Thím tôi - Hoàng Nhật Tuyên
Có thể trong làng, không ít người cho rằng, thím Luyến - thím dâu của tôi là dại. Ai đời, chồng của mình lén lút đi ăn nằm, có con với người khác, vậy mà không những không ghen tuông gì hết, lại còn tìm cách giúp đỡ, nuôi con của người ta nữa. Nhưng với bà con trong dòng họ nhà tôi thì ai cũng phục thím dâu tôi sát đất. Nhờ thím mà gia đình chú Sáu Di, chú ruột của tôi đã qua được một thời sóng gió. Đến cả mẹ tôi, sau này cũng có lúc nói với cha tôi: “Chỉ có thím Luyến mới chịu đựng được, chứ tôi thì đừng hòng. Tôi mà lâm vào cảnh ấy, tôi đã đuổi ông ra khỏi nhà lâu rồi!”. Còn bà nội tôi, mỗi lần nhắc tới chuyện gia đình của chú út đều nói: “Thằng Sáu Di may phước mà gặp con Luyến, chứ nếu gặp người khác, đời nó giờ chẳng biết ra sao!”.
Ông bà nội tôi vốn sống bằng nghề nông và có cả thảy năm người con, gồm cha tôi là con trưởng, kế đó là ba bà cô và cuối cùng là chú Sáu Di. Theo lời ông bà thì ngày bà nội có thai, ông tôi đánh lưới ngoài suối, bắt được một con cá ngạnh rất to. Khi làm, không may cái vi cá ngạnh đã đâm vào, làm tay bà nội sưng vù cả tuần mới hết. Ở miền Trung quê tôi người ta đọc chữ “vi” cá thành “di” cá. Vì lý do trên mà khi sinh chú Sáu ra, ông nội tôi đã đặt tên là Di, và mọi người gọi chú là Sáu Di.
Nằm ở bờ Bắc con sông Thu Bồn, trước năm 1975, quê tôi là một vùng đất chiến tranh diễn ra rất ác liệt. Chú Sáu Di trong thời gian này đã trở thành một chiến sĩ du kích rất can trường, không chỉ nổi tiếng trong xã mà còn được cả huyện biết đến. Ngày đất nước hòa bình thống nhất, nhờ thông minh, nhanh nhẹn, lại chịu khó học hành nên chẳng mấy chốc chú Sáu trở thành cán bộ có uy tín được giao giữ những trọng trách lớn của xã. Năm 25 tuổi, chú Sáu lấy thím Luyến người cùng thôn, vốn cũng là bạn chiến đấu trước đó, và hai người đã có một mái ấm gia đình so ra chẳng kém ai trong bạn bè cùng lứa. Thế rồi mấy năm sau, khi chú tôi được bầu làm Chủ tịch xã thì một chuyện không hay đã lan ra khắp nơi: Cô Bảy Mượt ở xóm trên cách nhà chúng tôi không xa tự dưng có bầu.
Tác giả làm cho cái bụng của cô Bảy Mượt ngày càng lớn là ai?
Không ai biết. Mọi người trong làng dọ hỏi nhưng cô Bảy Mượt một mực nói rằng, cha cái thai trong bụng mình là một người ở xa tới. Có người hỏi sâu thêm thì cô chỉ cười và bảo: Đó là một thằng cha bán chiếu dạo! Mình không lấy chồng được thì xin người ta đứa con để nuôi, sau này già cả có chỗ nương nhờ...
Ở quê tôi ngày ấy, vào thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, mọi phương tiện giải trí chưa phong phú như bây giờ. Không nhà nào sắm được ti vi, mỗi xóm chỉ có vài chiếc radio cassette để nghe nhạc và cải lương. Bài tân cổ giao duyên “Tình anh bán chiếu” là bài hát mà cả người lớn trẻ nhỏ ai nấy đều thích, tối đến đầu xóm, cuối xóm đều mở máy hát oang oang. Có sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là cũng vào thời gian này, từ miền dưới, có một vài người đàn ông hay gánh chiếu lên quê tôi bán dạo. Chiếu...iếu...đây... ây...ây! Chiếu...iếu...đây...ây...ây!. Mấy người đàn ông ấy thường đi khắp mọi con đường lớn, đường nhỏ, vừa đi vừa hô. Nhà nào muốn mua chiếu thì mời họ vào. Chiếu trắng, chiếu hoa, khi cần, người bán tháo gánh, trải chiếu ra nền đất, người mua cứ thế mà lựa, mà chọn.
