TÌNH YÊU TRONG TRUYỆN NGẮN HIỆN ĐẠI VIỆT NAM NHÌN TỪ CÁC PHỨC CẢM
HỒ THẾ HÀ
Đề tài tình yêu trong văn học đã, đang và sẽ đựơc các nhà văn khai thác, thể hiện ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn trình bày đề tài này ở góc nhìn phân tâm học mà các nhà văn đã vận dụng thể hiện một cách sáng tạo, đa dạng nhằm cắt nghĩa và lý giải tình cảm, tâm lý vi diệu của con người hiện đại trước những ba động của cuộc đời.
Như chúng ta biết, “Phân tâm học là phương pháp kinh nghiệm có mục đích phát hiện những ham muốn vô thức được che dấu đằng sau những hành vi có vẻ hợp lý, phải đạo của mỗi cá nhân ” (Phạm Văn Sỹ, Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại, ĐH và THCN, 1986, trang 31). Văn học hiện đại vận dụng nội dung lý thuyết của phân tâm học để xây dựng nhân vật ở chiều sâu tâm sinh lý, nhằm thể hiện mối quan hệ tình yêu trong thời buổi “cơ chế thị trường”, khi mà “vai trò của đồng tiền” trong xã hội tiêu dùng có khả năng làm cho những vấn đề bình thường lại trở thành mục tiêu và cứu cánh của mọi trạng thái nhân thế. Vì vậy, tình yêu - đề tài muôn thuở của nhân loại lại có dịp được các tác giả thể hiện một cách mới mẻ , hấp dẫn và đa dạng .
Qua dấu ấn Phân tâm học với những phức cảm và phức điệu của tâm hồn mỗi nhân vật, nhà văn muốn đặt vấn đề và trình bày những trạng thái tình cảm cụ thể của mỗi người từ yêu thương, giận hờn hay đau đớn, từ khao khát cho đến thoả mãn, khoái cảm (tình yêu, tình dục), hay từ những giấc mơ vô thức cho đến những động thái có tính bản ngã, bản năng của họ một cách chân thật và kỳ diệu nhất.
Nguyễn Minh Châu trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã khai thác đề tài tình yêu trong hoàn cảnh chiến tranh . Quỳ là người phụ nữ lạnh lùng, gần như vô cảm và lý trí trước mọi lời tỏ tình của đàn ông. Nhưng rồi do mọi ức chế và thiếu vắng tình cảm, cô đã không tự bình thảng trước chính mình được mãi. Cô đã thực sự là mình khi trải qua những cơn mộng du đẹp, thoả mãn những dục vọng vô thức. Khi ấy, Quỳ đã không ân hận , nuối tiếc - dù chỉ là phép thắng lợi tinh thần- để mãi mãi trong đời, chiến tranh là vết thương không bao giờ liền da, khi cô nghĩ về mối tình đầu mộng mơ và nồng ấm. Trạng thái mộng du trong vô thức của Quỳ được Nguyễn Minh Châu lý giải ở góc nhìn tâm lý học, khiến cho chiều sâu của tình cảm được khách quan hơn, xúc động hơn .
