Con dứt - Vũ Ngọc Giao
Vũ Ngọc Giao tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Giao, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1972. Hiện làm việc tại Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng
Giao đến với văn chương như là một nhu cầu tự thân, muốn giãi bày, muốn kể lại những câu chuyện đã trải qua, đã chìm đắm buồn vui cùng những mảnh đời có thật gắn liền với cuộc sống của mình.
“Tôi thích viết về tuổi thơ và quê nội. Tôi đã trải qua một tuổi thơ thật đẹp và buồn. Ở đó tôi sống cùng cha trong một căn nhà nhỏ dưới chân núi Sơn Trà. Những ngày tháng đó đã ăn sâu vào ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Đẹp, vì tôi được ở bên cha, được nhìn thấy ngọn núi hùng vĩ vào mỗi sớm mai thức dậy, được nhìn những đám mây kéo về trên đỉnh núi vào mỗi chiều hoàng hôn. Buồn, vì ngày đó tôi đã không còn mẹ... Tôi yêu quê nội của mình, cái tình đó ngày càng sâu đậm khi tôi đã trưởng thành”.
Mục Sáng tác trẻ kỳ này, Tạp chí Non Nước giới thiệu truyện ngắn Con Dứt của Vũ Ngọc Giao.
Con dứt
Con Dứt nhỏ hơn tôi hai tuổi, đứng thấp hơn tôi một cái đầu nhưng nhất định không gọi tôi bằng chị, cứ gọi tôi là “mày” xưng “tao”. Tôi ít chơi với con Dứt, tôi thích chơi với tụi trẻ chăn bò ở xóm trên hơn, tụi nó luôn bày trò chơi mới. Chơi với con Dứt chán lắm, gương mặt nó buồn hiu, nói gì cũng chầm chậm, cứ như đuổi ruồi cũng không bay. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng “được” chơi với tụi trẻ chăn bò, có hôm nào đó một đứa trong bọn hứng lên, không cho tôi chơi chung, vậy là tôi bị đuổi ra. Những lúc đó tôi lại mon men đến nhà con Dứt.
Con Dứt trạc tuổi tụi chăn bò trong xóm, nhưng nó chẳng chơi với ai, nói đúng hơn là chẳng đứa nào chơi với nó. Tôi hay nghe tụi chăn bò nói Dứt là “con hoang” nên không đứa nào thèm chơi. Ngoài việc ra đồng, chăn bò, Dứt chỉ loanh quanh trong nhà. Con Dứt không có cha. Nghe đâu thím tôi kể vậy. Khi mẹ nó có nó thì cha nó cũng dứt tình, nên nó ra đời, mẹ đặt tên Dứt là vậy. Mẹ nó là một người đàn bà đẹp, khi Dứt chưa đầy một tuổi, mẹ gửi nó cho bà ngoại rồi đi lấy chồng, biền biệt từ bấy đến nay không về.
Con Dứt thích chơi với tôi, biết tôi thích gì nó luôn chiều để tôi ở lại chơi với nó lâu hơn. Mỗi khi tôi đến nhà, nó vui lắm, kéo tôi vào căn nhà nhỏ lụp xụp chỉ có hai bà cháu. Bà nó thấy tôi là lập cập đi rót nước lá cho tôi uống. Lần nào cũng vậy, bà lại bếp tro, cời than ra, hai củ khoai đen trũi đã nướng từ lúc nào còn ủ trong tro, bà cho tôi và nó. Tôi và con Dứt mỗi đứa một củ khoai túm trong vạt áo, xuýt xoa mang ra hè ngồi ăn, cho đến lúc hai cái miệng đen thui như hai con chó mực thì mới chịu chui ra lu nước đen ngòm sau nhà hí hoáy rửa miệng.
Con Dứt không được đi học như những đứa trẻ khác trong làng, nó phải ở nhà. Bà ngoại nó đã già yếu nên nó là lao động chính, một buổi chăn bò, một buổi ra đồng. Nhìn bọn trẻ trong làng đi học nó thích lắm. Tôi thường kể chuyện cổ tích mà tôi đã đọc được cho nó nghe, nó nghe say sưa, mắt luôn mở to nhìn tôi thán phục "Sao mày giỏi dữ vậy?". Mỗi khi nghe Dứt khen, tôi sướng ran.
