KHÔNG GIAN – THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT “TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG” CỦA PHAN TỨ
PHẠM NGỌC HIỀN
Tiểu thuyết Trước giờ nổ súng của Phan Tứ (Lê Khâm) ra đời năm 1960, từng gây chú ý một thời. Đã có nhiều bài viết tập trung khai thác tác phẩm ở khía cạnh nội dung tư tưởng. Tuy nhiên, nếu phân tích cuốn tiểu thuyết này từ góc độ Thi pháp học, ta sẽ phát hiện được nhiều điều thú vị về bút pháp ngôn từ, nhất là trên phương diện không gian và thời gian nghệ thuật.
Tác phẩm được xây dựng theo kiểu cốt truyện phiêu lưu như sử thi Odyssee và Ramayana. Đặc điểm của kiểu cốt truyện này là có rất nhiều không gian. Tuy nhiên, nhiều tiểu thuyết có cốt truyện phiêu lưu nhưng vẫn không gây hứng thú cho bạn đọc. Lý do chính là các mảng không gian mà nhân vật trải qua là quá êm đẹp, không có kịch tính, bởi vậy không thể hiện đúng bản chất của tiểu thuyết phiêu lưu. “Đặc điểm của tiểu thuyết phiêu lưu là sau mỗi biến cố, nhân vật bị ném vào một không gian mới đầy xa lạ, nhiều hiểm họa” (Trần Đình Sử) [5]. Phan Tứ đã chú trọng xây dựng loại “không – thời gian cản trở” với chức năng thử thách nhân vật. Cả không gian lẫn thời gian đều cộng hưởng nhau gây sức ép lên các hoạt động nhân vật, để từ đó sàng lọc, chỉ giữ lại những anh hùng lý tưởng theo quan điểm cách mạng.
Nhan đề tác phẩm cho thấy thời gian sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Bởi vì trước giờ nổ súng bao giờ cũng là thời khắc căng thẳng và kéo dài chậm chạp. Độ căng của nó là một trong những nguyên nhân gây hồi hộp cho bạn đọc suốt gần 300 trang sách. Thời gian cốt truyện kéo dài khoảng nửa tháng, bắt đầu từ lúc đội trinh sát chuẩn chiến 3 (CC3) điều tra đồn Pà Thạc. Sau đó, họ phải trở về nộp gấp tài liệu cho Ban chỉ huy để kịp mở chiến dịch. Nhưng xét từ góc độ văn chương thì việc tập “Anh hùng ca số 5” có về đến nơi hay không là không quan trọng (vì tác giả chỉ cần tường thuật trong một câu là đủ). Nói như Hegel: Mục đích của các anh hùng là không quan trọng, mà điều quan trọng là những gì họ gặp trên đường đi (Mỹ học). Nội dung chính là một chuỗi các biến cố kéo dài dọc theo hành trình của tám nhân vật. Chuỗi biến cố này bắt đầu từ một sự cố trục trặc về thời gian ở Ban chỉ huy. Chính ủy Thông Phun gửi thư hỏa tốc bằng tiếng Lào cho biết đường số 1 đã bị lộ, đề nghị thông báo gấp cho CC3 để đi đường khác. Tham mưu trưởng Đặng có tính quan liêu, thích thủ tục dài dòng, mãi đến hai ngày sau mới hiểu được tính khẩn cấp của lá thư. Từ đây, thời khắc có giá trị bằng sinh mạng con người. Anh muốn trốn tránh trách nhiệm nên đã “cố ý viết sai” ngày gửi nhưng “thời gian vật lý” không cho phép ai cải biến nó. Sự chậm trễ đó là một sai lầm chết người vì khi bức điện gửi đi thì đã muộn, đội CC3 đã lọt vào ổ phục kích và điện đài đã bị hư hỏng nặng, “chỉ còn là cục sắt lạnh. Từ nay, đội chuẩn chiến 3 rơi tõm vào im lặng. Người dẫn đường cuối cùng đã hy sinh”. Sự cố này đã khởi đầu cho những trang đầy máu và nước mắt của tập “Anh hùng ca số 5”.