Tạ Nguyên Thọ lại miêu tả tình yêu của nhân vật Gã - một giáo viên dạy giỏi trong Người hùng trường làng một cách lạ lùng và thú vị. Vì một cuộc tình và những chấn động tâm lý đặc biệt, Gã đã vào nhà thương điên . Nhưng các bác sĩ không thể hiểu trạng thái điên của Gã là thật hay giả và nghi ngờ về hành vi bất thường này của Gã. Nhưng trớ trêu thay, sau khi mẹ chết, Gã buộc phải xuất viện vì không ai nộp tiền viện phí và cơm thuốc cho Gã. Thế là Gã được đi dạy lại, nhưng không phải như trước đây. Gã bị đồng nghiệp coi thường, xa lánh , có lúc họ lợi dụng Gã để vì những mục đích cá nhân . Nhưng rồi, tính cách “sầu, dư lòng tốt” của mình, Gã đã bèn giở trò điên để ứng xử với đời . Những trò tục tĩu, lả lơi, bỡn cợt tàn nhẫn, những mưu mẹo, trả thù vặt đối với mọi người lại trở thành thói quen của Gã với một ý nghĩ kỳ quặc “với đời ấy à, phải tàn bạo, nếu không muốn bị tiêu diệt hay bị vào trại điên”. Và rồi, Gã chính thức được mọi người tôn là anh hùng trường làng vì hành vi tát vào mặt ông tổ trưởng tổ xã hội của mình. Nhưng rồi Gã lại thấy ám ảnh và ray rứt lương tâm, “ Gã đau khổ vì Gã cảm thấy từng ngày, từng gìơ , tâm linh Gã sẽ bị huỷ hoại bởi những hành động thô bỉ ,tàn nhẫn của mình”.Chính điều này đã dẫn người đàn ông đến cái chết. Gã chết như “ một cọng rác giữa dòng nước xoáy trôi cuồn cuộn”. Qua nhân vật này, Tạ Nguyên Thọ đã gián tiếp nêu ra vấn đề bức thiết của đời sống cá nhân con người, rằng phải làm gì để con người được là con người giữa đời sống cộng đồng.
Cùng khai thác ở chủ đề này, Nguyễn Thị Thu Huệ đã để cho Mại - người con gái chưa chồng, nhưng đã hai lần dang dở nói lên tiếng nói chân thành của trái tim yêu say đắm với Hưng – chàng trai kém cô 4 tuổi , hấp dẫn và rành chuyện yêu đương, và Hưng cũng yêu cô như một ma lực. Anh đã từ bỏ những cô gái trẻ xinh đẹp để đến với cô. Họ đã trải qua giây phút “thần tiên” sau thời gian ngắn ngủi để trở thành gắn bó sâu nặng . Nhưng rồi mặc cảm già nua của mình, Mại và Hưng chia tay nhau . Hưng lấy vợ , Mại trở thành người đàn bà goá bụa thêm một lần nữa . Và cô quyết ở vậy “thách thức” với cuộc đời . Nhưng 3 năm sau, họ lại gặp nhau, không ngờ hai trái tim khi xưa, nay lại bất ngờ như núi lửa, không gì cản được những nhịp đập da diết của ái tình thời son trẻ. Nguyễn Thị Thu Huệ tỏ ra sắc sảo và tâm lý khi miêu tả những trạng thái tình cảm rất người của hai tâm hồn yêu nhau nồng nhiệt.
Cùng môtíp này, Trần Thuỳ Mai có truyện Chị Hai ơi! miêu tả tình yêu giữa chị Trúc và út Hiệp kém hơn chị 6 tuổi. Mối tình thầm lặng mà đẹp đến cao quý, run rẩy, nhưng hạnh phúc không mỉm cười với họ, khi mẹ Hiệp đã đuổi chị Trúc ra khỏi nhà vì bà cho đó là tình yêu không chân chính, con mình bị Trúc quyến rũ. Chị Trúc ngậm ngùi và xót xa, lặng lẽ, trái lại, út Hiệp rất kiên tâm, anh sẽ vượt qua tất cả, “rồi đây mình cũng sẽ cưới nhau”. Anh có thể vượt qua dư luận cũ kỹ của chung quanh, bởi vì anh có chân lý của riêng mình “tôi còn chưa vợ, Trúc không có chồng, vậy mà sao chúng tôi không được sống với nhau ?”. Đó chính là thông điệp của Trần Thuỳ Mai muốn xoá tan đi những quan niệm khe khắt và bất công của người đời. Chính lý lẽ của trái tim mới là tất cả.
Nhìn từ các phức cảm của tâm lý học chiều sâu, các nhà văn, thông qua từng số phận cá nhân, từng thế giới nội tâm của nhân vật, đã đặt vấn đề và lý giải vấn đề một cách vi tế và mới mẻ về tình yêu và tâm sinh lý phức tạp của con người, giúp cho độc giả nhận ra sự thật cuộc đời.
