Uống cà phê trên đường của Vũ ...

14.03.2011

Uống cà phê trên đường của Vũ ...

Trần Tuấn

Sóng di động thế là đã tới đường Lưu Quang Vũ rồi. Đứng trên đường, tôi gọi cho em trai anh - nhà báo Lưu Quang Định. Những ngày lưu lạc ở Hà Nội, đôi lần tôi uống cà phê với Định. Và hình dung về gương mặt gồ ghề và có lẽ khá lạnh của Vũ (cho tôi gọi như thế vì lúc ra đi, anh cũng vào lứa chúng tôi bây giờ) tôi chưa từng gặp ngoài đời. Những quán cà phê của Hà Nội một thời lầm lụi ly lạc xuất hiện thật nhiều trong thơ Vũ, khiến tôi quặn lại với nhung nhớ tuổi thơ mình. Người Hà Nội nhất là thời trước ít ghiền cà phê. Có lẽ dòng máu miền Trung nhận từ người cha khiến Vũ khác đi ? Đó là những năm tháng vô cùng khó khăn của đất nước và cũng chất chồng bi kịch với chàng thi sĩ trẻ. Những năm tháng:

“Hè phố đầy hầm, tường đầy khẩu hiệu

Thiếu ăn thiếu mặc thiếu nhà

Người đợi tàu ngủ chật sân ga

Trẻ con thiếu nơi học hành dậy dỗ

Các cô gái trở nên suồng sã

Những năm già trước tuổi

Những năm thương Hà Nội trăm lần hơn ...”

Những năm tháng:

Hoà bình đến mong manh

Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn

Người đông phố chật

Quán cà phê mở khắp nơi

Một ngày người ta uống

Bao nhiêu đen tối vào người”

Chàng thi sĩ nhiều mơ mộng vừa cởi áo lính, hạnh phúc riêng tan vỡ, thất nghiệp, lại đang lúc bị quy về “bệnh tư tưởng” thơ viết không đăng ... Ly cà phê đen một mình nơi quán cóc bao giờ cũng nhỏ vào đáy cốc những giọt buồn lặng lặng không tan. Người cô độc thường tìm tới ly cà phê một mình chứ không phải rượu. Vũ lại không phải là một người hay rượu. Ly cà phê cô độc ám ảnh suốt thơ anh.

“Quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa

Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ” ...

“Quán cà phê ngoại ô

Căn nhà gỗ bộ ghế bàn thấp nhỏ

Mảnh vuờn tối với những pho tượng cổ

Bức sơn dầu ...”

Cuối những năm chiến tranh, Vũ mơ về một cuộc sống mới tốt đẹp sẽ về, trong đó không thể thiếu:

Những quán cà phê ngon

Những bức tranh sơn dầu đầy nắng” ...

Rồi những năm đầu hoà bình. Sáng sáng, tàng tàng đạp xe ra khỏi căn gác hẹp phố Huế, Vũ sà vào quán trên phố Nguyễn Công Trứ kề cà cốc cà phê 2 hào với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu ... Vũ đã kể trong nhiều lá thư cho Xuân Quỳnh như vậy, những lúc chị đi công tác xa.

Dọc đường mang tên Vũ dài ngót bốn cây số, tôi cố tìm tịnh không có một quán cà phê. Ngun ngút nắng, hun hút vắng giữa đôi hàng cát. Dương liễu khẳng khiu, đào lộn hột, cả xương rồng chen lẫn bờ tre. Dăm con trâu đủng đỉnh lắc sừng trước mũi công nông. Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng tới đường Lưu Quang Vũ xa hơn mười lăm cây số, qua Non Nước giáp Điện Ngọc của Quảng Nam. Từ đây vào Hội An còn gần hơn cả về Đà Nẵng. Phía đầu là ngã ba giáp đường Trần Đại Nghĩa. Một người làm súng, một người làm thơ. Phía cuối là đường làng, không tên, hay đúng hơn người ta vẫn quen gọi làng Hoà Quý, dù mới nâng cấp lên phường.

