên, lặng lẽ nhìn cô ăn, rồi hỏi:

- Thấy sao?

Cô gật:

- Khỏe rồi.

Bất chợt, Dũng móc trong túi áo thêm mấy tờ giấy trăm nữa, đặt luôn xuống bàn:

- Ở qua đêm nhé!

Cô nhìn lại Dũng, nhìn vào khuôn mặt chai lì và hai con mắt khẩn cầu rất lâu. Cô đẩy tiền về phía Dũng:

- Khỏi, tui chùa cho anh đêm nay! Ra gài cửa lại đi.

Vừa nói, cô vừa đưa tay lần cởi nút áo. Cặp vú trắng muốt đong đưa, chập chờn dưới ánh đèn. Dũng không nói tiếng nào, chậm chạp vói lấy cây nạng rồi đi về phía cửa...

 Từ đó, không thấy cô ở trong đám đánh bài nữa. Lâu lâu cô lại ghé phụ dọn dẹp, nấu cơm ăn với Dũng. Bữa nào ế độ, không có khách, cô ở lại luôn với Dũng tới sáng. Dân xóm gò mả tỉnh bơ. Lớp lo kiếm miếng ăn mờ mắt, hơi đâu mà để ý chuyện thiên hạ. Lớp toàn dân trời ơi đất hỡi, có chuyện gì mà thấy lạ đâu. Có tiền chơi gái là chuyện thường. Còn chơi kiểu nào, chơi được hay không lại là chuyện khác. Mắc mớ gì tới mình...

 Lại thêm năm nữa. Khác với mọi năm, lần này có vẻ Dũng chuẩn bị kỹ hơn. Một ba lô đầy nhóc đồ, còn mượn cô Chi tới lui coi chừng quán. Cô gần như nghỉ hẳn bên quán bia. Sinh hoạt thường ngày của quán, vắng Dũng, nhờ cô không thay đổi bao nhiêu. Cô dậy từ khuya, nấu ấm nước, pha cà phê. Mở cửa quán, treo cây đèn chông lên cho khách biết. Rồi quay về đúng cái chỗ ngồi của Dũng. Cô cũng châm cho mình điếu thuốc và nhấm nháp ly đen nóng. Ánh sáng ngọn đèn chông, chao đi chao lại, soi lên khuôn mặt thanh tú, lên cái bóng mảnh mai và ma mị của cô. Ngày lại ngày như che lấp đi cái bóng dềnh dàng và khắc khổ của Dũng. Ngồi đó, một mình, cô mới thấy cái cô độc gần như sắp sẵn của những con người trong căn chòi này...  

 

Được hơn tháng thì Dũng về. Đi lâu nhất so với những lần trước. Dũng ốm nhom, già sọm. Cây gậy chống lặc lìa như muốn rời khỏi tay bất cứ lúc nào. Về nhà được mấy hôm, thì nằm liệt giường. Cô Chi kêu xe chở vô bệnh viện, rồi lại chở về. Ít lâu sau thì Dũng mất.

 Trong đám ma, cô Chi khóc sụt sùi. Cũng đỡ tủi thân cho người chết. Có người hỏi:

- Báo với người nhà Dũng chưa.

Cô lắc đầu:

- Không nghe nói gì.

Lại hỏi:

- Vậy chứ năm nào Dũng cũng về quê. Không biết chỗ đó mà nhắn sao!

Cô lại lắc đầu:

- Không phải về quê. Là đi tìm người!

 

Rồi cô kể:

Đêm đó. Đơn vị Dũng hành quân qua làng. Dũng quen một cô con gái trong đám người chạy loạn. Quen vậy thôi, chứ đã hẹn hò, thề thốt gì với nhau đâu. Hôm sau đụng trận, tan tác hết trơn. Dũng bị thương, rồi giải ngũ. Phần coi như chuyện qua đường, đã chắc gì cô gái kia nhớ. Phần mang thân tàn phế, Dũng cũng tưởng chuyện đã xong. Có gặp lại nhau cũng chẳng được gì. Đâu ngờ, cái nhớ cứ lớn dần, chất chồng theo năm tháng. Chịu không nổi, Dũng quyết định đi tìm, dù chỉ một lần được nhìn lại khuôn mặt đó rồi thôi. Năm nào cũng vậy, Dũng chọn cái ngày bị thương, làm ngày trở về chiến trường cũ để tìm người. Lang thang hỏi thăm nát nước, nhưng dễ gì mà tìm được. Không ai nhớ cô, không ai biết, sống chết cũng không ai hay. Mới đó mà đã mấy mươi năm. Có gặp được, đã chắc gì nhận ra nhau. Lần này, hình như biết trước sức khỏe của mình, nên Dũng cũng định đi thêm chuyến chót. Trời thương cho gặp được thì tốt, ngó thấy cô một lần cũng thỏa lòng. Mà tìm không ra cũng thôi, không đi nữa. Ai dè, không đi nữa thiệt...

Kể xong, cô Chi lẩm bẩm như chỉ để mình nghe:

- Lần nào ở đêm với ảnh. Tui ngủ kệ tui, ảnh cứ chong đèn ngồi ngó. Ảnh nói tui có khuôn mặt giống cô gái ngày xưa của ảnh...

Người khác hỏi:

- Cô gái đó tên gì?

Cô Chi chợt cười chợt khóc:

- Tên... Chi!

N.Đ.H