Trong Hạnh phúc trần gian, thông qua nhân vật lão Gioóc - đanh, Từ Nguyên Tĩnh đã khai thác ở cảm giác thèm khát khoái cảm của lão. Là người xuất thân từ tầng lớp giàu có đầu thế kỷ XX, được học trường Tây và ít nhiều hiểu được lối sống Tây phương, lão đã từng nghe “cô đầu hát suốt đêm”, lại “ngất ngây trong mùi thuốc phiện”, lão đã từng “vui vẻ trẻ trung” thâu đêm suốt sáng. Cuộc sống ấy đã dẫn lão đến trạng thái : “Tao muốn được khoái cảm . Mày biết được sự khoái cảm của trần gian ô trọc này chưa ?”. Chính hoàn cảnh và tính cách ấy đã làm cho lão Gioóc - đanh trở nên cô độc, gác đèn ở mũi Vọng xa xôi. Khi hạnh phúc đến với lão cũng là lúc lão nhận ra cuộc đời cần phải được như thế, cần phải biết hạnh phúc là sự hoà hợp của hai tâm hồn, và phải biết nương tựa lẫn nhau . Chính điều ấy, lão được sống trong những ngày còn lại đầy thanh thản với một nguời đàn bà đã yêu lão, luôn xem lão là thần tượng, là “thượng đế của lòng mình”. Từ Nguyên Tĩnh đã miêu tả các trạng thái tình cảm của nhân vật một cách logic thông qua từng hành động, suy nghĩ trong từng hoàn cảnh và chi tiết cụ thể.
Truyện ngắn Man Nương của Phạm Thị Hoài miêu tả một cặp tình nhân xấu xí và tội nghiệp, ở chỗ, họ mang “mặc cảm tàn phế”, tìm cách che giấu những khiếm khuyết trên cơ thể của mình bằng những cử chỉ rất ngây ngô và dễ thương, và bù lại, họ có một tình yêu hoà hợp về thể xác lẫn tâm hồn đến mức tuyệt vời. Man Nương và người tình xấu xí đó đã bằng lòng với niềm tin bé nhỏ, mong manh của mình giữa cuộc sống đời thường, vượt lên trên giới hạn có tính bản thể để được yêu và được sống bên nhau. Truyện mô tả ngắn gọn mà xúc động, nhân bản.
Còn trong truyện ngắn Kiêm ái, Phạm thị Hoài lại nghiêng về thể hiện tính dục làm tha hoá con người, do quan niệm và lối sống dễ dãi của mình. Đó là nhân vật người mẹ buông thả, chủ trương “kiêm ái”, yêu tất cả mọi người đàn ông để rồi khắc sâu trong trái tim thơ dại của con gái nhỏ của mình sự tổn thương quá sớm, khiến cô ta suốt đời xót xa, tê tái, vừa trách giận vừa thương hại người mẹ đa tình và đầy dục vọng của mình. Cô ta đã ví căn phòng của hai mẹ con như một ga tàu điện treo mạo hiểm trên tầng năm, hành khách toàn là đàn ông, họ làm đủ mọi nghề, đủ mọi thành phần xã hội. Họ tìm đến người phụ nữ này để thoả mãn tình dục thấp hèn của họ. Và người mẹ cũng không kém gì, bà có hai khả năng kỳ lạ, “đó là khâm phục và xúc động, là hai cánh tay khổng lồ vươn ra ôm trọn thế giới đàn ông, không cho ông nào thoát…Họ khinh trọng nhau ở đâu, chứ ở nhà em, tất cả đều bình đẳng trong vòng ôm khổng lồ, trong gọng kìm của mẹ. Giấc mơ đại đồng của nhân loại được thực hiện phần nửa bởi một người phụ nữ nhẹ dạ, lầm lỗi như thế. Cũng không ông nào thoát khỏi cơn say đắm của mẹ, Mẹ luôn phải say đắm một người đàn ông nào đó.”, Đó phải chăng là “trò đùa của tạo hoá” hay là sự tự nguyện buông thả theo tính dục bản năng của con người? Truyện có ý nghĩa tố cáo và cảnh báo những ai xem thường ý nghĩa của tình yêu và lòng tự trọng của con cái.
