Kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2010)
Mẹ Thứ
Bùi Đình Nguyên
Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã 9 lần tiễn con ra trận và 9 lần mẹ khóc thầm lặng lẽ mỗi khi được tin báo con mẹ đã hy sinh, trở thành người mẹ có nhiều con hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong 30 năm chiến tranh.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ bên mâm cơm với 9 bát,9 đôi đũa và lư hương tưởng nhớ 9 con liệt sỹ nhân ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 |
1.
Đất nước qua 30 năm (1946-1975) với hai cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hơn một triệu người con đã hy sinh trên khắp các chiến trường. Để tôn vinh những người mẹ sinh thành dưỡng dục hiến dâng những người con cho sự nghiệp độc lập tự do, thống nhất nước nhà, từ năm 1995 đến nay, Đảng, Nhà nước đã phong tặng hơn 46.000 danh hiệu: “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” (BMVNAH) – một hình tượng tiêu biểu của người mẹ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong đó, riêng tỉnh Quảng Nam đã có 5.797 bà mẹ được phong tặng danh hiệu BMVNAH – là địa phương có số người mẹ được tôn vinh danh hiệu cao quý này nhiều nhất so với cả nước.
Tại huyện Điện Bàn là một trong các huyện thuộc tỉnh Quảng Nam đã anh dũng kiên cường trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, có 1.081 BMVNAH được phong tặng.
Trong huyện Điện Bàn có xã Điện Nam – quê nhà của mẹ Nguyễn Thị Thứ có 183 mẹ được nhận danh hiệu vinh dự này. Mẹ Thứ là một trong số BMVNAH đó, là người mẹ tiêu biểu nhất được cả nước tôn vinh để làm nguyên mẫu và góp sức xây dựng tượng đàiBMVNAH tại tỉnh Quảng Nam trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, là một công trình văn hóa nghệ thuật vĩnh cửu để lại các thế hệ mai sau.
2.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã 9 lần tiễn con ra trận và 9 lần mẹ khóc thầm lặng lẽ mỗi khi được tin báo con mẹ đã hy sinh, trở thành người mẹ có nhiều con hy sinh nhất trong cả hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trong 30 năm chiến tranh.
Niềm tự hào, vinh dự thật lớn lao của người mẹ đã hiến dâng các con cho Tổ quốc, nhưng nỗi đau thương cũng quá mức tột cùng đối với sự chịu đựng của một người mẹ. Ai ai đến thăm, chăm sóc mẹ đều lặng lẽ nhìn lên trang thờ thẳng hàng 9 bằng “Tổ quốc ghi công” 9 liệt sỹ con mẹ đã hy sinh từ năm 1948 đến 30-4-1975. Không phải để làm thống kê con số đơn thuần, nhưng cũng cần ghi lại đây để chúng ta cùng tri ân nhớ ơn các liệt sỹ, và chia sẻ nỗi nhớ thương của các BMVNAH nói chung, của mẹ Nguyễn Thị Thứ nói riêng.
Đây là 9 liệt sỹ thuộc dòng họ Lê Tự của vợ chồng mẹ đã ghi trong Bằng “Tổ quốc ghi công” mà tôi đã ghi lại theo thứ tự năm tháng các anh đã hy sinh: Anh Lê Tự Xuyến, hy sinh ngày 18-6-1948; anh Lê Tự Hàn (anh) hy sinh ngày 5-10-1948; anh Lê Tự Hàn (em), hy sinh ngày 15-10-1948; anh Lê Tự Lem, hy sinh ngày 1-4-1954; anh Lê Tự Nự, hy sinh ngày 5-9-1966; anh Lê Tự Mười, hy sinh ngày 14-4-1972; anh Lê Tự Trịnh, hy sinh ngày 12-9-1972; anh Lê Tự Thịnh, hy sinh ngày 28-8-1974 và anh Lê Tự Chuyền, hy sinh ngày 30-4-1975.
Ngoài ra mẹ Thứ còn có anh con rể Ngô Tường, hy sinh năm 1957 và cháu ngoại Ngô Thị Cúc, hy sinh năm 1973. Vậy là mẹ có 4 người con hy sinh trong chống Pháp, 7 người con, rể, cháu, hy sinh trong chống Mỹ.
