Bên dòng sông Trà Nô - Phạm Hoài Phố

12.11.2018

Bên dòng sông Trà Nô - Phạm Hoài Phố

Mưa. Mưa đêm cứ ào ào xối xả trút nước xuống con đường dọc bờ sông Lô vắng bóng người đi.

Mưa. Không ngủ được. Bật đài nghe những bài ca về Trường Sơn của một thời trai trẻ. Bài ca “Kỷ niệm mối tình đầu” vang lên.

Tiếng hát át tiếng mưa rơi trong đêm dài của cái phố nhỏ bên dòng Lô Giang, nơi ông sinh ra, lớn lên rồi đi vào cuộc chiến. Tiếng mưa chìm xuống, tiếng lòng bừng lên.

           

Mưa. Mưa. Mưa. Mưa hoài, mưa mãi  đến gần hết 6 tháng.

Những cơn mưa trắng núi Vin, núi Ngọc Linh Rua; mưa trắng rừng Trà My, Trà Bồng, Dốc Cọp; mưa trắng sông Trường, sông Tranh, sông Trà Nô; mưa trắng suối Đác Oa, Đác My. Mưa gần 6 tháng trời mà cứ dầm dề chưa chấm dứt. Nước rót từ trên cao xuống khe núi đá quanh hậu cứ báo Quân giải phóng Trung Trung bộ ở X3 Hiệp Đức cứ ầm ầm suốt ngày đêm, như  bom dậy ở một nơi nào xa lắm vọng về. Mưa là đói, là sốt rét, là những cái chết bất ngờ từ lũ, từ núi đổ, cây đè...

Mưa mãi, rồi cũng có lúc phải tạnh. Nắng nhe lên báo hiệu một mùa khô sắp bắt đầu.

Từ hậu cứ, các tốp phóng viên báo Văn Nghệ Quân giải phóng như Nguyễn Bảo, Bắc Hà, Nguyễn Trí Huân và nhà văn Nguyễn Chí Trung đã tỏa đi Bình Định, Quảng Ngãi, mặt trận 44 Quảng Đà. Các phóng viên ảnh Thiện Tơ, Xuân Quang của thông tấn quân sự quân giải phóng, Đoan Hùng hậu cần, Thanh Thôi Sư hai đã đi Nông Sơn, Minh Long, Giá Vụt. Mười phóng viên của báo Quân giải phóng Trung Trung bộ cũng đi Sư đoàn hai, Sư ba Sao vàng, Lữ đoàn 52 từ đêm. Khu nhà tòa soạn với năm cái lán treo võng ắng lặng như rừng quế Trà My. Cả tờ báo hơn hai chục con người, nay chỉ còn lại năm người, Tổng biên tập Hữu Lộc, Tô Điện trình bày ma két, Văn Phác, Thắng phóng viên và cậu Minh công vụ trông coi năm cái lán này, nhưng không ai nói với ai nửa lời. Sự im lặng của hai mùa mưa nắng từ các chiến trường lan về tòa soạn, báo hiệu một điều gì ghê gớm lắm mà chỉ những thằng lính chiến mới hiểu được.  

Đang ngồi viết bên chiếc bàn làm bằng những đoạn gỗ cong queo ghép lại bằng sợi mây, Minh công vụ bước vào lán của phóng viên giật giọng:

- Anh Thắng, lên nhận nhiệm vụ!

Thắng gấp ngay cuốn sổ cho vào chiếc túi mìn Claymo rồi theo Minh về lán chỉ huy, anh đứng nghiêm.

- Báo cáo thủ trưởng, tôi có mặt.

- Cậu đã đọc bài “Bức thư làng Mực” và “Khi dòng sông về đến cửa biển” của anh Chí Trung chưa?

- Báo cáo, tôi đã đọc!

- Bây giờ cậu sang Thông tấn xã giải phóng Khu 5 làm một số việc thế này, thế này, sau cậu đến  làng ông Tía dưới chân núi Vin viết phóng sự về cuộc sống bên sông Trà Nô đi! Cố gắng có bài nhanh để động viên bộ đội.