“Con đường của những người đang bước vào cuộc thử thách lớn nhất trong đời” là con đường đầy nguy hiểm. Đó là một “không gian cản trở” bao gồm rất nhiều hình ảnh dữ dội để thử trí não và sức lực con người: “Đội CC3 gặp dãy núi đá xám dựng đứng cao ngợp mắt (…) Mây móc vào ngọn thông, thông cắm vào đỉnh đá, đá sừng sững thành vại đổ xuống thung lũng sâu đầy ngọn cây nhọn như cái hố chông. Chim đứt đường không đủ sức vượt núi cũng tránh xa quãng đèo chết lặng này”. Thời gian cũng hỗ trợ không gian tạo ra thêm khó khăn cho con người. Đội CC3 phải “sờ soạng trong đêm đen” để vượt qua những thác núi cheo leo mà “Một bước sẩy chân là lao theo thác, xuống những núi đá mấy chục thước bên dưới”. Tác giả cũng không quên tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm chết người để gây hồi hộp cho bạn đọc: “Tiếng sỏi rơi mé sau. Lương quay đầu, kêu một tiếng khẽ. Pha biến đâu mất”. “Anh chới với, đạp chân vào vách núi, vẫn trượt.(…). Lương rơi, cả đội sẽ rơi, lao xuống vực”. Mà như trước đó bạn đọc đã biết dưới vực nước xanh thăm thẳm là cá sấu, Đại đã bị cá sấu đớp. “Không gian xa lạ” còn xuất hiện đội quân vắt, “cái tên Pà Thạc nghĩa là rừng vắt”. Chúng chạy “rào rào” đuổi theo người để hút máu, gây cản trở không ít. Rừng dữ còn có rắn, rít, rận… cũng góp mặt vào bức tranh không gian hoang vu hiểm trở. Không chỉ có động vật mà thực vật cũng tham gia cản trở con người “Các bụi rậm vươn móng nhọn quều quào móc áo người, níu lại”, “Rừng xé nát người anh”, “Một hàng rào lau lách chắn ngang. Rừng lau dài hết tầm mắt. Văn Thon đâm bổ vào lưới sắc như dao cạo. Bức tường xanh bọc kín anh, thả dây gai trói ghì, muốn nuốt chửng người đi lạc”. Nhưng những chướng ngại trên mặt đất vẫn chưa đủ mạnh để tiêu diệt những con người có ý chí sắt đá này. Còn có thêm đội quân thời tiết giáng những trận đòn quyết liệt từ trên trời xuống. Cả trên trời dưới đất đều là “thiên la địa võng” bao bọc và tiêu hủy con người. “ Lửa trời trút xuống, lửa đất tóe lên, lửa trong phổi phì ra”. Do đó dẫn đến tình trạng thiếu nước uống trầm trọng. Khí hậu Lào rất thất thường, cả ngày lẫn đêm không ngừng hành hạ con người đến kiệt sức: “Rét ngấm vào xương, rút tay chân muốn quặp lại. mới vài giờ trước nắng còn nung trời như tấm sắt trắng”… Để cho hình ảnh thiên nhiên thêm sống động, gây tác hại lớn, tác giả sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ như so sánh, nhân hóa, phóng đại… Có lẽ trong văn xuôi Việt Nam, chưa có nhà văn nào miêu tả “không gian cản trở” sinh động như Phan Tứ.