Viết về đề tài tình yêu, các nhà văn đều lấy điểm tựa từ bản năng vô thức mà Freud - ông tổ của Phân tâm học cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân tính dục để đi sâu khám phá các trạng thái tình cảm thầm kín của nhân vật,từ đó, đề cập đến giá trị cuộc sống và bản ngã của mỗi một chủ thể hiện sinh. Họ không còn là con người xa lạ trong xã hội tiêu dùng, họ không xem chuyện bất ngờ, may rủi như là định mệnh mà họ là những con người “đầy những vết dập xoá trên thân thể, trong tâm hồn” do chính họ gây ra.
Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn tỏ ra thuần thục nhất khi miêu tả tâm lý chiều sâu của con người một cách tự nhiên và góc cạnh nhất. Có thể xem những nhân vật của ông là “ người lạ quen biết” mà chủ nghĩa hiện thực phê phán quan tâm. Những con người ấy, kẻ khát khao tình yêu, kẻ hám công danh địa vị, kẻ đắm mê nhục dục. Đó là bản năng hay ý thức? Nguyễn Huy Thiệp miêu tả những con người này một cách lạnh lùng, có vẻ như vô tâm và tàn nhẫn, nhưng đằng sau đó là tiếng kêu xé lòng về sự mong muốn hoàn thiện nhân cách của con người.
Cún - nhân vật trong tác phẩm cùng tên là một người mang mặc cảm tàn phế. Anh không phải là người, kỳ hình dị dạng. “Đầu nó to tướng, hai chân tay mềm oặt như chẳng có xương, chỉ hơi lệch trọng tâm là ngã kềnh ra đất”.Thế nhưng, Cún có tâm hồn và tình yêu không kỳ lạ, Đó phải chăng là trạng thái sóng đôi giữa bất hạnh và kỳ diệu? Cún luôn ám ảnh về một người đàn bà vừa tham lam vừa lẳng lơ là cô Diệu. Sau khi Cún và cô Diệu thoả mãn dục vọng theo “hợp đồng” thì người Cún trở nên tê dại, lâng lâng: “Bao nỗi buồn trĩu nặng của cuộc đời Cún bỗng dưng được trút hết cả đi, khuây khoả lạ lùng”. Niềm vui sướng của “một kẻ chưa thành người lại sẽ có con” khiến Cún quên đi bao nỗi bất hạnh , đau buồn. Cún chờ đợi sự hoàn thiện tuyệt đối của đứa con sắp chào đời của mình như một bản thể hoàn hảo mà bản thân mình không có được.
Bài học cuộc sống tình yêu đầy nhục cảm cũng được Nguyễn Huy Thiệp thể hiện trong Thổ cẩm, kể về mối tình trong thoáng chốc của chàng trai miền xuôi và cô gái Mường ở bản Hoan. Vì bản năng tính dục thôi thúc, vì trăng quá đẹp và vì quá cô đơn đã khiến chàng trai ngỡ ngàng, si mê đến cưỡng hiếp cô gái khi cô đang dệt vải, “Sự lãng mạn của thiên nhiên khiến anh không muốn dừng lại ở nụ hôn” mà “ bị kích động vì thân hình gợi cảm và làn da trắng ngần ở cổ và vai cô gái…Dục vọng trong tôi bùng lên như lửa…Tôi chiếm đọat cô gái một cách bạo cuồng”. Sự giải thoát bản năng vô thức đã dẫn đến hậu quả như thế. Và sau cái đêm trăng sáng, sau vẻ đẹp bí ẩn và tinh khôi của núi rừng mênh mông, sương khói “trăng rất sáng, ánh trăng hắt qua khung cửa sổ tựa như dát vàng trên tấm chăn dệt thổ cẩm”, chàng đã phải ân hận suốt đời, tự mình phải chịu nỗi đau nhức nhối, ám ảnh và dằn vặt. Qua câu chuyện bồng bột và đầy bản năng của chàng trai trong môi trường sinh hoạt và phong tục của dân tộc Mường, Nguyễn Huy Thiệp muốn nói lên sức mạnh của tình yêu; đồng thời cũng chỉ ra mặt trái của dục năng, nếu con người không biét kiềm chế thì sẽ mang mặc cảm tội lỗi suốt cả cuộc đời.