Tôi mạnh dạn hỏi:

- Sao Thủ trưởng không cho tôi đi đơn vị, mà lại bảo tôi ở lại viết về hậu cứ Trà Nô?

- Tờ báo vẫn cần có bài về nổi dậy phối hợp với mũi tấn công, cậu hay viết phóng sự, cậu đi ngay bây giờ!

Từ căn cứ X3 ở phía Tây của Hiệp Đức, phải đi gần 5 tiếng đồng hồ mới tới cứ của Thông tấn xã giải phóng Khu 5. Lội qua con suối nhỏ, phơi bộ quân phục cho hết mùi mồ hôi và bụi đường, Thắng mới lên cứ của bạn.

Lạ thật, cứ của Thông tấn xã giải phóng mà trống hoác, không có người gác. Một sân đất rộng không một bóng cây. Nghĩ dại, bọn L19 hay máy bay OV 10 mà quần thảo nơi này, thấy cái sân to như sân máy bay trực thăng này, chắc A37, hay C28 sẽ quần đảo cho nát đất! 

Vượt qua cái sân trống, tiến ra mép sông Trà Nô, Thắng cũng thấy hai ba cái lán trống hoác, không một bóng người. Đến gần lán thứ tư, mới nghe thấy tiếng mấy người con gái nói chuyện, mà nói bằng tiếng miền Bắc, làm Thắng sướng rơn. Thắng sướng không phải chỉ là tìm được người mà hỏi, anh còn sướng vì lâu lắm rồi, từ hồi ở mặt trận Quảng Trị đến bây giờ anh mới được nghe lại tiếng nói của nhiều cô gái miền Bắc đến thế! Trong cái lán ấy, có bốn cái võng ni lông, cô thì ngồi, cô thì nằm. Thấy ngại quá, Thắng đứng từ xa hỏi vọng vào:

- Các chị ơi, đây có phải là nơi làm việc của Thông tấn xã giải phóng Khu 5 không ạ?

Nghe tiếng hỏi, mấy cô đều ngoảnh đầu ra nhìn. Một cô nhảy ra hỏi:

- Em hỏi gì?

- Dạ đây có phải khu làm việc của Thông tấn xã giải phóng không chị?

- Em là ai, ở đâu? Hỏi Thông tấn xã làm gì?

- Tôi là Thắng, ở báo Quân giải phóng, sang làm việc với Thông tấn xã một số việc!

- Cho chú nói lại, em là Thắng, em sang làm việc chị ạ!

Tôi nhìn kỹ người bắt mình phải gọi là chị. Chị gì mà bé tý, gầy nhom, chỉ khoảng đôi mươi, môi thâm vì thiếu máu, mồm nói mắt nói, cái đầu cũng lắc lắc làm cho đôi bím tóc tết đuôi sam cứ hất từ bên này sang bên nọ, chỉ có đôi mắt là sáng rực chứng tỏ rất tinh nghịch, khiến Thắng choáng. Lần đầu tiên trong đời, anh thấy một dòng điện chạy suốt từ đỉnh đầu xuống tới tận gót chân, Thắng chợt nghĩ “Ma cũ, bắt nạt ma mới đây!”. Thắng trêu lại:

- Thưa các thầy bà, em tên là!...

- Lằng nhằng, nói lại: Thưa chị em là... Vậy em tên là gì?

- Thưa Nguyễn Văn Dì ạ! 

- Tên là gì?

- Dạ là Dì ạ!

- Vớ vẩn!

Thấy để cô gái nhỏ thó ra trước vặn hỏi loanh quanh mãi, gặp anh lính cũng vào loại không vừa, một cô gái khác ra hỏi:

- Anh bộ đội vào đây, anh tìm ai ở Thông tấn xã giải phóng?

Thắng  nói:

- Tôi ở báo Quân giải phóng, sang Thông tấn xã gặp anh Hồng Phấn phụ trách ban nhờ ảnh giúp báo một số việc các chị ạ!