Nhưng việc dựng lên “không gian cản trở” chưa phải là mục đích cuối cùng mà điều quan trọng là miêu tả hậu quả do nó gây ra. Địa hình núi đá hiểm trở đã làm cho bàn chân của họ đầy thương tích như để ngăn cản cuộc hành trình: “Bắp chân Lương sưng tròn và tím mọng như cái bong bóng lợn đầy tiết. Vết chó cắn bị loét thành hai mảnh mủ xanh, rỉ nước đỏ nhờn nhợt”. Chi tiết đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để nhấn mạnh sự đau đớn của nhân vật. Sự đau đớn càng tăng, ý chí càng cao, phẩm chất cách mạng của nhân vật càng ngời sáng. Họ không chỉ thiếu thuốc men, nước uống mà còn thiếu cả lương thực. Khi đói, người ta quan tâm nhiều nhất tới thời gian, bởi vì mỗi thời khắc sẽ đưa dần họ tới cái chết đợi sẵn. Có nhà nghiên cứu đã dùng thuật ngữ “thời gian - miếng ăn” và cho rằng: “Đong hồ thời gian của con người là từng bữa ăn”, “Quá khứ, hiện tại, tương lai cung được đo bằng bữa ăn”, “thời gian có sức hủy diệt khủng khiếp”. Và người chịu đói “đang mòn mỏi, quỵ gục dần theo thời gian do phải chống chọi với đói khổ và bệnh tật” [3]. Điều này cũng đúng với các nhân vật trong Trước giờ nổ súng. Moi bước đi của họ có thần Chết đang rình rập phía trước. Không - thời gian khắc nghiệt cứ loại dần từng người. Đơn vị nhiều lần bị phục kích làm cho hai người dẫn đường là Lích và Đại hy sinh ngay ở lúc đầu. Bất đắc dĩ, Văn Thon dẫn đường nhưng “Lần đầu tiên trong đời, anh bị rừng đánh lừa”. Mà các chiến sĩ ở Lào đều biết: “lạc rừng là tối ư nguy hiểm”, vì rừng sẽ đưa người ta tới “con đường chết”. Không gian con đường được nhắc tới rất nhiều lần. Nó không phải là con đường lộ thiên như đường mòn mà là con đường bí mật, không có vết chân người. Nói cách khác, con đường nằm trong đầu óc con người, nó như một thử thách trí não ghê gớm. Con đường bí mật số 2 không tìm thấy mà chỉ thấy bộ xương người nằm trong bụi cây. Chỉ thấy Chánh không chịu nổi gian khổ nên đào ngũ và bị đồng đôi bắn chết. Chỉ thấy Sử tự sát, Pha bị bệnh chết, Khiêm bị địch bắt… Cả “kẻ thù bốn chân” và “kẻ thù hai chân” cùng hợp sức thi nhau chồng chất tai họa lên đội CC3 như để thử thách loại dần những con người không đủ sức khỏe, không có ý chí mạnh mẽ, và chưa hoàn thiện các năng lực cần thiết của người anh hùng lý tưởng khi chiến đấu trên một “không gian xa lạ” đầy hiểm trở.
Sự tài tình của Phan Tứ là đã kết hợp một cách hài hòa cả sức ép của không gian lẫn thời gian lên các hoạt động của nhân vật. Bởi thiếu một trong hai yếu tố ấy thì chưa chắc đã gây nên chuỗi biến cố đau lòng, và sức lôi cuốn sẽ giảm. Chẳng hạn, nếu chỉ chịu sức ép về thời gian (phải nộp tài liệu gấp), nhưng các nhân vật không chịu sức ép về không gian (đường sá dễ đi) thì chẳng có việc gì đáng nói. Hay ngược lại, nếu thời gian thư thả (nộp tài liệu khi nào cũng được) nhưng gặp không gian hiểm trở thì có thể họ sẽ lui về hang núi Vượn hoặc nghỉ ngơi dọc đường thoải mái để chữa bệnh, kiếm thức ăn, nước uống, điều tra địa hình kỹ… rồi thong thả lên đường. Nếu vậy, sẽ không ai phát hiện được bộ mặt thật của Chánh, chức năng thử thách của không – thời gian sẽ mất tác dụng. Phải kết hợp chặt chẽ sức ép cả không gian lẫn thời gian thì mới làm rõ ý chí của các nhân vật. Các từ ngữ chỉ thời gian được lặp với tần xuất cao cho thấy các nhân vật ám ảnh về thời gian rất sâu sắc. Thời gian cuộc hành trình được ghi chép tỉ mỉ trong tập nhật ký “Anh hùng ca số 5”, đội CC3 rất lo lắng và liên tục đo thời gian từ nhiều điểm khác nhau, Họ muốn “thời gian vật lý” chạy thật chậm để họ có dịp rút ngắn không gian nhưng điều đó không tưởng. Do vậy, “thời gian tâm lý” trở nên mâu thuẫn với “thời gian đồng hồ”:“Cái đồng hồ trên tay Lương vẫn xoay tròn đôi kim khắc nghiệt. Đội chuẩn chiến trễ hẹn với mặt trận bộ mất ba hôm rồi. Phải đi gấp”. Để diễn tả sự trôi đi gấp gáp của thời gian, tác giả dùng hình thức gộp, nhắc một lần cái diễn ra nhiều lần: “Mặt trời vòng qua đầu anh nhiều chuyến. Trăng hiền mở to mắt nhìn con người đang đi lảo đảo, kéo theo cái bóng cũng rách rưới như mình, không nghỉ”, “Mặt trời mặt trăng thay nhau soi đường cho con người kỳ lạ đang băng qua các đồi tranh, chốc chốc lại ngã, bật dậy, đi (…) Mặt trời lên cao. Đứng bóng. Xế chiều”. Dòng “thời gian thiên nhiên” trôi quá nhanh, ngoài ý muốn con người. Để khắc phục bất lợi về thời gian, Văn Thon phải tìm cách chiến thắng không gian bằng cách lê chân đi suốt ngày đêm để rút ngắn dần khoảng cách. Với quyết tâm sắt đá, anh đã gạt phăng các cạm bẫy mà liên minh “không – thời gian cản trở” đã giăng ra để níu anh đi vào “con đường chết”.