Sự trắc nghiệm tâm lý người qua các phạm trù ý thức và vô thức được các nhà văn làm sáng rõ qua cách lý giải và cắt nghĩa bằng tiếng nói nghệ thuật. Và hình như giữa ý thức và vô thức, có một sức mạnh quyền năng bản thể, làm cho con người luôn đứng giữa lằn ranh của chúng, dẫn đến sự phân thân chính họ một cách bất ngờ. Tình yêu và khát vọng hiến dâng, có khi chỉ là để thoả mãn những dục vọng vô thức đã khiến cho các nhân vật trong truyện ngắn hiện đại khá đa dạng và phức tạp. Nguyễn Bản với Ánh trăng, Phạm Hoa với Đùa của tạo hoá, Pham Thị Hoài với Năm ngày, Bảy nổi ba chìm,Người đón mộng giỏi nhất thế gian, Phạm Ngọc Tiến với Họ đã trở thành đàn ông, Quý Thể với Mùi cọp, Nguyễn Quang Thân với Vũ điệu của cái bô, Chu Lai với Lỗi không phải tại rượu, Trần Duy Phiên với Ngõ đạo miền hoang dã, Nguyễn Thị Thu Huệ với Một nửa cuộc đời, Thiếu phụ chưa chồng, Đà Linh với Nàng Kim Chi sáu ngón … đều được khắc hoạ ở góc nhìn tâm lý học chiều sâu như thế.
Nguyễn Bản với Tầm tã mưa ơi! miêu tả nhân vật kỹ sư Minh mang mặc cảm tội lỗi. Để được gần gũi và thoã mãn ham muốn xác thịt với cô gái thanh niên xung phong nên trong mơ, một chút nữa thôi, anh đã trở thành một kẻ sát nhân. Nhưng qua đó, Minh đã thể hiện lòng đố kỵ và muốn giết chồng của Nga để mình được là chồng, được kề cận bên Nga. Chính qua giấc mơ, Minh đã phần nào bù đắp được dục vọng v ô thức của mình.
Cùng trạng thái ham muốn và cùng chấp nhận, Triệu Huấn đã khắc hoạ mối tình đặc biệt giữa trưởng giáo Ôn Đàm và nữ đạo sỹ Dạ Linh trong truyện ngắn Yêu pháp. Do tu hành và khổ luyện, họ đã biến đổi giới tính, tâm lý của họ cũng dần thay đổi, dẫn đến khao khát được yêu nhau và được thoả mãn xác thịt mà lẽ ra, những người chân tu như họ không được buông thả. Dục vọng vô thức đã làm cho họ “ùa vào mê cung của nhau như hợp lưu của hai dòng sông cuộn chảy giao nhau hoà làm một”. Con đường tu luyện của họ, có lúc bị chao đảo vì lửa tình âm ỷ bên trong. Họ nhận thấy thượng giới và 138 chỗ trống dành cho những kẻ đắc đạo là “con số quá nhỏ bé so với 6 tỉ chúng sanh nơi hạ giới”. Từ ham muốn vô thức đã giúp họ ý thức vượt qua những mặc cảm với người đời để hoàn tục và cưới nhau, chung sống hạnh phúc. Cách đặt vấn đề của Triệu Huấn quả là bất ngờ, không có trong kho ấn tượng của mọi người, nhưng ngẫm kỹ thì có tính hợp lý. Chính tình yêu đã cứu rỗi linh hồn họ.
