CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CỦA ĐẢNG QUA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG TẠI QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

14.03.2011

CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CỦA ĐẢNG QUA BÁO CHÍ CÁCH MẠNG TẠI QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

Lưu Anh Rô

Cho đến nay, khó có ai biết chính xác thời điểm ra đời của báo Đảng tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Tôi đã cố công lục tung nhiều tư liệu ố vàng các kho lưu trữ, gặp gỡ nhiều người đã từng “làm báo Đảng” tại Quảng Nam, Đà Nẵng để hỏi han và dò tìm manh mối về sự ra đời của tờ báo.

Về tờ báo đảng đầu tiên tại Quảng Nam, đồng chí Phan Văn Định – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đầu tiên sau này nhớ lại: “Sau khi ra đời, Tỉnh đảng bộ Quảng Nam chủ trương phát hành tờ báo Lưỡi Cày với số lượng nhiều hơn, đối tượng tuyên truyền cũng rộng rãi hơn. Để đảm bảo việc in ấn được nhanh và bí mật, chúng tôi thường dời địa điểm ấn loát luôn. Có lúc in ở cơ quan Tỉnh ủy, có lúc đưa về chỗ tôi, ngay trong nhà sứ (tại Hội An) để in. Cũng có khi đưa đến nhà đồng chí Nguyễn Thái, chùa Quảng Triệu, Hội An (Tờ báo Lưỡi Cày ra đời từ tháng 6 năm 1929, mỗi tháng một số gồm 4 trang do đồng chí Trần Đại Quả chủ trì và đồng chí Trần Kim Bảng là người soạn bài hăng hái nhất). Tờ báo Lưỡi Cày có tác dụng giáo dục quần chúng ý thức kháng Pháp, chống phong kiến tay sai tại Quảng Nam rất rõ rệt!”. Thời đó, đọc báo tiến bộ, nhất là báo Đảng thì bị cò Tây bắt bỏ tù như chơi, nên ai có trên tay một tờ báo Đảng cũng đủ giới thiệu về mình. Đồng chí Đoàn Xuân Trinh kể: “Đến cả Quỳnh, Trà, cặp con trai ông Chánh Hóa, cũng thường hay lui tới trò chuyện râm ran chẳng khác người nhà với tôi, cốt tỏ bày nhiệt tình của mình đối với cách mạng. Nhưng do vẫn ngại Quỳnh, Trà là con chánh tổng, tôi phải đi bàn với Quơn (tức Đặng Hoang, con Phó Hiển thuộc chi bộ Tân Mỹ) lấy tình bà con thân thích đến tuyên truyền và thẩm tra thêm. Sau đó không lâu, Quỳnh, Trà lại đến nhà, kéo tôi ra chỗ vắng, khoe đã bắt được mối và đưa tờ báo Lưỡi cày cho tôi xem. Tôi liền lục trong mình lôi ra một tờ Lưỡi cày khác. Hai cậu bật cười và trách khéo: "Rứa mà lâu nay anh cứ giấu chúng tôi mãi!".

Tôi may mắn được gặp lại cụ Hồ Sỹ Thiều – năm nay đã 93 tuổi, nguyên Bí thư Thị uỷ Tourane (Đà Nẵng), tại nhà ông ở thành phố Vinh (Nghệ An). Khi nhắc đến các cách thức tuyên truyền cách mạng vào những năm đầu thế kỷ 20, ông nhắc ngay đến tờ “Còi nhà máy” - tờ báo tiền thân của báo Đà Nẵng hiện nay. Cụ nói, “Hồi đó, ngày thì đi làm đêm về mình phải in truyền đơn và báo “Bẻ xiềng xích” của Xứ uỷ Trung kỳ cung cấp cho anh em Tourane. Thấy tờ báo “Bẻ xiềng xích” của Xứ uỷ Trung kỳ rất hay, phục vụ đắc lực cho việc vận động anh em công nhân Tourane nên tôi dựa vào đó để lập ra tờ “Còi nhà máy” cho Đà Nẵng. Tôi tuy học kém song chữ viết thì đẹp, biết tóm lược những yêu cầu cần kíp của Đảng và nắm được tâm tư, đời sống của anh em thợ thuyền nên tờ “Còi nhà máy” rất được anh em tán thưởng. Tờ báo này chúng tôi chuyền tay đến anh em công nhân, thợ thuyền Đà Nẵng!”. Theo đồng chí Nguyễn Sơn Trà, một trong những đảng viên tiền bối ở Đà Nẵng, vào năm 1930, một trong những “cộng tác viên” báo Đảng đầu tiên, nhớ lại kỷ niệm làm báo Đảng đầu tiên của mình: “Lúc này vì Đảng mới thành lập cho nên mọi việc còn ở trong chế độ chỉ định. Sau khi tôi nhận nhiệm vụ mới, anh Hồ Sĩ Thiều trao cho tôi tờ báo "Còi nhà máy" bảo tôi viết một bài xã thuyết. Tôi có viết một bài. Bài đầu tiên của tôi được sửa chữa nhiều vì những danh từ cách mạng cũng như lối trình bày của cách mạng tôi chưa quen. Bài tôi viết bàn về thời sự quốc tế!”.