- Đà Nẵng là nơi duy nhất cả nước có đường mang tên Lưu Quang Vũ – giọng Định từ Hà Nội – Cậu chú ý nhìn sang bên phải, chỗ nghĩa trang. Ông bà nội tụi mình nằm đấy !

Đôi lần tôi ngồi với ông Lưu Quang Luỹ, tức nhà thơ Lưu Trùng Dương – chú ruột của Vũ và Định. Thơ Lưu Trùng Dương từng một thời “gối đầu giường” bao thế hệ thanh niên, bộ đội chống Pháp, chống Mỹ, được nhiều giải thưởng. Nhưng đến giờ, tâm sự đau đáu trong nhà thơ 77 tuổi ấy là sau mấy lần xét vẫn chưa được nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Năm 1965, khi mới 17 tuổi, Vũ quyết xin vào bộ đội nhưng không được, sau phải nhờ chú Lưu Trùng Dương khi đó đang làm ở Tạp chí VNQĐ can thiệp mới xong. Lão thi sĩ giờ phân đôi thời gian sống giữa Đà Nẵng và Sài Gòn. Nhà số 118 đường Núi Thành - Đà Nẵng giờ vẫn rộng rinh, xưa vốn là nơi quần tụ của đại gia đình họ Lưu. Theo nhà thơ, thì ông nội của Lưu Quang Vũ vốn quê gốc phường Hải Châu, Đà Nẵng, cảm mến cô thôn nữ xóm cát Mân Quang – Hoà Quý xa tít tắp. Bà vắn số sớm ra đi, sau khi sinh hạ cho ông được bốn người con trai sau này đều giỏi giang chữ nghĩa là Lưu Quang Thuận (nhà thơ, nhà viết chèo nổi tiếng - cha của mấy anh em Lưu Quang Vũ), Lưu Quý Thảo, Lưu Quang Thành (nhà báo), Lưu Quang Luỹ (Lưu Trùng Dương). Ông nội của Vũ lận đận tình duyên, có tới ba đời vợ, và có lẽ Vũ cũng “chịu” cái gien của ông chăng ? Sau giải phóng khá lâu, Lưu Quang Vũ mới có dịp lần đầu về thăm quê nội, món quà tặng lại quê hương là vở “Chuyện tình bên dòng sông Thu (Huy chương Vàng của Đoàn Dân ca kịch QN-ĐN tại HDSKTQ 1985).

Anh thường kể em nghe

Về một thành phố gió

Một thành phố miền Trung

Cát bay đầy cửa sổ ...”

Năm 1975, Xuân Quỳnh đã viết như vậy. Nặng nợ với quê hương xa ngái suốt tuổi thơ tới khi trưởng thành, Vũ dựng khá nhiều vở cho các đoàn của quê mình. Mùa hè năm 1988, tin về tai nạn thảm khốc xảy ra với gia đình Lưu Quang Vũ khiến cả Đà Nẵng, Quảng Nam đau đớn. Giới nghệ sĩ tha thiết đề nghị lấy tên Vũ đặt cho đoàn kịch. Đề nghị về một tên đường Lưu Quang Vũ cũng bắt đầu từ thời đó. Nhưng phải 14 năm sau, đầu năm 2002, tên đường Lưu Quang Vũ mới chính thức được thông qua.

... Cuối cùng, tôi cũng tìm được một ly cà phê trên đường Lưu Quang Vũ. Ngã tư cuối đường giáp ngả Mân Quang – Hoà Quý với ba cái nhà xây tương đối khang trang hoá ra lại “sầm uất” hơn cả, có lẽ do gần chợ phường. Chín giờ sáng. Ly cà phê “kho” nhâm nhi tại một hàng bán bếp gas và mấy món đồ điện tử. Hai người đàn ông đang uể oải ngồi xếp mấy lá bài với thằng nhỏ con chủ quán. Xấp vé số mới dày cộp nằm xoài trên bàn, của một trong hai người đang đi bán dở, ngồi nghỉ nắng.