Nằm trong số những nhà văn nói trên, Đà Linh cũng đã ý thức vận dụng phân tâm học để khắc hoạ nhân vật. Giấc mơ vô thức và mặc cảm tính dục ấu thơ, mặc cảm tàn phế và một ít sex được thể hiện đã làm cho tình cảm và tính cách nhân vật hiện lên cụ thể. Nàng Kim Chí sáu ngón là truyện ngắn như thế. Dù có một ngón tay thừa nhưng Kim Chi được bao chàng sinh viên yêu quý. Riêng Nhật, khi chạm vào ngón tay thứ sáu của nàng thì tình yêu cũng lên ngôi từ đó. Rồi họ gặp nhau, “nhìn thấy rõ nhau nhờ ánh trăng. Ánh trăng tối nay sáng trong, huyền bí, bầu trời thăm thẳm dấu kín mọi ý định của ngày mai”, “đôi mắt của cô chứa đựng trọn vẹn cả vầng trăng quyến rũ. Nhật muốn lao vào xiết chặt lấy cô, hôn lên mắt, lên môi cô. Họ nhìn nhau, chẳng nói lời nào, ánh trăng đang tan trong đôi mắt họ, họ không thấy gì nữa, ngoài hai tấm thân đang run rẩy”. Đó chính là cú sét ái tình của hai tâm hồn cô độc, “họ đã thấy nhau trong mơ. Họ đã ở bên nhau, cầm lấy tay nhau bay lơ lửng trong khoảng trống bao la trên nền trời tối cùng các vì sao bé nhỏ. Hai thân thể cùng trắng xoá như các vì sao, đùa giỡn ,vẫy vùng làm các vì sao xúc động”. Truyện có kết thúc bất ngờ, đầy tính nhân văn, giúp cho người đọc thấy được vẻ đẹp của tình yêu thánh thiện của hai tâm hồn sáng trong như ngọc.
Chị Thìn trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Quang Huy lại diễn ra sự đấu tranh quyết liệt giữa bản năng và ý thức. Chính cái ranh giới vững chãi mà mong manh, dễ vỡ ấy khiến cho con người dằn vặt và đau khổ. Vì một phút giây không thể kiềm chế lòng mình do nhục cảm dâng cao đã làm cho chị Thìn trở nên quyết liệt trước chàng trai trẻ tên Hà, đến nỗi, chàng hoảng sợ: “vòng tay chị ôm tôi chặt hơn và bàn tay táo bạo, da diết hơn”. Rõ ràng, Nguyễn Quang Huy đã không ngại giấu giếm những góc khuất nồng nàn trong tình cảm của người phụ nữ đứng tuổi. Từ góc nhìn phân tích tâm lý, tính người và bản năng tính dục muôn thuở hiện lên.
Qua tìm hiểu các phức cảm tình yêu được thể hiện trong một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam tiêu biểu, ta thấy các nhà văn đều ý thức miêu tả đa dạng và chân thật các trạng thái tình cảm và tâm sinh lý của con người hôm nay. Đó không phải là sự điểm tô, làm dáng trong văn chương mà là sự thôi thúc bên trong của nhà văn để trình bày phần hiển minh cao đẹp cũng như phần khuất lấp bản năng của con người. Chính nhờ tiếng nói nghệ thuật và đặt nhân vật trong từng tình huống, chi tiết và trạng thái cụ thể mà hiện thực tâm trạng được bộc lộ ở chiều sâu, ở tính đa chiều kích của chúng. Tình yêu và mục đích cao đẹp của tình yêu muôn đời vẫn là đề tài luôn mới mẻ, không có câu trả lời kết thúc và lặp lại cho từng con người và cho từng mối tình trên cõi nhân gian bé tý này. Và vì vậy, sự tìm kiếm trong nghệ thuật thể hiện các phức cảm tình yêu vẫn còn đặt ra cho nhà văn những thử thách và thể nghiệm mới. Hy vọng truyện ngắn Việt Nam về đề tài tình yêu ngày càng khởi sắc, cách tân và đạt được những giá trị mới.
H.T.H