Chắc vì những lý do trên, nên khi nghe cô Bảy Mượt nói mình đã chung đụng với anh chàng bán chiếu dạo, trong thôn, trong xóm, ai cũng tin. Bọn nhỏ giữ trâu, khi thấy cô đi qua, có đứa nghịch ngợm còn hát một câu trong bài “Tình anh bán chiếu” để trêu: “Hò ơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm/ Công tôi cực lắm, mưa nắng dãi dầu/ Chiếu này tôi chẳng bán đâu/ Tìm em không gặp/ Hò ơi... Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm...”.
Thím Luyến của tôi là chỗ thân thiết với cô Bảy Mượt, do trước đây hai người cùng ở trong đội du kích xã, đã từng đồng cam, cộng khổ với nhau. Cô Bảy Mượt lại có hoàn cảnh rất éo le, đó là trong một trận đánh nhau với địch, một mảnh pháo đã bay xoẹt qua mặt, làm cô bị thương. Tại một bệnh viện đóng trong rừng, các bác sĩ của ta thời đó cố chạy chữa nhưng trên vết thương ở má trái của cô vẫn còn cái sẹo rất dài. Có lẽ cũng một phần do điều này mà đến khi lớn tuổi, cô vẫn không thể lấy chồng, mặc dù cô là người rất hiền lành và đảm đang. Vì vậy, khi biết chuyện cô Bảy Mượt có bầu, thím Luyến càng thông cảm và yêu thương bạn mình hơn. Thím tìm cách nhỏ to tâm sự. Có lần thím hỏi thẳng:
- Bà Mượt, bà nói thiệt nghe thử! Có hai thằng bán chiếu hay đến xóm mình. Một thằng cao, một thằng thấp. Bà thương thằng cao hay thằng thấp mà có bầu vậy hả?
- Một thằng khác chứ không phải hai thằng đó! Bà không biết thằng này đâu! Tôi đuổi không cho nó bén mảng đến đây nữa rồi! Mà hỏi chi? Mục đích của tui là kiếm đứa con để nuôi mà. Quan tâm làm chi chuyện thằng cao hay thằng thấp...
Thím Luyến nghĩ rằng cô Bảy Mượt nói thật, không tra gạn gì thêm, mà từ đó càng năng lui tới giúp đỡ cho bạn mình nhiều hơn. Chẳng lâu sau, cô Bảy Mượt sinh được thằng con trai, đặt tên là Bình.
Thằng bé không cha trông rất kháu khỉnh, và dường như hiểu hoàn cảnh của mình nên chịu ăn, chịu ngủ, ít ốm đau, và khi ba tuổi trông nó trùng trục như được trời nuôi. Nó lon ton đi lại, rồi nhập bọn, chơi với đám con nít trong xóm. Có điều càng lớn thằng bé trông càng giống chú Sáu Di của tôi. Thoạt đầu người ta xì xầm, bàn tán, sau đó tin đồn lan rộng ra, rồi một bữa đã đến tai thím Luyến.
Chẳng lẽ chuyện này là thật? Thoạt đầu chưa tin, nhưng một lần vào buổi trưa, đón thằng bé đi chơi về giữa đường, ngắm kỹ, thím tôi giật mình. Thằng bé rất giống Sáu Di chồng mình, giống từ cặp lông mày rộng đến hai vành tai vểnh ra. Cái mũi, cái miệng, môi dưới, môi trên cũng giống. Chỉ có khác chút là da thằng bé trắng, còn da chồng thím thì ngăm đen...
Đau đớn nhưng thím Luyến cố dằn lòng, tự an ủi rằng, người dưng có thể giống người dưng, với lại trẻ con thường thay đổi về khuôn mặt theo thời gian. Tuy vậy, đến chiều thì sự bực tức trong lòng cứ trào lên, chắn ngang cổ họng, làm cho thím không chịu được nữa nên tìm đến nhà cô Bảy Mượt.
Đang xới cỏ, vun gốc cho mấy vồng khoai sau hè, thấy thím Luyến đến, cô Bảy tươi cười, bỏ việc để tiếp bạn. Ai dè, không vòng vo tam quốc, vào nhà chưa kịp ngồi, thím tôi đã mặt đỏ phừng phừng, chỉ tay vào người đối diện, nói với giọng giận dữ:
- Bà Bảy Mượt! Tui hỏi, bà phải nói thiệt tui nghe! Tui với bà là bạn, sao bà lại nỡ lòng nào lấy Sáu Di, chồng tui hả? Là con người, bà làm vậy được không?
Thấy mặt cô Bảy Mượt tái mét, miệng ú ớ như muốn giải thích, nhưng để đối phương không kịp trở tay, thím Luyến liền tấn công tiếp:
- Thằng nhỏ là con của Sáu Di phải không? Sáu Di khai thiệt hết rồi! Bà nói đi!
