Vài suy nghĩ từ Giải thưởng ảnh báo chí thế giới - Lê Hải
(Trích tham luận tại Đại hội Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Đà Nẵng ngày 09/10/2018)
Trên thế giới hiện nay có 2 cuộc thi ảnh báo chí danh giá nhất mà bất cứ nhà nhiếp ảnh nào cũng vinh dự khi tác phẩm của mình được bình chọn dù chỉ để trưng bày. Đó là Giải Ảnh Báo chí Thế giới World Press Photo và giải Pulitzer.
Giải World Press Photo do Hội Tương tế Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo Foundation) sáng lập. Đây là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập vào năm 1995 tại Hà Lan, với mục tiêu chính là hỗ trợ và quảng bá tác phẩm của các phóng viên ảnh chuyên nghiệp. Hằng năm, World Press Photo tổ chức cuộc thi ảnh với quy mô lớn nhất thế giới và được đánh giá là cuộc thi danh giá nhất trong lĩnh vực này. Những tấm ảnh trúng giải sẽ được triển lãm lưu động tại hơn 80 quốc gia và in trong một tuyển tập với sáu ngôn ngữ. Tháng 6 vừa qua, cuộc trưng bày 130 tác phẩm của cuộc thi này đã được tổ chức tại Hà Nội lần đầu tiên.
Ngoài chương trình phát giải thưởng và triển lãm, World Press Photo còn theo dõi sát sao những diễn biến của hoạt động ảnh báo chí và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo 7 lần mỗi năm dành cho các nhà nhiếp ảnh, các tổ chức nhiếp ảnh và các biên tập viên ảnh tại các nước đang phát triển và một lớp học, tổ chức hằng năm tại Hà Lan dành cho các nhà nhiếp ảnh tài năng mới khởi nghiệp.
Ngoài giải thưởng “Ảnh Báo chí của năm” cao quý nhất, Hội còn trao những giải thưởng cho 10 hạng mục và trong mỗi hạng mục sẽ có 3 giải cho ảnh đơn và 3 giải cho ảnh bộ.
Năm 2017 hơn 5.000 nhà nhiếp ảnh từ 125 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới đã gửi đến hơn 80.000 bức ảnh tham gia cuộc thi này. Hằng năm có khoảng từ 70 đến 80.000 ảnh được gửi đến cuộc thi.
Năm 2018, tác phẩm “Cuộc khủng hoảng Venezuela” của phóng viên Ronaldo Schemidt đã xuất sắc giành giải Bức ảnh của năm. Trong đó, ghi lại cảnh tượng một thanh niên bị bốc cháy trong vụ xô xát với cảnh sát chống bạo động tại cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, ở Caracas (Venezuela).
Bức ảnh của phóng viên Oliver Scarf chụp cảnh các thành viên của hai đội Up'ards và Down'ards, vật lộn để tranh nhau quả bóng trong trận cầu lịch sử Royal Shrovetide tại Ashbourne, Derbyshire (Anh) vào ngày 28/2/2017, đã giành giải Nhất chủ đề Thể thao.
Bức ảnh có tựa đề "Bảo vệ những chiến binh voi" giành giải Nhất chủ đề Thiên nhiên đã được trao cho phóng viên Ami Vitale, với hình ảnh một người quản tượng đang chăm sóc một chú voi tại Khu bảo tồn Voi Reteti, phía Bắc Kenya.
Bức ảnh năm của giải 2017, được trao cho Burhan Ozbilici, chụp khoảnh khắc tay súng Mevlut Mert Altintas - một sĩ quan trong lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ - giơ tay lên trời sau khi bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Chùm ảnh tài liệu về nạn săn bắt tê giác ở Châu Phi nhắc nhở một cách đau đớn về sự đồng lõa của con người vào việc hủy diệt thiên nhiên. Hiện nay số loài động vật trong Sách đỏ có nguy cơ tuyệt chủng đã tăng đến 16.118 loài vào năm ngoái. Giải nhất ảnh câu chuyện ở hạng mục ảnh Thiên nhiên thuộc về nhiếp ảnh gia Brent Stirton với bức ảnh chụp một con tê giác đã chết sau khi bị cắt mất sừng tại Khu bảo tồn Umfolozi Game, Nam Phi.
Trong hạng mục Các vấn đề đương đại, giải nhất ảnh đơn thuộc về nhà nhiếp ảnh Jonathan Bachman, chụp lại khoảnh khắc đối đầu giữa nhà hoạt động da màu Ieshia Evans và cảnh sát chống bạo động trong một cuộc biểu tình bên ngoài Sở Cảnh sát Baton Rouge, bang Louisiana, Mỹ ngày 9/7/2016. Nữ y tá Evans, 28 tuổi, biểu tình phản đối vụ 2 cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da màu có tên Alton Sterling nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc cố hữu tại Mỹ.
