Lòng bao dung - Trần Quốc Cưỡng

12.11.2018

Lòng bao dung - Trần Quốc Cưỡng

Tiếng gà eo óc gáy hòa trộn với tiếng chim tự tình trong rừng già tạo thành bản hợp xướng rộn rã, ở đó tiếng gà như tiếng kèn Xắcxôphôn dẫn dắt. Anh giở nắp võng, co chân, dụi mắt, ngồi dậy. Sương đêm thánh thót rơi qua kẽ lá thấm ướt phần trên dùng để đắp qua người của chiếc võng đôi vải nilon màu xanh lá cây. Việc đầu tiên khi rời võng, anh vươn vai mấy động tác thể dục rồi giật mạnh hai đầu dây cột vào hai thân cây. Chiếc võng rơi xuống nhẹ nhàng như chiếc lá. Ánh sáng dát vàng chói lọi từ phương Đông hắt lên ngọn cây làm những phiến lá sáng lên màu xanh non tơ lấp lánh sương như hàng ngàn viên kim cương treo trên cao rực rỡ.

Đó là một buổi ban mai yên bình và diễm tuyệt. Anh lặng lẽ băng về phía ngôi trường ba gian mái lợp tranh, vách lá, băng bàn được kết lại bằng thanh cây lồ ô láng bóng. Một ngôi trường mà hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên cũng chỉ có mỗi một mình anh. Anh là người thầy giáo của căn cứ miền Đông Tuy Hòa dạy con em cán bộ, chiến sĩ cái chữ. Học sinh của anh đủ mọi thứ lớp: Lớp hai, lớp ba, lớp bốn... Có em mới học lớp hai, lớp ba, giặc vây ráp, cả gia đình bỏ nhà lên căn cứ. Có em mới học lớp bốn, lớp năm xung phong làm giao liên bị lộ, địch truy lùng, nhảy núi trở thành chiến sĩ tí hon. Một lớp học chia làm nhiều nhóm nhỏ. Ngày hai buổi, anh giảng dạy xoay vòng.

Một lần, người chiến sĩ quê ở miền Bắc tạt qua trường thấy anh say sưa giảng bài liền xin ở lại một hôm. Đêm ấy hai người thuộc hai miền Nam - Bắc mắc võng cạnh nhau. Anh chàng đi B cũng là thầy giáo giã từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội lên đường đánh giặc vì miền Nam thân yêu có giọng nói đất Tràng An thanh tao: “Mai này giải phóng miền Nam, anh Phương sẽ làm gì?”. Từ đầu võng phía bên kia vang lên giọng nói rặc xứ Nẫu: “Mình cũng sẽ làm nghề gõ đầu trẻ. Nó đơn điệu một chút, nhưng hợp với tính cách của mình. Còn đồng chí có đeo đuổi nghề giáo như mình không?”. Đóm lửa tròn vo lóe lên đỏ rực trên tay, sáng bừng gương mặt đăm chiêu rồi vụt tắt, kèm theo mùi thuốc lá ngây ngây và giọng nói sôi nổi hẳn: “Bỏ nghề sao được! Nếu ngày mai còn lành lặn trở về, tớ sẽ tiếp tục bước lên giảng đường. Nơi ấy là lẽ sống, tình yêu của tớ”. Đôi bạn thủ thỉ chuyện trò, khi điếu thuốc tắt ngấm, cũng là lúc họ thiếp đi trong giấc ngủ muộn mằn. Rừng sâu thao thức, vỗ về giấc ngủ của hai người bằng những tiếng lá khẽ khàng qua cơn gió mơn man, khuya khoắt.

