Những xu hướng kiến trúc trong kỷ nguyên số cho đô thị du lịch Đà Nẵng - TS.KTS. Nguyễn Anh Tuấn
Trong những năm gần đây, Đà Nẵng nổi lên như một điểm đến mới đầy hấp dẫn đối với du khách. Năm 2015, tờ báo nổi tiếng New York Times đã bình chọn Đà Nẵng là một trong những điểm đến lý tưởng trên thế giới trong năm. Ai cũng biết Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên độc đáo: Núi, sông, biển cùng đan xen trong lòng đô thị. Nhưng “...Một trong những điều tuyệt vời nhất ở Đà Nẵng chính là: thành phố này không chỉ dựa vào những cảnh quan thiên nhiên để “lấy lòng” du khách. Cứ sau một thời gian ngắn, Đà Nẵng lại giới thiệu thêm nhiều công trình mới có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Có những công trình lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, mang đến cho Đà Nẵng một diện mạo mới mẻ hấp dẫn và hiện đại hơn...”. Chính vì vậy, Đà Nẵng rất cần các công trình kiến trúc mang dấu ấn, đi trước thời đại để xây dựng thành phố ngày càng quyến rũ hơn, văn minh hơn và là đô thị động lực của du lịch miền Trung.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, con người liên tục phá vỡ những giới hạn mới mà trước đây những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể nghĩ tới. Kiến trúc của tương lai, kiến trúc ứng dụng công nghệ số đang bắt đầu nhem nhóm và sẽ có vai trò quan trọng trong nghề Kiến trúc ở tương lai gần. Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright, người có tầm nhìn về thiết kế hài hòa và những tư tưởng quy hoạch đô thị cách tân theo quan điểm kiến trúc hữu cơ, là một điển hình. Ông đã từng nói: “Mỗi kiến trúc sư lớn nhất thiết phải là một nhà thơ lớn. Công trình của họ phải chuyển tải được hơi thở của thời đại và mang dấu ấn của cá nhân”. Chúng tôi tranh luận rằng Wright không chỉ là người chuyển tải thời đại của ông mà còn nhìn thấy được cả những nhu cầu và ước muốn của tương lai.
Trong bài viết này, từ khoảng hai mươi xu hướng tiêu biểu của thế giới, chúng tôi chọn lọc và giới thiệu những xu thế kiến trúc của tương lai dựa trên nền tảng công nghệ số và công nghệ môi trường phù hợp. Tuy phần lớn các cấu trúc còn đang ở dạng tiềm năng, nhưng ý tưởng và phương pháp của chúng gợi mở những hướng đi đột phá cho kiến trúc Đà Nẵng và các đô thị trẻ khác. Những xu hướng này sẽ gia tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của đô thị trong kỷ nguyên số hiện nay.
Công trình có thể thay đổi màu sắc
Một nhóm các nhà thiết kế ánh sáng Avant-garde ở Melbourne đã biến một tòa tháp căn hộ thành một hình khối đầy màu sắc với 35 vệt sáng chạy lên và xuống trên mặt đứng tòa nhà 40 tầng, trong đó có 250.000 đèn LED khuếch tán. Quan trọng hơn ánh sáng của tòa nhà cung cấp nhiều thông tin về thời tiết hơn là nhìn lên bầu trời. Theo các nhà thiết kế, cứ mỗi nửa giờ tòa nhà sẽ thông báo dự báo thời tiết ngày hôm sau, trong khi trong suốt thời gian còn lại nó sẽ giống như một “ngọn hải đăng” đưa ra thông điệp “cảm giác” của thời tiết hiện tại thông qua ánh sáng. Ví dụ khi có gió, hệ thống đèn sẽ cho ánh sáng chuyển động theo chiều gió. Hay màu của ánh sáng sẽ cho biết nhiệt độ chẳng hạn.
Một công trình tương tự là sân vận động Allianz Arena ở thành phố Munich, Đức. Công trình có thể đổi từ màu đỏ (khi CLB Bayer Munich thi đấu) sang màu xanh (CLB Munich 1860) hay màu trắng (đội tuyển quốc gia hoặc giải đấu trung lập thi đấu). Mặt đứng công trình được xây dựng từ 2.874 panel bong bóng màng ETFE được bơm bởi không khí khô ở áp suất 3,5 Pascal. Các panel bong bóng này được chiếu sáng bởi 3 hệ thống đèn màu đỏ, xanh và trắng.