Với một nhà văn tài năng thì cốt truyện đầy kịch tính là một dịp tốt để chèn vào các nội dung phụ, như lối “trì hoãn sử thi”. Nếu các chủ đề phụ bị đưa ra ngoài các xung đột thì bạn đọc rất dễ thờ ơ, đọc lướt qua. Nhưng khi được chêm vào giữa các tình tiết căng thẳng thì sẽ được bạn đọc chăm chú theo dõi (theo đà của sự kiện chính). Nhờ vậy, bạn đọc tiếp thu được nhiều thông điệp của tác giả. Nếu cứ kể mãi cảnh hành quân của CC3 thì cũng đơn điệu, tác giả chuyển đổi không gian liên tục: hang núi Vượn, làng Phi Lạt, cảnh sống ở Việt Nam… đặc biệt là cảnh chờ đợi ở Mặt trận bộ. Kịch tính căng thẳng khi số người đồng ý bỏ Pà Thạc ngày càng đông. Sự việc này tạo cảm giác lo lắng cho bạn đọc, vì nếu vậy thì công lao và xương máu của CC3 coi như đổ xuống biển, và tội trạng của họ sẽ rất lớn. Người đọc càng xót thương cho thân phận của họ hơn khi có người như Mành đánh giá họ không đúng: “Chưa chắc đã gặp trắc trở. Không chừng các tướng nghỉ lại dọc đường, cà phê sữa hộp với nhau, để bộ đội nằm chết ở đây. Thiếu gì lý do! Cái trò đi công tác lẻ là chúa lề mề”. Trong khi thời gian trôi quá nhanh đối với CC3 thì thời gian trôi quá chậm ở Mặt trận bộ. Họ ngóng chờ CC3 trong cảnh khó khăn gian khổ: đói ăn, thiếu ngủ, bom đạn, rừng cháy, mưa lũ. Tin dữ từ khắp nơi cấp tốc đổ về, giặc kéo thêm viện binh, “Tình hình hết sức khẩn cấp, mà đội CC3 vẫn chưa thấy tăm hơi”. Không thể đợi được nữa, Ban chỉ huy quyết định đánh hướng Tây, bỏ Pà Thạc. Thời khắc trở nên hết sức căng thẳng với những ai vẫn còn giữ chủ trương cũ. Đối với Tuyên, “Đêm từ từ trôi, dài như một đời người”. Tình hình căng thẳng ở Mặt trận bộ cũng là yếu tố gây sức ép cho CC3, nhưng đúng hơn là gây thêm tâm lý căng thẳng cho bạn đọc, vì CC3 không hay biết gì những tin tức trên.