Nghe giọng Thắng từ tốn, người ngồi võng đối diện với Thắng đứng dậy nói:

 - Anh Phấn đi giao ban chưa về, anh ở đây, chiều anh Phấn về tôi đưa anh sang. À mà xin giới thiệu với anh: đây là bạn Thỏa, bạn Chính, tôi là Hoàn, còn người đối diện với anh lúc này là Thủy. Giới thiệu xong, Hoàn chỉ võng của cô gái ghê gớm cho tôi ngồi.

Thắng ngồi im mà không dám đưa nhẹ cái võng, anh sợ làm bay mất cái mùi hương là lạ khó tả còn vương trên cánh võng của người con gái. Từ lúc học đại học, ra trường, đến khi vào làm báo trong chiến trường, anh chưa một lần được ngồi cạnh con gái, nên chưa bao giờ được thấy mùi thơm quyến rũ là lạ này. Có lần đi viết về tiểu đoàn hành lang toàn nữ của Bà Thao, dù đã bị con gái của tiểu đoàn này lột cả quần áo, anh chỉ thấy ngồ ngộ và sợ chứ chưa được hưởng mùi thơm nhẹ nhàng như thế này bao giờ! Thấy anh đắm chìm trong suy tư, Hoàn mới hỏi:

- Anh Thắng vào đây lâu chưa? Ở đơn vị lên làm báo à?

- Tôi mới vào các chị ạ. Tôi là lính chuyên nghiệp ngoài đó vào.

- Em học trường nào, có ở GP 10 không? Sao chị nhìn em không quen nhỉ?

Nghe người con gái có mái tóc tết đuôi sam đã làm căng với mình từ lúc đầu gặp mặt, hỏi đến có ở GP 10 không, Thắng biết ngay đây là dân các trường Tổng hợp, Ngoại giao, Sư  phạm do Ban Thống Nhất còn gọi là Ban B đưa vào sau Hiệp định Pari để thi hành Hiệp định. Tất cả các vị này đều được học nghiệp vụ làm báo của Thông tấn xã Việt Nam để hoạt động trong thành phố dưới mác phóng viên, nhưng hiệp định bị phá, họ làm báo trên cứ luôn.

- Tôi không ở GP 10 của Ban B, mà ở báo chí quân đội vào.

- Cho chú nói lại, em chứ không là tôi!

Đến đây thì Hoàn và hai nhà báo còn lại không chịu được cách đùa của Thủy nữa, họ cười, và bảo Thủy:

- Mày hố rồi, đây mới là ma cũ, mày là ma mới đòi bắt nạt ma cũ rồi!

- Ma cũ thì ma cũ, đã gọi là chị thì phải gọi là chị suốt đời, không tính tuổi tác, thời gian ở chiến trường.

Câu chuyện thời sinh viên sống ở Hà Nội làm cả nhóm sung sướng vì được quay về một thời để nhớ, chuyện vui cứ như tết. Riêng cô gái có tên là Thủy vẫn lên mặt đàn chị với Thắng. Thắng phì cười, chợt nhớ đến mấy câu thơ của anh Phạm Tiến Duật viết trong bài thơ “Chào em cô thanh niên xung phong” của tờ báo Hậu Cần “Người tinh nghịch là anh dễ thân, bởi thế nên có em đứng gần, em ở Thạch Kim sao nói lừa anh Thạch Nhọn, đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón”... Thấy Thủy vẫn cố làm căng, Hoàn chuyển làn câu chuyện nói:

- Anh Hồng Phấn về rồi, mình sang báo cáo, Thắng ngồi đây đợi. Thủy, Chính, Thỏa đi lấy cơm, tiện thể lấy nắm rau nhé!

Một lúc sau Hoàn dẫn Thắng sang anh Phấn. Vừa đi, Hoàn vừa nói anh Phấn  mới về, bạn đừng sợ cái Thủy nhé, con bé xinh nhất bọn đấy, nó nghịch nhất nhì hồi học đại học, nó thấy bạn lần đầu tiên đến đây, nó giở  trò bắt nạt thời sinh viên đấy!  