Trời mờ sáng, chàng bộ đội gấp gáp chia tay với người đồng nghiệp, đeo ba lô  lên vai, hối hả lên đường. Anh lại làm mấy động tác thể dục quen thuộc, vắt chiếc khăn lên vai đi về con suối. Lúc trở về lán, anh đã thấy bé Hiền, bé Lâm ngồi buông thõng chân, miệng ra rả như chim: “Mời thầy ăn sáng! Hôm nay sau giờ học thầy trò mình đi tìm măng thầy nhé!”. Anh cười hóm: “Cha chả! Mời thầy ăn sáng sang dữ ta! Các em đãi thầy món gì nào?”. Bé Hiền bối rối trao cho anh hai củ sắn mì gói trong lá nón: “Sắn mì tụi em nấu từ chiều hôm qua, chưa thiu đâu thầy!”. Anh ăn vội củ sắn mì dẻo thơm rồi cắp sách rảo bước về ngôi trường. Thầy trò đang miệt mài với bài giảng mới bỗng: Đoàng! Đoàng! Đoàng! Oành!... - Tiếng súng nổ chát chúa kèm theo tiếng lựu đạn rất đanh. Anh la lên thất thanh: “Các em chạy theo thầy!!! Mau lên!!!”. Anh bồng cậu học trò nhỏ nhất lớp chạy về phía hang núi. Có tiếng khóc ré lên. Anh ngoái đầu lại thấy bé Hiền vấp đá ngã nhoài ra đất. Đặt cậu học trò xuống, anh gào to: “Lâm dẫn các em chạy vào hang đá nhanh lên!”. Khi anh bồng bé Hiền chạy sâu vào hang núi mới sực nhớ chiếc cặp táp còn bỏ trên bàn trong lớp học. Không kịp nghĩ nhiều, anh căn dặn như mệnh lệnh: “Các em nấp kín trong này, tuyệt đối không được rời khỏi hang, nguy hiểm! Thầy trở lại trường lấy tài liệu!”. Anh chạy như bay về phía trường trong tiếng súng, lựu đạn nổ đinh tai, nhức óc. Khi rời hang núi chừng hơn một trăm mét anh chợt nghe tiếng thét sặc mùi tử thần: “Đứng lại! Giơ tay lên! Chống cự tao bắn!”. Anh khựng lại một giây rồi chạy ù về một hướng khác đánh lạc hướng quân địch. Một tràng tiểu liên xé nát không gian của khoảnh rừng, anh nghe một tiếng phịch như ai ném đá vào chân trái làm tê dại đi. Anh ngã khụy, cơn đau ập tới như vết dao khoáy sâu vào thớ thịt. Lúc anh ngước đầu lên đã thấy đám lính ngụy áo quần rằn ri, râu ria lổm ngổm, mặt thằng nào cũng đằng đằng sát khí như lũ hung thần: “Thằng kia! Tỉnh ủy đóng ở đâu khai mau, không tao bắn!”. Anh nén đau, ném cái nhìn căm hờn về phía kẻ thù muốn xé toạc khóe mắt: “Tao không biết!”. Một thằng đạp gót giày đinh lên ngực anh, rít qua kẽ răng trèo trẹo: “Mày không khai hả? Tao bắn nát đầu, mày hiểu không?”. Gã đứng bên cạnh rít lên giọng khô khốc: “Bắn bỏ đi trung úy! Hơi đâu tra hỏi cho mệt xác”. Viên chỉ huy quắc mắt: “Không được! Phải lôi nó về chi khu để khai thác!”. Anh bị hai thằng lính mỗi thằng cắp mỗi tay lôi đi xềnh xệch trên đất đá. Vết thương càng đau dữ dội, mồ hôi nhỏ giọt trên trán. Anh nghiến răng kìm nén cơn đau. Anh ngay ngáy lo cho học sinh của anh đang trốn trong hang núi, nếu không may bị giặc phát hiện sát hại thì đau xót biết chừng nào!                                               

 

