NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TÌM ĐẾN ĐÀ NẴNG LÀM ĐIÊU KHẮC ĐÁ

14.03.2011

NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TÌM ĐẾN ĐÀ NẴNG LÀM ĐIÊU KHẮC ĐÁ

Nếu làng đá mỹ nghệ Ngũ Hành Sơn thu hút khách du lịch nước ngoài đến tham quan, mua sắm thì Trung tâm điêu khắc đá thuộc Quỹ điêu khắc Đà Nẵng lại có sức cuốn hút nhiều nhà điêu khắc nước ngoài tìm đến chọn làm nơi sáng tác và chuyển phác thảo của mình sang chất liệu đá với nhiều kích cỡ khác nhau.

Trung tâm điêu khắc nằm khuất sâu trong con đường nhỏ thuộc phường Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn. Thưa thớt xe cộ, nên tiếng cưa đá, chạm đá suốt ngày nghe thật trong trẻo, tạo nên mớ âm thanh rộn ràng, náo nức. Những người thợ Đà Nẵng cùng người nước ngoài cắm cúi dán mắt vào từng nét chạm trỗ trên những tảng đá cao quá đầu người và cứng như đá. Không còn phân biệt tóc đen, tóc vàng, tất cả đều một màu trắng nhờ của bột đá. Một biểu hiện sinh động của thời buổi giao lưu, hội nhập văn hóa.

Từ nhiều năm nay đây đã trở thành điểm đến đáng tin cậy của nhiều nhà điêu khắc từ nhiều quốc gia. Đã có trên bảy mươi nhà điêu khắc nước ngoài đến tham quan tìm hiểu, trong đó có trên bốn mươi người từ Na- uy, Thụy- điển, Đức, Hà- lan, Áo, Itxraen, Mỹ, Úc, Xingapo v.v. đã ở lại đây nhiều ngày, nhiều tuần để sáng tác và hoàn thiện tác phẩm của mình. Có người mang phác thảo theo, có người lại tìm thấy cảm hứng sang tạo từ truyền thống văn hóa cũng như vẻ đẹp duyên dáng mà hung vĩ của thành phố bên bờ song Hàn thơ mộng. Có người nhờ đội ngũ thợ lành nghề của Trung tâm chuyển phác thảo tác phẩm của mình sang chất liệu đá, người khác lại tự tay xẻ đá, đục đá, xem đây là cơ hội để học hỏi, nâng cao tay nghề.

Những ngày đầu năm nay Trung tâm đón đoàn gồm bảy nhà điêu khắc đến từ đất nước Thụy- điển. Họ đến lao động nghệ thuật tại đây, người ở lâu nhất đến hơn một tháng. Đó cũng chính là thời gian họ đi thăm thú Đà Nẵng, tìm hiểu đời sống, văn hóa Việt Nam để như họ nói “làm phong phú thêm vốn văn hóa của mình và tìm cảm hứng sáng tác”. Tranh thủ lúc họ ngừng tay rời xa các tác phẩm đang dở dang để vây quanh, tò mò, xem những người thợ Việt Nam cúng Tất niên, chúng tôi có cuộc chuyện trò vui vẻ. Trả lời câu hỏi tại sao lại chọn nơi này, nhà nữ điêu khắc Thụy- điển giải bày:”Qua website của Trung tâm, chúng tôi thấy ở đây rất thuận lợi cho công việc của mình. Trang thiết bị kỹ thuật cho chế tác đá khá hiện đại. Đội ngũ thợ có trình độ cao, lại giao tiếp được bằng tiếng Anh khá tốt. Giá đá, giá nhân công rẻ hơn nhiều so với Châu Âu. Quả là như vậy. Chúng tôi lại còn có thể kết hợp làm một chuyến du lịch thú vị đến Đà Nẵng, Thật tuyệt vời!”. Còn người bạn của bà lại đến đây vì nghe theo lời khuyên của một nhà điêu khắc Na- uy từng gắn bó với nơi này. Ông ấy đã cho bà xem khá nhiều ảnh các bức tượng đá do những người thợ của Trung tâm thực hiện tại Na- uy theo yêu cầu rất khắt khe về nghệ thuật của phía bạn. Và bà bị cuốn hút thực sự trước tài năng của họ. Bà nói:”Qua gần một tháng ở đây, tôi đã hoàn thành tác phẩm của mình. Không có gì phải phàn nàn. Cảm ơn những người thợ Đà Nẵng tài hoa. Cảm ơn người đồng nghiệp Na- uy đã cho tôi một lời khuyên hết sức quý giá”.

