MẦU SẮC…
HOÀNG
1 -Ngày ông bạn vàng của tôi, họa sĩ Vũ Dương mở triển lãm cá nhân – cái ngày không mấy họa sĩ có khả năng tổ chức một triển lãm của riêng mình, tôi tình cờ gặp họa sĩ Lưu Công Nhân đang đi dạo gần đó. Một dịp may hiếm có, và chỉ cần tôi ngõ lời, lão họa sĩ đã theo chân tôi vào gian phòng tràn ngập sắc và mầu. Chân vừa thong thả bước một, lúc lùi ra xa lúc tiến lại gần ( Xem tranh xem xa, nhưng vì thấp thoáng bóng hồng bên bức tranh này cạnh bức tranh kia nên phải xem người ta xem gần!), miệng không ngừng đưa ra những lời khen ngợi. Gương mặt tác giả sướng rơn (được một bậc đàn anh khen ai chả sướng!), lại căng thẳng tột cùng( Bậc thầy đã chê thì…hết chỗ chê, chỉ có nước vất toan vất cọ!). Nhưng nghe ra thì chỉ toàn khen, nên tôi bổ bả bảo chê đi, chỉ ra cái chưa được cho em út nó rút kinh nghiệm, rằng tôi cần ông chê chứ khen ai chả khen được! Lão họa sĩ tủm tỉm cười, nhìn tôi. Rồi ông chỉ tay, không biết hỏi tác giả phòng tranh hay tự hỏi mình, rằng sao cái mầu đỏ của bộ sa- lông trên bức tranh này giống cái mầu đỏ của hoa phượng trên bức tranh kia thế nhỉ? Không đao to búa lớn, không chủ đề bố cục, không phong cách này nọ, rất nhẹ nhàng thôi. Tôi bảo ông “ bắc kỳ” vừa vừa chứ thì ông cười bảo tớ chính gốc bắc kỳ, dân Phú Thọ đặc sệt mà!...( chả trách những bức phong cảnh trung du bằng mầu nước của ông những năm sáu mươi đẹp mê hồn).
Mà mầu của Vũ Dương theo ý tôi là mầu đẹp, nó cứ trong veo, không mấy họa sĩ có mầu như anh. Bức sơn dầu chân dung ông cụ tôi do Vũ Dương vẽ tặng, không còn là chỉ của ông cụ tôi nữa. Nó là hình ảnh một thời, một thế hệ những người trí thức đấy!
2- Kể từ lần ấy, mỗi khi họa sĩ Lưu Công Nhân ra Đà Nẵng, Hội An tôi đều gặp ông.( Nếu lâu không ra thể nào ông cũng viết thư, mỗi bức thư là một bức tranh ký họa một cô nàng có cặp vú đồ sộ, còn chữ thì nghuệch ngoạc vài dòng thôi!). Lần sau cùng ông ra vì có điều kiện, tôi “ bao” luôn khách sạn cho ông. Chỉ “ bao” chỗ ở, ở bao lâu tùy, còn ăn uống ông tự lo lấy. Nhưng ông khôn, ông láu cá, hoặc giả chỉ tình cờ, câu chuyện mầu sắc món ăn của ông mê hoặc tôi, nên tôi hầu như không ngày nào không mời cơm ông. (Nếu tôi không mời, thì chắc chắn một “ đệ tử”, một đồng nghiệp nào đó của ông thế chỗ tôi.). Mầu vàng của những miếng bí đỏ nấu với đậu phụng. Mầu xanh ngắt của dĩa rau cải luộc. Sắc trắng của một dĩa bông cải. Chén nước mắm dầm trứng vịt luộc – này, trên cái nền nâu của nước mắm, mầu vàng của lòng đỏ trứng mới đẹp làm sao! Này, cậu nhìn kỹ con tôm hấp này đi, cái mầu đỏ này thật lạ phải không? Có bữa mát trời tôi cao hứng gọi một nồi lẩu. Ông đầu bếp biết ông họa sĩ cao hứng dọn một dĩa rau có bông kim châm bông bí bông lý. Ông họa sĩ cao hứng tán cái sự khác nhau trong cái vàng của hoa kim châm và hoa bí. Rồi ông họa sĩ ngà ngà, mắng các cậu cầm bút viết tầm bậy, lung tung, lẫn lộn mầu với sắc. Rằng mầu chỉ có ba là xanh là đỏ là vàng chanh. Rằng sắc bao gồm tím, lam, cam, đậm, lợt…
Lúc giã từ ông họa sĩ từng theo học bậc thầy Tô Ngọc Vân, ông họa sĩ ra biên chế sớm nhất nước “ rong chơi xóm làng với chiếc xe đạp”, tặng khách sạn một bức tranh thay lời cám ơn. Lại tặng tôi một bức tĩnh vật với lời đề tặng “ Kỷ niệm nặng tình của Lưu Công Nhân” mà tôi đùa, đòi ông sửa hai chữ “nặng tình” thành “nặng tiền” ( Thiên hạ bảo tranh họ Lưu cao giá lắm!)! Nhưng nhiều hơn một bức tranh, Lưu Công Nhân đã dạy tôi cách thưởng thức món ăn, không chỉ bằng cái miệng. Bữa ăn nói chung và đặc biệt bữa ăn Việt nói riêng không phải đầy mầu sắc đó sao?