Gã thiếu tá an ninh Quân đội Chi khu Hiếu Xương béo phịch như con bò mộng.Trên gương mặt đen đúa, râu ria của gã có một vết sẹo dài như nửa chiếc lá lúa, đôi mắt cú vọ của gã vằn lên những tia máu đỏ bầm như con thú bị thương, giọng nói the thé như quỷ tru dưới chín tầng địa ngục: “Thằng cộng sản cứng đầu, mi gặp tao sẽ mềm như bún. Sắt cho vào lửa còn nhũn ra, da thịt của mi có cứng bằng sắt không hử?”. Lời nói vừa dứt, đầu gối của gã thốc lên ngực, chỏ của gã cắm xuống gáy, nắm đấm gân guốc của gã đấm thẳng vào mặt anh. Toàn thân anh như muốn nát vụn trước những cú đòn hiểm ác, cấp tập của quân thù. Máu từ mũi, miệng của anh bắn vọt ra thành vòi. Anh đổ xuống như cây chuối rũ. Gã sát thủ cười gằn: “Căn cứ Tỉnh ủy đóng ở đâu mày khai ra ngay, tao tha cho! Mày mà còn ngoan cố thì thằng Hai Sẹo này giết thả trôi sông”. Anh phều phào: “Tao đã nói là tao không biết gì hết”. Gã đồ tể thét đám tay chân: “Tụi bay cho nó đi máy bay và đi tàu thủy trước rồi tra điện, đóng đinh vào mười đầu ngón tay cho tao!”. Anh chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần trước đòn thù. Cuối cùng chúng không khuất phục nổi anh nên đày anh ra Đảo Phú Quốc. Trong tù, anh tranh thủ những lúc bọn cai ngục nghỉ trưa, dùng ngón tay trỏ thấm nước bọt viết ra nền những chữ cái rồi tập bạn tù đánh vần. Một lần giám thị thả tù nhân ra ngoài nhổ cỏ, làm vệ sinh xung quanh trại tù, anh lấy tay khỏa cát viết chữ dạy bạn tù bị tên giám thị phát hiện, dùng cây ba cạnh đánh dập hai bàn tay anh. Hắn vừa đánh, vừa gầm lên : “Dạy học này! Dạy học này! Tài hay, tài giỏi này! Học biết chữ để chống đối quốc gia này!”. Đánh chán chê, hắn nhốt anh vào chuồng cọp. Đó là cái rọ sắt bằng dây kẽm gai, nằm cạnh sân, dưới nắng hè Phú Quốc như một cái chảo lửa. Chuồng thấp, anh phải cúi gập xuống. Tên giám thị đánh kẻng tập hợp tù nhân lại răn đe: “Tụi bay mở to mắt ra mà xem, đứa nào bướng bỉnh tao sẽ nhốt mẹp vào đó như thằng thầy giáo mạt rệp kia”. Rồi đâu vào đấy, tên giám thị thả anh ra, anh lại tiếp tục tìm cách truyền cái chữ cho bạn tù. Có lần bọn giám thị kháo nhau: “Cái gã Phương; thầy giáo cộng sản gầy nhom ấy đập nát ra ngâm chưa đỏ một lít rượu, nhưng cái gan của gã lớn bằng trời!”.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh trở về đất liền trong đoàn quân chiến thắng. Người giáo viên kiên trung năm xưa giờ trở thành một cán bộ của ngành giáo dục. Một hôm anh đang ngồi thư thả uống trà, bỗng có một trung niên thập thò ngoài cửa, giọng ấp úng: “Thưa thầy! Em đến thăm thầy ạ!”. Nhìn người đàn ông có gương mặt ngờ ngợ như đã gặp ở đâu đó, anh cố moi trí nhớ, còn tay thì kéo chiếc ghế mây, giọng ôn tồn: “Mời cậu ngồi uống nước”. Người đối diện lừ khừ ngồi xuống, cười ngượng ngập: “Em là Toán, lớp trưởng lớp nhất A, thầy còn nhớ không?”. Anh chồm dậy, ngỡ ngàng: “Trời đất! Toán đấy à! Nghe nói em đi lính?”. Nét mặt cậu học trò cũ chợt trở nên gượng gạo, e dè: “Dạ, em đi sĩ quan, mới cải tạo về”. Anh phá tan không khí bỡ ngỡ bằng nụ cười hiền hậu, cởi mở: “Em thực hiện xong trách nhiệm như vậy là tốt. Giờ em dự định làm gì? Vợ con thế nào?”. Nhìn ánh mắt dịu hiền của thầy, cậu học trò cũ năm nảo năm nao dạn dĩ hẳn lên: “Dạ, cả gia đình em đều mạnh khỏe, cuộc sống tạm ổn. Em đến đây nhờ thầy góp ý cho em một việc”. Anh gật đầu, khuyến khích: “Toán cứ nói! Thầy nghe em đây!”. Cậu học trò nhìn sâu vào mắt thầy: “Em có tên xuất cảnh theo diện HO. Theo thầy, em nên ra đi  hay ở lại?”. Gương mặt anh chợt đăm chiêu, giọng nói chùng xuống: “Trong chuyện này thầy không biết nên nói với em như thế nào cho phải. Có lẽ em nên tự quyết định cho tương lai của mình”. Cậu học trò hớp một ngụm trà, đặt cái ly xuống bàn, nét mặt hiện lên vẻ u ám: “Thật tình em không muốn rời quê cha đất tổ, nhưng ở lại em cứ thấy ngài ngại”. Anh châm nước vào ly của người học trò vừa đi qua cuộc chiến tranh còn in vết hằn trên nét mặt. Anh gật gù: “Thầy hiểu ý em rồi! Yên trí đi cậu học trò hiếu động của tôi ơi! Chính quyền sẽ không làm khó dễ gì đối với những người như em đâu. Hãy tin ở thầy! Em biết đấy, người Việt mình vốn yêu chuộng hòa bình, căm ghét chiến tranh. Chẳng ai muốn cảnh huynh đệ tương tàn. Quân thù thua trận, ta còn phải mang lễ vật cầu hòa...”.