Cũng qua những nhân chứng trên, tôi mới mườn tượng ra sự vất vả, gian nan của “khâu in báo” lúc bấy giờ. “Công nghệ” để in một tờ báo gồm có các dụng cụ như: mực in, Axít, rulô (tức trục quay), phèn chua và nhất là đông sương. Bà Phạm Thị Dung - mẹ của đồng chí Trần Hưng Thừa, nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng năm 1978 nhớ lại: “Có lần anh Phan Văn Định – sau này là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Đà Nẵng, nói với tôi: "Chị mua cho em một bó đông sương". Tôi nói đùa: "Nấu chi thì nấu, chớ đừng nấu chè!". Thực ra, tôi biết các anh dùng để in tài liệu, truyền đơn và báo Đảng. Mỗi lần in, con gái tôi được các anh bảo ra ngoài chơi có ai vào thì báo!”. Công nghệ in đã vậy, người đọc cũng không phải dễ dàng cầm trên tay những tờ báo này, chỉ cần lộ ra là ở “nhà pha” ngay. Tôi đọc trong một báo cáo của của mật thám Pháp tại Đà Nẵng nêu rõ: “Bắt tên tình nghi Nguyễn Văn Vân, tại phủ Điện Bàn (Quảng Nam) vì đã tham gia tổ chức "Bạn đọc sách báo". Bắt tên Nguyễn Viên ở xã Vân Trai, phủ Tam Kỳ (Quảng Nam) thu hàng trăm tờ báo, trong đó có tờ “Còi nhà máy”… Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục phát hành nhiều tờ báo như: Cứu Quốc, Chiến Thắng (thời chống Pháp), Giải Phóng, Cờ Giải Phóng… Từ sau năm 1975 đến năm 1986, báo Quảng Nam – Đà Nẵng là tiếng nói chung của Đảng bộ, từ 1997 đến nay, báo Đà Nẵng lại trở lại là tiếng nói của Đảng bộ Đà Nẵng như đã từng có trong quá khứ…

Quảng Nam, Đà Nẵng là quê hương ra đời của báo chí Việt Nam; cũng là nơi sản sinh ra những nhà báo tài danh. Ở một vùng đất như thế, báo Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây cũng như hiện nay xuất hiện nhiều cây viết già dặn và bản lĩnh là điều dễ hiểu. Tôi đã từng say với câu văn mượt mà của Huỳnh Thị Bảo Hoà, sự sắc sảo đến lạnh người của văn chương Lê Văn Hiến, sự nhuần nhị chất phác của nhà báo Nguyễn Đình An, những bút ký chân dung “đặc chất Quảng” của Hồ Duy Lệ. Trên hết, họ là những người có tâm với nghề báo và có niềm đam mê vô hạn với nghề. Còn nhớ, năm 2008, khi chúng tôi thực hiện tập sách “Đà Nẵng – Xuân mậu thân 1968”, nhà báo lão thành Nguyễn Đình An bảo tôi: “Cậu cố tìm cho mình tờ Cờ Giải phóng số Xuân – 1968” trong đó có bài “Đà Nẵng đêm trước mùa xuân của mình”. “Báo Xuân? Bố có nhớ lộn không đây?”. “Không, chắc chắn có. Mình nhớ bài đó được đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam lúc đó mà!”. Lập tức, tôi chạy đến nhiều nơi, kể cả thư viện Đà Nẵng song cuối cùng lại tìm thấy trong chiếc vali tư liệu cũ của bác Hồ Nghinh tặng cho Ban Tuyên giáo Thành ủy! Điều lý thú là, tôi thấy trang 1 của báo này in hình của Hồ Chủ tịch với bài thơ chúc Tết của Người, tại trang 3 có nhiều câu đối mang tính dự báo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Đà Nẵng khá hay.

Ngùi ngùi mỗi khi nhớ lại chuyện xưa, nhà báo Nguyễn Đình An nhiều lần nói với tôi: “Tờ báo là sự hiện diện của cách mạng, là thể hiện sức sống của Mặt trận dân tộc giải phóng, với nhận thức đó, bọn mình luôn cố gắng để báo đều kỳ. Hồi Mậu Thân, Đặc khu uỷ Quảng Đà có 2 tờ báo gồm: Cờ giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Đà Nẵng và Giải phóng của tỉnh Quảng Đà. Trong Mậu Thân, nhà in của tỉnh từ căn cứ được chuyển về Gò Nổi để kịp in báo, tài liệu tuyên truyền. Có một kỷ niệm buồn mà mình nhớ mãi: Đêm 21.5.1972, hôm ấy là hội nghị ngành Tuyên huấn của tỉnh Quảng Đà, mọi người xem phim nhưng thấy B52 xuất hiện là dừng lại ngay và móc võng lên cây mà ngủ, số khác thì ngủ trong hang. Không ngờ, B52 kéo đến thả bom rải thảm, làm chết 15, có 6 đồng chí ngủ trong hang bị một tảng đá lớp sập lấp cửa hang, trong đó có phóng viên báo Cờ Giải phóng (tức báo Đà Nẵng). Sau này, bọn mình dùng mìn phá dỡ tảng đá hoặc tính dùng cả cần cẩu lớn vào việc này nhưng đều vô vọng! Một câu hỏi luôn ám ảnh mình, liệu mấy chục năm qua rồi, trong hang đá ấy có còn gì không?”.

Có thể nói, ngay từ khi ra đời, trải qua 80 năm thăng trầm lịch sử, công tác tư tưởng, nhất là sự tuyên truyền cách mạng của Đảng bộ Đà Nẵng qua báo chí và lực lượng làm công tác công tác báo chí chuyên nghiệp cũng như không chuyên nghiệp đã được rèn luyện thử thách của khói lửa chiến tranh, trong các phong trào cách mạng của quần chúng; nhiều người đã hy sinh anh dũng trên tuyến lửa của cuộc đọ sức quyết liệt với quân thù. Họ xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá, tư tưởng; một nhiệm vụ mà Đảng đã tin tưởng, giao phó cho họ, họ rất đáng được chũng ta ngưỡng mộ và vinh danh.

L.A.R