ĐI TRONG RỪNG BIỂU NGỮ
(Thơ Trần Vạn Giã - NXB Văn nghệ 2009)
Trần Vạn Giã sáng tác thơ từ trước năm 1975, trong phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên miền Nam. Đến nay ông đã xuất bản 9 tập thơ. Nhưng 8 tập thơ trước lại viết về đề tài sau năm 1975; tập thơ thứ 9 - tập “Đi trong rừng biểu ngữ” lại gom những bài thơ ông sáng tác trước 1975.
Tập thơ cho ta gặp lại những cuộc đấu tranh, xuống đường, những buổi “hát cho đồng bào tôi nghe” của học sinh sinh viên miền Nam, nhất là ở các đô thị lớn như sài Gòn, Huế, Nha Trang, Qui Nhơn. Tập thơ cũng cho ta gặp những thanh niên phản chiến, bị bắt đi làm lao công đào binh ở núi rừng hẻo lánh.
Tuổi xuân giờ đã phai tàn
Thương em nhớ mẹ cung đàn vỡ đôi
Quê ơi đường cũ xa xôi
Chắc tôi xương trắng trên đồi không tên
Những thanh niên miền Nam long đong khốn khổ vẫn tìm đường cứu nước:
Mấy đứa sống còn
Đào ngũ, vào tù, ra bưng, lên núi…
Trong tập thơ cũng gặp những cảnh điêu tàn của quê hương:
Đây vùng oanh tạc tự do
Từ cao đổ xuống tàn tro xóm làng
Bà già tay xách nách mang
Bước đi mấy bước gặp tràng đại liên
Đọc tập thơ của Trần Vạn Giã ta càng hiểu, càng quý bà con ta những năm tháng sống trong lòng địch nhưng lòng vẫn hướng theo cách mạng-nhất là lớp học sinh sinh viên miền Nam. Đây là một mảng phản ánh khác về chiến tranh so với tác phẩm của những nhà thơ ở miền Bắc hay ở chiến khu, một mảng thơ văn rất quý mà ta cần sưu tầm, tập hợp lại.
Đông San Vĩ