Chuyện mà sau này tôi được biết thì lúc ấy, trước đòn “đánh chặn ngọn” khá bất ngờ của thím dâu tôi, cô Bảy Mượt đã tái mặt, ngã quỵ xuống. Cô chỉ nói được câu “Bà Luyến ơi, chuyện đã lỡ, mà đã lâu rồi, tui xin lỗi bà”, rồi ôm mặt khóc.
Thím tôi cũng choáng váng trước sự thật. Thà rằng cô Bảy cứ chối phăng có khi thím không bị sốc đến vậy. Thím chồm tới, định túm tóc, đá mấy đá vào người đang ngồi dưới đất. Nhưng thím kịp dừng lại, vì nhớ chuyện ngày xưa, hồi còn ôm súng chiến đấu bên nhau, có lần thím bị máy bay HU1A bắn bị thương và cô Bảy đã cứu thím, cõng về chỗ đóng quân. “Bà là đồ xấu xa!”, thím hét thật to rồi quát tháo ầm ĩ. Tuy nhiên thấy cô Bảy chẳng nói gì để thanh minh thanh nga nữa mà chỉ khóc, mái tóc dài buông xuống tấm thân gầy gò, trông rất thảm nên thím tôi chẳng biết phải làm sao, đành tức tưởi bỏ về.
Đêm hôm ấy, đợi cho ba đứa con đi ngủ, thím Luyến gọi chú Sáu Di xuống, ngồi vào chiếc bàn ăn cơm ở nhà bếp. Tưởng vợ bàn chuyện gì, chú tôi hớn hở chờ đợi, nào ngờ thím Luyến lại gần bếp, rút con dao phay, bước tới, cắm phập xuống bàn, trừng mắt nhìn chồng:
- Ông nói đi! Con mẹ Bảy Mượt chiều nay đã khai hết mọi chuyện với tôi rồi! Ông tằng tịu với nó bắt đầu từ thời nào? Ông có con có cái với người ta, hỏi còn xứng làm chồng tui nữa không?
Nghe đâu chú tôi lúc đầu chối quanh nhưng sau đó gục đầu xuống bàn, thân hình tựa con bún, thú tội hết. Trước cơn thịnh nộ của thím Luyến, chú kể rằng, mình chỉ quan hệ với cô Bảy Mượt một lần duy nhất và không ngờ lại gây ra chuyện nghiêm trọng. Theo lời chú, vào một buổi tối, đi dự đám giỗ của một gia đình ở thôn bên cạnh về, ngang qua nhà cô Bảy Mượt, nghe chiếc radio cassette đang hát bài “Tình anh bán chiếu” hay quá nên bước vào. Không ngờ khi vào, chú thấy cô Bảy Mượt đang ngồi bên chiếc giường tre ôm mặt khóc thút thít. Chú gặng hỏi, cô Bảy Mượt chỉ nói “đời em sao khổ thế này anh Sáu ơi!”, sau đó ôm mặt nức nở. Ngoài trời mưa lất phất. Chú Sáu nghĩ, có lẽ cô Bảy buồn vì cảnh cô đơn nên ngồi xuống bên cạnh, vỗ nhẹ tay lên lưng cô, muốn an ủi. Trong lúc chú Sáu chưa rõ đầu đuôi sự việc thì trong cơn xúc động không rõ vì lý do gì, người phụ nữ lớn tuổi mà chưa chồng bỗng dưng ôm chặt lấy chú. Chú Sáu muốn gỡ tay cô Bảy ra nhưng hơi thở nóng hổi của người phụ nữ thoáng chốc đã làm cơ thể chú nóng theo...
Đảm nhiệm cương vị Chủ tịch xã, đứng trước bàn quan thiên hạ, chú Sáu Di của tôi là người hét ra lửa, uy phong lắm, nhưng sau khi bị thím Luyến vạch trần sự việc, trông chú rất thảm não. Còn thím Luyến cũng như người mất hồn, mấy ngày sau không biết làm sao cho hết giận, bèn sang nhà ông bà nội tôi khóc và kể hết mọi chuyện. Tất nhiên là ông bà nội tôi đã kêu chú Sáu tới, la cho một trận tơi bời. Đối với thím Luyến, ông bà tìm cách an ủi, phân tích rằng, làm người ai cũng có lỗi lầm, rằng… Ông bà cũng khuyên thím tôi không nên làm to chuyện vì trong xã lúc này có mấy người đang hăm he, dòm ngó cái chức chủ tịch của chú tôi. Nếu làm lớn chuyện, e kẻ xấu lợi dụng, hất cẳng chú. Mà “xấu chàng hổ ai”, xưa nay chẳng phải người đời thường nói “vợ ngoan làm quan cho chồng” đó sao!