Nhiều nhà điêu khắc nước ngoài đến rồi lại đi, nhưng có một người đã chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, chọn Trung tâm điêu khắc làm xưởng sáng tác của mình. Đó là nhà điêu khắc Na-uy Oyvin Storbeaken. Cũng chính từ nơi đây ông đã hoàn thành và tặng cho thành phố Đà Nẵng bức tượng lớn thể hiện ba thiếu nữ Việt Nam của ba miền đất nước thân ái sát cánh bên nhau. Bức tượng được đặt bên bờ đông sông Hàn. Giờ đây ngày ngày ông vẫn đến xưởng miệt mài với các tác phẩm mới của mình. Hiện ông là tình nguyện viên trực tiếp giúp đỡ, cộng tác với Quỹ điêu khắc Đà Nẵng và là mối dây liên lạc mời gọi nhiều nhà điêu khắc nước ngoài, nhất là các nước Bắc Âu đến với Đà Nẵng.

Oyvin rất tự hào với đội ngũ những người thợ trẻ Đà Nẵng mà ông góp phần không nhỏ đào tạo suốt năm năm qua để họ có được trình độ như hôm nay. Nhờ ông mà họ học được bao điều khi tận mắt nhìn thấy các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng thế giới trong các bảo tang Châu Âu, được học cách làm tượng từ đá granit ở Na-uy, được trao đổi kinh nghiệm với những người chạm đá ở I-ta-li-a vv…Chính nhờ vậy, hôm nay có người không chỉ giỏi thể hiện chân xác bằng chất liệu đá những phác thảo rất phức tạp, nghệ thuật cao của các tác giả mà bản thân anh còn là một nghệ sĩ sáng tác có tượng được chọn trưng bày trong Triễn lãm mỹ thuật Toàn quốc Những nhà điêu khắc trong nước và nước ngoài đến dự Trại điêu khắc quốc tế đầu tiên được tổ chức ở Đà Nẵng năm 2006 đều cho rằng đây là đội ngũ thợ tốt nhất so với các trại sáng tác ở Việt Nam cũng như ở các nước mà họ đã từng tham gia.