Thắng báo cáo với anh Hồng Phấn tình hình xuất bản báo, những khó khăn mà báo Quân giải phóng đang gặp sau sáu tháng mưa, nhất là việc chuyển tin, bài, ảnh ra phòng Thông tấn quân sự của Tổng cục chính trị; sự thiếu thốn về phim, thuốc và giấy ảnh khi phóng viên của tòa soạn từ các nơi chuyển phim về. Anh Hồng Phấn nói, anh đã nhận được chỉ đạo giúp các em rồi, yên tâm, bên anh sẽ hỗ trợ không thiếu thứ gì mà bên Quân giải phóng muốn. Đêm nay, anh sẽ bảo Phúc phóng số phim này cho các em, và sẽ gửi ra bắc bằng Tê lê phô tô.

Làm xong việc báo cáo, anh Phấn bảo tất cả đi ăn cơm. Mươi con người, con trai có anh Phấn, Phúc buồng tối, Đống chữa máy ảnh, Tất, Đáng, Hùng viết bài, con gái có bốn người lúc nãy Thắng đã trò chuyện. Vào bữa ăn, anh Phấn mới bảo anh em, Thắng năm 72 đã đi với anh Minh Trường, Lam Thanh, Phạm Hoạt của Thông tấn xã Việt Nam ở Quảng Trị, là người nhà, chúng ta sẽ giúp Thắng tốt nhất có thể.

Cơm được bày ra, gọi là bày ra cho oách, nhưng có gì đâu? Sắn độn cơm, vài miếng cá khô, bát mắm cái sền sệt đen đen của đồng bằng. Cổ Thắng nghẹn lại. Thì ra anh em làm báo dân sự vẫn khổ hơn cánh làm báo quân đội. Ban B dựa vào đường vận tải của bộ đội Trường Sơn để chuyển hàng, mưa xe không vào được, nên cả Tuyên huấn khu ủy trong đó có Thông tấn thiếu, đói. Thảo nào có thời anh Quốc đã viết trong bài thơ Hạnh phúc “Đói quay đói quắt”. Bữa ăn thế này thì bên báo Quân giải phóng vẫn khá hơn, không đói, cơm vẫn có ruốc bông, hôm có thịt hộp, rau khô, rau tươi vẫn đủ, có bữa mấy anh em còn được ăn thịt thú rừng do anh Thành bên phòng địch vận bắn được.

Thắng ngồi vào mâm cơm. Một bên là Phúc buồng tối, một bên là Đống, Tất, phía bên kia là bốn cô gái, còn mâm bên của anh Hồng Phấn và những người khác. Tưởng thế là ăn được rồi, bỗng Thủy bỏ chỗ ngồi, đẩy Đống sang một bên, đẩy Thắng lùi ra, rồi nói như ra lệnh:

- Thắng lùi ra cho chị ngồi!

Cả mâm phá lên cười. Thắng ngượng chín người. Anh nghĩ nhanh,

liều thật, thế này mà ở bên tòa soạn,

chắc mình chết với ông Lộc vì chuyện quan hệ với phụ nữ  rồi.

Vừa bưng bát cơm lên, Thủy gắp vào bát cho Thắng một miếng cá khô rồi bảo:

- Ăn đi em, cá khô của đồng bằng, không phải của miền Bắc đâu mà sợ!

Cắn miếng cá khô cứng nhăng nhắc, cắn mãi nó không đứt, Thắng cố phải dứt nó. Ngắc ngứ mãi mới hết miếng cá, Thủy lại gắp cho một đũa rau tàu bay, cái thứ mọc đầy ven sông Trà Nô, trước lán của các nhà báo nhìn xuống. Chấm rau vào bát mắm cái mà từ ngày vào khu 5, anh chưa bao giờ dám đụng đũa, Thủy lại bảo:

- Ăn đi em, rau tàu bay chị vừa đi hái đấy!

Tất cả lại cười ồ. Ba cô gái nhìn Thủy bằng cái nhìn tinh quái. Anh Phấn nghiêm mặt bảo: Thủy, Thắng hơn tuổi cô đấy.  Những tưởng Thủy im lặng, ai ngờ:

- Lúc đến chú bộ đội đã gọi em là chị, bây giờ và mãi sau này em sẽ làm chị.