Công trình tự chuyển động - thay đổi hình dạng
Vào năm 2008, kiến trúc sư người Italia David Fisher đã đề xuất xây dựng một tòa tháp 80 tầng có thể tự thay đổi hình dáng theo thời gian cho thành phố Dubai. Tòa tháp gồm 1 lõi giao thông đứng ở chính giữa và các module căn hộ được gắn vào lõi bằng các ray trượt vòng quanh. Cấu tạo này giúp các căn hộ có thể xoay quanh lõi một góc 360º trong vòng 90 phút. Năng lượng cung cấp cho tòa nhà là hệ thống quạt năng lượng gió đặt trong khe hở giữa các tầng, có trục quay là lõi giao thông đứng và các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái từng căn hộ (khi căn hộ trên và dưới so le nhau, pin sẽ hoạt động). Sẽ không còn khái niệm căn hộ hướng Tây.
Mỗi căn hộ đều có đủ 4 hướng mặt tiền, và cảnh quan nhìn từ căn hộ sẽ thay đổi liên tục. Không rõ đến khi nào thì dự án này được xây dựng (theo đề xuất là năm 2010), nhưng nếu thành công đó thực sự là một bữa tiệc thị giác.
Thực ra, xu hướng kiến trúc động đã được kiến trúc sư Calatrava khởi xướng và hiện thực hóa từ trước với hạng mục Quadracci Pavilion trong bảo tàng nghệ thuật Milwaukee vào năm 2001. Quadracci Pavilion có một đôi cánh vươn rộng 66 m che nắng vào ban ngày và gấp lại vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu. Những đôi cánh bằng thép được đóng mở nhờ hệ thống piston thủy lực. Công trình là điểm đến thu hút khách nhất của thành phố Milwaukee.
Công trình có khả năng giao tiếp với công dân đô thị
Với quan điểm cho rằng công trình của tương lai phải thay đổi theo môi trường và cung cấp bộ mặt về tình trạng sức khỏe của đô thị, có thể giao tiếp với công dân và làm cho những thứ không nhìn thấy hiển thị, thành phố Seoul đã lắp đặt một cấu trúc cố định gọi là Living Light với khả năng phát sáng và nhấp nháy theo chất lượng môi trường không khí hiện thời và các mối quan tâm của công chúng về môi trường trên toàn bộ các quận khác nhau của thành phố. Living Light bừng sáng về đêm, có các bề mặt cảm ứng và cung cấp thông tin tinh tế. Living Light cũng có thể tương tác với điện thoại di động của cá nhân.
Công trình trong suốt hay vô hình
Kiến trúc vô hình đã từng là một phần của thiết kế viễn tưởng, nhưng ngày nay nó đã dần trở thành hiện thực. Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc chấp thuận phương án xây dựng tòa tháp Tower Infinity ở Incheon theo thiết kế của GDS Architects. Tòa tháp được coi là tòa tháp tàng hình đầu tiên trên thế giới, sử dụng công nghệ chụp xử lý hình ảnh bầu trời ở phía sau tòa tháp và chiếu lên mặt đứng phía trước làm từ các màn hình LED công nghệ cao khổng lồ. Với kỹ thuật này, ở một số góc nhìn nhất định, tòa tháp dường như trong suốt.
Thực tế hơn, văn phòng kiến trúc Stpmj đã thiết kế và xây dựng thành công một cấu trúc có tên “Ngôi nhà vô hình” ở trong rừng ở Truckee, California. Cấu trúc được xây dựng bằng khung gỗ và phủ mặt bằng một lớp phim nhựa tráng nhôm phản quang. Ý tưởng này khiến công trình hoàn toàn chìm đắm trong thiên nhiên, không còn ranh giới giữa môi trường xây dựng và môi trường tự nhiên. Bề mặt công trình phản xạ khoảng 90% tia cực tím (bước sóng 200nm - 400nm), giúp cho các loài chim nhận biết được bức xạ phản xạ và không bị va vào cấu trúc.
Đường skylines kiểu khoa học viễn tưởng
Vào năm 2014, công ty kiến trúc Trung Quốc MAD tiết lộ thiết kế của Chaoyang Park Plaza. Đây là một phức hợp gồm nhà siêu cao tầng, văn phòng và không gian công cộng với hình dáng gợi nhớ về núi, đá, thác, hồ nước... trong những bức tranh thủy mặc Trung Quốc. Khu phức hợp hiện đang xây dựng và sẽ giúp hình thành nên một đường chân trời siêu thực cho Bắc Kinh, giống như được trích từ một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. MAD viết trên trang web của họ rằng hình thái của công trình phản ánh những gì có trong cảnh quan tự nhiên như hồ, núi, đá, cây cối, thác... và tái hiện tự nhiên trong hiện thực đô thị.