Một lần, anh đang lúi húi tưới hoa sau vườn, cô con gái rượu lải xải bước đến gần, cười bí mật: “Ba ơi! Có người đến tìm ba đấy. Ông này trông sang trọng lắm! Xe con đưa tận ngõ”. Anh cười nhẹ: “Chắc có ai nhầm nhà, con gái ạ”. Cô bé cười rúc rích: “Nhầm thế nào được, ông ta tìm nhà thầy Phương mà lại”. Anh xoa đầu cô gái: “Thôi được rồi, Con gái giúp ba tưới luống hoa còn lại nhé!”.

Anh bước vào phòng khách, người đàn ông bật dậy, vòng hai tay trước ngực, giọng lí nhí: “Thưa thầy! Em đang về công tác ở thành phố, đến thăm thầy”. Anh nheo nheo con mắt. Người đàn ông đứng trước anh đúng là tốt tướng thật. Anh ta mặc bộ comlê màu cà phê sữa, dáng săn chắc như con nhà võ, nhưng gương mặt lại điển trai, dễ cảm như một nghệ sĩ. “Thầy quên em rồi sao? Hải Hoa Sen lớp nhất A đây!”. Anh reo lên như đứa trẻ: “A! Anh chàng họa sĩ chuyên vẽ hoa sen năm xưa đây mà! Chà! Chà! Trông oai phong như tài tử điện ảnh. Ngồi đi em! Mấy mươi năm qua em làm gì? Ở đâu?”. Cậu học trò nhìn anh bằng cái nhìn trìu mến: “Em ra Bắc học, rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài, giờ công tác ở Bộ Công nghiệp, thưa thầy!”. Đôi mắt anh ngời lên niềm vui xen lẫn tự hào: “Thầy mừng cho em! À! Hải còn nhớ trò Toán lớp trưởng nhất A không nhỉ?”. Cậu học trò nhìn thầy chăm chú như tìm lại những nét tươi trẻ của ngày xưa, gật đầu ngoan ngoãn: “Dạ, làm sao em quên được cái thằng lục tặc phá hỏng máy phát điện của trường, bị lớp học gán cho cái tên “kỹ sư cơ khí”. Thằng Toán giờ làm ăn ra sao thầy?”. Anh hồ hởi: “Nó là sĩ quan chế độ Sài Gòn có tên trong danh sách xuất cảnh, nhưng ở lại mở xưởng sản xuất xe đạp, bước đầu ăn nên làm ra. Thầy mừng cho nó quá!”. Cậu học trò cũng xúc động không kém: “Có dịp nào đó thầy trò mình đến thăm Toán, chắc nó sẽ vui như tết!”.