Thời gian trần thuật ngưng đọng không chỉ do sự di chuyển điểm nhìn không gian theo cách thức đồng hiện mà còn do có rất nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên, đồ vật, những đoạn suy tư và đảo tuyến để giới thiệu quá khứ nhân vật. Thời gian chậm lại bởi những đoạn suy tư và hồi tưởng của Sử. Tác giả đã dùng loại thời gian đối sánh – quy kết với nhân vật này. Nhờ hiểu rõ về quá khứ và nội tâm của Sử, bạn đọc dễ dàng thông cảm cho hành động tự sát của anh. Nhiều nhân vật khác cũng được nhắc đến quá khứ ít nhất hai lần với mục đích chính là lấy cổ suy kim. Bác Cống, Lương, Khiêm, Đại, Pha, Văn Thon… vốn có quá khứ đau khổ nhọc nhằn trong chế độ cũ nên họ quyết tâm chiến đấu, chấp nhận gian khổ hy sinh. Còn Chánh có quá khứ xấu xa, cũng không thâm thù chế độ cũ nên gặp khó khăn là đào ngũ ngay. Thời lưu dành cho miêu tả quá khứ từng nhân vật cũng khác nhau: Ngắn nhất là Lích, Đại, vì là nhân vật phụ, lại chết ngay ở phần đầu. Nhưng dài nhất là Văn Thon (một trong hai nhân vật chính), tác giả dành cho 20 trang. Lý do là lịch sử cá nhân Văn Thon gắn liền với lịch sử cách mạng Lào, nên thông qua anh, tác giả muốn giới thiệu lịch sử cách mạng Lào. Như vậy, hình tượng Văn Thon mang tính khái quát cao.
Phan Tứ sử dụng hầu hết các thủ pháp thời gian: trì hoãn (chỗ ngưng, kìm hãm), kéo dài sự kiện (giãn ra), bình luận ngoại đề, hồi tưởng, đảo tuyến, chêm xen, lắp ghép, hoán vị (luân phiên), ngắt đoạn, đồng hiện, gián cách (ngắt đoạn), treo tình tiết (bỏ lửng), mai phục, che giấu bí mật, dự đoán, bất ngờ, đón trước, bước ngoặt, lặp lại, biên độ, tải trọng, dồn nén, lược thuật… Ví dụ, trong khi bạn đọc đang theo dõi cuộc hành quân của Khiêm cùng đồng đội thì “bất ngờ” thấy anh bị địch trói. Đó là cách “đón trước” sự kiện. Tác giả tả cảnh bị trói một hồi rồi giải thích sự kiện “bước ngoặc” này bằng một câu: “Khiêm vừa bị bắt sáng nay”. Sau đó, “trì hoãn” thời gian bằng cách “đảo tuyến” về quá khứ đêm hôm trước rồi sáng hôm nay để giải thích lý do bị bắt (“lược thuật”). Rồi trở lại hiện tại ở làng Xa Ming, chợt Khiêm thấy ai giống như người yêu của mình. Tác giả muốn khêu gợi cho bạn đọc “dự đoán” rằng Soan cũng bị bắt (và còn nhiều chuyện ly kỳ sẽ diễn ra). Nhưng tiếp theo là đoạn “hồi tưởng” của Khiêm về mối tình lãng mạn với Soan. Rồi câu chuyện yêu đương bị “bỏ lửng” ở đó để gây hồi hộp, đợi chờ, tác giả chuyển sang nói những chuyện khác (“chêm xen”). Tác giả “luân phiên”, “lắp ghép” nhiều mảng không gian khác nhau: làng Xa Ming, đồn giặc… Khiêm bị nhốt ở một cái nơi mà “từng ngõ ngách trong cái đồn chính Pà Thạc này Khiêm và anh em trong đội đã bò qua lại bao nhiêu lần không nhớ hết” (“lặp lại”). Còn sự kiện anh trốn thoát thì chỉ được miêu tả một câu với “biên độ” rất ngắn nhưng “tải trọng” lớn: “Qua một đêm, Khiêm biến tăm”. Anh đã thoát ra cách nào thì tác giả không nói (“che giấu bí mật”). Nhưng bạn đọc có thể “dự đoán” căn cứ vào “phép tàng hình độn thổ” của anh trinh sát tài giỏi này. Hành trình trở về của đội trưởng Lương như thế nào vẫn là một bí ẩn (thời lưu của sự kiện này là bằng 0). Tác phẩm kết thúc ở chi tiết bộ đội vượt sông tiến đánh Pà Thạc, còn việc đánh thắng hay thua thì bạn đọc tự “suy đoán” lấy trên cơ sở liên hội ngữ nghĩa, đối thoại với từng câu chữ. Thậm chí phải đọc lại để tìm hiểu thêm các lớp nghĩa chìm mà tác giả kín đáo cài khắp tác phẩm..