Thắng cũng chả vừa:

- Làm chị khó đấy, có gì chị phải chiều em đấy nhé!

- Chấp tất!

Khoảng 10 giờ đêm thì Phúc và Thắng đã phóng xong mấy cuộn phim của Thắng mang sang. Cả hai đem xuống sông Trà Nô để vỗ ảnh, rồi sấy xong đám ảnh. Làm xong, Thắng mắc cái võng nằm bên Phúc nói chuyện Hà Nội.

Tưởng lán con gái đã ngủ, ai dè chuyện về anh chàng bộ đội mới sang chiều nay vẫn được các nàng mang ra bàn tán. Phúc cho chân xuống đá vào lưng võng của Thắng, hiểu ý, Thắng đổi sang nằm võng của Phúc. Ai ngờ con gái cũng lắm chuyện về mình thật. Hoàn bảo:

- Thủy, mày cứ trêu hắn suốt, khéo mày có vấn đề! Thích chưa, mai tao làm mối.

- Mày làm mối không nên thì đền đạn nhé!

Làm việc với Thông tấn xã giải phóng xong, Thắng sang làm việc với bộ phận của xưởng phim giải phóng. Các anh, các chú bên này khi biết anh có ông chú làm việc ở xưởng phim tài liệu, khoa học trung ương, cùng cơ quan với họ,  nên rất quý, dạy cho nhiều điều, xong còn cho một hộp phim 35 ly nhỏ, có thể sang được vài chục cuốn phim khác. Tối Thắng lại về  ngủ với Phúc.

Ba ngày làm việc bên thông tấn, là ba ngày Thắng được các đồng nghiệp, đặc biệt là 3 cô gái chăm sóc anh rất nhiệt tình. Riêng Thủy vẫn lên mặt đàn chị, bày đủ trò tinh quái với Thắng. Bằng linh cảm của con gái, Hoàn nói nhỏ với Thắng, Thủy có vấn đề với bạn.

Rời Thông tấn, Thắng lên núi Vin lấy tài liệu viết về làng ông Tía hay bà con dân tộc gọi là Nóc ông Tía, lúc quay về anh lại rẽ vào chơi với Phúc, rồi mới về tòa soạn. Lần này, Thủy vẫn ra sức bắt nạt anh, anh nhìn thẳng vào mắt Thủy, Thủy cũng nhìn vào mắt anh không chớp, trìu mến. Lúc về, Thắng không dám đưa tặng Thủy cái khăn mặt xanh còn mới tinh của quân đội, mà chỉ dám treo lên chiếc võng của Thủy và không nói lời nào vì sợ.

Cầm bài viết của Thắng viết về Nóc ông Tía bên dòng Trà Nô, ông Tổng biên tập đọc không sót một từ, và may mắn cho Thắng, bài không bị chữa hay cắt đoạn nào. Ông Lộc xuýt xoa, cậu viết bài này nhân văn quá.

Năm ngày sau khi bài báo ra, Thắng được lệnh về Trung đoàn 31 của Sư hai. Anh bỏ đường thẳng, tụt tạt qua đường khác để vào Thông tấn. Lán vắng lặng. Phúc kéo Thắng vào võng nói, Thủy đi Quảng Ngãi rồi, trước khi đi, nó nói về ông nhiều lắm, nó nhắn ông đi đâu báo lại cho nó. Cả cơ quan có một tờ báo của các ông, số này có bài viết của ông, nó giữ và mang đi rồi. Bọn cái Hoàn và tôi bảo nhau, nó thương ông  rồi!

Mười ngày đi Sư hai trở về, Thắng lại vượt sông Trà Nô để vào Thông tấn. Phúc buồn bã nói, chưa đứa nào về, không biết có đứa nào bị sao không? Tôi  dặn Phúc nói với Thủy rằng, tôi không bị sứt mẻ gì, Thủy về lúc nào bằng mọi cách báo cho tôi biết. 