Vị trí cao nhất ảnh đơn của tác giả Laurent Van der Stockt, chụp nét mặt sợ hãi của những đứa trẻ khi lực lượng đặc nhiệm Iraq lục soát các căn nhà ở Gogjali để truy lùng các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Giải nhất ảnh đơn ở hạng mục ảnh Thiên nhiên được trao cho bức ảnh chụp một con rùa biển đang cố gắng tìm cách thoát ra khỏi tấm lưới ở ngoài khơi Tenerife, quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Bức ảnh do tác giả Francis Perez chụp.
Hình ảnh vui tươi của Ami Vitale về những con gấu trúc trong khu huấn luyện đứng ở vị trí thứ hai, trong khi những bức chân dung của mẹ thiên nhiên đầy quyến rũ của Bence Máté chiếm vị trí thứ ba trong hạng mục Bài viết qua ảnh.
Bên cạnh những bức ảnh ghi lại các cuộc khủng hoảng, bạo loạn, giao tranh, xả súng đẫm máu là những vấn đề khác như môi trường, tự nhiên, các vấn đề đương đại hay đơn giản là những bức ảnh mang màu sắc tư liệu, những bức ảnh đẹp độc đáo về môi trường thiên nhiên, ghi nhận sự dấn thân của các nhà nhiếp ảnh, không ngại gian khổ, nguy hiểm, hy sinh máu xương để có thể chụp được những bức ảnh đó.
Đặc biệt, bộ ảnh The Pink Choice, Sự lựa chọn màu hồng của nhà nhiếp ảnh trẻ Maika Elan, tên thật là Nguyễn Thanh Hải đoạt giải nhất thể loại Vấn đề đương đại với phóng sự ảnh về những người đồng tính Việt Nam năm 2012. Cô là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải thưởng World Press Photo.
4 năm sau, 2006, Nguyễn Việt Thanh, phóng viên TTXVN, được giải Vàng ảnh Báo chí châu Á (Asian Press Photo) lần thứ nhất, hạng mục Cuộc sống hằng ngày (Daily Life). Bức ảnh chụp cảnh các cháu học sinh lần đầu tiên xem chương trình truyền hình được phát qua vệ tinh trong căn nhà nghèo nàn của mình tại một bản dân tộc tại Hà Giang.
Cho đến nay, chưa có người Việt Nam thứ 3 đoạt giải ảnh báo chí thế giới. Trong khi đó, hàng trăm các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã từng đoạt các loại giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế.
Giải Pulitzer là một giải thưởng vinh danh những thành tựu trong ngành báo chí, văn học, kịch nghệ ở Mỹ, được thành lập năm 1917 theo ý nguyện của nhà xuất bản Joseph Pulitzer, giải thưởng được trao hằng năm với 21 hạng mục. Mỗi người chiến thắng tại 20 hạng mục được cấp giấy chứng nhận và giải thưởng tiền mặt trị giá 15.000 USD. Người chiến thắng tại hạng mục Dịch vụ báo chí công được nhận huy hiệu vàng.
Lễ trao giải báo chí Pulitzer thường niên luôn là một trong các sự kiện văn hóa được chờ đợi nhất trong năm, thu hút từ 2.500 đến 3.000 tác phẩm mỗi lần.
Các giải thưởng vinh danh những nỗ lực làm việc say mê của các tác giả để tạo ra các tác phẩm có sức lan tỏa và gắn liền với đời sống. Các tòa soạn không ngại động chạm đến các vấn đề nóng trong nước và quốc tế.
Giải “Ảnh thời sự” (Feature Photography) cho E. Jason Wambsgans với bức ảnh cậu bé 10 tuổi Tavon Tanner sống sót sau vụ nổ súng ở khu phố bạo lực tại Chicago, Mỹ.
Bức ảnh “Em bé váy xanh” của Massoud Hossaini, phóng viên ảnh hãng AFP đạt giải Nhất Pulitzer danh giá năm 2012 cho hạng mục “Ảnh thời sự” được chụp trong một vụ đánh bom tự sát tại Afghanistan khiến gần 60 người thiệt mạng. Một em bé mặc chiếc váy xanh nhuốm máu, khóc thét đau đớn khi xung quanh em là xác người nằm la liệt đã gây ấn tượng mạnh với truyền thông thế giới.
Năm 2016, hạng mục “Báo chí
quốc gia” (National Reporting) phóng viên David Fahrenthold 39 tuổi (The Washington Post) giành chiến thắng cho loạt bài phanh phui tính thật giả của các tuyên bố liên quan tới công tác từ thiện của tỉ phú Donald Trump trong chiến dịch tranh cử của ông.
Việt kiều Mỹ, anh Nguyễn Thanh Việt (sinh ra tại Buôn Ma Thuột) hiện đang là phó giáo sư tại Đại học Bắc California (Mỹ) được vinh danh giải Pulitzer với tác phẩm tiểu thuyết “The Sympathizer” năm 2016, là câu chuyện về chiến tranh, xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là một người đàn ông mang hai dòng máu Việt - Mỹ. Anh là người Việt Nam thứ 2 sau Nick Út đoạt giải thưởng này (năm 1973).