Cái hay của thời gian nghệ thuật còn thể hiện ở cách đo thời gian của nhân vật. Mỗi nhân vật có một cách đo thời gian khác nhau. Đối với tên lính gác đồn Pà Thạc thì thời gian được đo bằng những thú vui vô bổ: “Hai giờ gác dưới mưa dài hơn hai canh bạc thâu đêm”. Thời gian cũng được đo bằng các hành động hữu ích. Nhân vật Sử đã tính tuổi mình bằng hành động chiến đấu: “Vèo một cái, hai năm trôi qua lúc nào không biết. Hai năm rất ngắn nhưng tràn đầy chất sống. Nếu tính tuổi người bằng hành động chứ không phải bằng năm tháng, tôi đã sống ít nhất là mười tuổi trong bộ đội”. Thời gian dài hay ngắn còn tùy thuộc vào thái độ của nhân vật ấy đối với chiến tranh, đó là “thời gian tâm lý”. Lính địch chán chường trước cuộc chiến phi nghĩa nên cảm thấy thời gian trôi đi quá chậm chạp. Chánh chán đời sống quân ngũ nên ba năm quả là quá dài: “Ôi chao, mau cho hết cái hạn ba năm để Chánh lại về”. Ba năm đối với Chánh là dài nhưng sáu năm đối với Lương lại quá ngắn. Bởi anh hăng say công tác nên thời gian trôi qua rất nhanh: “Sáu năm trôi vèo, anh còn nhớ tiếng cười sặc, nhớ bàn chân con đá vào cằm như mới hôm qua”. Mặt khác do hành quân di chuyển không gian liên tục nên có cảm giác thời gian trôi nhanh, luôn mới mẻ, sôi động. Trong khi đó người vợ ở nhà cảm thấy thời gian trôi đi chậm chạp, đơn điệu, buồn tẻ. Sự cô đơn, xa cách về không gian là một sự thử thách lớn lao đối với các cuộc tình. Chị vợ không chịu đựng nổi thời gian thử thách đợi chờ và không gian chiến tranh chết chóc ở miền quê nên đã ra phố lấy chồng khác. Từ đây, thời gian và không gian thử thách mất hiệu lực ở người vợ nhưng lại tăng gấp đôi ở người chồng. Mặc dù chồng chất nỗi đau và đối phó với rất nhiều hiểm nguy nhưng Lương vẫn vượt qua mọi thử thách để làm tốt nhiệm vụ. Qua đó, phẩm chất nhân vật càng ngời sáng. Cảm giác về “thời gian xã hội” với Lương trước sau vẫn như một, nghĩa là trôi rất nhanh, nhưng cảm giác về thời gian gia đình đã thay đổi, giờ trở nên rất chậm: “mới cách đây sáu năm mà xa như hai đầu mút của một kiếp người”. Ở đây, “Thời gian gia đình” được đo bằng “thời gian đời người”.
Ta còn gặp sự lệch pha giữa “thời gian thế tục” và “thời gian Phật giáo” (thời gian tu hành, thời gian thần thiêng, thời gian vĩnh hang). Đối với Văn Thon, lúc còn khép mình trong cửa chùa thì thời gian ngưng đọng, bất biến. Nhưng rồi nhà sư trẻ ấy cũng đến lúc không thể thờ ơ với dòng thời gian biến dịch với tốc độ ồ ạt ở ngoài đời: “Bên ngoài cửa chùa, cuộc đời vẫn chảy tuôn tuôn như nước sông lớn Nậm Khoỏng. Làng xóm mỗi năm một hư dần, nghèo dần”. Thời gian đang trôi chảy hướng tới sự tiêu điều, tàn tạ. Văn Thon đã từ bỏ “không gian tu hành” khép kín, chật hẹp, với “thời gian ngưng đọng”, để nhập vào “không gian thế tục” rộng mở, với “thời gian sôi động” và có giá trị thiết thực. Đây là một biến cố trong cuộc đời Văn Thon. Bởi lẽ anh đã dám từ bỏ không gian này để bước sang không gian khác đầy thử thách (“Sự di chuyển của nhân vật bên trong không gian quy định nó thì không phải là biến cố”- I.V. Lotman). “Thời gian nhân thế”, “thời gian hành động” của Văn Thon cũng gắn liền với lịch sử cách mạng Lào. Bởi vậy ở đây có sự gắn kết giữa “thời gian cá nhân” và “thời gian xã hội”: “Năm hôm sau, cách mạng nổ ra ở thủ đô. Lúc bấy giờ là tháng tám năm 1945, tức là năm 2489 theo Phật lịch. Quyển sách đời của Văn Thon lật sang những trang mới”. Việc gắn kết giữa “thời gian cách mạng” với “thời gian Phật lịch” cho thấy mối quan hệ giữa đời và đạo trong tư tưởng nhà sư Văn Thon. Từ khi nhập thế, thời gian trở nên có ý nghĩa thiết thực, có giá trị cao, đó là “thời gian chất lượng”. Có khi, nhân vật trải qua nhiều năm dài vô tích sự thì gọi là “thời gian phi chất lượng”. Nhưng có những khoảnh khắc có giá trị bằng vàng. Khi nghe Thông Phun thông báo mai lên đường thì đối với bộ đội, “một phút bây giờ là một ngày, một tháng”. Tức là một phút được đánh trận có giá trị còn hơn cả tháng chờ đợi. Theo quan điểm cách mạng, “thời gian hành động” có giá trị cao hơn “thời gian bất động”.