Nhà điêu khắc Oyvin yêu thành phố này như chính Tonga quê hương ông. Mỗi lần gặp chúng tôi ông đều chia vui khi Đà Nẵng có thêm một con đường mới mở khang trang, một cao ốc uy nghi mọc lên, một cây cầu mới mạnh mẽ vươn qua dòng sông. Nhưng rồi ông lại tiếc rẻ giá như có thêm nhiều tượng nghệ thuật nữa thì thành phố sẽ đẹp lên biết bao. Nhiều nhà điêu khắc nước ngoài từng đến đây cũng có chung mong muốn như ông. Có người còn xuýt xoa:”Ở Đà Nẵng có quá nhiều không gian đặt tượng thật lý tưởng!” Chẳng bù cho một địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long nơi tỉnh hào phóng đầu tư tổ chức mấy trại điêu khắc quốc tế liền. Dễ có đến năm bảy chục tác phẩm đã được hoàn thành. Cách đây khá lâu, khi tôi đến thăm, khối lượng tác phẩm đồ sộ đó đặt dày trên một bãi đất trống được rào quanh bằng lưới B40. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, tiếc rẻ, đồng chí giám đốc Sở văn hóa giải bày:”Phải lo lần thôi ông ạ. Từ thị xã lên thành phố mấy hồi. Công trình nghệ thuật sẽ đòi hỏi ngày càng nhiều. Làm sao chạy theo cho kịp. Làm cái tượng còn mệt hơn làm tòa nhà. Duyệt đi duyệt lại, đổ lên đổ xướng. Chừng ấy tượng, liệu sẽ chọn được bao nhiêu. Làm sao bì được với Đà Nẵng của các ông cho nên tụi mình phải lo xa vậy.”.Hình như cái thị xã của ông giám đốc bạn tôi theo năm tháng giờ đã là thành phố loại hai và chắc các bức tượng ấy đã tìm được chỗ đứng của mình. Ở Đà Nẵng cùng với việc mở rộng không gian đô thị, ngày càng có nhiều không gian đặt tượng thật lý tưởng chỉ tiếc là chẳng thấy bóng dáng tượng đâu ngoài mấy bức tượng cũ đã rêu phong theo thời gian. (Tất nhiên ở đây chưa tính đến số tượng Phật khá nhiều và đồ sộ) Bởi vậy để bù cho sự thiếu hụt đó, vào các dịp lễ hội lại phải huy động đủ các loại tượng đá mỹ nghệ bày la liệt bên bờ sông Hàn theo kiểu “lấy thịt đè người”, đến nỗi những tượng đồ sộ cũng chẳng có được một không gian của riêng mình. Vẫn biết rằng đó là các sản phẩm tinh xảo thể hiện tài năng của những nghệ nhân làng đá Ngũ Hành Sơn nổi tiếng mà chúng ta rất trân trọng, vẫn biết rằng những cuộc trưng bày như thế cũng đáp ứng phần nào nhu cầu của một bộ phận công chúng, nhưng đó chưa phải là diện mạo của nghệ thuật điêu khắc mà một thành phố du lịch ngày càng hiện đại như Đà Nẵng cần có…

Chắc chắn rồi đây Đà Nẵng – thành phố du lịch sẽ đầu tư để có nhiều tượng, tượng đài, nhiều công trình mỹ thuật ngoài trời tương xứng. Ngoài việc đầu tư từ ngân sách nên chăng Thành phố có chủ trương vận động các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức…tặng tuộng và họ sẽ được ghi danh trên tác phẩm ấy cùng với tên tuổi của các tác giả. Muốn vậy, ngay từ bây giờ ngành văn hóa phải sớm chỉ ra cho được nơi nào sẽ đặt tượng, tượng gì, kích cỡ bao nhiêu, đồng thời phải phối hợp với các đơn vị liên quan như Hội mỹ thuật thành phố, Quỹ điêu khắc Đà Nẵng vv…bằng nhiều hình thức như tổ chức các trại sáng tác, các triển lãm điêu khắc, vận động các nhà điêu khắc trong và ngoài Thành phố, kể cả các nhà điêu khác nước ngoài đến làm việc tai Trung tâm điêu khắc tặng các phác thảo tác phẩm của mình cho Đà Nẵng. Chỉ có như vậy chúng ta mới có vồn phác thảo tác phẩm điêu khắc phong phú về đề tai, đa dạng về phong cách sang tác cũng như chất liệu, dễ dàng để cho chúng ta chọn lựa.

Đà Nẵng đã có sức thu hút các nhà điêu khắc nước ngoài, chắc chắn sẽ mời gọi được các nhà điêu khắc trong nước, nhất là những tác giả đã từng gắn bó và yêu mến Đà Nẵng chung tay góp sức cùng chúng ta phát triển nghệ thuật điêu khắc, làm cho Thành phố càng thêm duyên dáng, hiện đại và đầy sức quyến rũ.

Hải Học