Để đoạt Giải thưởng cao quý với loạt bài bảo vệ người da màu của tờ New York Daily News và ProPublica, nhóm phóng viên của hai tờ báo đã nghiên cứu hơn 1.100 vụ cảnh sát New York lạm dụng luật cưỡng chế ra khỏi nhà để buộc những người dân thiểu số, hầu hết là nghèo khổ phải rời bỏ nhà cửa của mình. Loạt bài này đã buộc chính quyền New York phải xem xét lại luật và thông qua các cuộc cải cách sâu rộng.
Pulitzer còn trao giải “Tin tức quốc tế” (International Reporting) cho các phóng viên về loạt bài nghiên cứu hoạt động của Tổng thống Nga Valadimir Putin nhằm tăng ảnh hưởng của Nga tại nước ngoài.
Giải “Ảnh thời sự” (Breaking News Photography) cho nhiếp ảnh gia tự do Dainiel Berehulak với những bức ảnh tàn khốc chụp lại xác người trong chiến
dịch bài trừ ma túy của Tổng thống Philippines Duterte.
Phóng viên Tyler Hicks New York Times đoạt giải với chùm ảnh ghi lại vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại trung tâm mua sắm Westgate tại Kenya. Giải còn lại thuộc về phóng viên Josh Haner với bài báo ảnh về một nạn nhân trong vụ đánh bom marathon Boston.
Qua những tác phẩm ảnh báo chí thế giới chúng ta nhận ra rằng, những tác phẩm ảnh được ban tổ chức chọn trưng bày và trao giải phần lớn miêu tả nỗi bất hạnh, sự mất mát, nghèo đói của con người trong chiến tranh, trong thời bình, trong những cuộc xung đột, những tác phẩm làm thay đổi chính sách, cái nhìn, tác động tích cực đến những vấn đề trọng đại của quốc gia và quốc tế.
Tất nhiên nhiều tác phẩm thể hiện cái tốt, cái tích cực trong cuộc sống hằng ngày cũng được chọn lựa chứ không phải thế giới chỉ một màu đen.
Đã có một thời và thậm chí ngay cả bây giờ, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh còn e ngại phản ánh mặt trái của xã hội, không dám vạch trần sự xấu xa ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Có thể vì thế các tác giả nhiếp ảnh Việt Nam đã không đoạt được giải nào hay tác phẩm nào được chọn dự treo hoặc đoạt được các giải thưởng lớn.
Chúng ta còn nhớ, bức ảnh Không thể để thế này được của Vũ Ba, phóng viên báo Quân đội Nhân dân, bức ảnh đen trắng chụp một bé gái mắt dõi về phía xa đau đớn gào khóc trên nền những ngôi nhà cháy dữ dội và cảnh đổ nát hoang tàn thời chiến tranh đánh phá miền Bắc. Bức ảnh gây ấn tượng mạnh, đoạt Giải thưởng lớn tại cuộc thi ảnh quốc tế ở Liên Xô năm 1967 và bốn chục năm sau đoạt Giải thưởng Nhà nước khi cái nhìn của lãnh đạo đã thay đổi tiến bộ hơn. Nhưng một thời gian dài nó bị lãng quên và tác giả gặp muôn vàn khốn khó, bị phê bình kiểm điểm, mười mấy năm không lên lương, không được triển lãm, phát hành. Lý do: Quá đau thương, làm yếu lòng người ra trận, và gây tâm lý sợ hãi chiến tranh. Mãi đến năm 1979 khi Trung Quốc đánh Việt Nam, báo Nhân Dân có bài khen bức ảnh, tít về sau là Phúc Tân kêu gọi trả thù, thì nó mới được nhìn nhận lại.
Cũng trong thời gian đó, ngày 8/6/1972, nhiếp ảnh gia Nick Ut, một người Việt Nam làm việc cho hãng thông tấn AP chụp cảnh máy bay Mỹ ném bom Napalm xuống Trảng Bàng, Tây Ninh, nơi quân Giải phóng đang kiểm soát. Lúc đó anh mới 21 tuổi, đang là phóng viên chiến trường. Anh tới làng khi trận không kích đang diễn ra và chụp được những bức ảnh làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh ở Việt Nam. “Em bé napalm” Phan Thị Kim Phúc khi ấy 9 tuổi cùng nhiều trẻ em khác vô cùng hoảng loạn, toàn thân bỏng rát, vừa gào khóc vừa chạy khỏi ngôi làng. Ngay ngày hôm sau, tấm ảnh được đưa lên trang bìa của tờ New York Times. Tác giả được trao Giải Pulitzer và bức ảnh được chọn làm Ảnh Báo chí Thế giới Năm 1972. Được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Tự do sáng tác là chiếc đũa thần mầu nhiệm đưa các tác giả thoát ra khỏi mọi sự ngăn cản sáng tạo để làm nên những tác phẩm có giá trị lịch sử, nhân văn, tác động đến cuộc sống xã hội và con người.
So với những năm trước đây, các nghệ sĩ nhiếp ảnh nước ta hiện nay đã được tự do hơn rất nhiều. Những tác phẩm của họ có giá trị lịch sử, nhân văn, tác động tích cực đến cuộc sống xã hội và con người, góp phần làm cho xã hội tốt hơn.
L.H