TỔ QUỐC BAY LÊN BÁT NGÁT MÙA XUÂN(Cảm nghĩ về bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ - chiến sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân)

14.03.2011

TỔ QUỐC BAY LÊN BÁT NGÁT MÙA XUÂN(Cảm nghĩ về bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ - chiến sĩ - liệt sĩ Lê Anh Xuân)

Nguyễn Thị Thu Thủy

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đoàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

(3-1968)

Có một bài ca không bao giờ quên - là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên… Bài ca tôi không quên, tôi không quên, những người đã ngã. Bài ca tôi không quên, tôi không quên, bước đường hành quân hối hả… Bài ca bất tận về một thời chiến đấu oai hùng của dân tộc mãi mãi vang vọng trong tim bao thế hệ. Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân cũng là một trong muôn ngàn bài ca ấy bởi nó đã khắc tạc bức tượng đài sừng sững về anh Giải phóng quân trong kháng chiến chống Mĩ.

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến sinh ngày 5/6/1940, quê ở Bến Tre. Anh thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong máu lửa đấu tranh ở miền Nam. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình,Lê Anh Xuân sáng tác nhiều bài thơ về quê hương, đất nước, con người Việt Nam như: Nhớ mưa quê hương(1961), Trở về quê nội(1965), Nguyễn Văn Trỗi (trường ca-1968 )…Nhưng độc giả biết nhiếu đến anh là ở bài thơ Dáng đứng Việt Nam được sáng tác năm 1968. Anh hy sinh tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An vào ngày 24/5/1968 sau một trận đối đầu với giặc Mĩ. Giờ phút cuối cùng của cuộc đời, anh đã tạo nên một dáng đứng Việt Nam - dáng đứng hiên ngang - dáng đứng tuyệt vời. Cuộc đời và thi phẩm của anh đã ghi dấu vào ca khúc nổi tiếng cùng tên và được nhiều ca sĩ dòng nhạc thính phòng biểu diễn trên những sân khấu lớn (Sao Mai, Những bài ca đi cùng năm tháng…)

Nếu ở Tây Tiến (1948), Quang Dũng viết về những chàng trai đô thành Hà Nội tài hoa bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với chí khí coi cái chết nhẹ tựa lông hồng; thì ở Dáng đứng Việt Nam, với âm hưởng anh hùng ca, Lê Anh Xuân đã khắc chạm tư thế hy sinh hiên ngang, bất khuất của chàng trai miền nam trong cuộc tổng tiến công vào sân bay Tân Sơn Nhất xuân Mậu Thân:

Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Người chiến sĩ giải phóng quân hiện lên ở đầu bài thơ mang dáng dấp của những anh hùng thần thoại với các động tác: tì, gượng, ngã… Dù bị thương rất nặng nhưng Anh vẫn trong tư thế nhằm thẳng quân thù, đem mọi sức lực cuối cùng để bám sát mục tiêu. Sự quả cảm của Anh khiến chúng ta nể phục. Hành động của Anh gợi liên tưởng đến dũng sĩ Đan-cô (Gorki) dám xé lồng ngực lấy trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho dân đi tìm miền đất hứa.

Thơ Lê Anh Xuân hoà hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa chất sử thi và cảm hứng bay bổng. Chính sự hài hoà đó đã đem lại cho thơ anh một giọng điệu hồn nhiên, chân chất, đậm đà âm hưởng ngợi ca; khắc hoạ dáng đứng vững chải của anh bộ đội cụ Hồ giữa chiến trường đầy bom đạn.

Hành trang Anh để lại trước lúc đi xa chỉ có đôi dép vẫn một màu bình dị sáng trong. Nét phi thường hòa trong những gì bình thường nhất. Đôi dép anh mang trong ngày tử trận cũng đơn sơ giản dị như chính cuộc đời Anh vậy:

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỉ

Điệp từ không nhấn mạnh phẩm chất cao cả của một anh hùng. Một sự xả thân không hề tính toán vụ lợi, vì vậy tên anh đã thành tên đất nước, máu Anh đã hoà trong máu của đồng đội tô thắm màu cờ đất Việt để cho hôm nay Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Ở đoạn cuối, giọng thơ chùng xuống như khúc tưởng niệm những con người bất diệt đã hy sinh vì nghĩa lớn. Anh là hình ảnh đáng nhớ nhất về những năm tháng hào hùng của đất nước. Tác giả đã xây dựng chân dung Anh trong phút cuối cùng không phải bằng đường nét màu sắc mà bằng ngôn từ. Ý thơ là lời khẳng định về ý nghĩa của cái chết. Dáng đứng của Anh và cuộc đấu tranh sôi sục của nhân dân Miền Nam đã “tạc” vào lịch sử một dấu son chói lọi đỏ. Sự ra đi của người chiến sĩ trên đường băng Tân Sơn Nhất năm nào sẽ là bệ phóng đưa đất nước lên tầm cao mới. Bài thơ ra đời năm 1968 mãi đến 7 năm sau Miền Nam mới hoàn toàn giải phóng và Lê Anh Xuân cũng hy sinh từ dạo ấy nhưng thi sĩ đã dự báo trước một mùa xuân sẽ đến trong tương lai.

Nhà thơ chiến sĩ, liệt sĩ Lê Anh Xuân đã ra đi nhưng bút tích và trang đời của anh vẫn sống mãi. Tổ quốc hôm nay đang bay lên trong mùa xuân mới: mùa xuân của hoà bình, hợp tác và hữu nghị. Thắng lợi của ngày nay được vun trồng bởi máu xương của ngày hôm qua. Bài thơ nhắc nhở ta về một thái độ sống có trách nhiệm đối với những người đã ngã xuống cho bầu trời Tổ quốc thêm xanh.

N.T.T.T