Biết tôi thích Dủ Dẻ, khi lên rẫy thả Bò, con Dứt thường lang thang tìm những chùm Dủ Dẻ vàng mọng nước. Có lần tôi đang chơi ném banh đất với tụi chăn bò xóm trên, thình lình con Dứt xuất hiện, nó gọi tôi ra, giở cái nón cời xuống (cái nón đã cũ, quê tôi gọi là nón cời) trong đó một chùm Dủ Dẻ chín vàng. Tôi thấy thương nó lắm, thấy Dủ Dẻ là nó nhớ đến tôi, hái rồi tìm tôi cho bằng được, dù nó rất sợ lại gần tụi chăn bò, sợ tụi nó động đến nỗi đau của nó. Tôi kéo nó ra mương nước trước nhà nội ngồi, tôi thủng thẳng hái từng trái Dủ Dẻ đựng trong cái nón cời cáu đen của Dứt cho vào miệng ăn ngon lành. Chùm Dủ Dẻ có năm trái, tôi ăn đến trái thứ tư mới sực nhớ đến Dứt. Nhìn qua thấy nó đang âu yếm nhìn tôi, tôi đưa nó trái Dủ Dẻ còn lại “Nè, Dứt ăn đi!”. Con Dứt cười cười “Thôi mày ăn luôn cho nó đủ chùm”. Nghe nó nói tôi hơi quê chút nhưng chữa thẹn bằng cách nói lớn “Tao thích nhất là Dủ Dẻ á”. Nó lại cười cười “Mày có gì mà không thích, Chà Là cũng thích, Sim cũng thích, Dủ Dẻ cũng thích, đến mấy cái trứng chim Dồng Dộc trong vườn mà hôm trước tao còn nghe mày đòi ông nội mày đem hấp nồi cơm cho mày ăn nữa mà”. Nó nói, mặt tỉnh queo. Tôi sượng trân chống chế “Mấy thứ này ở thành phố có đâu, tao về quê mới được ăn chớ bộ”. “Ờ, là tao nói vậy”, con Dứt nói rồi mắt nhìn ra đồng xa xăm.
Dứt với tôi khác nhau, nhiều khi Dứt rủ lên rẫy nhưng tôi nhất định không đi vì tôi bận chơi với tụi xóm trên, nhưng nó chẳng giận tôi bao giờ. Còn tôi, mỗi khi bị tụi chăn bò đuổi ra, tôi mon men tìm nó mà không gặp là tôi ra mương nước ngồi, cằm kê lên đầu gối nghĩ ngợi mông lung, tôi giận nó. Hôm sau lỡ có gặp nó hỏi tôi gì tôi cũng im lặng. Vậy là nó lại đi tìm Dủ Dẻ cho tôi. Có một kỷ niệm mà cho đến giờ tôi chẳng thể nào quên. Hôm đó Dứt rủ tôi lên rẫy hái Chà Là. Lúc tôi và nó đi trời nắng chang chang. Đến chiều hai đứa vẫn say sưa cho đến lúc nhìn lên trời mây kéo về tối đen, sấm chớp đùng đùng, mưa bất ngờ trút xuống. Tôi và nó tìm chỗ nấp. Loanh quanh một hồi chẳng tìm ra, cây to cũng nhiều nhưng tôi không dám lại gần, vì được dặn khi sấm sét thì không núp dưới cây to.
Trời càng lúc càng mưa to, nhìn thấy bên cạnh cây cổ thụ có cái miếu thờ, tôi và nó chạy vào nấp. Vào đến nơi, chúng tôi cũng đã ướt sũng. Sẩm tối trời vẫn mưa không dứt, lúc này nước mưa thấm vào người, tôi bắt đầu run cầm cập vì lạnh. Vừa run vừa len lén nhìn lên miếu thờ. Mỗi khi ánh chớp ngoài trời lóe lên tôi lại nhìn thấy những giòng chữ ngoằn ngoèo vẽ trong miếu, tôi bắt đầu liên tưởng đến những hình ảnh ma quái mà tôi đã nghe. Nước ngoài đồng từ từ dâng lên, tôi tuyệt vọng nhìn sang con Dứt, lúc đó tôi bỗng nhớ lời cha dặn, mỗi khi gặp điều gì sợ hãi hay khó khăn thì mỉm cười, rồi mọi thứ sẽ trôi qua. Tôi quay sang nhìn nó, nhăn răng cười. Nó cũng đáp trả tôi cái cười như mếu.
Lúc này đã là đêm, mưa vẫn mù mịt. Tôi không còn đủ kiên nhẫn để cười nữa, tôi bắt đầu tưởng tượng, nước dâng lên, tôi và con Dứt sẽ bị cuốn đi, rồi ông nội tôi sẽ chạy đi tìm, đến khi tìm thấy thì đã tắt thở, rồi bố tôi nhận được tin, bố tôi sẽ đem tôi đi chôn rồi khóc hu hu. Nghĩ đến đó tôi bật khóc nức nở. Con Dứt lúc này mặt mũi đanh lại, yên lặng nắm tay tôi thầm thì “Im đi, đừng để ma nó nghe mày khóc, nó nhảy ra bóp cổ, tao với mày không chết đâu, đừng sợ”. Nghe đến “ma” tôi hết khóc, im re. Vừa lạnh, vừa đói, vừa sợ, tôi từ từ xịu xuống bên cạnh con Dứt.
Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên cái phản quen thuộc ở nhà nội, bên cạnh là ông nội, cô chú tôi và mấy bà cụ hàng xóm. Cái đèn bão được ông tôi khêu to lên, sáng hơn mọi khi. Mọi người mừng rỡ khi thấy tôi tỉnh lại và tôi phải trả lời những câu hỏi “Vì sao... vì sao...”. Không ai chịu tin là chúng tôi đã tự chạy đến cái miếu để nấp mưa. Tôi nằm li bì những ngày sau đó vì cảm lạnh. Riêng con Dứt nghe đâu nó chỉ ho khọt khẹt vài tiếng rồi thôi. Khi tôi chạy nhảy được ngoài đồng, tình cờ nghe tụi chăn bò kháo nhau “Nó với con Dứt bị ma giấu trong miếu ngoài đồng, may mà ông nội với mấy ông xóm dưới soi đèn tìm thấy...”. Tôi im lặng không thanh minh gì thêm.
Từ ngày đó tôi thân với con Dứt hơn. Ba tháng hè trôi qua thật nhanh, đã đến lúc tôi phải trở về đi học. Tôi rủ nó ra mương nước trước nhà ngồi, bỗng nó quay sang tôi hỏi “Ông Tiên mà mày hay kể có thiệt hông mày?”. “Có chứ” tôi đáp chắc nịch. Nó mơ màng nhìn lên ngọn Bạch Đàn trên cao lẩm bẩm “Nếu ông Tiên hiện ra cho tao ba điều ước, đầu tiên tao ước được thấy cha tao một lần, điều thứ hai, tao ước mẹ tao về thăm tao với ngoại, mà mẹ bế theo em nữa càng thích, điều thứ ba tao ước được đi học như mày”. Nghe nó nói đến đó, tim tôi thắt lại, thấy thương nó vô cùng. Tôi khẽ nắm bàn tay nó an ủi “Sẽ có mà... Cha mẹ Dứt sẽ về thăm Dứt với ngoại, còn học thì... hè sang năm về lại tui sẽ bày Dứt tập đọc, cho đến khi nào Dứt đọc được truyện cổ tích”.
Tôi trở về nhà, đến trường có bạn bè, tôi quên bẵng con Dứt. Mùa hè năm đó tôi không về quê nội như đã hứa với Dứt. Năm sau nữa, tôi lại về. Trình diện ông nội và các cô các chú xong tôi vội vàng cầm quyển tập đọc và mấy quyển truyện chạy đi ngay. Thím tôi thấy vậy gọi tôi lại nói nhỏ “Con Dứt chết từ hè năm ngoái rồi, nó bị bịnh”. Tôi nghe như tiếng sấm nổ như hôm tôi và Dứt đang chạy ngoài đồng. Mặc kệ thím nói, tôi vụt chạy xuống xóm dưới, nơi có căn nhà nhỏ của Dứt. Đến nơi tôi gọi nhưng liếp cửa vẫn đóng, chẳng có ai trong nhà, tôi ghé mắt nhìn qua tấm liếp, trên cái tủ nhỏ đựng áo quần của bà ngoại, tấm hình đen trắng nhỏ xíu, là Dứt đó, một bát hương, một cái đèn dầu leo lét. Vậy là bà ngoại Dứt vẫn ở đây. Tôi chờ... đến chập tối cũng chẳng thấy bà về. Tôi lủi thủi quay về, bỗng trời lại đổ mưa, nhưng lần này tôi không chạy. Tôi mặc kệ mưa. Tôi cứ đi, tôi mường tượng ra gương mặt Dứt ngày còn sống, gương mặt bầu bĩnh, mái tóc cắt ngắn, đôi mắt luôn mở to ngơ ngác... Vậy là Dứt không kịp nhìn thấy cha một lần, không được gặp lại mẹ một lần, cũng không đọc được truyện cổ tích một lần. Dứt đã đi... Mưa chảy thành dòng trên đường làng. Nước mắt theo mưa chảy thành dòng trên má tôi... Lội bì bõm trong nước tôi nghe văng vẳng lời tụi chăn bò chọc Dứt. “Trời mưa bong bóng phập phồng / Mẹ đi lấy chồng Dứt ở với ai...”
Ở với ai... ở với ai... Nước mắt lại theo mưa chảy thành dòng trên má tôi, rồi... nước mắt lại tan vào thành... mưa...
V.N.G