Trước giờ nổ súng được xây dựng theo kiểu cốt truyện phiêu lưu với đặc điểm là có rất nhiều không gian để cho các nhân vật di chuyển. Trong bài “Thời gian và không gian trong tiểu thuyết”, Bakhtin nói: “Để cho cuộc phiêu lưu có thể phát triển, cần phải có không gian và thật nhiều không gian. Tính đồng thời ngẫu nhiên và tính chệch thời gian ngẫu nhiên của các hiện tượng là có liên quan chặt chẽ với không gian, mà không gian trước hết là được đo bằng sự gần gũi hoặc sự xa cách” [1]. Do có nhiều không gian nên tạo được tính hoành tráng. Không gian phiêu lưu trong Trước giờ nổ súng có ba đặc điểm: hoành tráng, hiểm trở và kỳ thú. Nhờ kỳ thú mà khêu gợi tò mò bạn đọc, nhờ hiểm trở mà tạo gay cấn hồi hộp, nhờ hoành tráng mà dung chứa một kho tàng tri thức phong phú về nước Lào. Tác phẩm không chỉ có “không gian thiên nhiên” với chức năng thử thách, nói rộng ra là “không gian cản trở” mà còn có “không gian xã hội” như “không gian công cộng” ở Mặt trận bộ. Không chỉ có “không gian của ta” mà còn có “không gian của địch”. Đó là “không gian chiến tranh” đầy chết chóc và ô uế, trụy lạc. Tác phẩm còn khắc họa sinh động “không gian sinh hoạt” của dân tộc Lào với đầy đủ mọi phương diện: con người, ngôn ngữ, trang phục, nhà cửa, cách lao động, vui chơi, phong tục, tín ngưỡng, lịch sử… Người đọc còn lạc vào “không gian huyền thoại” qua các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại những người khổng lồ dựng nước Triệu voi, truyền thuyết anh hùng dân tộc, sự tích hang núi Vượn, sự tích con phỉ Koòng–còi… Đặc biệt là “không gian nguyên thủy hoang dã” qua việc giới thiệu tộc người rừng Toong lưỡng. Tác giả cũng lặp lại nhiều lần “không gian Phật giáo” để tạo không khí đặc trưng của văn hóa Lào. Nước Lào trong chiến tranh có một “không gian đa văn hóa”, hội tụ rất nhiều sắc màu từ các nước trên thế giới đem đến. Thể hiện ở sự đa dạng về ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Hán, Tiếng Phạn, tiếng Lào, tiếng Pháp... Căn cứ vào trang phục và vũ khí của bộ đội Itxala cũng thấy được điều đó: “có súng Pháp, Nhật, Nga, Đức, Anh, Canađa, Tàu Tưởng, Mỹ (…). Áo quần cũng không ai giống ai. Ka ki Mỹ xanh xám, ka ki Pháp vành đất thó, áo vải xanh chàm, cả phạ xà lùng dệt ô vuông xanh đỏ”… Như vậy, mặc dù đặt điểm nhìn chính tại Lào nhưng tác giả vẫn mở rộng tầm nhìn ra thế giới. Điều đó tạo ra một không gian rộng mở, hoành tráng đạt đến tầm vóc sử thi.