Cơn giận trong thím dâu tôi dần nguôi ngoai. Tuy vậy, sau những lần đay nghiến, chì chiết, thím bắt chú Sáu phải thề không bao giờ bén mảng tới gần nhà cô Bảy Mượt nữa. Thím cũng đến nhà cô Bảy Mượt, nói rằng, vì thông cảm cho hoàn cảnh và vì tình bạn cũ, sẽ bỏ qua mọi chuyện, nhưng bắt cô Bảy hứa từ nay không bao giờ được có tình ý gì với chú Sáu Di. Thím cũng dặn dò, có ai hỏi thì nói thằng Bình là con của ông bán chiếu.
Đúng như dự đoán của ông bà nội tôi, chuyện của chú Sáu Di vừa được giải quyết êm trong nhà thì trên xã có người viết thư nặc danh tố cáo chú tôi về việc đã có vợ mà đi hủ hóa với cô Bảy Mượt. Được tin, thím tôi lên ngay trụ sở Ủy ban xã để gặp mọi người. Gặp ai thím cũng oang oang rằng, có kẻ xấu muốn hại gia đình chú thím. Rằng, con của cô Bảy Mượt là con của thằng cha bán chiếu và chính thím đã giúp cô Bảy nuôi thằng nhỏ từ lúc mới lọt lòng. Rồi thím bênh vực, cho rằng cô Bảy Mượt lớn tuổi mà không chồng, xin người khác để có một đứa con, về già nhờ đỡ là việc làm nhân đạo... Thím còn dọa sẽ bẻ răng kẻ nào vu khống, làm tan nát gia đình thím...
Không ngờ chuyện thím Luyến ra tay làm dữ đã có tác dụng. Người ta nghĩ, đến thím còn thương, còn bênh vực cô Bảy Mượt thì người đời nỡ nào lại đi xoi mói.
Thế là mọi chuyện từ đó êm thấm dần. Chú Sáu Di của tôi không những không gặp trục trặc nào trong công tác mà còn duy trì chức chủ tịch xã thêm một nhiệm kỳ nữa rồi mới chuyển lên huyện. Thằng Bình, con cô Bảy theo thời gian cũng lớn dần. Cháu nào cũng cháu, ông bà nội tôi quan niệm như vậy nên lén tìm cách giúp đỡ cô Bảy Mượt nuôi con, tuy bên ngoài vẫn cứ giả bộ như người xa lạ.
Thấm thoát đã mấy chục năm trôi đi. Chú Sáu Di của tôi gần đây đã nghỉ hưu. Thằng Bình cũng giống chúng tôi, học rất giỏi. Tốt nghiệp đại học xong, nó học tiếp lấy bằng Thạc sĩ, làm việc cho một công ty nước ngoài. Mới đây qua mạng internet, nó đã tìm và xin được một suất học bổng để đi nghiên cứu sinh Tiến sĩ về công nghệ sinh học ở Mỹ. Tin thằng Bình đi học Tiến sĩ ở nước ngoài trở thành chuyện lạ, làm cả xã xôn xao. Người sướng nhất là ông nội tôi. Đã chín mươi tuổi rồi nhưng ông còn khỏe mạnh và tỉnh táo lắm, đi đâu cũng công khai khoe rằng, thằng Bình là cháu nội của mình, là con của chú Sáu Di; rằng, học xong lấy bằng thì thằng Bình sẽ là Tiến sĩ đầu tiên của xã tôi.
Tôi làm việc ở một cơ quan trên tỉnh, hôm chủ nhật vừa rồi có về thăm quê. Khi ghé sang nhà chú Sáu Di thì thấy thím Luyến đang trộn cám cho heo ăn. Tôi không dám đả động đến chuyện thằng Bình sang Mỹ, nhưng thím dâu tôi đã lên tiếng:
- Thằng Bình sang Mỹ rồi! Nó có liên lạc với con không?
- Dạ có! Tôi đáp.
- Ừ, anh em bọn mày cũng nên liên lạc với nhau con ạ!
Nhìn khuôn mặt hiền lành, vui vẻ và cách nói của thím Luyến, tôi biết thím đã coi thằng Bình như con của mình. Tôi mừng cho chú tôi. Nếu không phải là thím Luyến thì mọi chuyện sẽ phức tạp biết bao!
H.N.T