TẤM DANH THIẾP "BA NHÀ" Chuyện vui

14.03.2011

TẤM DANH THIẾP

Tuệ Chiếu

Tôi cầm tấm danh thiếp trên tay mà vẫn còn ngờ ngợ chưa dám tin vào mắt mình, nhưng những dòng chữ màu mè, đậm nét vẫn cứ hiện rõ mồn một:

NGUYỄN THIỂU SỐ

Nhà văn - Nhà thơ - Nhà báo.

Tôi lật ra mặt sau. Những hàng chữ bằng tiếng Anh dịch nội dung mặt trước. Thật ra, tôi không lạ lẫm gì với các danh thiếp kiểu này, phía dưới tên họ là đủ các chức danh, và đủ các loại "nhà", thậm chí chủ nhiệm một cái Câu Lạc Bộ gì đó chẳng ai biết cũng được in lên một cách kiêu hãnh. Và rồi tiếng Anh, tiếng Pháp búa xua mà chắc chắn chủ nhân của nó cũng không biết là nghĩa gì.

Tôi liếc mắt nhìn gã đang đứng bên cạnh. Vẫn như xưa, không có gì đổi khác. Khuôn mặt tròn đầy, đỏ hồng với mái tóc muối tiêu dài bới củ tỏi trên đỉnh đầu như những chức sắc Nam Bộ, nằm trên chiếc cổ ngắn to bạnh nối với thân hình phốp pháp vẫn còn "lưu dung" lại cái vẻ sơn đông mãi võ của gã ngày xưa. Tôi khẽ hỏi:

- Nguyễn Thiểu Số là...?

Gã cười hề hề:

- Là bút danh của tớ đấy

- Nhưng cậu học khi nào mà thành nhà báo, nhà văn ..?

Gã cười hềnh hệch, vỗ mạnh vào vai tôi:

- Ôi, thời đại a còng này mà cậu cứ như người ngoài hành tinh. Thiếu gì thằng tự xưng là tiến sĩ, thạc sĩ mà có học hành gì đâu! Thì nhà văn, nhà báo, nhà thơ có là gì mà cậu phải thắc mắc.À, mà này, để chứng minh tớ là "nhà" thứ thiệt, tớ tặng cho cậu mấy bài thơ tớ vừa sáng tác.

Gã cười hố hố, mở cặp lôi ra một xấp giấy photo các bài thơ của gã:

- Nè, tặng cậu đấy. Các báo cứ điện thoại đặt hàng, xin thơ của tớ để đăng suốt, làm tớ sáng tác không kịp, hế hế!.

Tôi liếc qua vài trang thơ gã vừa đưa, chợt thấy dường như đã đọc đâu trước đây rồi. Tôi hỏi:

- Thơ cậu viết đây nhỉ? Sao tớ cứ nghe quen quen

- Thì tớ đã bảo thơ tớ đăng khắp các báo mà lị. Có lẽ cậu đã đọc đâu đó

Tôi gặng lại:

- Nhưng cậu bảo đây là những bài mới sáng tác

- Ừ, đôi lúc mình có thể mượn tứ của họ rồi sáng tác theo ngôn ngữ và thể loại của mình. Đấy, cụ Nguyễn Du cũng mượn truyện của.. của.. Thanh Tân Giai Nhân...

Tôi nhắc:

- Thanh Tâm Tài Nhân...

- Ừ, giai nhân hay tài nhân cũng thế. Đấy, mà có ai nói cụ chôm truyện kẻ khác đâu. Trong nghề làm thơ, tớ sáng tác, tối tác quá nhiều nên cũng có thể nó trùng ý với một bài nào đó của tác giả khác. Cái đó theo kinh tế học gọi là "sai số cho phép", nói theo ngôn ngữ văn học là "tư tưởng lớn gặp nhau" ấy mà! Hế hế!

Tôi im lặng nhìn gã thao thao, chẳng hiểu gã nói gì. Hiểu chết liền!

Gã lại lôi ra một mớ giấy photo:

- Nè, tớ tặng thêm cho cậu một bài báo đã ca ngợi tớ là... kỳ nhân đấy. Mẹ kiếp, thế mà lắm đứa dở hơi, độc miệng xuyên tạc tớ là...kỳ nhông, loài bò sát!

Tôi nhìn vào cái cặp dày cộm . Chẳng có gì ngoài những tập giấy photo các bài thơ, bài văn của gã. Tôi hỏi:

- Cậu photo làm gì nhiều thế?

Cặp mắt mù mờ của gã nhìn tôi cũng hiện lên vẻ thương hại:

- Ôi quả cậu là người cõi trên. Nầy nhé, để tớ truyền cho cậu cái bí quyết nổi danh. Đi đến đâu, gặp bất cứa ai tớ cũng phát cho các bài thơ, bài văn photo của tớ. Ít ra họ cũng đọc qua cái tên Nguyễn Thiểu Số chứ. Cái tên chẳng giống ai mới dễ gây ấn tượng. Nội dung họ có đọc hay không cũng chẳng hề gì. Chỉ cần họ nhớ cái tên, nhớ mang máng cũng được. Nghe lại lần thứ hai họ sẽ nhớ ngay. Thế là tớ nổi danh. Hế hế, hố hố!!!

Nhìn vẻ hoạt kê của gã tôi tin là gã nói thật vì cách đây nhiều năm, trước khi trở thành "ba nhà" ghi trên danh thiếp, không biết làm thế nào mà gã chạy được giấy chứng nhận là "bác sĩ" trưởng đoàn ngoại khoa thuốc nam. Địa bàn làm ăn, hoạt động của gã ở các vùng sâu, vùng xa, nơi mà tâm hồn mộc mạc, đơn giản của người dân chưa hề có khái niệm của sự "lộn sòng". Bẵng một thời gian khá lâu, tình cờ hôm nay tôi gặp lại thì gã đã hóa thân thành một lúc "ba nhà". Cái bút danh Nguyễn Thiểu Số có lẽ là do gã muốn giữ lại chút kỉ niệm những ngày làm ăn khắm khá, móc được những đồng tiền ít ỏi đầy mồ hôi nước mắt của đồng bào vùng sâu, vùng xa chăng.

Tôi chợt giật mình khi tiếng gã lại oang oang:

- Thôi tớ tạm biệt nhé.Tớ bận quá, giờ phải đi đọc thơ tại hội nghị ... Hẹn cậu dịp khác sẽ nói chuyện nhiều.

Gã đưa tay bắt tay tôi lắc lắc, miệng cứ cười há há. Bàn tay với những ngón tay múp míp mềm mềm của gã gây cho tôi một cảm giác gai gai.

Trước lúc cái bóng phốp pháp của gã khuất sau một con hẻm nhỏ tôi còn nghe tiếng gã dặn với:

- Nếu cậu muốn thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo, thì cứ gọi điện cho tớ nhé, hế hế !!!

T.C