Cầu “thôi miên”
Dự án cầu đi bộ qua sông Dragon King Harbour của thành phố Trường Sa, Trung Quốc của NEXT architects vừa giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế và hiện nay đang trong quá trình xây dựng. Chiếc cầu gồm 3 làn đi bộ uốn lượn băng qua khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh của Trường Sa. Theo kiến trúc sư chính của dự án, cấu trúc với các phần giao nhau được dựa trên nguyên lý của vòng Möbius (một kiểu vòng xoắn). Mặt khác, cấu trúc này cũng mang một chút hơi thở của nghệ thuật thắt dây trang trí dân gian cổ Trung Hoa. Chiếc cầu bằng thép này kết nối nhiều độ cao khác nhau (bờ sông, đường, công viên cao hơn cũng như sự kết nối giữa chúng). Hình dáng của nó cho phép liên tưởng về sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại. CNN cho rằng đây là một trong những cây cầu đẹp nhất, phá vỡ mọi khuôn mẫu về cầu đi bộ.
Kiến trúc có khả năng chống chịu với thiên tai
Trong chuỗi thiết kế “Đảo Dauphin”, họa sĩ Dionisio González đã thiết kế những ngôi nhà có cấu trúc tương lai mơ ước, làm từ sắt và bê tông, hòa trộn vai trò của nghệ sĩ với kiến trúc sư, kỹ sư và nhà quy hoạch đô thị. Những kiến trúc đặc biệt - vừa giống một ngôi nhà bãi biển, một bunker hay một tàu vũ trụ - được thiết kế cùng với những cư dân của đảo Dauphin. Nằm ngoài khơi bờ biển Alabama ở Vịnh Mêhicô, vùng đất này đã trải qua những trận bão lớn và thảm khốc, khiến người dân phải xây dựng lại nhà cửa của họ nhiều lần. González đã tạo ra những bản thiết kế với các cấu trúc bê tông và phiến, phù hợp với điều kiện khí hậu của quần đảo đông đúc này. Tuy các cấu trúc này chưa được thực hiện, nhưng chắc chắn González đã vẽ ra một bức tranh thú vị về những ngôi nhà tương lai vùng biển có thể trông như thế nào.
Kiến trúc có thể tự phân hủy
Công trình có tên gọi Hi-Fi này là hạng mục chiến thắng trong Chương trình kiến trúc sư trẻ (YAP) lần thứ 15, được xây dựng phương pháp thiết kế phỏng sinh học mới và toàn vật liệu hữu cơ. Cấu trúc tạm thời này đã được dùng tổ chức các sự kiện kéo dài 3 tháng mùa hè 2014 của tổ chức MoMA PS1.
Khu tháp cao 13m này được tạo ra bởi “xếp chồng lên nhau 10.000 viên gạch làm từ hai vật liệu mới: gạch hữu cơ sản xuất sinh thái, làm từ thân cây ngô và nấm mycelium - một loại keo tiêu hóa tự nhiên đi kèm các khung xương đặc biệt; và gạch phản chiếu ở đỉnh tháp (để phản xạ ánh sáng vào trong tháp), sử dụng vật liệu 3M, đã được sử dụng như là các khay phát triển cho gạch hữu cơ trước khi được lắp đặt vào tòa tháp”. Khoảng cách giữa các viên gạch giúp tạo thông gió kiểu ống khói khi gió mát đi vào bên dưới và thoát ra từ đỉnh tòa tháp. Theo trang web của MoMA, Hi-Fi sẽ là công trình đáng kể đầu tiên có thể nói là phát thải carbon gần như bằng không trong quá trình xây dựng và cho thấy một kiến trúc có thể phân hủy được 100%. “Nhờ sự phát triển mới nhất của công nghệ sinh học, nó tái tạo lại cấu trúc cơ bản nhất - kiến trúc - gạch - như là một chất liệu của tương lai”. Sự thành công của công trình này đã mở ra nhiều cơ hội cho xây dựng trong tương lai.