Trong đó có trường hợp trước ngưỡng cửa của ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng - người con trai đầu của mẹ là anh Ba Chuyền (Lê Tự Chuyền) chỉ huy biệt động Sài Gòn đã hy sinh ngay sáng ngày 30-4-1975, trước giờ cờ chiến thắng của ta tung bay trên “Dinh Độc lập” – sào huyệt cuối cùng của chế độ Sài Gòn.
Đời mẹ Thứ có 10 người con, nay chỉ còn người con gái đầu lòng, nên mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của mỗi người con, ngày Tết Nguyên đán, hoặc Ngày kỷ niệm Thương binh – Liệt sỹ, mẹ thường thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để “gọi vong linh” các con về với mẹ.
Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê thấy các con về, mẹ choàng dậy đến trước trang thờ gọi tên từng người con yêu quý, và thắp 9 nén hương để tưởng niệm các con. Chứng kiến cảnh tượng ấy, ai cũng ngậm ngùi và như thầm thưa với mẹ: Mẹ ơi, cho con chia sẻ niềm xót thương của mẹ.
3.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1903, năm nay mẹ thọ 107 tuổi, và cũng là BMVNAH cao tuổi nhất còn sống hiện nay. Mẹ đang được bà Hai Trị – người con gái đầu lòng năm nay cũng đã 86 tuổi chăm sóc, phụng dưỡng trong ngôi nhà tình nghĩa 5 gian, khang trang sáng sủa giữa khu vườn rộng thoáng mát do UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng năm 2003 nhân dịp mẹ tròn 100 tuổi.
Bà Hai Trị cũng là người có chồng và con gái đã tham gia kháng chiến hy sinh (đó là liệt sĩ Ngô Tường và Ngô Thị Cúc như đã nêu ở trên). Bà là người đã chứng kiến cả cuộc đời và chia sẻ nỗi đau tột cùng cũng như niềm an ủi với mẹ Thứ.
Bà Hai Trị kể, nhà mẹ hầu như quanh năm suốt tháng, ngày ngày đều có người ở mọi miền đất nước đến thăm thương, an ủi mẹ với tấm lòng thành kính và tri ân người mẹ đất Quảng đã cống hiến nhiều người thân nhất để góp phần cho đất nước có vị thế tầm cao hôm nay.
Một hình ảnh hết sức cảm động được bà Hai Trị kể lại: Có một doanh nghiệp trẻ tại TP. Hồ Chí Minh đến thăm mẹ. Nhìn lên trang thờ 9 liệt sỹ, anh xúc động ngậm ngùi không cầm được nước mắt.
Rồi anh lặng lẽ bế mẹ Thứ đặt lên chiếc xe lăn anh mang đến tặng, từ từ đẩy xe đưa mẹ dạo quanh ngôi nhà tình nghĩa và thủ thỉ trò chuyện với mẹ. Sau đó dừng xe lăn dưới bóng cây trong vườn nhà tỏa mát, anh tỉ mẩn lấy lược chải tóc, lấy kéo cắt móng tay, lấy khăn lau mặt cho mẹ, lấy bánh xốp mời mẹ ăn – như một người con gái chăm sóc mẹ già.
Không rõ anh nói gì với mẹ, nhưng xung quanh người ta thấy mẹ cười rất vui – nụ cười hiếm thấy ở người mẹ ẩn chứa quá nhiều nỗi đau trong cuộc đời này. Sau đó, bà Hai Trị hỏi lại: Anh nớ nói chi mà mẹ vui rứa? Mẹ Thứ bảo: Nó xin làm con để phụng dưỡng mẹ cho đến cuối đời... Và, biết bao tình cảm thân thương khắp mọi nơi đã đến với mẹ lúc xế chiều để san sẻ với mẹ niềm vui cũng như nỗi buồn.
Sự mất mát đau thương lớn lao của mẹ Thứ, cũng như bao bà mẹ liệt sỹ khác, đều được sự chăm sóc tận tình với đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của nhân dân ta bằng tấm lòng quý trọng, tôn vinh và tri ân sâu nặng, ấm áp ân tình.
B.Đ.N