Tháng bảy năm 1974, Thắng đi chiến dịch Thượng Đức. Trên đường đi chiến dịch, bằng mọi cách, Thắng lại rẽ vào Thông tấn. Phúc nói, tất cả đều đã lên đường theo các mũi nổi dậy! Thủy nhắn ông, đi đâu nhớ nói với tôi, để tôi báo cho nó biết để nó khỏi mong.

 

Sau 10 ngày chiến đấu quyết liệt, các đơn vị mới giải phóng được quận lỵ Thượng Đức. Thắng bất ngờ gặp lại Đáng. Ngồi trên mỏm đá giữa trận địa, Thắng,  Nguyễn Đáng, anh Cao Tiến Lê, Hải Nam báo Quân đội Nhân dân, Mịch báo Cờ giải phóng chia nhau hai hộp xoài, thông tin cho nhau về những vấn đề của cánh báo chí. Xong việc, Thắng kéo Đáng ra một góc,  hỏi:

- Thủy đi mũi nào ông?

- Nó đi Nông Sơn thì phải?

- Sao lại thì phải?

- Giống như bên các ông, vì bí mật, thằng nào đi đâu chỉ một mình được biết, có ai được nói ra đâu? Mà ông dát bỏ mẹ!

- Sao? Ông bảo tôi dát cái gì?

- Ông dát gái. Mấy hôm ở bên tôi, ông nói mẹ với nó là ông thích nó đi, thì ông lại không nói, nó là con gái, ai nó nói rằng nó thích ông? Ở đại học, nó cùng lớp với tôi, cùng vào GP 10, cùng luyện tập một chỗ để đi B dài. Tôi biết nó chưa yêu ai. Nó hay nghịch, nhưng tôi biết nó chưa đùa dai với ai như với ông cả, điều đó chứng tỏ nó thích ông ra mặt. Bọn ba đứa con gái kia nó cũng khẳng định điều này. Mấy tháng vừa rồi, thằng Phúc nói với nó về ông suốt. Lần này về,  nếu tôi về trước, tôi sẽ nói với nó xin ông Phấn cho nó ở nhà để hai người gặp nhau. Chiến tranh liên miên thế này, yêu nhau kiểu này khổ thật, yêu không dám nói, yêu mà chẳng được gặp nhau, thư  từ chẳng gửi được cho nhau, khổ thật! Ngay cùng một quân khu với nhau còn thế này, lính miền Bắc vào đây có người yêu ngoài đó khổ biết chừng nào?

Từ cuối tháng 7 đến mấy tháng sau, chiến cuộc Thượng Đức vẫn chưa dứt. Hai bên, một bên là quân Dù, một bên là 304, rồi 324 quần đảo nhau trên cao điểm 1062 không phân thắng bại, cả hai phía đều tổn thất lớn. Gần tết Thắng được lệnh trở về tòa soạn. Anh gầy rộc, quần áo rách bươm, tóc tai bù xù, mắt sâu hoắm, đi không vững. Vượt được sông Trà Nô, anh lên cứ của Thông tấn, thấy anh đến, Phúc, Đáng, anh Hồng Phấn ra ôm chặt nhấc bổng Thắng lên. Đáng nói trong nước mắt, tao tưởng mày đi trên cao điểm 1062 rồi. Thủy nó không khóc được thành lời Thắng ơi! Nó lại đi Quảng Ngãi rồi!

Đáng đưa tôi ra hòn đá lớn bên sông Trà Nô, nơi Thủy hay lén bạn bè ra ngồi hàng giờ, rồi nói:

- Tôi không dám nói ông bị thương, chỉ dám nói, quần áo của ông rách nát, ông phải vá víu lấy, nước không có, các ông phải lấy nước bẩn để uống, mắt nó đầy nước. Tôi bảo nó, Thắng nó yêu em đấy! Nó cãi, yêu mà không dám đưa khăn mặt mà lại vắt lên võng? Yêu mà không dám nói là yêu? Quần áo rách không dám đưa để vá. Tôi bảo, nó vừa sang chưa chi em đã bắt nạt nó rồi, nó sợ em, nó không dám nói!