 

Cái tin bà chủ cửa hiệu thuốc Bắc ở đường Lê Thánh Tôn bị kẻ cướp đột nhập vào nhà cướp của bị công an phát hiện, bao vây lan nhanh khắp thành phố. Tên cướp dùng súng ngắn khống chế nạn nhân. Hắn tuyên bố nếu ai đến gần, hắn sẽ giết chủ nhà rồi tự sát. Một tình huống phức tạp và đầy nguy hiểm khiến cho lực lượng vây bắt tấn thối lưỡng nan. Ban đầu người ta định dùng hơi cay để giải cứu con tin, nhưng đường vào nhà khó tiếp cận mục tiêu. Hơn nữa, người bị bắt làm con tin già yếu, sợ không chịu nổi. Trong cơn nguy cấp, có anh chàng lái xích lô hiến kế: “Thằng Còm chỉ nghe lời má nó và thầy Phương, nhưng má nó qua đời lâu rồi, giờ còn lại thầy Phương”.

Anh đã nghỉ hưu hơn chục năm rồi, dành thời gian còn lại để nghiên cứu về đề tài khoa học và dạy chữ lũ trẻ mồ côi trong khu phố, nơi anh ở. Người bạn đời của anh cũng là nhà giáo nghỉ hưu. Hai người sống đạm bạc trong căn hộ 60 mét vuông. Cô con gái rượu của anh lấy chồng xa xứ thi thoảng về thăm. Thời gian xa vắng anh chỉ gặp con qua điện thoại. Đang mải mê viết, điện thoại chợt reo lanh lảnh, anh hồ hởi, bụng bảo dạ: “Con gái rượu nhớ ba mẹ đây mà!”. Anh nhấc Têlêphone, đằng kia đầu dây vang lên giọng nói chắc nịch: “A lô! Tôi xin gặp thầy Phương”. Anh hụt hẫng. Người gọi không phải là con gái thân yêu của anh. Ai nhỉ? Anh miễn cưỡng: “Vâng! Tôi là Phương đây”. Bên kia đầu dây nói như reo: “Ôi! Anh Phương! Tôi là Luân - Giám đốc Công an thành phố. Tôi có chuyện nhờ anh giúp đỡ. Tôi đến chỗ anh, ta nói chuyện nhé!”. Anh gác máy, quay lưng, chị đã đứng cạnh anh tự lúc nào: “Ai gọi vậy mình?”. Anh gãi dái tai sần sật, âu yếm nhìn vợ: “Anh Luân; công an sắp đến chơi. Em pha trà giúp anh nhé!”. Ánh mắt chị thoáng hiện chút âu lo: “Mình đâu có thân thiết với anh Luân?”. Anh cười giòn tan: “Cậu ta đến nhờ anh giúp chuyện chi đó, mình chớ ngại!”. Vừa mặc lại chiếc áo, chuông cổng reo từng chặp, anh thư thả bước ra cửa. Chủ - khách ngồi chưa ấm chỗ, rầm rì một chặp rồi vội vàng cùng nhau ra đi. Anh gọi vợ, cười hiền: “Mình xếp sách vở trên bàn giúp anh. Anh Luân đưa anh đi gặp một người bạn rồi về ngay”. Chị linh cảm có điều gì  đó chẳng lành, nhưng có khách nên không tiện hỏi: “Anh nhớ về sớm, em đợi cơm!”. Vị khách bật cười hả hả: “Tôi chỉ mượn anh ấy một lúc thôi rồi sẽ trả cho chị vĩnh viễn!”.