Kiến trúc bằng vật liệu thu hồi tái sử dụng
Tái sử dụng vật liệu xây dựng sau khi phá dỡ công trình giúp giảm thiểu chất thải rắn thải ra môi trường và tiết kiệm tài nguyên và chi phí xây dựng. Build It Green đã đưa một số chất thải này trở lại vào việc xây dựng mới thông qua công ty phá dỡ, hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty và các sáng kiến tiếp cận cộng đồng. The Living (một studio thiết kế của Autodesk) đã làm việc với Built It Green trong nhiều năm qua để có một dự án trình diễn và tài liệu giảng dạy. Đối với tòa nhà mới ở Gowanus (New York), họ thiết kế một cửa hàng mới để thay chỗ một bức tường bằng gạch với không gian bán lẻ và không gian cộng đồng. Họ đã tái sử dụng các xà rầm cũ cho kết cấu, cửa đi kính đã được tái sử dụng làm vỏ bao che, bê tông đã được tái sinh làm ramp dốc và chỗ ngồi trong nhà, và sơn tái chế bổ sung các hạt thủy tinh để tạo ra hiệu ứng thị giác mới mẻ để thu hút mọi người đến với công trình mới này. Hệ thống của họ bao gồm 99% vật liệu được tái sử dụng (lấy từ các dự án phá dỡ khác nhau trong thành phố) và đưa ra một định nghĩa mới về “kiến trúc xanh”.
Kiến trúc và nội thất sử dụng công nghệ in 3D
Công nghệ in 3D hứa hẹn một cuộc cách mạng trong kiến trúc, cho phép người thiết kế bấm chuột và in một công trình với chi phí xây dựng thấp hơn và rút ngắn được thời gian so với hiện tại. Công nghệ cũng cho phép hiện thực hóa các cấu trúc không gian hữu cơ mà không thể làm bằng biện pháp thông thường. Vào năm 2015, công trình hoàn chỉnh đầu tiên của thế giới được công bố là tòa nhà Văn phòng cho Tương lai, nằm trong khu phức hợp Emirates Towers ở Dubai. Tòa nhà có diện tích 250 m2 này được “in” đùn từng lớp bởi một máy in khổng lồ (6 x 36 x 12 m) với vật liệu là vữa xi măng. Thời gian để in xong là 17 ngày, không kể thời gian hoàn thiện trong và ngoài. Ngoài máy in 3D lớn còn một vài máy in nhỏ di động hỗ trợ. Dường như công trình được in từng phần ở một nơi khác và đem đến lắp ghép tại đây. Lực lượng lao động bao gồm một nhân viên duy nhất theo dõi tiến trình của máy in, 7 người để lắp đặt các bộ phận xây dựng, và 10 thợ điện và các chuyên gia khác để xử lý các vấn đề kỹ thuật. Chính quyền Dubai cho biết chi phí nhân công ước giảm một nửa so với phương pháp truyền thống. Ngoài công trình này, thế giới đã chứng kiến nhiều cấu trúc xây dựng và nội thất bởi in 3D khác, chứng tỏ rằng công nghệ này đã ở rất gần với thực tế.
Vài suy ngẫm và bàn luận
Kiến trúc không ngừng thay đổi. Nhưng chưa bao giờ kiến trúc thay đổi nhanh chóng như trong kỷ nguyên số hiện nay. Kiến trúc thay đổi từ chỗ chỉ là phần cứng đến chỗ có phần mềm, có sức sống, từ tĩnh đến động, từ đóng thành mở, từ thực thành ảo... Với khả năng sáng tạo mở rộng, tri thức mới và công nghệ thông minh, môi trường xây dựng đang xích lại gần với môi trường tự nhiên, thân thiện với tự nhiên, bắt chước tự nhiên, phản ánh chân thực văn hóa và truyền thống, có khả năng thay đổi hay cung cấp thông tin, thậm chí giao tiếp với con người. Kiến trúc đang phá vỡ những giới hạn của chính nó. Trong cuộc chơi kiến trúc hiện nay, hoặc là chúng ta chấp nhận thay đổi và tích cực thích ứng với thay đổi, hoặc là chúng ta tụt lại phía sau số đông.
Đà Nẵng đang thay đổi nhanh chóng, bước đầu tạo được dấn ấn riêng trên nền tảng sẵn có. Để tiếp tục duy trì ưu thế cạnh tranh, kiến trúc Đà Nẵng phải tích cực thích ứng với thay đổi, hướng đến tương lai. Những mục tiêu thành phố thông minh, thành phố môi trường, những đường skylines đô thị mới, những điểm nhấn kiến trúc, những cây cầu con phố, những cột mốc mới đang rất cần cảm hứng từ 10 xu hướng kiến trúc của tương lai nói trên.
N.A.T