Tôi bảo Thủy, Thắng sẽ trở về. Nó chờ ông mãi. Càng chờ càng mất tin. Cái bãi rau tàu bay rậm rịt mà ông thấy không ai dám hái vì họ biết chính đám rau này nó đã hái cho ông ăn, nó muốn để dành cho ông. Ông chưa  về, rau cao vống, già cắc cớ mà không ai dám động vào của nó. Bọn Hoàn, Chính, Thỏa bảo, những hôm đi giao ban về, nghe tin Thượng Đức, cái Thủy toàn ra bờ sông này ngồi. Lúc về mắt nó đỏ hoe. Tất cả bọn tôi đều tin ông đã hy sinh, bên thông tấn quân sự các ông, anh Thiện Tơ phóng viên ảnh hy sinh ở Nông Sơn rồi, còn tờ báo của ông,  Dụ hy sinh ở Hoài Nhơn Bình Định; ông Rục bị thương ở Nông Sơn, còn ông thì không tin tức, nên nó càng tin ông cũng đã hy sinh. Hàng tháng trời nó như người mất hồn. Mọi chuyện về ông, đang nói, thấy Thủy, bọn con gái và chúng tôi đều lảng tránh. Nó đi Quảng Ngãi chuyến này, không biết bao giờ về.

Nộp xong tin, bài, ảnh về Thượng Đức, Thắng xin đi Quảng Ngãi. Anh Lộc Tổng biên tập đã biết chuyện hai đứa, đồng ý cho Thắng đi. Thắng về tỉnh đội, tỉnh đội nói sang tìm bên tỉnh ủy. Đi nửa ngày sang tỉnh ủy, ban tuyên giáo nói, Thủy đi Sơn Tịnh. Một ngày đêm mới xuống được Sơn Tịnh, Thủy đi Ba Làng An.  Đêm vượt đường 1 xuống Ba Làng An, du kích nói đã đưa chị ấy vượt lộ 1 lên lại Sơn Tịnh. Về Sơn Tịnh, Thủy đã sang Nghĩa Hành. Thắng lên Ba Tơ, lấy tài liệu về Lữ 52 xong, anh tìm đường qua Dốc Cọp về lại cứ ở Nước Oa, từ Nước Oa về X3 không qua khu ủy nữa. Những bài phóng sự về những vùng đất Thắng qua, nơi nào cũng có bóng dáng của một cô gái, khi thì du kích, khi thì giao liên, khi là phụ vận, tất cả các cô gái ấy đều có hai bím tóc tết đuôi sam và đôi mắt tinh nghịch.

Giải phóng Đà Nẵng, mặc dù kỷ luật quân đội quy định rất chặt, nhất là đi buổi tối, Thắng vẫn tìm mọi cách đi tìm Thủy, nhưng khi anh đến cơ quan thì Thủy đi cơ sở. Thủy tìm được cơ quan anh, thì anh lại theo đơn vị đi Tây Nguyên tiễu phun rô. Thắng về Thanh Ba, cô lên miền sơn cước Tuyên Quang tìm anh. Thắng - Thủy cứ như đôi chim Từ Quy tìm nhau mãi mãi mà không gặp được nhau. Tiếng của đôi chim “Khó khăn khắc phục” vang lên trong các đêm trường tĩnh lặng của Khu 5.

Sau ngày Thắng về với tổ tiên, con gái của anh, cũng là một nhà báo, lục trong mấy cái cặp đựng bản thảo của anh, cô tìm thấy trong đống di cảo của cha một bài thơ viết năm 1975. Đọc xong cô òa khóc nức nở:

Dọc đường chiến chinh

Anh đi tìm em

Em ở nơi đâu

Hỡi cô phóng viên

Có đôi bím tóc  tết làm duyên?

Mà em  ở nơi đâu

Hỡi người em gái

Cứ dãi  dầu,

mưa nắng Khu Năm.

Để anh,

Anh tìm em,

Mãi trên non ngàn.

Bên dòng sông Trà Nô

Rau Tầu bay xanh

Xanh tận bây giờ!

P.H.P