 

Con đường Lê Thánh Tôn vắt ngang qua hiệu thuốc Bắc “Tái Sanh Đường” người chật như nêm, có hàng chục cảnh sát giao thông chốt chặn quãng giữa. Vòng trong lố nhố cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm. Tiếng loa phóng thanh vang lên chói tai: “Anh Còm nghe đây! Anh Còm nghe đây! Thầy Trần Phương đã dạy anh học lớp nhất A đang tiến vào nhà nói chuyện với anh. Anh không được nổ súng! A lô! Anh Còm nghe đây!...”. Anh đủng đỉnh tiến vào cửa chính hiệu thuốc Bắc, hàng ngàn đôi mắt dõi theo không chớp, không khí căng thẳng, ngột ngạt như sắp nổ tung. Anh ngụy tạo vẻ tự tin để trấn an mọi người và với chính mình, song lòng dạ cứ rối bời. Sau bao năm xa cách, liệu cậu học trò cũ có còn nghe lời anh? Lòng người thay đổi khôn lường. Biết đâu ở chiến trường gian khổ, hiểm nguy, trong ngục tù tàn khốc anh không quỵ ngã, nhưng anh lại nhận một phát đạn trong thời bình? Có thể lắm! Anh không còn thời gian để suy nghĩ. Bước chân anh đã đặt lên nền nhà phía trong.  Anh nói cực to, rành rọt: “Còm ơi! Thầy Phương dạy em học lớp nhất A vào cứu em đây! Em nghe rõ không? Đừng dại dột em ơi! Hãy nghe lời thầy buông súng! Em vẫn còn cơ hội sửa chữa, Còm ơi!”. Một tiếng thét lạc giọng làm anh chùn bước: “Ông là ai mà dám mạo phạm thầy Phương? Ông tiến tới bước nữa tôi bắn!”. Anh mừng thầm: Vậy là cậu học trò cũ vẫn còn tôn trọng anh. Anh tiếp tục kêu lên thống thiết: “Còm ơi! Thầy Phương đây! Thầy chỉ vào đây có một mình. Thầy cứu em! Em hãy nghe thầy buông súng sẽ nhẹ tội, em hiểu không?”. Từ phía trên cầu thang có tiếng sột soạt, tuyệt nhiên không có tiếng người. Một giây, rồi hai giây, ba giây... trôi qua, anh thấy ngộp thở. Anh định tiếp tục khuyên giải thì tiếng nói vang lên có phần bớt gay gắt: “Nếu ông là thầy Phương thì hãy bước tới ba bước cho tôi nhìn mặt. Chỉ ba bước thôi đó! Trái lời là tôi nổ súng!”. Anh vui như mở cờ trong bụng: “Còm ơi! Thầy bước đúng ba bước đây này!” Một gương mặt căng thẳng tột độ, tóc tai rũ rượi, mồ hôi nhễ nhại hiện ra ở bậc trên cùng của cầu thang: “Thầy ơi! Chắc em chết mất!”. Anh từ từ tiến lên từng bậc, từng bậc, mắt nhìn cậu học trò không chớp: “Em đưa súng đây cho thầy! Vẫn còn cơ hội, em hiểu không?”. Kẻ phạm tội đặt khẩu súng xuống nền nhà, lao tới ôm chầm lấy người thầy cũ, khóc như mưa.

T.Q.C