Trước giờ nổ súng còn hấp dẫn bạn đọc ở “không gian lãng mạn”. Vạn vật cũng có linh hồn như con người: “Mặt trời ướt không chạy loang loáng qua cành lá theo đội chuẩn chiến nữa, mà dừng lại nhìn theo”, “rừng lau phất cờ reo thắng trận”. Thiên nhiên đẹp thường được dùng làm bối cảnh cho các mối tình đẹp. Khung cảnh rừng vắng thơ mộng đã góp phần tạo dựng tình yêu của Khiêm và Soan: “cả một rừng chim nổi lên hát ghẹo chung quanh, một giọt nắng đùa dai nhảy mãi trên mũi Soan, bắt Soan phải ngẩng lên bằng được”. Thông thường, một tình yêu đẹp được đặt trong một bối cảnh đẹp. Có khi, tác giả tạo ra thiên nhiên đẹp không phải để các nhân vật yên lòng sống trong nó, mà “không gian thần tiên” có chức năng ru ngủ, giữ chân đội CC3 không cho họ lên đường: “Một vầng mây trắng xốp lừ lừ bò quanh sườn núi che bức tranh màu dưới kia. Năm người ngồi trên hang đá như bồng bềnh trôi trôi trên hòn đảo giữa biển mây (…) Ngửa đầu nhìn lên, con mắt tắm mát rượi trong biển xanh không đáy, có những bè mây gối nhau trôi êm êm, nhắm mắt lại, ngủ một giấc…/ - Đi thôi / - Phải đi”. “Không gian thử thách” khá đa dạng, hết đưa ra khung cảnh hiểm trở rùng rợn thì đưa ra khung cảnh thơ mộng, thần tiên để quyến rũ các anh hùng, bắt họ từ bỏ mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nếu hiểu rằng thiên nhiên chỉ có ý xấu với con người thì sẽ phiến diện, sai lầm. Thực ra, khung cảnh hung dữ chỉ như là một thủ pháp nghệ thuật với chức năng thử thách nhân vật, cũng như sĩ quan thử thách binh lính. Thiên nhiên không ác ý với đội CC3, còn những cái chết của họ chủ yếu là do con người gây ra (phục kích, đào ngũ bị bắn, tự sát, bệnh tật). Không gian cản trở chỉ có trên đường hành quân của đội CC3 nhưng lại không xuất hiện ở làng Phi Lạt, hang núi Vượn, Mặt trận bộ… Khi “Anh hùng ca số 5” được Văn Thon mang về tới nơi thì khung cảnh Mặt trận bộ đẹp hơn bao giờ hết: “Buổi chiều nay trên sông Xê Ban, nắng vẫn êm, rừng vẫn rung điệu nhạc cành lá như trong những ngày thanh bình nhất của đất nước Triệu Voi (…) Tiếng hát trong vắt thổi nắng gợn trên sông. Một con voi nhà ngừng vòi cuộn lá, trầm ngâm phe phẩy tai. Rặng vầu lay ngọn đếm nhịp”. Khi liên quân Việt - Lào rầm rộ tiến đánh Pà Thạc thì thiên nhiên đã trở thành đồng đội hô ứng cho chiến dịch. Tác phẩm kết thúc trong một không gian sôi động hào hùng, đội quân đông đảo bao gồm cả con người, đất trời cùng ra trận: “Sóng người ào ạt đổ về hướng Nam theo con đường đã mở (…) những tiếng trầm thanh của thác, rừng, voi, chim cung hòa thành một điệu nhạc xô bồ, dữ dội, ngùn ngụt tỏa lên rung trời. Sông núi Lào hát khúc anh hùng ca đời đời không tắt”.
Nói tóm lại, “không – thời gian cản trở” là một đặc điểm của cốt truyện phiêu lưu, và khi sáng tác Trước giờ nổ súng, Phan Tứ ý thức rất rõ điều đó. Tác giả không chỉ xây dựng thành công xuất sắc không gian và thời gian nghệ thuật mà còn tỏ ra có tài trong nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật. Giọng văn linh hoạt, uyển chuyển, kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau. Trước giờ nổ súng còn lôi cuốn bạn đọc bởi nó cung cấp một kho tàng kiến thức hết sức phong phú về Đất nước và Con người Lào. Nó xứng đáng là một trong những cuốn tiểu thuyết hay của văn học Việt Nam thời chiến tranh.
PNH