- Đám thanh niên uống cà phê, mới về xong - ông vé số xởi lởi. - Về đi

làm à ?

- Không, về ... nghỉ thôi. Mấy bữa ni cả đám ngồi đây coi Ơ-rô đến sáng bảnh, sức mô làm. Mà có sức cũng chịu, nên ở đây mới gọi là “Ngã Tư Sung Sướng”.

- Sao lại sướng ?

- Vì không có việc nên khỏi phải ... đi làm !

Thật đúng là quê của nhà viết kịch, thoại cứ chan chát.

- Có biết Lưu Quang Vũ là ai không ?

- Răng không ! Cái ông “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” chứ gì, quê ổng ở đây chứ mô ! Cái thời nớ kịch của ổng chuyển sang bài chòi, cả tuồng nữa, bà con kéo về tận Đà Nẵng coi. Rồi xem trên tivi nữa, cười bể làng

Nhà thơ Lưu Trùng Dương kể, khi đặt tên đường Lưu Quang Vũ, nhiều người mang họ Lưu ở Hoà Quý và mấy nơi lân cận tìm tới ông ... nhận bà con.

Lụt lịch sử năm 98-99 thế kỷ trước, nước lên tới mặt bàn tôi đang để ly cà phê đây. Con đường làng gập ghềnh đá cát khi ấy cánh phóng viên chúng tôi nhiều đoạn phải đi bằng thuyền. Nhà trôi, người chết, xã anh hùng Hoà Quý tang thương đến nỗi khi ấy Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, và cả cố vấn Võ Văn Kiệt đã về thăm hỏi động viên đồng bào.

Đời Vũ nhiều giông gió, cả con đường mang tên mình cũng lắm gió giông. Trả 2 ngàn đồng ly cà phê, tôi lòng vòng mãi trên đoạn đường quê. Toàn bộ đường không có số nhà, cái tên Lưu Quang Vũ chỉ xuất hiện ở bốn nơi: Hai bảng đường bằng cột xi măng ở đầu và cuối, và trên 2 cái thùng sắt treo trên cột điện với mấy chữ: “Tủ điện chiếu sáng Lưu Quang Vũ”.

- Đường sắp mở rộng lớn hơn bây chừ, chuẩn bị xây Làng Đại học bên

kia” – Xuân, người đàn ông cởi trần nhà phía sau “tủ điện Lưu Quang Vũ” hồ hởi.

Tôi sực nhớ, suốt cuộc đời sôi động và ngắn ngủi của mình, hình như Lưu Quang Vũ chưa một lần bước chân vào đại học ...

Đà Nẵng, 04-07

Vĩ thanh

Cuối tháng 4-2010 vừa rồi, bên biển Đà Nẵng tôi gặp lại nhà báo Lưu Quang Định, nay là Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay. Nhắc lại câu chuyện về con đường mang tên Lưu Quang Vũ khiến chúng tôi chợt nảy ra cùng một câu hỏi : “Ừ, tại sao trên con đường ấy lại không có một Nhà lưu niệm mang tên Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh nhỉ ?”. Cách đường Lưu Quang Vũ không xa, thành phố đang chuẩn bị xây dựng Công viên văn hoá tâm linh Ngũ Hành Sơn tầm vóc. Với tầm vóc văn chương – nghệ thuật của Vũ – Quỳnh, Nhà lưu niệm hoàn toàn xứng đang là nơi dừng chân cho bất cứ ai yêu mên văn chương một lần ghé ngang qua. Lưu Quang Định bảo, gia đình họ Lưu cả ngoài Bắc lẫn trong Nam sẵn sàng cùng thành phố triển khai công trình văn hoá này.

Tr.T